Kinh tế Châu Á hồi phục nhanh hơn dự kiến
Nguyễn Xuân Nghĩa - Mai Vân (RFI) ngày 18/08/2009
...nên nâng cao tỷ giá đồng bạc so với đô la Mỹ...
Các số liệu kinh tế của quý hai năm 2009 cho thấy là các nền kinh tế châu Á đang vực dậy mạnh mẽ. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ, để duy trì đà hồi phục, các nước châu Á phải ngăn chặn hiện tượng bong bóng đầu cơ và nhất là tìm ra đầu máy tăng trưởng ngay trong thị trường nội địa của mình.
Theo số liệu tăng trưởng quý hai năm 2009 lần lượt được công bố trong những ngày qua, các quốc gia trong vùng châu Á cho thấy đà hồi phục khá ngoạn mục. Theo tính toán của tuần báo kinh tế Anh The Economist (số đề ngày 15/08/2009), so với quý một, GDP của Trung Quốc tăng đến 15%, Hàn Quốc lên gần 10%, Singapore nhảy vọt với mức 21%, còn Indonesia chậm hơn, nhưng cũng đạt 5%. Ngay cả Nhật Bản, vào hôm qua Thứ Hai, cũng thông báo ra khỏi suy thoái với tỷ lệ tăng trưởng quý hai là 0,9%. Tính theo mực độ cả năm, thì tăng trưởng các quốc gia nói trên có thể hơn 10%.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì các nước khác, dù chưa thông báo kết quả, nhưng chắc chắn cũng tăng trưởng trở lại, và tỷ lệ dự kiến chung cho cả Châu Á sẽ là hơn 5% cho năm nay. Tình hình hiện nay trái ngược hẳn với thời kỳ cuối quý 1 vừa rồi, khi nhiều nước còn chìm trong suy thoái, với mức xuất khẩu tuột giảm chưa từng thấy. Từ giữa tháng 9 /2008 cho đến tháng 3/2009, GDP của các quốc gia như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, và kể cả lãnh thổ Hong Kong, tính theo mực độ cả năm, đã giảm trung bình 13%.
Sự vực dậy ngoạn mục của các nền kinh tế đang vươn lên ở châu Á trong quý hai cũng trái hẳn với tình hình tại các nước công nghiệp phát triển, như trong nhóm G7. Theo tính toán của các chuyên gia, sẽ không có nước đã phát triển nào hồi phục được với mức độ như tại châu Á, GDP của nhóm G7 chẳng hạn, vẫn sẽ còn giảm sụt năm nay, dự kiến với tỷ lệ trừ - 3,5%.
Sự vươn lên của kinh tế Châu Á đã gây ngạc nhiên không ít. Tạp chí kinh tế The Economist đã nêu câu hỏi làm thế nào mà Châu Á vươn lên nhanh như thế, trong bối cảnh mà các nền kinh tế này lệ thuộc vào xuất khẩu, và các đối tác truyền thống Âu Châu và Hoa Kỳ, tuy có triển vọng thấy ánh sáng cuối đường hầm vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa nối lại với mức tiêu thụ và nhập khẩu trước đây.
Trong số những nguyên nhân quan trọng mà giới chuyên gia kinh tế đã nêu lên để giải thích đà phục hồi nhanh chóng của các nước Châu Á, trước hết có sự kiện hệ thống tài chính khu vực Châu Á lành mạnh hơn các đối tác Âu Mỹ. Châu Á đã thừa hưỏng thành quả của các biện pháp chấn chỉnh sau khi bị cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á những năm 97-98 tác hại nặng nề.
Nguyên nhân thứ hai là các kế hoạch kích thích kinh tế, thúc đẩy tiêu thụ trong nước được ban hành trong khu vực, và đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Theo ghi nhận của The Economist, các kế hoạch kích cầu của Châu Á có trị giá lớn hơn rất nhiều so với những nơi khác.
Trung Quốc chẳng hạn, vào tháng 11 năm 2008, đã loan báo gói kích thích kinh tế 4000 tỷ yuan, tức là khoảng 585 tỷ đô la. Ở một quy mô khiêm tốn hơn, Thái Lan, vào tháng sáu vừa qua, cũng thông qua một gói kích cầu mới lên đến 800 tỷ baht, tức là khoảng 23 tỷ đô la.
