Hôm nay,  

Alan Greenspan Và Cuốn “The Age of Turbulence”

09/10/200700:00:00(Xem: 6692)

Ông Alan Greenspan là một người Mỹ độc đáo, do sự nghiệp đưa đẩy. Ông được tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm vào chức vụ Thống đốc Ngân hàng Dự Trữ Trung ương Hoa Kỳ (Federal Reserve Bank gọi tắt là “Fed”) tháng 8 năm 1987 và rời chức vụ tháng Giêng, 2006. Ngân hàng Dự Trữ Trung ương là một ngân hàng nhà nước nhưng hoạt động độc lập, nhiệm vụ chính là điều hành sự  lưu thông của tiền tệ để canh chừng nạn lạm phát (lạm phát là sự tăng vọt giá cả do lượng tiền bạc lưu thông dồi dào hay khả năng mua sắm của dân chúng suy giảm do nợ quá nhiều). Lạm phát là mối đe dọa chính của nền kinh tế của một quốc gia.

Từ khi ông Alan Greenspan giữ chức vụ thống đốc, các vị tổng thống, các lãnh tụ quốc hội hay các quan chức trong ngành tư pháp không ai cố vấn ông phải làm gì (tăng hay giảm lãi xuất trước một vấn nạn tài chánh). Chỉ ông và các phụ tá của ông lấy quyết định sau khi cân nhắc các dữ kiện kinh tế quốc gia . Ông Alan Greenspan đã làm nhiệm vụ của ông một cách hoàn hảo, và ông chưa hề bị báo giới hay quốc hội phê bình thiên vị trong quyết định. Ngoại trừ hiện nay có dư luận chỉ trích ông đã để cho lãi xuất ngân hàng thấp quá lâu và là nguyên nhân của nạn nhà cửa đang xuống giá.

Sau 18 năm trong nghề ông Alan Greenspan được tiếng kín đáo, và đã giúp nền kinh tế Hoa Kỳ vượt qua những cơn khủng hoảng. Sự kín đáo là điều tối cần thiết trong nghề nghiệp của ông. Cái khó của ông là bà vợ Andrea Mitchell, trẻ hơn ông 20 tuổi, lại là một nhà báo nổi tiếng phụ trách tin tức về đối ngoại của đài truyền hình NBC. Trong các cuộc điều trần trước quốc hội ông cũng cần cân nhắc lời nói để không ai có thể đoán ông nhìn nền kinh tế như thế nào. Nếu Ngân hàng Trung ương sắp tăng (hay hạ) lãi xuất mà người ta biết được thì sinh hoạt kinh tế sẽ bị rối loạn do những hành động của giới đầu tư để hưởng lợi.

Sư kín đáo giúp ông Alan Greenspan thành công sau 18 năm ở chức vụ là dấu ấn của ông Alan Greenspan. Khi nghỉ hưu ông đã 80 tuổi nên người ta khá ngạc nhiên khi ông cho xuất bản cuốn sách “The Age of Turbulance: Adventures in a New World” dày hơn 500 trang. Đã bao năm vì nhiệm vụ đối với đất nước ông đã làm việc trong âm thầm, và nếu ông tiếp tục âm thầm, huyền thoại Alan Greenspan sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ, và sẽ sống mãi như sự tồn tại của các thư viện của các vị tổng thống Mỹ sau này.

Ông cho ra sách, và vì nhu cầu quảng cáo ông phải xuất hiện trả lời những buổi phỏng vấn và do đó huyền thoại của Alan Greenspan không còn nữa. Với sự kính trọng ông người ta không nói ra (nhưng ai chắc cũng nghĩ giống nhau) rằng ông ra sách lật ngữa lá bài của đời ông là vì cái giá 8 triệu mỹ kim nhà xuất bản The Penguin trả cho ông để mua bản quyền cuốn sách. Nếu nhà xuất bản The Penguin không trả giá cao như vậy chắc gì ông Alan Greenspan đã chịu bán cái huyền thoại quý báu của mình, một thứ huyền thoại mà một vị tổng thống Hoa Kỳ nào đó chưa chắc mua được. 

Nhà xuất bản The Penguin chỉ đòi một điều kiện là ông Alan Greenspan không biến cuốn  sách của ông thành một cuốn sách về lý thuyết kinh tế, mà là một cuốn sách kinh tế bình dân ai cũng có thể đọc được. Ông Alan Greenspan đã thành công về mặt này, và cuốn “The Age Of Turbulance: Adventures in a New World” quả là một cuốn sách đơn giản và lôi cuốn.

