2. Cách sử dụng
Như đã trình bày ở trên, dây lưng an toàn và túi hơi có thể bảo vệ sinh mạng của bạn nếu bạn dùng chúng đúng cách. Hệ thống bảo vệ người tài xế và hành khách trong xe hơi được chia ra làm hai loại: loại chủ động và loại thụ động. Dây lưng an toàn được xếp vào loại chủ động, trong khi đó, túi hơi được xếp vào loại thụ động. Với giây lưng an toàn, người tài xế hay hành khách phải chủ động kéo giây, điều chỉnh giây cho vừa và khoá hay cài giây. Với túi hơi, chúng sẽ tự động bung ra khi xe đụng vào một vật cứng khác với lực va chạm mà bộ phận cảm ứng được gắn ở cảng xe hay cửa xe đo được cao hơn lực va chạm được định sẵn trong máy điện toán. Túi hơi sẽ bảo vệ người hành khách hay tài xế để họ không đập vào thành xe.
Vì sự an toàn của chính bạn, khi dùng dây lưng an toàn, xin nhớ những điều sau đây:
· Giây lưng an toàn phải được cài đúng vị trí. Giây đùi phải đươc đặt càng thấp càng tốt, ngang qua phần xương đùi KHÔNG ĐẶT NGANG BỤNG. Giây ngực phải được đặt ngang vai. KHÔNG ĐẶT NGANG CỔ.
· Không bao giờ đeo giây ngực dưới nách.
· Dây lưng an toàn đeo cao quá hoặc lỏng quá có thể làm bạn bị trọng thương vì bạn có thể chuồi xuống.
· Tránh ngả ghế quá về phía sau nhiều quá. Dây lưng an toàn chỉ hiệu quả khi ghế ở vị trí thẳng.
· Đừng ỷ lại vào túi hơi. Túi hơi chỉ phụ thêm cho dây lưng an toàn. Để được bảo vệ tối đa, người tài xế và tất cả hành khách trong xe luôn luôn phải mang dây lưng an toàn.
· Không bao giờ ngồi cách tay lái gần hơn 11 inches, tính từ ngực của bạn. Túi hơi sẽ bung với với vận tốc 200 mile/giờ. Nó có thể làm bạn bị trọng thương nếu bạn ngồi quá gần.
3. Bảo Trì
· Kiểm soát hệ thống dây lưng an toàn thường xuyên. Kiểm soát dây xem có vết cắt, tơi, hay lỏng hay không. Những bộ phận hư hỏng phải được thay thế ngay tức thời. Đừng bao giờ tháo rời, hay sửa đổi hệ thống giây lưng an toàn.
· Luôn luôn giữ giây sạch và khô. Nếu cần, chỉ lau chúng với một chút bột giặt pha trong nước ấm. Không bao giờ dùng thuốc tẩy, thuốc nhuộm hay thuốc chùi phòng tắm chúng có thể làm dây lưng bị yếu, mềm.
· Thay dây lưng mới nếu xe bạn đã liên quan đến tai nạn.
· Thay dây lưng mới nếu bạn nhìn thấy chữ "THAY DÂY" hiện ra dưới lớp bọc. Dấu hiệu cảnh báo này sẽ hiện ra nếu xe bạn liên quan đến tai nạn nghiêm trọng.
· Nhờ thợ sửa xe chuyên nghiệp kiểm soát lại hệ thống túi hơi nếu xe bạn hơn mười tuổi, và mỗi hai năm sau đó.
4. Luật Lệ Liên Quan Đến Dây Lưng An Toàn
· Tất cả những người trên xe, tài xế hay hành khách trên 16 tuổi phải mang dây lưng an toàn.
· Trẻ em phải ngồi ghế an toàn ngoại trừ trên 6 tuổi hay nặng trên 60 lbs. Phải để trẻ em ở ghế sau ngoại trừ những trường hợp sau đây:
· Không có ghế sau
· Ghế sau có trẻ em khác ngồi
· Ghế sau quay ngang
· Ghế sau quay ngược
· Ghế sau không có dây lưng an toàn
· Trẻ em nếu dưới 1 tuồi hay dưới 20 lbs không được ngồi ghế trước nếu xe được trang bị túi hơi.
5. Lời Khuyên:
· Thông thường, trẻ em dưới 12 tuổi nên cho ngồi ghế sau
· Trẻ em sơ sinh nên cho ngồi đằng sau, ghế giữa
· Không bao giờ để ghế an toàn cho trẻ em ở ghế trước và quay ngược về phía sau.
