Sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc biệt tại San Jose VINH DANH CỤ BÀ TRÙNG QUANG VÀ CÁC VỊ VĂN THI SĨ LÃO THÀNH1. Hai bé thơ tặng hoa, chúc mừng cụ bà Trùng Quang cùng quí vị Học giả Phan Viết Phùng, nhà nghiên cứu Đặng Cao Ruyên, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh và Giáo sư Lưu Khôn.
San Jose (VietPress USA): Trên 200 quan khách, báo chí truyền thông, văn nghệ sĩ, thi nhân đã tham dự Buổi Sinh Hoạt Vinh Danh Văn Thi Sĩ Tiền Bối do Thi Văn Đoàn Bốn Phương tổ chức từ 2:00pm đến 6:00pm chiều Chủ Nhật 04-5-2008 vừa qua tại Trung Tâm Vivo, 2260 Quimby Road, San Jose, CA 95122.
Mở đầu, MC Mạnh Hùng đã mời nhà thơ Hoàng Ngọc Văn điều khiển nghi thức Chào Cờ Hoa Kỳ, VNCH và phút mặc niệm. MC Mạnh Hùng, cô Ngọc Thủy và nhà thơ Trần Việt Yên giới thiệu quan khách. Thi sĩ Đông Anh đã tuyên bố lý do buổi Sinh Hoạt đặc biệt vinh danh các cụ ông, cụ bà văn thi sĩ cao niên từ 80 tuổi trở lên vì các đóng góp lớn lao của họ trong nền văn học Việt Nam tại quê nhà trước đây và tại hải ngoại hiện nay.
Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh tuyên bố khai mạc Lễ Vinh Danh và đọc bài thơ ngắn của ông sáng tác để tặng các Văn Thi Sĩ Tiền Bối hiện diện. Hai MC Mạnh Hùng và Ngọc Thủy thay nhau điều hợp chương trình. Nữ Thi Sĩ Cao Mỵ Nhân giới thiệu cụ bà nữ sĩ Trùng Quang. Giáo sư Diệu Tần giới thiệu Học giả Phan Viết Phùng. Trong khi đó Nhà Thơ Trường Giang đã giới thiệu nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, bình luận gia của Việt Báo. Ông Khánh năm nay đã 86 tuổi, trước 1975, là Tổng Thư Ký Việt Tấn Xã, và giảng dạy về báo chí chuyên nghiệp tại các đại học Sàigòn và Đà Lạt. Nhà thơ Đông Anh giới thiệu nhà nghiên cứu tên tuổi Đặng Cao Ruyên. MC Mạnh Hùng giới thiệu Giáo sư Lưu Khôn. Nhà thơ Trần Việt Yên giới thiệu cuộc đời và các thi phẩm của nhà thơ Dương Huệ Anh, và đặc biệt, buổi lễ đã trang trọng vinh danh vị tác giả cao niên nhất còn tiếp tục sinh hoạt văn học hải ngoại là cụ bà Trùng Quang, 97 tuổi.
Nhân dịp này, Thi Văn Đoàn Bốn Phương đã giới thiệu ra mắt tuyển tập truyện ngắn của 11 tác giả nữ văn thi sĩ gốc Việt định cư tại hải ngoại thuộc nhiều quốc gia khác nhau sáng tác. Tuyển tập mang tựa đề “Bóng Cờ Nương Tử” do cụ Trùng Quang chủ trương xuất bản.