Cuốn sách miêu tả đời sống của một người Mỹ bình thường sinh ra và lớn lên tại vùng Washington Heights của Manhattan trong một gia đình trung lưu trải qua mọi thăng trầm của đất nước. Ông học thổi nhạc Jazz với Saxophone hy vọng thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng số phận đưa đẩy ông trở thành một nhà kinh tế. Nhờ cặp mắt biết dùng người của tổng thống Reagan, năm 1987 ông được bổ nhiệm vào chức vụ Thống đốc Ngân hàng Dự Trữ Trung ương Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ 18 năm của ông Hoa Kỳ trải qua 3 cuộc khủng hoảng kinh tế: thị trường chứng khoáng sụt năm 1987 (chỉ hai tháng sau khi ông được Thượng viện phê chuẩn), kinh tế suy thoái đầu thập niên 90s và sự tiêu điều của nước Mỹ sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Cả ba lần ông đều bình tỉnh chèo chống giữ cho nền kinh tế Hoa Kỳ đứng vững trên đôi chân, không hốt hoảng, không hấp tấp và quan trọng nhất là không tiết lộ những gì ông tính toán trong đầu để cho các nhà đầu tư và chính khách không ai có thể khai thác. Trong dịp khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 90s tổng thống Bush (lớn) vừa gián tiếp gợi ý vừa chờ đợi ông nhanh chóng cắt giảm lãi xuất ngân hàng nhưng ông đã không làm như tổng thống Bush muốn.

Khi bàn đến nhân sự trong cuốn sách ông Alan Greenspan rất thẳng thắng dù không khí chính trị Hoa Kỳ còn là một không khí phe đảng. Ông cho tổng thống Clinton là người nắm vững các vấn đề kinh tế và đã có ý làm giảm thâm thủng ngân sách quốc gia ngay vào những ngày đầu vừa đắc cử chưa tuyên thệ nhậm chức, và ông cho đương kim tổng thống George Bush là người không có chính sách tài chánh, hoặc không hiểu gì về kinh tế tài chánh, đã  ký ban hành ngân sách bừa bãi để tưởng thưởng quốc hội do hai ông Dennis Hastert và Tom Daly kiểm soát trong một thời gian dài làm cho ngân sách quốc gian thâm thủng, nhất là sau khi phải chi tiêu cho cuộc chiến tranh Trung đông. Việc phê bình này rất tế nhị, mặc dù hai ông Clinton và Bush không còn ra tranh cử bất cứ chức vụ nào nữa. Nhưng bà Hillary Clinton, vợ ông Clinton đang dẫn đầu cuộc chạy đua để được đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống, trong khi ông Bush hơn một năm còn lại ở chức vụ tổng thống có nhiệm vụ củng cố thế đứng của đảng Cộng hòa. Trong không khí đó sự phê bình của ông Alan Greenspan không thể nói không có ảnh hưởng chính trị. Nhưng có thể ông Alan Greenspan không có mục đích chính trị bênh đảng này bỏ đảng kia mà chỉ muốn nói lên lời trung thực để may ra giúp ích lâu dài cho các chính sách kinh tế tài chánh tương lai dù đảng nào nắm tòa Bạch Ốc. Thâm thủng ngân sách quốc gia nghĩa là phải vay mượn các nước khác để chi tiêu (Brazil, Nhật, Anh, Trung quốc …) thì trước sau cũng phải trả, không thế hệ này thì thế hệ sau.

Phần thứ hai cuốn sách ông Alan Greenspan đi vào các vấn đề kinh tế thế giới và ông đã hiến cho người đọc cái nhìn của ông về nước Nga, nước Tàu, Nam Mỹ, Liên hiệp Âu châu, các đại công ti, vấn đề dân số, sự chênh lệnh giàu nghèo trên thế giới, vấn đề năng lượng … Ông nhìn sự việc tương lai không dưới tầm mắt của một “con mọt sách” mà bằng sự tò mò tìm tòi để tìm ra những ẩn số sau lưng những biến chuyển kinh tế vốn không có tính thuần túy khoa học. Kinh tế do phản ứng của con người và không ai đoán trước được. Ông Alan Greenspan đã đem kinh nghiệm của chính ông để đoán định tương lai của thế giới con người.