CHƯƠNG 3
KỸ THUẬT LÁI XE CẨN TRỌNG
Lái xe cẩn trọng là một kỹ thuật mà người tài xế chỉ đạt được từ sự luyện tập. Một người tài xế khi lái xe chỉ cẩn thận hay dựa trên kinh nghiệm lái xe của mình cũng chưa đủ. Người tài xế lái xe giỏi và cẩn trọng là người phải luyện tập để phát triển kỹ năng lái xe hoàn hảo. Một yếu tố rất quan trọng mà một người tài xế lái xe cẩn trọng phải nhớ nằm lòng là luôn luôn tiên liệu những gì sẽ xảy ra. Nếu bạn cảnh giác, bình tĩnh, chăm chú và thư giãn, bạn có thể tiên liệu sớm những nguy hiểm sắp xảy ra hầu kịp thời phản ứng và xử trí. Nên nhớ, bạn phải cảnh giác, tiên liệu và đề phòng những trường hợp bất thường dễ gây tai nạn mà chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, bạn phải luôn luôn dành thời gian để phản ứng và khoảng cách để tránh né.
(còn tiếp)
A. THÁI ĐỘ NHÃ NHẶN KHI LÁI XE
Khi ngồi sau tay lái, bạn có bổn phận và trách nhiệm cho sự an toàn của tất cả mọi người, không cứ gì riêng bạn. Một người tài xế lái xe cẩn trọng phải phát triển và thể hiện thái độ lái xe như sau:
· Quan tâm tới những người tài xế khác trên công lộ, hoà nhã với mọi người, mọi lúc.
· Nhận thức rằng những người tài xế khác sẽ phạm những lỗi lầm. Lái xe là một nghệ thuật đòi hỏi bạn phải áp dụng những kỹ năng lái xe hoàn hảo và người tài xế cẩn trọng phải có một tinh thần minh mẫn, luôn luôn cảnh giác, tiên liệu và bình tĩnh.
1. Hoà Nhã Trong Lúc Lái Xe Như Khi Giao Tế
Khi lái xe trên công lộ, bạn phải hoà nhã với những người tài xế khác hay những người bộ hành trên đường như trong lúc bạn giao tế. Hãy đối xử với người khác như bạn muốn họ đối xử với bạn. Thái độ hoà nhã của bạn sẽ làm cho những người tài xế khác cũng hoà nhã. Thái độ hung hăng của bạn sẽ khiến người khác hung hăng. Nên nhớ, sự tức giận trong lúc lái xe nguy hiểm hơn tất cả những trường hợp khác vì vũ khí được dùng trong lúc đó nặng đến vài ngàn cân.
2. Quyền Ưu Tiên
Quyền ưu tiên khi lái xe có nghĩa là "bạn được đi trước" như được định nghĩa trong luật 525VC. Nhưng là một người tài xế giỏi, cẩn trọng, không bao giờ bạn nên dành quyền ưu tiên về bạn cả. Tốt hơn là nên nhường người khác.
a. Khi nào bạn sử dụng quyền ưu tiên
Khi bạn được quyền ưu tiên theo luật định, bạn có thể cẩn thận sử dụng nó, nhưng nếu người tài xế khác không chịu nhường, bạn hãy nhường quyền ưu tiên cho họ.
b. Khi nào bạn không nên sử dụng quyền ưu tiên
Cùng một lý luận như trên, nếu người tài xế khác phá luật không chịu nhường, bạn không nên dành quyền ưu tiên về bạn. Thà bị trễ một chút nhưng an toàn, còn hơn phải cãi cọ hay ấu đả với người khác.
3. Căng Thẳng, Giận Dữ, Cảm Xúc và Mệt Mỏi
Thật là nguy hiểm nếu bạn để những sự xáo trộn tinh thần trong đời sống hàng ngày như thất bại trong tình yêu, gia đình lục đục, trở ngại trong công việc, thiếu hụt về tiền bạc, v.v...ảnh hưởng đến việc lái xe của bạn. Bốn yếu tố suy thoái tinh thần - Căng Thẳng, Giận Dữ, Cảm Xúc và Mệt Mỏi có thể làm bạn mất sự tập trung và làm mất khả năng lái xe an toàn của bạn.
a. Phương cách để nhận biết
Người ta thường bày tỏ thái độ buồn phiền, bực bội, bất mãn hay giận dữ trong lúc lái xe bằng những hành động như nhấn kèn, thắng gấp, bám đuôi, cắt ngang đầu xe khác, hay luồn lách khi kẹt xe. Nếu bạn cảm thấy không được khoẻ hay bạn đang có những vần đề xáo trộn về tinh thần, tốt hơn bạn hãy để người khác lái xe thay thế cho bạn.
b. Ảnh Hưởng Của Sự Xáo Trộn Tinh Thần
Bất cứ một xáo trộn về tinh thần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến việc lái xe của bạn. Căng thẳng, giận dữ, cảm xúc và mệt mỏi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung, suy xét, cảnh giác và phản ứng của bạn trong lúc lái xe.
Trong nhiều yếu tố xáo trộn về tinh thần ảnh hưởng đến việc lái xe của bạn, sự mệt mỏi được coi là yếu tố nguy hiểm nhất. Người ta thường cho rằng mệt mỏi là khi bạn ngủ gục trên tay lái. Ngủ gục trên tay lái là trạng thái cực điểm của sự mệt mỏi. Người tài xế có thể mất khả năng lái xe vì mệt mỏi hằng giờ trước khi anh ta thực sự ngủ gục trên tay lái.
