JOHN CAMPBELL & HIẾU LÊ
Theo dõi báo chí tiếng Anh tuần qua ta thấy, trong mục Your View của tờ Champion số Thứ Tư 15 tháng 12 vừa qua, có ý kiến của một độc giả Việt Nam tên Hiếu Lê, ở vùng Bonnyrigg. Trong bài viết ngắn gọn của mình, Hiếu Lê đã phê phán những nhận xét vội vã và nông cạn của ông John Campbell, được đăng trong số báo Champion tuần trước. Ông John Campbell cho rằng, đại đa số 5000 người Việt tham dự cuộc tranh đấu treo Cờ Vàng đều là công dân Úc. Như vậy có nghĩa, những người đó đã tuyên thệ trung thành với quốc kỳ của Úc, thì việc đòi hỏi treo một lá cờ không phải cờ Úc là vô lý.
Phê phán quan điểm của John Campbell, Hiếu Lê cho biết, anh là một thanh niên Úc còn trẻ sinh ra ở đây, nhưng điều đó không có nghĩa anh quên đi những giá trị cao qúy cùng ý nghĩa quan trọng của Cờ Vàng đối với người Việt Nam tại Úc. Anh Hiếu cũng đồng ý, chiến tranh VN đã chấm dứt 30 năm trước, nhưng lý do khiến người Việt muốn vinh danh Cờ Vàng tại một quốc gia đa văn hóa là Úc Đại Lợi, không phải chỉ vì muốn ghi nhớ những người đã hy sinh cho tổ quốc VN, mà còn vì muốn cho những công dân Úc khác biết rằng, biểu tượng một lá cờ quan trọng như thế nào đối với một dân tộc, một nền văn hóa. Anh Hiếu Lê cũng cho biết, ở trường anh đã được học, Úc là một quốc gia đa văn hóa, vì vậy, chúng ta có bổn phận tôn trọng nguyện vọng của mỗi công dân Úc.
Dĩ nhiên, nếu đứng trên lập trường ái quốc thuần túy, ta có thể thừa nhận, quan điểm của ông John Campbell là có lý. Nhưng nếu xét trên bình diện một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa như Úc, ta sẽ thấy những nhận xét của anh Hiếu Lê hợp tình, hợp lý và phù hợp thực tế hơn. Một quốc gia như nước Úc, với dân số trên dưới 20 triệu, đến từ hàng trăm quốc gia khác nhau, với những dị biệt về lịch sử, văn hóa, truyền thống, chắc chắn, lòng yêu nước Úc, yêu quốc kỳ Úc phải được gắn liền với lòng yêu quê cha đất tổ, cùng những giá trị, truyền thống, mà người dân đã được hun đúc tại quê hương, đất nước của mình.
Hiển nhiên, nếu ông John Campbell hiểu rõ về lịch sử, ý nghĩa Cờ Vàng, cùng cuộc chiến tranh VN, những tội ác của CSVN, và sự hiện hữu của cộng đồng người Việt tại Úc, chắc chắn ông sẽ đồng ý, người Việt tại Úc càng yêu Quốc kỳ Úc bao nhiêu, thì họ càng yêu Cờ Vàng bấy nhiêu, và ngược lại, càng yêu Cờ Vàng bao nhiêu, họ sẽ càng yêu Cờ Úc bấy nhiêu. Và như vậy, chắc chắn ông John Campbell sẽ hậu thuẫn nguyện vọng vinh danh Cờ Vàng của cộng đồng người Việt tại Úc.
Ở đây, giá trị cùng biểu tượng của Cờ Vàng và Cờ Úc không hề trái ngược. Trái lại, Cờ Vàng và Cờ Úc đều cùng tượng trưng cho những giá trị cao qúy mà người Việt tỵ nạn CS luôn luôn theo đuổi, đó là tự do, dân chủ, độc lập, nhân quyền. Cũng giống như những giá trị đồng tâm mà Cờ Úc, Cờ NSW, Cờ HĐTP Fairfield, đại diện, mỗi người dân sống ở Fairfield, thấy việc trung thành và tôn vinh Cờ HĐTP Fairfield không hề ảnh hưởng gì đến sự trung thành của mình đối với Cờ NSW, Cờ Úc...
Thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học, của kiến thức, và sự giao tiếp giữa các nền văn minh, biên giới giữa các quốc gia đang mờ dần, và các dị biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa, không còn là yếu tố tạo nên sự chia rẽ, kỳ thị, xung đột. Trái lại, những dị biệt đó đều được tôn trọng, chiêm ngưỡng, và bảo vệ như là những di sản quý báu chung của toàn nhân loại.
Cũng giống như những người sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tượng Nữ Thần Tự Do, thay vì bảo vệ tượng Mao Trạch Đông, người Việt tự do tại Úc cũng yêu Cờ Vàng không phải vì Cờ Vàng là biểu tượng cho một quốc gia, mà vì Cờ Vàng là biểu tượng cho tự do dân chủ. Và biểu tượng đó đã tồn tại suốt 4000 năm lịch sử của dân tộc VN, được dân tộc VN bảo vệ bằng tâm huyết và tính mạng, trong đó có cả tâm huyết và tính mạng của những chiến binh đồng minh Úc cách đây hơn 3 thập niên. Vì vậy, giá trị của lẽ phải hôm nay là niềm tin của mỗi người chúng ta đối với việc vinh danh Cờ Vàng. Chúng ta phải theo đuổi việc vinh danh này vì Cờ Vàng là biểu tượng của tự do dân chủ, biểu tượng của truyền thống cộng đồng chúng ta. Hơn thế nữa, chúng ta phải biến nguyện vọng vinh danh Cờ Vàng của chúng ta thành sự thật để cho nước Úc hiểu rõ lẽ phải và chính nghĩa của cộng đồng chúng ta; và xa hơn nữa, cho cả thế giới hiểu, nước Úc là một quốc gia tự do dân chủ, đa văn hóa thực sự.
CỜ VÀNG VÀ THE SUN HERALD
Trong tuần qua, ngoài tờ Fairfield Champion, tờ Sun Herald trong số ra ngày 19/12 cũng đã đăng một bài viết nhan đề "Viet gong for Freedom Flag" của hai ký giả Matthew Benns và Sean Berry. Trong bài viết ngắn gọn, hai ký giả đã trình bầy tóm tắt những diễn biến phức tạp hậu quả từ những áp lực chính trị, ngoại giao, quanh nguyện vọng treo Cờ Vàng của cộng đồng người Việt tự do.
Bài báo cho biết, khi tin lá cờ Tự do Truyền thống đại diện cho Cộng đồng người Việt tÿ nạn CS sẽ được treo lên tại công viên Cabra-Vale, Cabramatta, nhà cầm quyền CS Việt Nam đã giận dữ phản đối với các nhà ngoại giao Úc tại Hà Nội và Canberra. Khi được cho biết về sự phản đối dữ dội này, Hội đồng thành phố Fairfield đã rút lại lời cam kết cho phép lá cờ tự do được treo vĩnh viễn tại công viên này. Quyết định này làm tức giận các cựu quân nhân Úc, những người đã từng chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam, và cộng đồng người Việt Tự do tại Úc.
Ông Phan Đông Bích, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do NSW, phát biểu rằng: "Lá cờ này đại diện cho cộng đồng của chúng tôi ở Úc và nó không đại diện cho bất cứ chính phủ hoặc lãnh thổ nào. Không ai có thể xóa bỏ lịch sử. Các quân nhân Úc và các cựu quân nhân miền Nam Việt Nam đã sát cánh chiến đấu dưới lá cờ Úc và lá Cờ Vàng ba sọc đỏ biểu hiện cho sự tự do. Giờ đây Hội đồng thành phố Fairfield nói rằng chúng tôi không thể treo lá cờ này bên cạnh lá cờ Úc vì họ sợ làm mất lòng chính phủ khác."
Ông Barry Tubner, lãnh đạo nghiệp đoàn may mặc, một tổ chức đại diện cho rất nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Úc, phát biểu: "Nhiều quân nhân Úc đã chết dưới hai lá cờ, cờ Úc và cờ Vàng ba sọc đỏ. Trong một đất nước đa văn hóa, chúng ta không nên ngăn cản bất cứ ai treo cờ" Việc ngăn cản này rõ ràng là ngớ ngẩn."