Giải thích vì sao các kế hoạch kích thích kinh tế ở châu Á lại sớm đạt hiệu quả, tạp chí The Economist đã nêu bật một yếu tố: đó là vì các hộ gia đình trong khu vực không bị nợ chồng chất như ở châu Âu hay Hoa Kỳ, vì thế những khoản trợ giúp của nhà nước được mang ra chi tiêu ngay chứ không phải là dùng để tiết kiệm.
Câu hỏi đặt ra là đà phục hồi nhanh chóng hiện nay ở châu Á có vững chắc hay không. Trở lại với tình hình Nhật Bản, tuy có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm với số liệu khả quan trong quý hai, nhưng thời gian tới, nước này chưa thể khẳng định là triển vọng sẽ tươi sáng thêm : đầu tư trong quý hai đã giảm hơn 4% và sẽ tiếp tục giảm, thất nghiệp vẫn ở mức rất cao đối với Nhật, 5,4%, và đã tăng như thế với mức 30% trong vòng một năm.
Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California phân tích thêm về sự phục hồi kinh tế tại châu Á hiện nay cũng như về khả năng đà vực dậy đó bền vững như thế nào.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói về bối cảnh chung thì giới nghiên cứu kinh tế thế giới ưa phân biệt một bên là các nền kinh tế đã công nghiệp hoá, như Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản, gọi chung là "thất hùng kinh tế" trong khối G-7, và bên kia các nền kinh tế đang phát triển, hoặc đang lên, như trường hợp các nước Á châu ngoài Nhật. Tôi xin được gọi các nền kinh tế mới phát triển đó là "tân hưng". Trước khi xảy ra nạn suy thoái toàn cầu vào năm ngoái, các nước Á châu đó đã có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5 đến 8% một năm so với đà tăng trưởng thật ra rất thấp, chỉ bằng một phần ba, của các nền kinh tế đã bước qua giai đoạn gọi là "hậu công nghiệp".
- Bây giờ, khi kinh tế Hoa Kỳ đã đụng đáy và bật dậy, tại Âu Châu, kinh tế Đức và Pháp cũng có chỉ dấu phục hồi, Nhật Bản cũng thế như thống kê hôm Thứ Hai 17 vừa cho thấy, thì người ta đặc biệt chú ý tới các nước tân hưng châu Á vì đà tăng trưởng rất cao của các nước này so với hy vọng dù sao còn mong manh của ba đầu máy công nghiệp hóa là Mỹ, Tây Âu và Nhật. Nếu muốn tìm hiểu vì sao châu Á lại sớm ngoi lên khỏi đáy vực suy thoái ấy, có lẽ ta phải trở về nguyên ủy là vì sao châu Á lại bị kéo vào nạn suy sụp từ năm ngoái"
Mai Vân: Người ta còn nhớ là vào năm 2007, khi kinh tế Hoa Kỳ và Châu Âu bắt đầu đình trệ, giới phân tích đã nói đến hiện tượng tách rời, Pháp ngữ gọi là 'découplage' của các nền kinh tế đang vươn lên tại Á Châu, mà anh gọi là ''tân hưng'', nghĩa là kinh tế Châu Á có định mệnh riêng và hết bị ràng buộc vào đà tăng trưởng các nền kinh tế Âu Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, rốt cuộc thì Châu Á vẫn bị vạ lây. Bây giờ, nếu các nước Châu Á đã bật dậy sớm và mạnh như thế thì có phải là do tiềm lực riêng của họ như một sô" chuyên gia đã nêu lên hay không "
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đúng như thế nếu ta nhìn sâu hơn vào quá khứ. Hơn 10 năm về trước, khủng hoảng tài chính đã bùng nổ tại Đông Á và lan thành khủng hoảng kinh tế trong toàn khu vực rồi tác động ra toàn cầu. Sau vụ khủng hoảng thời 1997-1998 ấy, các nước Á châu rút tỉa bài học và chấn chỉnh hệ thống tài chính ngân hàng, như trường hợp Indonesia hay Malaysia, cải tổ cơ chế kinh tế như Hàn Quô"c, hoặc từ bỏ chiến lược phát triển chủ yếu nhờ xuất khẩu như trường hợp Thái Lan. Nhờ vậy mà lần này dù họ có bị hiệu ứng của nạn suy sụp kinh tế của nhóm G-7, thật ra không đến nỗi nặng để trôi vào khủng hoảng. Cũng cần nói thêm là Indonesia hay Thái Lan thật ra không bị ảnh hưởng của nạn suy thoái toàn cầu bùng nổ từ năm ngoái. Vì thế, nếu các nước tân hưng châu Á có hồi phục nhanh thì cũng vì lý do tiềm ẩn sâu xa.