Bà Pauline Hanson lại sắp sửa gặp khó khăn với pháp luật vì đã "rửa" tiền từ quỹ của đảng sang một trương mục riêng.
ĐẦU ĐUÔI CỚ SỰ
Câu chuyện được bắt đầu tố giác trước công luận qua bài báo của ký giả nghị trường Glen Milne đăng trong tờ Sunday Mail hôm Chủ Nhật 27/4/2008 vừa qua.
Bài báo nói rằng bà Hanson đã chuyển $202,440 đô la do Ủy Hội Bầu Cử Úc Châu (Australian Electoral Commssion - AEC) ký thác vào trương mục của đảng Pauline’s United Australia Party sang một trương mục khác do chính bà và một người bạn thân là bà Bronwyn Boag điều hành.
Số tiền nói trên là phần lớn của $213,095 đô la được ấn định theo số phiếu mà bà Pauline đã gặt hái được trong kỳ bầu cử Thượng Viện Liên Bang hồi tháng 11 năm ngoái. Theo luật định về bầu cử ở Úc thì nếu một ứng cử viên nào đạt được từ 4% số phiếu trở lên, cá nhân đó (nếu là ứng cử viên độc lập) hay đảng của người đó (nếu ứng cử với tư cách đại diện của một đảng phái) sẽ được trả $2.10 cho một phiếu.
Tổng số tiền $213,095 được AEC trả làm 2 kỳ: lần đầu là $202,440.72 (tức 95% tổng số) vào ngày 17/12/2007, và lần thứ nhì, $10,654.77 vào ngày 9/1/2008.
Ký giả Glen Milne cho biết, trong một cuộc điện đàm được thu âm với ông Graham McDonald, thủ quỹ của đảng Pauline Hanson's Unites Australia Party (PHUAP), bà Hanson nhìn nhận bà đang giữ quyền kiểm soát số tiền đó bất chấp lời khuyến cáo của ông McDonal là bà làm như vậy là sai.
Ngân hàng liên hệ từ chối, không giải thích lý do tại sao bà Hanson lại có thể chuyển tiền sang một trương mục khác, trong khi họ cần phải có 2 trong 3 chữ ký của bà Hanson, ông McDonald (thủ quỹ) và vợ ông, bà McDonald (thư ký).
Ông McDonald tuyên bố "Tôi rất thất vọng. Trong suốt kỳ vận động tranh cử, bà ta gần như không làm gì hết. Nếu bà ta không ra ứng cử nữa, số tiền đó sẽ đi về đâu" Tôi có cảm tưởng bị đâm sau lưng. Chúng tôi đã trả hầu hết các hóa đơn rồi. Do đó, khi nghe bà ta nói là (lấy số tiền đó) để trả chi phí, thì tôi không biết là những chi phí gì. Đưa tôi xem biên nhận đi, tôi sẽ hoàn trả tiền lại cho. Tôi chưa thấy bà ta đưa ra một biên nhận nào hết".
BÀ HANSON CHỐNG CHẾ
Trong khi đó, bà Hanson nói rằng bà và bà Bronwyn Boag (ứng cử viên Tượng Viện của đảng One Nation ở Tasmania) đã chuyển số tiền sang một trương mục khác vì nguyên thủy, AEC đã ký thác số tiền vào một trương mục sai lầm. Tuy nhiên, sau đó, một phát ngôn viên của AEC đã bác bỏ lời cáo buộc này.
Dầu vậy, bà Hanson vẫn một mực nói rằng bà không có làm điều gì sai trái. Bà nói: "Tôi đã làm việc rất cực nhọc và sẽ không để một ai kiểm soát số tiền này hết. Bronwyn Boag là đại diện của đảng. Bà ta đề cử trương mục để số tiền được ký thác vào. Có vậy thôi. Tôi chưa rút một đồng xu nào ra khỏi trương mục này hết. Các hóa đơn của tôi vẫn còn nằm đây".
Xong bà Hanson gợi lại kinh nghiệm chua cay năm cũ: "Tôi đã từng bị đi tù về những lời cáo buộc láo khoét. Có ai thật lòng tin rằng tôi muốn để chính quyền có cơ hội để bắt giam tôi một lần nữa chăng""
PHẢN ỨNG CỦA GIỚI HỮU TRÁCH
Trước hết, báo Courier-Mail số ra ngày thứ Tư 30/4/2008 cho biết hồ sơ của Ủy Hội Bầu Cử Úc Châu cho thấy chính bà Bronwyn Boag đã ký tên trong một tờ đơn để Ủy Hội này ký thác số tiền vào trương mục của đảng PHUAP. Như vậy tức là không có sự ký thác lầm lẫn nào từ AEC như lời bà Pauline Hanson nói.
Điều tiết lộ này đã làm cho các đảng viên của PHUAP rất căm phẩn và họ sẽ nộp một đơn khiếu nại chính thức với cảnh sát liên bang Úc Châu.
Trong khi đó, Bộ Trưởng Đặc Biệt John Faulkner cũng đã yêu cầu Ủy Hội Bầu Cử mở cuộc điều tra.