Ông phát họa một bức tranh khá lạc quan của thế giới vào khoảng năm 2030. Ông tin rằng trước ngõ bí con người sẽ biết tìm cách giải quyết những vấn đề trước mắt để sống còn. Có thể ông Alan Greenspan đã quá lạc quan vì hình như các định chế luật pháp giúp con người giải quyết các vấn đề của con người không còn chạy theo kịp đà suy thoái của đạo đức con người trên toàn thế giới. Thế giới càng ngày càng nhiều mỹ từ nhưng khuôn mặt của thế giới càng ngày càng ít đẹp (cũng như mỹ phẩm càng ngày càng nhiều nhưng các bà dùng nó có đẹp hơn đâu mà chỉ càng ngày càng không giống ai!). Các định chế chính trị xưa nay được xem là vững chắc cũng đang có dấu hiệu băng hoại, và các định chế tôn giáo –tất cả tôn giáo – cũng càng ngày càng trở nên lỏng lẻo.

Điều làm độc giả ngạc nhiên nhất là ông Alan Greenspan đã không tránh né điều mà các chính trị gia tránh né. Ông nói rằng cuộc chiến Iraq là một cuộc chiến đáng buồn nhưng bản chất nó là một cuộc chiến vì dầu hỏa, và rằng đến một lúc nào đó dầu hỏa vẫn sẽ là một vấn nạn của hòa bình trên thế giới (1)

Trong các dự đoán của ông Alan Greenspan về tương lai của các quốc gia, chương 14: “The Choices that await China” (Những chọn lựa của Trung quốc) từ trang 294 đến trang 310 là chương đáng đọc nhất. Vì nhiều lý do: Trung quốc là đối tượng tranh cấp tương lai với Hoa Kỳ; Trung quốc là khuôn mẫu của Việt Nam hôm nay và từ những suy nghĩ và hành động của các nhà lãnh đạo Trung quốc (theo nhãn quan sắc bén của ông Alan Greenspan) chúng ta có thể hiểu được phần nào tại sao các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang suy nghĩ như họ đang suy nghĩ.

Tôi tạm ghi lại những điểm chính của chương đó để kết thúc bài viết của tôi về cuốn sách “The Age of Turbulence: Adventures in a New World” của ông Alan Greenspan.

Tôi nghĩ những gì ông viết sẽ ảnh hưởng không ít đến chính sách tương lai của Hoa Kỳ đối với Trung quốc và Việt Nam.

 “Với tư cách Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Hoa Kỳ tôi thăm Trung quốc lần cuối vào tháng 10 năm 2005. Ông Chu Dung Cơ, thủ tướng hồi hưu và vợ ông, bà Lao An có nhiệm vụ tiễn chân tôi trong một bữa cơm chiều tại nhà hàng sang trọng Diaoyutai tại Bắc Kinh dành cho quốc khách. Cung cách và nội dung nói chuyện của ông Chu Dung Cơ không có vẻ gì ông đã nghỉ hưu. Ông nắm vững và tỏ ra rất quan tâm đến các vấn đề quốc gia, và tôi có cảm tưởng tôi đang nói chuyện với một người tôi từng quen biết trong 11 năm qua khi ông đang còn là một khuôn mặt quan trọng trong chính quyền.

Chúng tôi bàn chuyện bất thăng bằng trong cán cân ngoại thương (giữa Mỹ và Trung quốc). Ông Chu biết mọi chi tiết nhỏ nhặt về vấn đề này và những khó khăn Trung quốc sẽ gặp phải.Trong quá khứ chúng tôi đã có dịp bàn về các vấn đề kinh tế như làm thế nào để bảo đảm an toàn kinh tế cho người thợ khi Trung quốc đóng cửa dần các công ty quốc doanh, làm thế nào để các ngân hàng Trung quốc làm việc một cách hữu hiệu, và làm thế nào để thị trường chứng khoán Trung quốc có thể hoạt động mà chính phủ khỏi nhúng tay vào. Câu chuyện sôi nổi và hữu ích, nhưng tôi buồn biết rằng đây là lần cuối chúng tôi có thể gặp nhau. Tôi biết và mến ông Chu hồi ông còn làm Phó thủ tướng đặc trách ngân hàng trung ương. Ông Chu là một nhà kinh tế có tài và thức thời, đã tiếp nối con đường của ông Đặng Tiểu Bình làm cho Trung quốc có một nền kinh tế hùng mạnh. Nhưng ông Chu không có căn bản chính trị trong quần chúng như ông Đặng. Cái thế của ông Chu là do sự tin cậy của ông Giang Trạch Dân (làm Chủ tịch nước từ 1993 đến 2003, và Tổng bí thư đảng cộng sản Trung quốc từ 1989 đến 2002).

