Thương Phế Binh Quách Vĩnh Trường.c |
Người Việt Nam có truyền thống “Vui Xuân Không Quên Chiến Sĩ”, trước năm 1975 vào dịp Tết Nguyên Đán, có nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội, phụ nữ, học sinh, văn nghệ sĩ…tổ chức những cuộc thăm viếng, ca hát giúp vui các chiến sĩ ở tiền đồn hay ủy lạo các thường bệnh binh đang nằm điều trị ở các quân y viện để tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đang sẵn sàng hy sinh xương máu cho đất nước hay những chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể của mình để bảo vệ đất nước, quê hương.
Ngày nay vì hoàn cảnh nghiệt ngã, mấy triệu đồng bào Việt Nam phải rời bỏ quê hương, và một số anh em thương phế binh còn kẹt ở quê nhà. để thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đồng bào ở hải ngoại vẫn giữ truyền thống cũ, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ QG VN vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận sẽ tổ chức một dạ tiệc để gây quỹ giúpTPB VNCH vào ngày 24 Tháng 2, 2008 ở Virginia.
Trong tinh thần vinh danh những thương phế binh VNCH, đã đóng góp xương máu mình để gìn giữ quê hương, Tuyết Mai hân hạnh gởi đến quý vị một phóng sự đặc biệt về tinh thần hy sinh cao cả cũng như ý chí vươn lên mạnh mẽ của Thương Phế Binh Quách Vĩnh Trường, Cựu Đại Úy của Sư Đoàn 7 Bộ Binh QLVNCH.
Thương Phế Binh Quách Vĩnh Trường tốt nghiệp khóa 20, Nguyễn Công Trứ, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam năm 1965. Vào ngày 4 Tháng 9, 1966, trong lần hành quân đêm, bọn khủng bố đã ném lựu đạn vào Bộ chỉ huy đại đội hành quân, Đại Úy Quách Vĩnh Trường ra lệnh cho binh sĩ nằm xuống, rồi ông nhảy đến định dùng chân đá trái lựu đạn ra khỏi đám binh sĩ, nhưng khi chân ông chạm vào thì quả lựu đạn nổ làm cho mất chân trái, tay trái, bể gò má phải và hai màng nhĩ bị thủng, sự hy sinh này đã đánh đổi mạng sống của hơn ba chục binh sĩ thuộc cấp của ông.
TPB Quách vĩnh Trường nói rõ, lúc bị thương ông là Đại Đội Trưởng Đại Đội 3, Tiểu đoàn 4 /12 thuộc SDD7BB, địa điểm bị thương là huyện Hòa Tân, tỉnh Gò Công. Ông bị thương từ lúc 8 giờ tối, mà mãi đến 12 giờ giờ khuya mới có trực thăng đến đưa ông về Tổng Y Viện Cộng Hòa, không ai nghĩ là ông có thể sống được vì ông đã bất tĩnh hoàn toàn. Lúc đó tình trạnh giữa sống và chết không rõ ràng, trong cơ thể ông hiện nay còn rất nhiều mãnh lựu đạn.
Sau đó ông được đưa ra hội đồng miễn dịch vĩnh viễn với mức độ tàn phế 170% nhưng ông đã tình nguyện xin ở lại Quân Đội. Ông được nhận về làm việc ở Đài Quân Đội, thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị.
Trong thời gian này ông vừa đi làm vừa đi học Luật ở Trường Đại Học Luật Khoa Saigon, ông đậu Thủ Khoa Luật về ngành Tư Pháp năm 1974. Sau đó ông được Tổng Cụ Phát Triển Gia Cư mời về làm Tham Vụ, chuyên viên đặc biệt về đất đai. Ông đã hủy bỏ hết những luật lệ rườm rà, phi lý gây phiền nhiễu cho những sản chủ. Ông đã tạo mọi sự dễ dàng và mời những sản chủ đến để lãnh tiền truất hữu, mỗi người lãnh mấy chục triệu bạc, họ rất vui mừng.