2. Phái Đoàn Việt Báo chúc mừng nữ sĩ Trùng Quang. Từ tái: Tài Tử Kiều Chinh đang phát biểu, Ký giả Hạnh Dương, Nữ sĩ Nhã Ca, Cụ bà Văn Thi Sĩ Trùng Quang đang ngồi, Thi sĩ Trần Dạ Từ (Ảnh Trương Xuân Mẫn). |
Trong phần chính vinh danh nữ sĩ Trùng Quang, nhà báo Bội Hương, chủ nhiệm Tuần báo Phụ Nữ Cali, đã phát biểu như sau : “Cụ bà Trùng Quang sinh ngày 1-1-1912 tại miền Bắc Việt Nam. Ngay từ những năm của thập niên 40 cụ đã là một phụ nữ tiền phong trong các phong trào thanh niên, sinh viên hoạt động xã hội. Năm 1951 cụ thành lập Hội Phụ Nữ Tương Tế, là hội phụ nữ Việt nam đầu tiên giúp chị em phụ nữ học tiếng Việt, Pháp, Anh, Nhật ngữ. Năm 1952, Nam Phương Hoàng hậu chọn ngày Lễ Hai Bà Trưng làm ngày Phụ Nữ. Từ 1944 tới 1954, cụ Trùng Quang là một trong những bậc nữ lưu tiền phong, nổi tiếng thời 1953, 1954 tham gia các công tác hoạt động văn hoá giáo dục, xã hội cứu trợ đồng bào bị nạn đói . Cố Tổng Thống Nixon, hồi còn la Thượng Nghị sĩ , đến thăm Hà Nội đầu thập niên 1950 đã từng đến gặp cụ để thăm hỏi về việc cụ giúp đỡ đồng bào tản cư vào các thành phố.
Tại Hà Nội, cụ là Hiệu Trưởng sáng lập trường Nữ Công Việt Nữ. Di cư vào Nam từ 1954, cụ là Hiệu Trưởng trường Phương Chính , giảng dạy về Việt ngữ, sinh ngữ và nữ công. Cụ là người chủ trương phụ nữ Việt nam phải tiến bộ, văn minh trong vòng lễ giáo. Cụ cũng là người khai sáng ngành mỹ nghệ làm búp bê Việt Nam với kỹ thuật du nhập từ Nhật và Au Châu.
Về sinh hoạt văn học nghệ thuật, cụ là người đã có những tác phẩm thơ, văn, kịch bản phổ biến từ hơn nửa thế kỷ qua.Đầu thập niên 1960, cụ gia nhập thi đàn Quỳnh Giao ở Sài Gòn, một thi đàn gồm các bậc nữ lưu tên tuổi, phẩm hạnh như niên trưởng Cao Ngọc Anh, là ái nữ cụ Cao Xuân Dục, một vị quan triều Nguyễn. Ngoài ra còn rất nhiều tác giả danh tiếng đã tham dự các sinh hoạt văn học do cụ khởi xướng. Nhiều nghệ sĩ trình diễn tài ba , như nữ nghệ sĩ Kiều Chinh cũng là học trò của cụ hoặc có người được cụ dẫn dắt lên sân khấu lần đầu. Do những hoạt động hăng say của cụ trong nhiều lãnh vực, cụ đã được tưởng thưởng Huân Chương Văn Hóa Giáo Dục, Kinh Tế bội Tinh và Lao Động Bội Tinh.
Sau biến cố đau thương của đất nước, Cụ vượt biển tới Au Châu và định cư tại Hoa Kỳ từ 1979. Lúc này mặc dù tuổi đã cao (trên 80), cụ vẫn còn cắp sách trở lại trường Đại học. Cụ là nữ sinh viên cao tuổi nhất tiểu bang California và hằng ngày vẫn thường xử dụng xe bus để đi học tại trường Evergreen, San Jose. Chỉ ở lãnh vực này cụ đã là tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ đàn em và con cháu về tinh thần cầu tiến và hiếu học.
Ngoài ra cụ vẫn tiếp tục sinh hoạt văn học nghệ thuật và không ngừng sáng tác. Trước năm 2000, cụ vẫn thỉnh thoảng hội thơ ở căn nhà hiện tại, gồm các vị cao niên ở San Jose và vài thành viên Quỳnh Dao cư ngụ trong thành phố, cùng nhau hội thơ, bình văn và xướng họa. Năm 2002 , giải thưởng do Việt Báo tổ chức: Viết Về Nước Mỹ đã vinh danh tác giả Trùng Quang, với bài viết “Tôi đi tìm Tự Do, Dân Chủ” để “hưởng ứng việc cổ võ bà con ta cùng viết lại trang sử của chính cộng đồng mình”. Năm đó cụ đã 90 tuổi.