Năm 1978 kinh tế Mácxít của thời Mao mang lại đói kém cho cả nước, chính quyền cộng sản phải bỏ chế độ hợp tác xã để cho dân tự do sản xuất và bán ra những gì muốn bán, dân bớt đói và kinh tế thị trường mặc nhiên được chấp nhận. Kinh nghiệm từ nông nghiệp được áp dụng vào kỹ nghệ và sự phát triển trong sản xuất kỹ nghệ ai cũng thấy, nhưng trong giới lãnh đạo chưa ai dám dùng danh từ “kinh tế tư bản” mà chỉ dè dặt dùng câu nói của ông Đặng rằng nền kinh tế của Trung quốc là nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung quốc” (socialism with Chinese characteristics). Và dù dùng cách nói gì những người lãnh đạo Trung quốc cũng thấy rằng kinh tế Mácxít đã thảm bại và kinh tế thị trường đã thành công. Không ai tranh luận về vấn đề này nữa.

Tôi đến Trung quốc lần đầu năm 1994 và sau đó thăm viếng thường xuyên. Tôi thấy Trung quốc thay đổi một cách choáng ngợp. Trung quốc là nước xài nhiều phẩm vật linh tinh (commodities) nhất trên thế giới. Sức mua sau khi điều chỉnh giá hối đoái (purchasing power parity) chỉ thua Hoa Kỳ. Trong thập niên 80s cả nước còn dùng xe đạp thế mà năm 2006 Trung quốc đã có khả năng sản xuất 6 triệu xe gắn máy. Cảnh trí trên đường phố vui nhộn với nhiều thứ áo quần mầu sắc sặc sỡ thay thế cho màu nâu sậm của chủ nghĩa xã hội của những năm đen tối trước kia. Người Tàu bắt đầu biết thú đi shopping như người Mỹ, và ngành quảng cáo (tối kỵ dưới xã hội chủ nghĩa) trở thành một nghề làm ăn phát đạt.

Chính sách sở hữu tài sản và đất đai cũng được thay đổi tuy rằng nói và làm có phần khác nhau. Tháng 3/2007 đảng cộng sản Trung quốc cho dân có quyền sở hữu tài sản và nhà cửa và có thể mua đi bán lại, nhưng chỉ là chỉ thị hành chánh chứ không có luật và tòa án để phân xử trường hợp có tranh chấp. Trong khi đó sở hữu về trí tuệ thì Trung quốc khai thác tối đa. Họ sao chép nhanh chóng các hiểu biết kỹ thuật do nước ngoài mang lại qua các công ty liên doanh.

Nói chung, khi làm việc với các giới chức phụ trách kinh tế Trung quốc, tôi thấy họ có ý tránh nhắc đến nguyên tắc kinh tế chỉ huy của “Marx”, ngoại trừ một lần tôi thảo luận với ông Lý Bằng, thủ tướng Trung quốc trước Chu Dung Cơ.

Lý Bằng là một người cộng sản tín điều. Ông ngồi im lặng nghe tôi thắc mắc tại sao Trung quốc không mở cửa thị trường một cách mau chóng hơn. Nghe xong ông hỏi tôi thế tại sao tổng thống Nixon lại ra lệnh kiểm soát giá cả và lương bổng năm 1971. Tôi ngạc nhiên nhưng thích thú với câu hỏi vì thấy ông ta có lý để bẻ sự thắc mắc của tôi. Tôi trả lời rằng tôi không cho kiểm soát giá cả là đúng, nhưng dù sao thì người lãnh đạo có quyền quyết định của họ và cấp dưới thì mình phải theo đường lối của chính phủ thôi. Cả hai chúng tôi hình như cũng đều đồng ý như vậy.

