38 Bác Sĩ Cuba Trốn Xin Vào Mỹ Tị Nạn
Có ít nhất 38 bác sĩ Cuba đào thoát khỏi một chuyến công tác tại Venezuela đã bị kẹt nhiều tháng tại Colombia, nơi họ bị từ chối quy chế tị nạn trong khi họ chờ xin tị nạn tại Hoa kỳ, theo lời một hội cứu trợ từ thiện. Bản tin sau đây của phóng viên Joshua Goodman, thông tấn AP, loan hôm 2-2-2007.
Các bác sĩ này bị kẹt lại bất kể chính sách Mỹ đã đổi như loan báo từ tháng 8 năm ngoái, rằng các nhân viên y tế Cuba làm việc ở ngoài nước sẽ được cho phép vào Hoa Kỳ sau khi kiểm tra hồ sơ và lai lịch thường lệ.
Nhưng hầu hết các bác sĩ đào tị tới Colombia thì đã chờ phúc đáp lâu tới 6 tháng. Có ít nhất 2 bác sĩ đã bị các viên chức Mỹ bác hồ sơ.
Bác sĩ Jorge Toledo, 39 tuổi, và vợ là bác sĩ nhãn khoa Leticia Viamonte được thông báo hôm 27-12-2006 rằng đơn xin định cư tại Mỹ của họ theo chương trình tị nạn CMPP đã bị bác. Lá thư bác đơn này ký tên Barbara Strack, trưởng phòng định cư tị nạn tại Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ.
Julio Cesar Alfonso, chủ tịch hội từ thiện Đoàn Kết Không Biên Giới bản doanh ở Miami, nói là hội này đã cung cấp trợ giúp tài chánh và pháp lý cho 38 bác sĩ Cuba đang tìm cách rời Colombia. Ông ước tính tổng số bác sĩ đào tị tại đây có thể hơn 100 bác sĩ.
Cuba năm ngoái nói họ có 31,000 bác sĩ đang công tác nhân đạo tại 68 nước khắp thế giới. Có hơn 20,000 trong đó tới Venezuela và 1,700 bác sĩ khác tại Bolivia.
Alfonso nói, có hơn 500 bác sĩ Cuba đã đào thoát trong các năm gần đầy, hầu hết từ Venezuela.
Cặp vợ chồng bác sĩ Toledo và Viamonte kể là họ trốn sang Columbia hồi tháng 12-2005, đổi xe taxi 5 lần và vượt biên giới từ Venezuela nửa đêm.
Họ được cử tới Venezuela từ giữa năm 2003 trong chiến dịch Cuba giúp Venezuela giải phẫu mắt cho hơn 375,000 dân nghèo Mỹ Latin.
Hai vợ chồng bác sĩ này nói họ bị buộc làm việc 7 ngày/tuần, lương thì rẻ, tại một vùng quê gần Caracas, và liên hệ giữa họ với dân Venezuela bị theo dõi gắt gao -- không được phép gọi điện thoại về gia đình, không được ra ngoài nơi cư ngụ sau 5 giờ chiều, trong khi bị canh gác bởi vệ binh Venezuela và công an chìm Cuba đi theo đoàn công tác.
BS Viamonte nói, “Chúng tôi không có ý muôn bỏ rơi nhiệm vụ bác sĩ, nhưng chúng tôi quá chán kiểu bị đối xử như nô lệ.”
Toledo và Viamonte nói bây giờ họ sợ bị trục xuất về lại Cuba.