Ảnh hưởng của sự mệt mỏi đối với khả năng lái xe của bạn cũng giống như ảnh hưởng của rượu và ma tuý. Những dấu hiệu cho thấy người tài xế bị mệt mỏi gồm có đờ đẫn, thiếu khả năng suy xét, thiếu sự tập trung, kém trí nhớ, chậm chạp, thiếu tỉnh táo, và mất khả năng đàm thoại. Mệt mỏi là vấn đề rất nghiêm trọng vì tỉnh táo là yếu tố tối cần thiết cho việc lái xe.
c. Khả năng gây tai nạn
Người tài xế bị mệt mỏi thường gây tai nạn. Nếu bạn bị mệt mỏi trong lúc lái xe, bạn sẽ không thể nhận biết những dấu hiệu quan trọng trên công lộ mà những điều này rất cần thiết cho việc lái xe an toàn. Bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi bị nắng chiếu vào mắt, hay bị choá mắt. Bạn sẽ nhận thức hay suy tính sai lầm về tốc độ và khoảng cách. Bạn sẽ qua mặt một cách nguy hiểm hay bẻ lái một cách không an toàn. Bạn sẽ dễ nổi nóng, khiếm nhã hay giận dữ vô cớ cho những chuyện nhỏ nhặt, không đáng.
Không giống như cảm xúc, sự mệt mỏi rất khó để chế ngự. Mệt mỏi gây ra bởi sự suy thoái của tinh thần và thể xác, do đó, phương pháp hiệu quả nhất để chữa mệt mỏi là đi ngủ hay nghỉ ngơi. Nếu đang lái xe mà bỗng nhiên bạn cảm thấy mệt mỏi, điều bạn nên làm là tắp vào lề phải, hay tìm một chỗ an toàn và ngủ một giấc. Nếu không tìm được chỗ an toàn để ngủ, bạn có thể dừng lại đi bộ chung quanh xe hoặc làm những động tác thể dục để máu lưu thông điều hoà. Trong lúc lái xe, bạn nên mở máy lạnh tối đa, uống cà phê nóng, nghe nhạc giựt gân và hát theo, nói chuyện với người hành khách, hay làm những động tác tay chân để cơ thể được thư giãn. Nên nhớ, những điều trên chỉ là phương cách giúp bạn nhất thời, chúng sẽ không hiệu quả hơn ba mươi phút.
d. Phương pháp tránh để bị ngủ gục trên tay lái
Trước khi đi xa:
· Nghỉ ngơi.
· Dự tính thời gian dư thừa để đến nơi bạn định đến.
· Đừng uống rượu.
· Đừng uống những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến não bộ, có thể làm bạn mơ màng.
· Sắp đặt chương trình để bạn lái xe trong lúc tỉnh táo, tránh lái xe vào ban đêm.
Trong khi lái xe:
· Nếu đang lái xe mà bỗng nhiên bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy tắp vào lề phải, tìm một chỗ an toàn và ngủ một giấc.
· Thỉnh thoảng dừng xe lại, làm những động tác thể dục để thư giãn thân thể.
· Nói chuyện với người hành khách.
· Nghe nhạc giựt gân và hát theo.
· Tránh lái xe quá nhiều giờ trong một ngày.
B. THÍCH ỨNG VỚI MỌI HOÀN CẢNH VÀ MÔI TRƯỜNG
Một tài xế lái xe giỏi phải có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh và môi trường. Kỹ năng lái xe cẩn trọng và sự tỉnh táo có thể giúp bạn tránh được nguy hiểm. Khả năng thích ứng có thể không do bẩm sinh nhưng kinh nghiệm chắc chắn sẽ tôi luyện khả năng lái xe của bạn sắc bén hơn. Nên nhớ, mặt đường luôn luôn thay đổi. Thời tiết, lực bám đường của vỏ xe hay tầm nhìn của bạn có thể thay đổi trong chớp mắt. Luôn luôn tính toán, hoạch định hay tham khảo những tài liệu hoặc bạn bèn trước khi bạn dự tính lái xe đến những nơi mà bạn không quen thuộc.
1. Lái Xe Ban Ngày Và Ban Đêm
a. Tầm Nhìn
Tầm nhìn là yếu tố rất quan trọng trong lúc lái xe. Bất cứ lúc nào tầm nhìn của bạn bị che khuất, bạn sẽ bị nguy hiểm.
Những sự nguy hiểm và ảnh hưởng cho tầm nhìn khi lái xe ban ngày gồm có chói nắng và choá nắng. Phương cách chống chói nằng và choá nắng hữu hiệu nhất là mang kính râm và dùng tấm che nắng được trang bị trong xe.
