Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo
Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết môn “Trượt Sóng “, tức “Surfing”. Trượt sóng là một môn thể thao trên mặt nước với hình thức các tuyển thủ đứng trên một tấm ván để trượt theo độ nghiêng của những cơn sóng uốn lượn khi mặt nước hình thành các đợt sóng vỗ vào bờ biển. Do ứng dụng hiện tượng tự nhiên của sóng biển kèm theo khung cảnh thơ mộng của trời nước mênh mông trong những buổi tranh tài có thời tiết tốt dưới ánh nắng mặt trời, môn trượt sóng còn tạo thêm nhiều kích thích thú vị cho thị giác người xem qua những hình ảnh ngoạn mục. Hơn nữa, ngoài tính cách là môn thể thao tranh tài, trượt sóng cũng đã trở thành môn giải trí được giới trẻ yêu chuộng và rất thịnh hành vào mùa hè tại các bãi biển nằm trong hải vực có nhiều sóng.
Tuy có nhiều giả thuyết cho rằng hình thức sử dụng tấm ván để lướt sóng đã xuất hiện vào khoảng năm 400 Tây lịch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sử liệu nào chứng minh cụ thể. Mặt khác, dựa theo đặc tính văn hóa về ngành kỹ thuật hàng hải sớm phát triển của người cổ đại vùng hải vực Tam Giác Polynesia (Polynesia Triangle: là tên tổng xưng của vùng biển ở Thái Bình Dương bao gồm các quần đảo nhỏ nằm trong khu vực có hình tam giác tính từ ba vị trí là Midway Atoll của Hawaii, Aotearoa của Tân Tây Lan và Rapa Nui), các nhà khảo cổ học cho rằng xưa kia người Polynesia đã biết cách dùng thuyền gỗ để lướt theo các đợt sóng lớn để trở vào đất liền sau những cuộc hành trình ra khơi đánh cá. Từ đó, đưa đến hình thức dùng các tấm ván gỗ lướt sóng, tức là khởi nguồn của môn trượt sóng ngày nay. Đồng thời, theo giả thuyết của nhà nhân chủng học kiêm sử gia người Hoa Kỳ là ông Ben Finney (sinh năm 1933) thì từ quá trình phát triển ngành kỹ thuật hàng hải, môn trượt sóng cũng được phổ biến khắp khu vực Polynesia với phía Đông là đảo Rapa Nui, phía Tây là New Guinea, phía Bắc là Hawaii và phía Nam là Tân Tây Lan. Ngoài ra, trong các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết của nền văn hóa cổ đại Polynesia cũng đề cập rất nhiều đến các hình thức sử dụng tấm ván để lướt sóng. Chẳng hạn như chuyện quyết đấu giữa các dũng sĩ trong đó có bộ môn tranh tài dùng ván gỗ lướt sóng, chuyện một cô gái ở vùng ven biển mang tâm sự phiền muộn vì phải về nhà chồng là người thuộc bộ tộc vùng núi nên cô không thể chơi đùa môn trượt sóng bằng ván gỗ v.v…
Người Châu Âu đầu tiên nhìn thấy quang cảnh trượt sóng là thuyền trưởng kiêm nhà thám hiểm người Anh James Cook (1728-1799). Trong quyển “Nhật Ký Hàng Hải” của Cook còn ghi lại việc ông nhìn thấy các thổ dân ở Haìti và Hawaii dùng ván gỗ lướt sóng khi đi ngang qua những nơi này. Kế đến, vào khoảng gần cuối thế kỷ 18 các nhà truyền giáo Anh Quốc và Châu Âu đã lần lượt đến các quần đảo của khu vực “Tam Giác Polynesia”. Sau đó, hình thức trượt sóng bằng tấm được lan truyền đến các vùng Âu Mỹ và trở thành môn thể thao như hiện nay.
Tấm ván dùng trong môn trượt sóng gọi là “Board”, được chia làm hai loại: ván dài (long board) và ván ngắn (short board). Thông thường, tiêu chuẩn của loại ván dài là từ 9 feet (khoảng 274,3cm) trở lên. Từ năm 1968 là thời điểm môn trượt sóng cận đại bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới yêu chuộng các môn thể thao trên mặt nước nên đã xuất hiện loại ván ngắn hơn để thích hợp trong việc di chuyển và phù hợp với kích thước chiều cao của người sử dụng. Hơn nữa, từ năm 1971 những loại ván ngắn từ 5 feet đến 7 feet cũng ra đời và rất được giới thanh thiếu niên ưa chuộng. Tùy theo hình thức trượt sóng, có rất nhiều loại ván khác nhau về chiều dài, hình dáng, màu sắc v.v...Thí dụ như khi trượt sóng lớn thì dùng loại ván “Gun” hoặc loại ván ngắn có dạng hình quả trứng giống như loại ván dài gọi là “Eggboard”. Ngoài ra, loại ván trung bình ở giữa hạng “longboard” và “shortboard” được gọi là “funboard” hoặc “Hybrid board”. Theo dòng phát triển của ngành kỹ nghệ hóa chất, từ sau thập niên 1950, ván trượt sóng được chế tạo bằng các hợp chất nhựa Polyurethane, Polyester, Carbon Fiber hỗn hợp với nhựa thực vật, đồng thời còn được tráng lớp sơn bóng bên ngoài nên có độ bền rất cao.
Trong môn trượt sóng, có một yếu tố quan trọng bất khả khuyết là những thông tin về sóng. Hiện nay, nguồn thông tin về sóng bao gồm dự báo thời tiết, hướng gió, độ lớn của sóng v.v…Vì là hiện tượng tự nhiên nên mức độ hình thành và độ lớn của sóng luôn thay đổi liên tục trong ngày buộc các tuyển thủ khi tranh tài phải chuẩn bị tâm lý và lượng sức cẩn thận để thích ứng với tình huống khi trượt sóng.
Về mặt kỹ thuật, môn trượt sóng có những hình thức căn bản thứ tự như sau:
- Padle: động tác dùng tay chèo để đưa ván lướt trên mặt nước, từ bờ biển tiến về phía trước. Thông thường, các tuyển thủ nằm sấp trên ván và thòng tay xuống nước để chèo, nhưng trong trường hợp sử dụng loại ván dài thì ngồi ở vị trí giữa tấm ván và chèo bằng hai tay
- Get out: chèo để đưa ván ra phía xa đến nơi có ngọn sóng.
- Pushing Through: khi thực hiện động tác “get out” đến gần nơi có sóng thì sẽ bị chấn động do làn sóng nhấp nhô và lúc đó dùng lòng bàn tay ấn xuống ván trong tư thế nằm sấp để tấm ván hơi chìm xuống nước cho các lớp sóng xuyên qua giữa cơ thể và tấm ván để dễ dàng di động.