Theo báo SGGP, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, có 1 ngôi làng được cư dân địa phương gọi là "làng đi bộ". Đó là làng Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc. Ở đây có 32 gia đình cư dân sống hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, không điện, không đường... quanh năm đi bộ trên cát. Muốn đến làng này, chỉ có một cách duy nhất làđi bộ. Báo SGGP ghi nhận thực trạng đời sống của dân làng này qua đoạn ký sự như sau.
Lên đò ngang để qua cửa biển Cảnh Dương, mất nửa cây số nhảy xổm trên những tảng đá nhô ra biển, phóng viên mới lần được lối đi bằng phẳng ven triền núi và phải mất thêm 4km đi bộ mới đến được Cù Dù. Thôn Cù Dù có 32 gia đình với 198 người, trước mặt là biển, sau lưng là núi Vĩnh Phong. Nơi đây không có điện, cũng chẳng có đường, người dân đi trên cát và băng qua núi cao chót vót tạo thành đường mòn. Cụ Nguyễn Hàn (87 tuổi) cho hay, từ ngàn xưa người dân đã làm ăn và sinh sống trên mảnh đất này.
Sau 1975, hàng chục gia đình cư dân từ các xã Vinh Hiền, Vinh Mỹ... đến đây lập làng. Từ đó đến nay, người dân thôn Cù Dù cứ ẩn mình dưới chân núi Vĩnh Phong, làm ăn và sinh sống, quanh năm đối mặt với gió biển... Ông Hàn tâm sự: "Hiện trong thôn không có một chiếc xe đạp nào. Mà có xe cũng không thể đi được do không có đường mà đi. Thời gian trước, ở đây cực không thể chịu nổi, người dân chủ yếu ăn sắn độn cơm. Ngày lao động trồng lúa nước, đêm về phải đi trồng sắn ở các nương rẫy, chặt củi rồi đi bộ ra chợ Vinh Hiền cách thôn hơn 10km để bán. Kiếm đủ miếng ăn gian khổ lắm. Nhiều người chịu không nổi, phải bỏ làng ra đi. "
Cuộc sống khó khăn nên thanh niên mới lớn đều tìm vào Sài Gòn làm nghề may... Ở lại thôn chỉ còn người già và trẻ em. Ngay cả bây giờ, những đứa trẻ lớn 10-12 tuổi, khi theo bố mẹ lên đường lộ, thấy xe ô tô, xe máy thì có đứa cứ mải mê ngắm nhìn, có em hoảng quá òa khóc... Mỗi lúc trong thôn có người ốm nặng, mọi người thay nhau gánh bệnh nhân vượt rừng đến bệnh viện, nếu không thì nhờ đồn biên phòng đóng ở biển Cảnh Dương sang giúp.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, mong ước lớn nhất của người dân Cù Dù là làm sao có con đường để đi lại giao lưu trong vùng, có điện để thắp sáng... nhưng xã chưa giúp được, người dân thì làm chẳng đủ ăn, họ không thể có tiền bỏ ra để làm đường.