Một trong những nguy hiểm và ảnh hưởng đến tầm nhìn khi lái xe ban đêm là thiếu ánh sáng mặt trời. Tầm nhìn của bạn bị giới hạn bởi khoảng cách mà đèn trước xe của bạn có thể chiếu tới. Sự chói loà từ những đèn xe khác cũng là một trong những điều gây nguy hiểm. Nếu bạn bị chói loà vì đèn trước của xe ngược chiều quá sáng, hãy nhìn nghiêng thấp về phía bên phải, dùng lằn vẽ trắng dưới mặt đường làm chuẩn.
Luôn bảo trì và giữ gìn để kính chắn gió và đèn xe lúc nào cũng ở trong tình trạng hoàn hảo.
b. Tốc Lực
Bạn nên lái với tốc độ chậm hơn vào ban đêm. Không bao giờ lái nhanh hơn khoảng cách bạn có thể nhìn thấy bởi đèn xe của bạn. Khi lái xe trên những xa lộ tối như xa lộ đồng quê, dùng đèn pha để bạn có thể nhìn xa hơn. Luôn luôn cảnh giác và đề phòng những điều bất ngờ có thể xảy ra.
c. Hoạch Định Đường Đi
Hoạch định đường đi của bạn là bước đầu tiên của sự tiên liệu. Nếu bạn hoạch định và tính toán trước đường đi, bạn sẽ dễ dàng thích ứng với những thay đổi bất ngờ, chẳng hạn như trong trường hợp lối ra xa lộ mà bạn dự định xuống bị đóng, hay tình trạng đường xá hư hỏng, v.v...
2. Thời Tiết
Thời tiết có thể làm giảm khả năng lái xe của bạn. Những điều kiện thời tiết bất thường như mưa, sương mù, tuyết, đường đóng băng đòi hỏi bạn lái chậm hơn và cẩn thận hơn.
a. Mưa, Sương Mù, Tuyết
Mưa, sương mù, và tuyết thường nguy hiểm vì những điều bạn không thấy. Mặt đường có thể nhìn giống nhau khi mới mưa hay khi mưa đã lâu nhưng thực ra nó trơn trợt và nguy hiểm hơn nhiều khi trời mới mưa. Trong hai mươi phút đầu tiên của cơn mưa nhẹ, những dẩu mỡ đóng trên đường hoà với nước mưa sẽ làm con đường trở nên rất trơn trợt.
Tầm nhìn của bạn trong sương mù sẽ bị giới hạn. Khi lái xe trong sương mù, bạn nên dùng đèn sương mù nếu được trang bị. Nếu không có đèn sương mù, bạn nên dùng đèn gần hay đèn cốt. Đèn pha sẽ không hiệu quả trong sương mù, nhất là trong sương mù dày đặc.
Tuyết sẽ giới hạn tầm nhìn của bạn và tầm nhìn của những tài xế khác. Tuyết cũng làm giảm lực cọ xát hay ma sát của vỏ xe với mặt đường, do đó sẽ làm giảm khả năng bám đường của vỏ xe và làm giảm khả năng điểu khiển xe đi đúng hướng của bạn.
(1) Khoảng Cách Để Dừng Xe
Thắng xe của bạn sẽ không hiệu quả trong thời tiết xấu, vì thế, khoảng cách để dừng xe sẽ xa hơn. Trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn của bạn bị giới hạn, giác quan của bạn bị sút giảm, do đó, phản ứng của bạn cũng sẽ chậm lại. Thêm vào đó, thắng xe bị ướt và vỏ xe của bạn mất nhiều khả năng bám đường. Vì thế, khi thắng xe trong thời tiết xấu, luôn luôn cộng thêm 30% vào khoảng cách để dừng nếu trong thời tiết tốt. Thí dụ, trong điều kiện khô ráo hay thời tiết tốt, nếu bạn đang di chuyển với vận tốc 45 mph/giờ, khoảng cách để dừng cho xe dừng hẳn là 161.5 feet . Trong trời mưa hay thời tiết xấu, khoảng cách để bạn dừng chiếc xe này sẽ là 210 feet.
(2) Tốc Lực
Vì lý do khoảng cách để dừng xe trong thời tiết xấu là 30% dài hơn trong thời tiết tốt, bạn phải giảm vận tốc để bạn có thể dừng xe một cách an toàn. Nên nhớ, thà bị trễ còn hơn là không bao giờ tới.
(3) Mặt Đường Ướt
(a) Trơn Trợt
Trong trời mưa, lực bám đường của vỏ xe bị sút giảm. Bất cứ những điều như thắng gấp, quẹo nhanh hay đạp ga mạnh đều đưa đến sự nguy hiểm vì chiếc xe của bạn sẽ bị trượt và mất khả năng điều khiển. Bạn phải cẩn thận tới mức tối đa bằng cách giảm vận tốc và gia tăng khoảng cách theo sau một xe khác.