Sau năm 1975 ông tìm cách ra đi nhưng không thành, phải sống dưới chế độ CS mười một năm. Ông Trường kể lại, TPB /VNCH đã trải qua nhiều nhục nhã và khó khăn về vật chất, ông mưu sinh bằng cách ôm cần xé trước ngực khập khểnh đi bán từng ổ bánh mì ở Chợ Nguyễn Tri Phương, Chợ Tân Bình và Cư xá Lữ Gia. Ông có liên lạc được với TPB Trương Trưởng cùng khóa sĩ quan 20 Đà Lạt, bị liệt hai chân. Ông Trưởng xay bột, còn Ông Trường một chân, chế ra cái xe đạp đặc biệt, đi rao bán bột cho các lò bánh mì.
Ông Trường được cho sang Mỹ ngày Quân Lực VNCH, 19/6/2986. Trong thời gian mười một năm dưới chế độ CS ông đã vượt qua nhiều khó khăn bằng ý chí và nghị lực, tới Mỹ ông đã tận dụng khả năng để học hỏi, vì theo ông chỉ có học vấn mới có thể đem ông ra khỏi những buồn phiền về tinh thần và hy vọng một cuộc sống có ý nghĩa hơn trong tương lai.
Lúc mới tới Mỹ thì việc đầu tiên ông học sinh ngữ, sau đó ghi danh học về nghệ thuật, ông học vẽ chân dung bảy năm, rồi bước sang một lãnh vực mới là học làm mới những hình ảnh hư cũ và sau đó những người bạn giúp ông học về computer để học Graphic design. Ông đã áp dụng ba ngành nghệ thuật để sửa lại những hình ảnh cũ của các cựu quân nhân mà vì hoàn cảnh nào đó hình ảnh của họ bị hủy diệt. Ông giúp phục hồi lại những hình ảnh đó với quân phục, huy chương cũng như cấp bậc cùng quân phục của các đơn vị. Ông đã giúp những cựu quân nhân có được một hình ảnh lưu lại cho con cháu họ thấy được cha ông đã đóng góp tuổi trẻ của mình cho đất nước quê hương Việt Nam. Ông cảm thấy vui và hãnh diện làm được việc đó cho những chiến hữu.
Ông Trường nói, được may mắn đến xứ tự do này, ông phải chứng tỏ cho người Mỹ thấy thương phế binh VN luôn đem tất cả ý chí ra, cố gắng học hành cho có một cái nghề tự túc mưu sinh, để sau này nếu có trường hợp anh em TPB nào được Mỹ phỏng vấn thì Mỹ sẽ không ngại chấp nhận cho TPB VNCH đi Mỹ.
Kết quả mà ông đã đạt được ông coi là một khích lệ, ông mong muốn rằng những người nào bị rơi vào hoàn cảnh không may, cũng như anh em TPB bên VN, nên chấp nhận mọi thiệt thòi, nhưng không đầu hàng hoàn cảnh, phải luôn cố gắng vươn lên để vượt mọi trở ngại thì sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn. Ông Trường cũng mong mọi người Việt ở hải ngoại nghĩ đến những TPB còn kẹt lại ở quê nhà. Nếu có những chương trình giúp đỡ thương phế binh thì xin đồng bào hải ngoại mạnh dạn hỗ trợ, giúp đỡ cho những anh em kém may mắn còn kẹt ở VN.
Ông Trường cũng muốn nhắn nhũ với anh em TPB còn kẹt lại ở quê nhà đừng có buồn rầu, mượn rượu hay thuốc lá giải sầu mà làm hao hại sức khỏe, phải cố gắng giữ gìn sức khỏe và nghị lực để vươn lên.
HÌNH ẢNH NÓI CHUYỆN VỚI TPB QUÁCH VĂN TRƯỜNG