Tôi không có dịp nói chuyện với ông Lý Bằng sau đó. Tôi không biết ông nghĩ sao khi năm 2000 Trung quốc gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), và trước đó tôi đã nỗ lực vận động để quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận quy chế PNTR. Tôi nghĩ với quy chế PNTR và là thành viên của WTO cả Trung quốc và Hoa Kỳ đều có lợi vì thị trường to lớn của hai nước.

Một điểm đáng lưu ý khác là Trung quốc hội nhập văn hóa tây phương rất nhanh, thí dụ trò chơi golf, một trò thể thao được xem là của giới tư bản (không biết họ thật tâm thích hay có ý gì khác"). Sân golf mọc lên như nấm tại Trung quốc. Người Nga gần tây phương hơn nhưng họ chơi tennis chứ không chơi golf. Có tin đồn rằng hiện Trung quốc có nhiều ban đại nhạc tấu cổ điển hơn ở Hoa Kỳ, và ông Giang Trạch Dân nói với tôi ông thích nhạc cổ điển của Franz Schubert (có trời mới biết ông nói thật hay nói giỡn chơi!).

Tôi nghĩ chính sách perestroika (cải tổ hành chánh) và glasnost (cải tổ chính trị) của Mikhail Gorbachev là một trong những nguyên nhân làm chế độ Liên bang Xô viết sụp đổ nhanh chóng.Trước sức hấp dẫn của tư tưởng phóng khoáng sau bao năm dưới chế độ kềm kẹp của Stalin và đảng cộng sản, nhân dân Liên bang Xô viết vùng dậy và chế độ “hợp tác xã” xã hội chủ nghĩa của Liên bang Xô viết và các nước chư hầu không có chỗ đứng. Hiện nay đảng cộng sản Trung quốc đang kiểm soát gắt gao sự xử dụng internet có lẽ họ sợ bài học Liên xô tái diễn.

Năm 1994, khi thăm quảng trường Thiên An Môn, tôi nhớ nơi đây năm 1949 Mao đã khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, và chỉ mới năm năm trước quân đội Trung quốc đã bắn chết hàng trăm sinh viên vì đòi hỏi dân chủ, tôi cảm thấy con đường khó khăn Trung quốc đã trải qua và tự hỏi do đâu mà 1.3 tỉ người Trung hoa từ bỏ cái lý thuyết “Mácxít” hằn sâu vào đầu óc họ từ tuổi sơ sinh để tiến lên con đường kinh tế thị trường đầy hứa hẹn trước mắt. Cái bóng ma “Mácxít chỉ còn thấp thoáng nơi tấm hình của Mao trên những tờ giấy bạc Nhân dân tệ.

Đảng cộng sản Trung quốc đã làm một cuộc cách mạng, và trong 25 năm qua đã đem lại cơm áo cho nhân dân Trung quốc, và tự cho họ cái quyền chính thống cai trị nhân dân. Nhưng mang lại cơm no áo ấm chưa đủ chứng minh tính chính thống của một chế độ. Khi dân đã có đủ cơm áo họ còn cần những giá trị tinh thần khác nữa.

Vì thế, như một quy luật, trước sau gì cũng có mâu thuẫn giữa chủ thuyết cộng sản và dân. Sau bao năm không ai nhắc đến Mao và Marx, năm 2006 ông Liu Guoguang, một nhà kinh tế cộng sản già nua trên 80 tuổi đã cùng với giáo sư luật học Gong Xiantian của đại học Bắc Kinh lên tiếng mạnh mẽ phản đối chính sách của đảng định tu chính Hiến pháp chấp nhận quyền tư hữu. Quốc hội chới với trước sự phản đối này nhưng cuối cùng Hồ Cẩm Đào đã thắng và Hiến pháp đã được tu chỉnh vào tháng 3, 2007.

Đảng cộng sản Trung quốc rất khéo xử sự. Biết lý thuyết của Marx chủ trương tập trung phương tiện sản xuất trong tay nhà nước là sai lầm, vì chỉ tạo ra đói kém (qua hai tấm gương của Liên bang Xô viết và của chính đất nước họ, chưa kể Việt Nam trước 1986, Cuba, Bắc hàn …) nhưng họ không bao giờ lên tiếng chính thức chỉ trích.

Tại các nước Tây phương, những người trước kia tin vào chủ thuyết của Marx đã kịp điều chỉnh sai lầm bằng cách để cho tư nhân quản lý các phương tiện sản xuất. Chính quyền chỉ can thiệp để điều chỉnh khi nào cần thiết.