(b) Lướt Trên Mặt Nước (Hydroplaning)
Lướt trên mặt nước (hydroplaning) được định nghĩa là khi xe của bạn bị trượt và lướt trên một làn nước mỏng. Trong một cơn mưa lớn, nặng hạt, một lớp nước mỏng có thể đọng trên mặt đường. Nếu bạn không cẩn thận, bạn có thể mất hoàn toàn lực bám đường của vỏ xe và làm suy giảm sự điều khiển chiếc xe của bạn. Việc thắng xe và bẻ tay lái, cả hai, sẽ không còn như ý bạn muốn. Hai phương cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lướt xe trên mặt nước là: thứ nhất, bảo trì vỏ xe để chúng luôn trong tình trạn tốt và, thứ hai, giảm tốc độ khi lái xe trong trời mưa. Thêm vào đó, bạn nên tránh việc thắng gấp, quẹo nhanh hay đạp ga mạnh khi mặt đường đang ướt.
Nếu trong trường hợp xe bị lướt trên mặt nước, hãy buông chân ga và bẻ tay lái theo hướng mà bạn muốn xe đi về. Không nên đạp thắng khi xe đang trượt.
(c) Thấy Và Được Nhìn Thấy
Chìa khoá để lái xe an toàn trong thời tiết xấu là bạn phải thấy xe khác và được xe khác nhìn thấy. Luôn giữ đèn xe sạch và nhớ bật đèn trước và sau. Bạn cũng nên giữ gìn kính chắn gió sạch sẽ và luôn kiểm soát hệ thống gạt nước và hệ thống nước rửa kính xe để chắc chắn chúng luôn trong tình trạng toàn hảo. Thay gạt nước hằng năm và luôn châm nước rửa kính xe tới mức quy định.
3. Tình Trạng Mặt Đường
Mặc dầu chiếc xe của bạn được các kỹ sư cơ khí thiết kế để nó có thể lái an toàn trên hầu hết những công lộ, nhưng tình trạng mặt đường quá xấu như ổ gà, vết nứt, hay những chướng ngại vật trên đường có thể làm nó hư hại, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nguy hiểm. Khi lái xe, để ý những điều sau đây:
a. Đường Không Có Lề
Lế đường thường được tráng xi măng hay trải nhựa. Rất nhiều xa lộ hay tiểu lộ ở miền đồng quê, lề đường chỉ được trải với đất, đá. Nếu có thể, đừng ngừng hoặc lái xe trên những lề đường này. Nếu bạn tắp vào lề mà lỡ để hai bánh xe bên phải đi trên lề đường không tráng nhựa, bạn sẽ bị trượt và mất khả năng điều khiển chiếc xe. Điều tốt nhất mà bạn nên làm là giảm tốc lực, cứ để xe chạy chậm theo lề đường cho đến khi bạn có thể lấy lại sự điều khiển của chiếc xe.
b. Lề Đường Thấp
Lề đường thấp được thấy ở nhiều xa lộ đồng quê hay những xa lộ đang trong thời kỳ sửa sang. Lề đường thấp rất nguy hiểm vì bạn khó có thể định được độ thấp của nó. Nếu bạn lái vào lề đường thấp, bạn có thể mất sự điều khiển của chiếc xe hoặc lườn dưới xe sẽ bị hư hại.
c. Mặt Đường Xấu
Không phải con đường nào cũng giống con đường nào. Tình trạng mặt đường thay đổi từ thành phố này tới thành phố kia, tiểu bang này với tiểu bang kia. Những đô thị hay thành phố mới, đường xá luôn được sửa sang nên điều kiện lái xe tương đối tốt. Ngược lại, ở miền đồng quê, những thành phố nhỏ, hay những tiểu bang nghèo, đường xá không được bảo trì đúng mức nên có nhiều ổ gà hay gập ghềnh, có thể làm hư hại vỏ xe hay hệ thống cân bằng xe của bạn. Tránh đừng lái xe qua những ổ gà đầy nước vì bạn không thể biết được chúng sâu bao nhiêu. Chúng có thể sâu hơn bạn tưởng.
d. Thay Đổi Thời Tiết
Mỗi một mùa mang lại một sự nguy hiểm khác nhau. Mùa Thu và Xuân, mưa nhiều đường trơn ướt. Mùa Hè trời nóng có thể làm xe bị nóng máy quá độ. Mùa Đông trời lạnh giá, đường phủ tuyết, đóng băng, trơn trợt và hư hại. Khi nhiệt độ xuống dưới 0° F, máy xe bị lạnh sẽ khó nổ.
4. Giao Lộ
Trong thành phố, hầu hết những tai nạn xảy ra tại giao lộ (ngã tư hoặc ngã ba) bởi vì xe cộ phải đan ngang dọc với nhau. Phần lớn, tai nạn xảy ra taị giao lộ là do người tài xế không chịu nhường hay không tuân theo bảng đường. Có bốn loại giao lộ: giao lộ có vẽ dấu, giao lộ không có vẽ dấu, giao lộ được điều khiển và giao lộ không được điều khiển. Khi đến một giao lộ, dù có vẽ dấu, không có vẽ dấu, điều khiển hay không điều khiển, bạn nên nhìn bên trái trước, sau đó nhìn bên phải và sau cùng nhìn bên trái một lần nữa trước khi băng qua. Xin nhớ, chỉ băng qua giao lộ khi thật an toàn.