Hai năm sau (2004), khi đã 92 tuổi, cụ đã tổ chức việc biên tập và ấn hành sách bình giảng về áng hùng văn bất hủ của dân tộc là “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi. Và gần đây nhất năm 2006 cụ chủ trương mời các cây bút phụ nữ cùng viết chung và đã cho ấn hành tác phẩm Bóng Cờ Nương Tử – Tuyển tập I ,quy tụ 11 cây viết nữ gồm có Diệu Hân, Cỏ May, Nguyễn Thị Nhung, Trần Thanh Ngọc, Nam Mai, Lê Xuân, Cao Mỵ Nhân, Hoàng Mai, Phương Chính, Mai Thị Trâm. Các tác giả góp mặt trong tác phẩm này ở khắp nơi như Anh, Pháp , Canada, Uc và Mỹ. Trong đó có một trong những cây viết nữ nổi tiếng là nhà thơ Cao Mỵ Nhân hiện ở Nam Cali. Với nhiều tác phẩm đã được in ra của bà như: Ao màu xanh, Thơ Mỵ, Đưa người tình đi tu, Sau cuộc chiến v....v...Và Cao Mỵ Nhân cũng là tác giả trẻ tuổi nhất góp mặt trong tuyển tập “Bóng Cờ Nương Tử”
Ngoài ra Cụ còn tham gia nhiều thi văn đoàn như : Thi văn đoàn Lạc Việt, Thi văn đoàn Bốn Phương, Hội Văn Bút và làm cố vấn cho nhiều hội đoàn Văn Hóa Nghệ Thuật.
Cụ Trùng Quang mặc áo lụa màu vàng, tóc bạc bới cao và khuôn mặt hiền từ, đã được mời lên sân khấu, nhận lời chúc mừng của nhiều thế hệ văn chương. Thị Trưởng Thành Phố Milpitas là ông Jose Esteves đã vinh danh cụ Trùng Quang và trao tặng cụ Bằng Vinh Danh của Thị Trưởng và Hội Đồng Thành Phố Milpitas. Ông Thị Trưởng Milpitas cũng tặng một Bằng Vinh Danh nhà báo, nhà bình luận lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh vì các công lao đóng góp cho nền báo chí Việt Nam trước đây tại Sài-gòn và hiện nay tại hải ngoại. Nhà báo Sơn Điền cũng nhận thêm bó hoa hồng do một độc giả của Việt Báo là Chiêm Tinh Gia Huyền Linh Tử trao tặng.
Phái đoàn Việt Báo tới từ Nam Cali gồm nhà văn Nhã Ca, Chủ Nhiệm, nhà Thơ Trần Dạ Từ; Nữ Tài Tử Kiều Chinh đã cùng ký giả Hạnh Dương tặng hoa cụ Trùng Quang. Trong phần phát biểu, nữ tài tử Kiều Chinh –một trong những diễn viên trong vở kịch do cụ Trùng Quang dàn dựng trên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước- đã kể lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ được cô giáo Trùng Quang thương yêu dạy bảo.
Nhiều nhà thơ, nhà văn đã lên đọc những bài thơ tặng nữ sĩ Trùng Quang. Theo đề nghị của nữ sĩ Trùng Quang, nhân mùa Lễ Hội Mẹ đang tới, nhạc sĩ Huyền Anh -tác giả ca khúc nổi tiếng “Tấm Thẻ Bài”, và mới đây nhạc phẩm “Trả Cho Tôi Little Saigon”- đã hát tặng nhạc phẩm mới sáng tác mang tựa đề “Mẹ Việt Nam Của Tôi”.
Chương trình Vinh Danh Văn Thi Sĩ Tiền Bối đã được Truyền Hình NewLand TV cho phát hình vào lúc 6:30pm ngày Thứ Hai 05-5-2008 vừa qua trên Comcast Cable, Channel 30 và rất được khán thính giả khắp nơi hoan nghênh.