Lại Mùa Hoa Tu-Líp Nở Giữa Trung Á
Bùi Tín
(Viết riêng cho VOA Thứ Hai, 12 tháng 4 2010)
Tình hình ở nước Cộng hòa Kyrgyzstan trong tuần qua đã biến động nhanh gọn theo hướng tích cực. Thật ra cuộc biến động chỉ diễn ra gọn trong 2 ngày 7 và 8-4.
Khởi đầu là các cuộc biểu tình ôn hòa ở thủ đô Bichkek sáng ngày thứ tư 7-4 với 5 đến 6 ngàn người tham gia, gồm công nhân, sinh viên, thanh niên, dân thành thị thất nghiệp. Các khẩu hiệu đấu tranh là đòi công ăn việc làm, chống tham nhũng, đòi tự do báo chí và truyền hình, đòi tự do cho một số nhà báo, nhà đối lập bị bắt giữ.
Cuộc biểu tình bị lực lượng công an đàn áp bằng «đạn mềm» và súng phun nước, làm hàng chục người bị thương. Thế là dân đổ ra đông thêm, lên gần 10 ngàn, một số dân 2 thành phố phía Nam cũng phóng lên tăng thêm khí thế; một số nơi súng nổ do công an bắn vào số người tràn vào phủ tổng thống, thanh niên dùng đá ném tới tấp vào lực lượng đàn áp, thế là súng nổ liên hồi, số người chết lên 19 người. Xác người chết được quàn ngay trước trụ sở quốc hội, kích thích đấu tranh quyết liệt.
Khí thế đấu tranh lên mạnh, tổng thống Koumanbek Bakiev bỏ chạy lúc 20 giờ khỏi thủ đô bằng máy bay riêng về ẩn ở quê ông tại phía Nam. Phủ tổng thống bị đập phá.
Ngay đêm 7-4, cuộc đấu tranh tập trung trước phủ thủ tướng cũng gọi là Nhà trắng. Tiếng súng nổ đanh phía doanh trại quân đội, bộ phận trung thành với tổng thống bắn vào số binh sỹ ủng hộ cuộc nổi dậy. Một số xe tăng nhập cuộc chở thanh niên nổi dậy đến ngay trước Nhà trắng; thủ tướng Daniar Oussenov tuyên bố từ chức; 2 giờ sáng thứ năm 8-4, một chính phủ lâm thời được thành lập do bà Rosa Otoumbaieva, nguyên bộ trưởng ngoại giao, một thành viên lãnh đạo của đảng Ata Jourt (đảng Tổ Quốc) làm Chủ tịch Chính quyền lâm thời. Bà tuyên bố giải tán Quốc hội, báo tin sẽ tổng tuyển cử sau 6 tháng. Mặc dầu tổng thống K.Bakiev từ xa vẫn ra ra lệnh kháng cự, tiếng súng ngày 8-4 chỉ còn thưa thớt, một số cửa hàng ở thủ đô mở cửa lại. Thế của chính quyền lâm thời thêm vững khi đài truyền hình đưa tin thủ tướng Nga Putin đã gọi điện cho bà Rosa báo tin Moscow gửi ngay viện trợ khẩn cấp đặc biệt đến thủ đô Bichkek cho chính quyền mới.
Kyrgyzstan là nước nhỏ nằm giửa vùng Trung Á, có hơn 5 triệu dân, vốn là một nước tự trị trong Liên bang Xô viết từ năm 1926, được độc lập từ 31-8-1991 sau khi Liên Xô tan vỡ. Sau đó, chính quyền vẫn nằm trong tay các quan chức cũ do ý thức chính trị toàn xã hội về tự do dân chủ còn thấp kém. Năm 1998, Kyrgyzstan được vào WTO, quan hệ quốc tế được mở rộng. Sau khi mở cửa, tiếp xúc với thế giới, xã hội thức tỉnh dần, một xã hội công dân bật dậy khá mạnh do giới trí thức dẫn đầu để tháng 9-2005 diễn ra cuộc Cách mạng hoa Tu-líp, với bản Hiến pháp mới 2006, ban bố quyền công dân, bầu cử Quốc hội mới, trả tự do cho tù chính trị, lập một số đảng mới, như đảng Cải cách (Za Reformy) và đảng Tổ Quốc (Ata Jourt).
Cuộc cách mạng hoa Tu-líp năm 2005 cùng một nhịp với Cách mạng hoa Hồng ở Ukraine và Cách mạng màu Da cam ở Gruzia, đều là 3 nước Xô viết cũ.
Sau Cách mạng hoa Tu-líp, theo Hiến pháp mới, ông K. Bakiev chính thức được bầu vào chức tổng thống. Ông nguyên là một tỉnh trưởng thời Liên xô cũ, là cán bộ của đảng cộng sản đã giải thể. Trong chức vụ mới, ông K. Bakaiev tỏ ra cực kỳ bảo thủ và nhất là vụ lợi theo kiểu gia đình trị. Vào năm 2009, ông K. Bakiev tỏ rõ tính độc đoán, ngăn cản tự do báo chí, tự do trên truyền hình, còn độc đoán bắt giam một số nhà báo tự do và một số nhà đối lập nổi tiếng. Dựa vào quyền lực, ông K. Bakiev còn đưa con trai mình là Maxime Bakiev làm Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển và Đầu tư, lấn át Bộ Kinh tế và Bộ Ngoại giao. Ông còn lộng hành đưa em ruột là Janych Bakiev lên nắm cơ quan tình báo quốc gia.