Ông Đặng Tiểu Bình thì “kính nhi viễn chi” lý thuyết của Marx và trong một thời  gian ngắn làm cho GDP của Trung quốc tăng lên gấp 8 lần, trẻ sơ sinh ít chết non và người Tàu sống lâu hơn, nhưng ông vẫn còn bám lấy vũ khí sau cùng là kiểm soát giá cả để duy trì quyền kiểm soát chính trị của đảng.

Có một câu chuyện nghe như chuyện khôi hài nhưng có thật. Trong thời bao cấp, một viên chức nhà nước có nhiệm vụ 5 giờ sáng mỗi ngày phải có mặt tại sở phân phối phẩm vật nông nghiệp cho dân chúng. Công việc của ông là quyết định ai được mua gì và giá cả bao nhiêu. Ông làm việc một cách công tâm như một người cộng sản tin vào chủ thuyết. Sau đó đến thời cải tổ, người bán và người mua mặc cả với nhau, ai chịu giá thì mua do luật cung cầu quyết định. Từ đó ông ta ngủ yên giấc không phải mỗi ngày dậy từ 4 giờ sáng. Thị trường tự vận dụng và làm việc thay ông, ông khỏe re và không thấy ai than phiền cả.

Tôi nghĩ trong bụng, không biết người đảng viên cộng sản này có biết qua kinh tế thị trường quyền hành của đảng ông càng ngày càng lỏng lẻo không. Quyền hành của đảng cộng sản phát xuất từ trên xuống dưới: Tổng bí thư, Bộ chính trị, Trung ương đảng …cứ thế theo lệnh mà làm không cần suy nghĩ. Nếu ở giữa có một cơ chế khác xen vào (như cơ chế thị trường quyết định giá cả) thì hệ thống quyền hành của đảng sẽ bị xoi mòn.

Người cộng sản biết rõ điều này. Ngày nay ông Hồ Cẩm Đào ít quyền hơn ông Giang Trạch Dân, ông Giang Trạch Dân ít quyền hơn ông Đặng Tiểu Bình, và ông Đặng ít quyền hơn ông Mao. Và cuối đường là gì nếu không là một nước Trung quốc dân chủ. Nhưng trên con đường đó người cộng sản Trung quốc còn gặp nhiều chướng ngại: trước hết là thành phần bảo thủ giáo điều; đại đa số dân chúng nông thôn chưa được chia sẻ những tiến bộ vật chất như dân thành phố; chưa được tự do rời khỏi làng mạc để kiếm việc; các cơ sở quốc doanh thua lỗ còn phải giải quyết; một hệ thống ngân hàng cổ lỗ; tham nhũng do cơ chế độc đảng; và thiếu tự do chính trị. Tự do chính trị tự nó không là một trở lực lớn trong sự phát triển kinh tế ngắn hạn, nhưng trong dài hạn tự do chính trị (đi theo là tự do ngôn luận) là xu báp giải tỏa bất mãn của quần chúng do bất công xã hội và sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Mỗi một vấn đề nêu trên đều có thể tạo ra hỗn loạn và Trung quốc khó có thể có phương thuốc ổn định như Hoa Kỳ đã có sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001.

Một điều đáng quan tâm là tuy Trung quốc sản xuất lớn nhưng hiểu biết kỹ thuật chính yếu do bên ngoài nhập vào, Trung quốc chỉ cung cấp đất để dựng cơ sở và nhân lực rẻ tiền. Ngay cả lĩnh vực máy điện toán người ta tưởng là một thành công lớn của Trung quốc thật ra cũng do kỹ thuật của Đài Loan. Tôi tin Trung quốc sẽ giải quyết vấn đề này qua sự giúp đỡ của Hồng Kông và làm cho hàng xuất cảng của họ có tính Trung quốc hơn. Khu kỹ nghệ Pearl River không phồn thịnh như bây giờ nếu không có bàn tay của Hồng Kông.

Năm 1997 khi Anh quốc trả Hồng Kông lại cho Trung quốc tôi không tin Hồng Kông sẽ tồn tại lâu dài như một vùng đất có một nền kinh tế tư bản. Nhưng chính sách Đặng Tiểu Bình hứa “một nước hai chế độ” đã thành sự thật và hôm nay Hồng Kông vẫn sinh hoạt như một quốc gia riêng biệt và là cửa ngõ giúp Trung quốc tiếp cận với thế giới tư bản.