a. Giao Lộ Có Vẻ Dấu và Không Có Vẽ Dấu
Một vài giao lộ có những lằn vẽ sọc trắng và có sơn những chữ "ĐỪNG ĐẬU CHẮN LỐI GIAO LỘ". Luật không cho phép bạn đậu chắn lối giữa giao lộ. Một thói quen tốt nên làm là đừng bao giờ đậu chắn lối giữa giao lộ dù cho có vẽ dấu hay không có vẽ dấu. Bạn có thể bị phạt nếu đậu chắn lối giữa giao lộ.
b. Giao Lộ Được Điểu Khiển Và Không Được Điều Khiển
Xe cộ tại giao lộ được điều khiển an toàn hơn vì được điều động bởi bảng chỉ dẫn, đèn lưu thông hay nhân viên công lực. Những giao lộ không được điều khiển sẽ không có những thứ này để bảo vệ người tài xế. Giao lộ được điều khiển thường có bảng "Dừng Lại" hay "Nhường" hay đèn hiệu lưu thông.
Bảng "Dừng Lại" bắt buộc bạn phải dừng hoàn toàn, trước mức giới hạn. Trong trường không có mức giới hạn bạn phải dừng hoàn toàn trước khi đến lằn sơn vẽ dành cho người đi bộ. Nếu không có lằn sơn vẽ dành cho người đi bộ, bạn phải dừng hoàn toàn trước khi vào ngã tư. Nếu hai xe cùng đến ngã tư có bảng "Dừng Lại" bốn chiều một lúc, người tài xế xe bên trái phải nhường quyền ưu tiên cho người tài xế xe bên phải.
Bảng "Nhường" không buộc bạn phải dừng hoàn toàn nếu điều kiện an toàn cho quyền bạn chạy qua. Tuỳ theo trường hợp, đôi khi bạn phải dừng lại hoàn toàn.
(1) Khoảng Cách Để Ra Hiệu Khi Quẹo
Theo luật California, bạn phải ra dấu hiệu liên tục ít nhất là 100 feet trước khi quẹo. Luật này bao gồm cả khi bạn vào lối dành riêng để quẹo trái hay quẹo chữ U.
Bạn có thể ra dấu bằng hai phương pháp: bằng đèn nháy hay bằng cánh tay.
Nếu lái xe hơi, bạn không nên ra dấu bằng tay ngoại trừ trong trường hợp đèn nháy trong xe của bạn bị hư. Ra dấu bằng tay thường dành cho người đi xe đạp vì xe đạp không có hệ thống đèn nháy.
Cách ra dấu bằng cánh tay
· Quẹo trái: Cánh tay giang thẳng.
· Quẹo phải: Cánh tay đưa lên trời.
· Ngừng: Cánh tay đưa xuống đất.
(2) Tốc Lực
Luôn luôn giảm tốc độ khi gần đến ngã tư, nhất là những ngã tư không có điều khiển. Giảm tốc độ sẽ giúp bạn có nhiều thời gian phản ứng nếu có gì bất thường xảy ra.
(3) Mức Giới Hạn Để Dừng Xe
Theo luật California, khi dừng ở giao lộ khi đèn đỏ, bạn phải dừng trước "mức giới hạn". Mức giới hạn được sơn bằng một đường kẻ màu trắng trước khi đến giao lộ. Khi giao lộ có vẽ lối đi dành riêng cho người đi bộ, mức giới hạn là đường kẻ màu trắng thứ nhất. Trong trường không có mức giới hạn bạn phải dừng hoàn toàn trước khi đến lằn sơn vẽ dành cho người đi bộ. Nếu không có đường sơn vẽ, mức giới hạn được định nghĩa là đường kẻ vô hình được tạo bởi góc đường.
(4) Đèn Hiệu Lưu Thông
Đèn hiệu lưu thông được dựng tại các giao lộ để điều khiển xe cộ. Màu sắc của đèn hiệu lưu thông như sau:
· Đỏ: Đèn đỏ có nghĩa là NGỪNG. Nếu bạn đối diện với đèn đỏ, bạn phải ngừng trước mức giới hạn như định nghĩa ở trên. Vi phạm luật này, bạn sẽ bị phạt tội vượt đèn đỏ. Luật California cho phép bạn quẹo phải khi đèn đỏ, ngoại trừ khi có bảng "CẤM QUẸO KHI ĐÈN ĐỎ", với điều kiện bạn phải dừng hoàn toàn và phải nhường tất cả những người đi bộ hoặc những xe đang có quyền ưu tiên tại giao lộ trước khi quẹo.
· Đỏ Với Mũi Tên: Đèn đỏ với mũi tên có nghĩa là ngừng cho tới khi nó tắt. Bạn không được quẹo khi đối diện với đèn đỏ có mũi tên.