Nhưng bị áp lực mạnh mẻ nhứt từ sự kiện này có lẽ là chính phủ của Thủ Tướng Kevin Rudd vì phải lo việc thay đổi luật lệ bầu cử sao cho các ứng viên thất cử không thể kiếm lời vỏn vẹn bằng cách ghi tên mình ra tranh cử. Trong tháng tới, Bộ Trưởng John Faulkner sẽ đệ trình trước Quốc Hội một dự thảo luật đòi hỏi các ứng cử viên phải xuất trình biên nhận, ghi rõ chi tiêu vào lúc nào và cho đề mục gì lúc tranh cử, trước khi chính phủ xuất quỹ tiền thuế của dân để trả lại cho họ.
Dự luật này sẽ còn giảm mức hiến tặng cho một đảng chính trị mà không cần phải khai báo từ $10,000 đô la xuống còn $1,000 đô la; và cấm ngặt việc nhận tiền hiến tặng từ nước ngoài.
Ngoài ra, đến tháng 7, chính phủ sẽ công bố dự luật về việc khai báo tất cả các số tiền hiến tặng cho đảng phái chính trị.
Đây là một việc làm tốt và cần được chấn chỉnh ngay vì kinh nghiệm từ bà Pauline Hanson trong 2 kỳ bầu cử vừa qua cho thấy, hễ có một kẽ hở là y như rằng. các ứng cử viên sẽ tận tình khai thác.
Phố Nắng: Ra Mắt Sách "Đóa Hồng Gai" tại Brisbane - Phóng viên Phố Nắng
Thứ Bảy 03/05/08, lúc 2 giờ chiều, khoảng 200 đồng hương đã đến tham dự buổi ra mắt sách Đoá Hồng Gai của nữ cựu tù nhân chính trị Nguyễn Thanh Nga.
Khác với những buổi sinh hoạt trước đây, lần này ghế dành cho người tham dự được xếp thành hình vòng cung, theo chiều ngang của hội trường. Sân khấu là một bục gỗ cao khoảng 2 tấc, trên đó đặt một cái bàn dành cho diễn giả có trải khăn bàn trắng, với một chậu hoa hồng và hoa cẩm chướng. Trên bức tường, phía sau bàn là một lá đại kỳ VNCH hết sức to lớn. Hai bên bục là hai giá cờ Úc & Việt. Bên trái của sân khấu là bục dành cho MC và những người phát biểu ý kiến.
Một biểu ngữ với hàng chữ "Ngày phát hành hồi ký 'Đoá Hồng Gai'của nữ cựu tù nhân chính trị Nguyễn Thanh Nga", trên đó có hình bìa của cuốn sách và chân dung của tác giả, được căng trên tường của Hội trường, bên trái của sân khấu.
Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm là phần sơ lược về tác giả và tác phẩm do BS Nguyễn văn Hoàng, trưởng ban tổ chức, trình bầy.
Tiếp theo, BS Nguyễn văn Hoàng đã giới thiệu ông Võ Đại Tôn, người khách danh dự của buổi ra mắt sách và cũng là nguời anh đỡ đầu của tác giả, lên nói về đề tài những tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản VN và giới thiệu tác phẩm Đoá Hồng Gai.
Sau phần phát biểu của ông Võ Đại Tôn, cô Nguyễn Thanh Nga, tác giả Đoá Hồng Gai đã xuất hiện ở cửa hội trường, trên chiếc xe lăn. Mọi người đều đứng lên để chào đón cô với những tràng pháo tay vô tận.
Sau khi cám ơn ban tổ chức, cô Nguyễn Thanh Nga đã tâm tình cùng đồng hương. Cô nói về sự tàn ác của chế độ cộng sản, về ước muốn của cô cho quê hương dân tộc.
Tiếp theo phần nói chuyện của tác giả Nguyễn Thanh Nga là phần phát biểu của BS Bùi Trọng Cuờng, Chủ tịch Cộng Đồng NVTD-Qld, LM Chánh xứ Inala Vũ Đình Tường, Ông Trần Hưng Việt, trưởng ban phát thanh Việt ngữ đài 4EB, Ông Nguyễn Kim Đĩnh, đại diện Hội Cựu Quân Nhân-Qld, Bà Nguyễn Từ Hương Thủy, đại diện Hội Phụ Nữ Việt Nam-Qld, Bà Vũ thị Kim Oanh, đại diện cho Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức-Qld và Gia Đình Phụ Nữ Võ Khoa Thủ Đức-Qld, Cô Nguyễn Mỹ Linh, đại diện Đoàn Thanh Thiếu Niên Cư An Tư Nguy-Qld.
Sau phần phát biểu của các vị đại diện Cộng Đồng, tôn giáo và các hội đoàn, là phần tâm tình và trao đổi giữa tác gỉa Nguyễn Thanh Nga cùng đồng hương. Chúng tôi ghi nhận có rất nhiều người phát biểu cũng như đặt câu hỏi với cô Thanh Nga. Đặc biệt thắc mắc của một cô bạn trẻ là tại sao người Việt tỵ nạn chúng ta không tìm cách đối thoại với người cộng sản trong nước để cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng đất nước Việt Nam đã tạo nên sự tranh luận khá sôi nổi.
Buổi ra mắt sách chấm dứt lúc 4 giờ 45 chiều.