Những người lãnh đạo Trung quốc rất quan tâm đến lạm phát. Nạn lạm phát phi mã vào cuối thập niên 40s đã giúp Mao chiếm Trung quốc năm 1949. Họ biết rằng lạm phát sẽ tạo ra nạn thất nghiệp ở các thành phố và rối loạn xã hội sẽ xẩy ra, và họ đã dùng luật để giữ giá trị của đồng Nhân dân tệ. Nhưng đó là một quyết định sai lầm và trước sau cũng trở thành một vấn nạn tài chánh của Trung quốc. Ngân hàng nhà nước của Trung quốc hiện nay không làm nhiệm vụ thật sự của một ngân hàng mà chỉ là những cơ quan tư vấn làm việc theo lệnh của Bộ chính trị cung cấp tín dụng cho những cơ sở của đảng hay có lợi cho đảng.

Luật sở hữu đất đai cũng còn rất mơ hồ, nhất là ở nông thôn. Người nông dân có quyền thuê đất và bán phẩm vật tự do, nhưng  họ không có quyền cầm thế đất để vay tiền ngân hàng mở mang cơ sở. Những năm gần đây do nhu cầu phát triển kinh tế nhà nước cộng sản đã thu mua đất của dân với giá rẻ làm cho nông dân không có đất làm ăn mà cũng không có phương tiện chuyển đổi nghề nghiệp đã sinh ra nạn dân oan khiếu kiện (như đang diễn ra tại Việt Nam). Năm 2004 có 74.000 vụ khiếu kiện, trong khi 10 năm trước đó toàn quốc chỉ có 10.000 vụ.

Hai vấn đề quan trọng nhất của đảng cộng sản Trung quốc hôm nay là phát triển kinh tế và Đài Loan. Có thể nói hầu hết những người lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc đều biết rằng nếu có chiến tranh vì vấn đề Đài Loan sự tiến bộ kinh tế của Trung quốc để trở thành một trong những sức mạnh kinh tế hàng đầu của thế giới sẽ bị kéo lùi hàng chục năm.

Tóm lại trước mắt đảng cộng sản Trung quốc có khá nhiều vấn đề nhức đầu. Con đường đảng đang đi hình như buộc đảng xa dần con đường Mácxít chính thống để bước lên con đường kinh tế thị trường. Câu hỏi là đảng cộng sản Trung quốc có biến dạng để trở thành một đảng dân chủ xã hội (democratic socialist party) như một số nước trong khối Xô viết trước đây không" Hay dần dần biến thành một chế độ đa đảng. Hay đảng cộng sản Trung quốc sẽ quyết định từ bỏ con đường cải tổ kinh tế để trở lại con đường kinh tế tập trung. Con đường này sẽ kéo Trung quốc trở lại thời đại nghèo nàn thiếu thốn và làm mất tính chính thống lãnh đạo của đảng. (2)

Tôi tin rằng đảng cộng sản Trung quốc còn có khả năng duy trì chế độ đảng trị, theo hướng tư bản và tiếp tục phát triển kinh tế trong một thời gian thấy được trước mắt. Nhưng tôi không tin tình trạng trái quy luật đó có thể kéo dài mãi.

Nhưng dù tình hình Trung quốc biến chuyển như thế nào ảnh hưởng của nó cũng sẽ hết sức sâu đậm đối với an ninh và ổn định trên thế giới trong những thập niên tới

October 8, 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(1) “I am saddend that it is politically inconvenient to acknowledge what  everyone knows: that the Iraq war is largely about oil. Thus, projections of world oil supply and demand that do not note the highly precarious environment of the Middle East are avoiding the eight-hundred-pound gorilla that could  bring world economy growth to a halt. I do not pretend to know how or whether the turmoil in the Middle East will be solved. I do know that the future of the Middle East is a most important consideration in any long-term energy forecast. Even though oil-use intensity has been significantly reduced, the role of oil is still such that an oil crisis can wreak heavy  damage on the world economy” (trang 463)

(2) Tôi không tin đảng cộng sản Trung quốc, cũng như đảng cộng sản Việt Nam có khả năng trở lại con đường con đường Mácxít mà không xẩy ra bạo loạn đẩm máu (chú thích của người lược dịch).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.