· Đèn Đỏ Chớp Tắt: Đèn đỏ chớp tắt có nghĩa giống như bảng "STOP". Khi bạn đối diện với đèn đỏ chớp tắt, bạn phải dừng hoàn toàn, nhường người đi bộ và tất cả những xe có quyền ưu tiên trước khi qua giao lộ
· Đèn Vàng: Đèn vàng có nghĩa là cẩn thận, đèn đỏ sắp sửa bật lên. Nếu bạn thấy đèn vàng bật lên, bạn phải chuẩn bị đạp thắng.
Ghi Chú: Nên nhớ, đèn vàng đạp thắng, không phải đạp ga, ngoại trừ khi bạn trong vòng 50 feet của mức giới hạn.
· Đèn Vàng Chớp Tắt: Đèn vàng chớp tắt có nghĩa là "CẨN THẬN". Khi thấy đèn vàng chớp tắt, bạn có thể qua giao lộ nhưng phải cẩn thận và phải nhường người đi bộ hoặc những xe đang có quyền ưu tiên.
· Đèn Xanh: Đèn xanh có nghĩa là ĐI khi an toàn. Bạn phải chờ cho người bộ hành và những xe khác ra khỏi giao lộ hoàn toàn trước khi băng qua.
· Đèn Xanh Với Mũi Tên: Đèn xanh với mũi tên có nghĩa là ĐƯỢC QUẸO khi an toàn. Bạn phải chờ cho người bộ hành và những xe khác ra khỏi giao lộ hoàn toàn trước khi quẹo.
· Đèn Hiệu Lưu Thông Bị Hư: Khi đèn hiệu lưu thông tại giao lộ bị hư hay bị cúp điện, đèn đỏ sẽ tự động chớp tắt. Khi gặp điều này, bạn phải coi như giao lộ đó có bảng "STOP" bốn chiều. Xe tới trước đi trưóc. Nếu hai xe tới giao lộ cùng một lúc, xe bên trái phải nhường xe bên phải.
5. Thành Phố, Xa Lộ, Đồng Quê và Đường Núi
Điều kiện lưu thông trong "Thành Phố", trên "Xa Lộ", ngoài "Đồng Quê" hay trên "Đường Núi" hoàn toàn khác nhau và đòi hỏi kỹ năng lái xe khác nhau. Người tài xế Cẩn Trọng luôn luôn tiên liệu, sẵn sàng và linh động để có thể thích ứng với từng trường hợp.
a. Vận Tốc
Vận tốc thay đổi tuỳ theo điều kiện lưu thông. Trong thành phố, vận tốc thay đổi tuỳ con đường, được quy định bởi những bảng giới hạn tốc lực dựng hai bên lề đường hoặc vẽ trên mặt đường. Vận tốc trong thành phố có thể lên cao đến 55mph hay giảm thấp tới 15mph. Vận tốc trên xa lộ của tiểu bang California là 65mph, ngoại trừ vài xa lộ cho phép bạn lái tới 70mph. Những xa lộ cũ, vận tồc tối đa là 55mph. Vận tốc trên xa lộ đồng quê thường là 55mph cho tới 65mph. Đường núi giới hạn bởi nhiều vận tốc khác nhau tuỳ vào điều kiện của khu vực.
b. Khoảng Cách Theo Sau Một Xe Khác
Luôn luôn giữ một khoảng cách an toàn với xe trước mặt. Trong thành phố, trên xa lộ, ngoài đồng quê hay trên đường núi, người tài xế cẩn trọng luôn áp dụng luật 3 giây khi theo sau xe khác trong điều kiện thời tiết khô ráo. Khoảng cách này phải được tăng lên 4 giây, 5 giây hay nhiều hơn trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, tuyết, sương mù, v.v....
c. Khoảng Cách Để Dừng Xe
Khoảng cách để dừng một chiếc xe tuỳ thuộc vào tốc độ của chiếc xe đó. Khoảng cách này là khoảng cách để dừng một chiếc xe tính từ lúc mắt bạn nhận ra sự nguy hiểm, truyền tín hiệu lên óc, óc truyền tín hiệu đến chân, chân đạp thắng cho đến khi chiếc xe ngừng hẳn. Khoảng cách để dừng một chiếc xe còn tuỳ thuộc vào tình trạng của hệ thống thắng, tình trạng của vỏ xe, và tình trạng của mặt đường. Khoảng cách này cũng tuỳ thuộc vào phản ứng nhanh hay chậm của bạn, trọng lượng nặng hay nhẹ trên xe, đường dốc hay đường phẳng. Luôn luôn cảnh giác và tiên liệu khoảng cách cần thiết để thắng xe với những yếu tố trên.
d. Khoảng Cách Để Bật Đèn Nháy
Theo luật California, bạn phải ra dấu hiệu liên tục ít nhất là 100 feet trước khi quẹo. Luật này bao gồm cả khi bạn vào lối dành riêng để quẹo trái hay quẹo chữ U. Bạn có thể ra dấu bằng hai phương pháp: bằng đèn nháy hay bằng cánh tay.
Nếu lái xe hơi, bạn không nên ra dấu bằng tay ngoại trừ trong trường hợp đèn nháy trong xe của bạn bị hư. Ra dấu bằng tay thường dành cho người đi xe đạp vì xe đạp không có hệ thống đèn nháy.
e. Điều Kiện Lưu Thông
Điều kiện lưu thông thay đổi tuỳ theo môi trường. Lái xe trong thành phố thường bị kẹt xe nhưng nếu bạn chú ý, bạn có thể tiên liệu được. Lái xe trên xa lộ tuy với vận tốc cao nhưng điều kiện lưu thông cũng có thể tiên liệu được. Lái xe ngoài xa lộ đồng quê hay trên đường núi, tuy vắng xe nhưng lại khó tiên liệu và nguy hiểm hơn trong thành phố hay trên xa lộ. Luôn luôn cảnh giác và đề phòng những bất ngờ có thể xảy ra.
f. Qua Mặt
Qua mặt rất nguy hiểm nếu không thực hành an toàn và đúng cách. Qua mặt không an toàn sẽ đưa đến tai nạn thảm khốc mà người những người liên quan thường bị trọng thương hay tử thương.
(1) Trong Thành Phố
Khi lái xe trên những công lộ trong thành phố hay trên xa lộ, bạn phải rất cẩn thận khi đổi làn đường. Luôn luôn bật đèn nháy mỗi khi bạn đổi làn đường hay sắp sửa quẹo. Chỉ nên đổi làn đường khi nào thật cần thiết. Đừng cắt ngang đầu xe khác quá gần. Đổi làn đường tại ngã tư là vi phạm luật và rất nguy hiểm. Không bao giờ bạn được lấn qua một vạch vàng liên tục, hai vạch vàng liên tục hay bốn vạch vàng liên tục để qua mặt một xe khác. Vi phạm tội này bạn có thể bị treo bằng lái.
(2) Trên Xa Lộ Đồng Quê
Trên xa lộ đồng quê, bạn không được lần qua vạch vàng liên tục, hay hai vạch vàng liên tục để qua mặt một xe khác. Bạn có thể qua mặt khi vạch vàng phía bên bạn đứt đoạn. Không bao giờ qua mặt tại khúc quanh, trên dốc, hay vào ban đêm mà bạn có thể nhìn thấy ánh đèn của xe ngược chiều.
(3) Trên Đường Núi
Lái xe trên đường núi nguy hiểm hơn trên đường phẳng vì đường núi có nhiều khúc quanh gắt. Không bao giờ qua mặt một xe khác tại khúc quanh vì tầm nhìn của bạn bị giới hạn và bạn có thể không nhìn thấy xe ngược chiều đang tới.
6. Những Sự Kiện Làm Phân Tâm Khi Lái Xe
Những sự kiện làm chúng ta phân tâm trong lúc lái xe ở chung quanh chúng ta. Trong xe và ngoài xe. Áp dụng phương cách lái xe cẩn trọng là chìa khoá để chiến thắng những trở ngại này.
a. Trong Xe
Những điều bên trong xe làm người tài xế phân tâm trong lúc lái xe gồm có: nói chuyện bằng điện thoại di động, ăn, uống, đọc sách, đọc báo, xem bản đồ, trang điểm, điều chỉnh máy thu thanh, v.v....Trẻ em và thú vật trong xe cũng là những điều làm người tài xế bị phân tâm.
b. Ngoài Xe
Những điều bên ngoài xe làm người tài xế phân tâm trong lúc lái xe gồm có: bảng quảng cáo thương mại trên đường, tiếng động, tai nạn, ngắm nhìn người khác phái, v.v...
C. NGUYÊN NHÂN GÂY TAI NẠN
Tại Hoa Kỳ mỗi năm có hơn 6 triệu tai nạn xe hơi xảy ra. Phần lớn tai nạn gây ra bởi người tài xế lái xe với vận tốc quá cao, không an toàn đôi với điều kiện của con đường. Ngoài tốc lực, Cơ Quan Cảnh Sát Xa Lộ còn ghi nhận những yếu tố khác khiến người tài xế gây ra tại nạn như không nhường, quẹo ẩu, vượt bảng "STOP" hay đèn đỏ, say rượu lái xe, đổi làn đường không an toàn, qua mặt không an toàn, v.v...
Theo Bộ Giao Thông An Toàn thì tai nạn có thể tránh được vì tai nạn xảy ra bởi lỗi lầm của người tài xế như không chú ý, bị phân tâm, mệt mỏi, phản ứng chậm, tiên đoán sai, hay những yếu kém khác. Nếu bạn tỉnh táo và khoẻ mạnh, bạn sẽ lái xe an toàn và có thể tránh được tai nạn.
1. Tinh Thần
Một yếu tố khiến người tài xế bị phân tâm và ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lái xe của chúng ta, đó là những xúc cảm tinh thần. Giận dữ, căng thẳng, sợ hãi, buồn phiền, lo lắng là những phần tử của sự xúc cảm. Chúng ta phải học và tập luyện để có thể chế ngự được những xúc cảm này. (còn tiếp)