Tôi Đi Bán Hoa Poppy - Tố Liên
Mỗi năm xuân sắp tàn
Lại thấy Poppy nở
Khắp cả vùng trời Nam
Màu đỏ tươi rực rở...
Đúng 11 giờ sáng ngày 11 tháng 11 hôm nay, vừa nghe một phút mặc niệm bắt đầu theo lời xướng ngôn viên truyền hình, chồng tôi và tôi với hoa Poppy đã cài trên ngực áo, cả hai đứng dậy nghiêm trang im lặng để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong. Đến khi chấm dứt, một hồi còi giục giã thúc quân vang dội, nhìn vào màn ảnh Ti Vi, lòng tôi bồn chồn âu lo trước đoàn quân can đảm đang xung trận, từng đoàn vượt núi, trèo non, lội suối, leo trực thăng, ba lô quân dụng, súng ống oằn vai, nặng trĩu. Rồi điệu kèn chiêu hồn tử sĩ não nuột, bi ai trổi lên làm tôi càng thêm xúc động. Tôi nghiêng mình kính cẩn mà nước mắt khôn cầm, lòng rung động, xót đau thương tiếc thân phận các chiến sĩ bất hạnh bỏ mình ngoài trận mạc xa xăm. Cảnh tượng đau lòng thôi thúc tôi ngồi vào bàn viết về hoa Poppy và cảm nghĩ ngày tôi đi bán hoa này.
Như mọi người đều biết, hôm nay là ngày đặc biệt, ngày đình chiến thế chiến I (Armistic day), ngày “Tưởng Nhớ” (Remembrance day) và là ngày “Poppy Day”. Để biết về hoa Poppy, tôi xin sơ lược qua lịch sử, biểu tượng, ý nghĩa của hoa và mục đích của việc bán hoa này.
Vì sao mà hoa Poppy được trân quý và được dùng làm biểu tượng “Tưởng nhớ” từ khi chấm dứt thế chiến I (1914 - 1918) cho tới bây giờ" Đối với Úc, họ rất quan tâm đặc biệt ngày lễ này, vì qua 4 năm khói lửa trên chiến trường khốc liệt tại mặt trận Tây Âu và Trung Đông (Gallipoli), 60,000 người con thân yêu của nước Úc đã phải hy sinh.
Sau những trận giao tranh khủng khiếp, chiến trường Bắc Pháp và Bỉ đã bị tàn phá, huỷ diệt tiêu điều. Nhưng cũng chính tại những cánh đồng tiêu sơ đó, khi mùa xuân đến, Poppy là loài hoa đầu tiên đâm chồi, nẩy lộc, mọc lên tươi thắm, đỏ rực, sáng chói dưới ánh mặt trời… Mạch sống của hoa đỏ thắm tươi này xem như được nuôi dưỡng bằng máu của các chiến binh dũng cảm hy sinh tại sa trường.
Đến khi vị Trung tá Bác sĩ Mc Crae, người Canada vừa mới tới phục vụ tại Ypres chỉ 17 ngày ngắn ngủi thì một bạn đồng nghiệp, đồng đội đã tử thương bởi trái pháo vào ngày 2/5/1915. Chính Mc Crae đã hoàn thành tang lễ và chôn cất bạn mình chỉ một ngày sau đó tại nghĩa trang nhỏ hẹp bên ngoài tiền trạm quân y của ông mà không có được một lời cầu nguyện của giáo sĩ, một tiếng chuông nguyện của nhà thờ, hay một tiếng than khóc, tiễn đưa của thân nhân người quá cố.
Hôm kế tiếp, nhân ngồi sau ambulance gần tiền trạm, ông nhìn những cánh hoa Poppy phất phơ theo gió, giữa những hàng thánh giá đứng im lìm, trong bầu không khí tĩnh mịch, hoang sơ. Nhìn nấm mồ lạnh lẽo đơn sơ của bạn mà đau đớn tiếc thương, cảm xúc sâu xa, ông đã trút nổi thống khổ của mình bằng một bài thơ bất hủ “In Flanders Fields”:
In flanders Fields the Poppy blow
Between the crosses row on row
That marks our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heart amid the guns below.
We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields.
Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though Poppies grow
In Flanders Fields.
Bài thơ này đã gây xúc động mạnh mẽ khiến Bà Michael (trong YMCA Mỹ) và Bà Guerin (trong YMCA Pháp) đã vận động để được đồng minh thỏa thuận mang hoa Poppy lên áo vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, xem như một biểu tượng để “Tưởng Nhớ” những người lính đã hy sinh và “nhắc nhở” mọi người về sự khủng khiếp của Chiến Tranh 1914 - 1918. Sau đó, hoa Poppy đã trở thành biểu tượng "Tưởng Nhớ" cho tất cả những ai đã hy sinh trong chiến tranh.
Để nêu cao ý nghĩa của hoa Poppy, hằng năm cứ đến ngày 11 tháng 11 khắp nơi trên đất Úc, thân nhân thăm viếng, dùng hoa Poppy gắn cạnh tên các chiến sĩ hy sinh trên các bảng đen tại bảo tàng viện chiến tranh, tại các mộ bia ở các nghĩa trang… Cả ngày “ANZAC DAY” chính quyền cũng trang trọng đặt vòng hoa Poppy để tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Ngày nay hoa Poppy được tượng trưng rộng rãi hơn, đó là sự “hy sinh và máu đổ” không hẳn chỉ là biểu tượng của “yên nghỉ” và “tưởng nhớ” như từ thế kỷ 19 ở Anh. Và năm 1921, hoa Poppy đã được đồng minh đồng ý bán để quyên tiền giúp cô nhi, quả phụ, các cựu chiến binh bị thương tích hoặc gặp cảnh khó khăn và cho gia đình khốn khổ của họ.
Vì ý nghĩa cao đẹp và mục đich nhân đạo này mà chồng tôi tham gia việc bán hoa Poppy hằng năm theo lời mời gọi của hội cựu chiến binh (RSL) và đặc biệt năm nay, tôi tình nguyện bán phụ giúp, vì lý do sức khỏe yếu kém của ông.
Cũng như mọi năm, vào ngày đầu của tuần lễ trước 11 tháng 11 chồng tôi thức dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, áo vest, cà vạt, đeo phù hiệu trước ngực với hàng chữ RETURED & SERVICES LEAGUE AUSTRALIA. Tay xách 2 giỏ hoa Poppy, cổ mang một khay đựng hoa lẻ, bên trong khay đặt một hộp nhỏ đựng tiền. Tôi xách phụ ghế xếp và một khay hoa đến địa điểm đã được chỉ định tại một trong những cửa ra vào của shop. Khi tới nơi, vừa mở ghế xếp ra, đặt khay hoa xuống chưa ngay ngắn thì 2 đứa nhỏ Úc khoảng 5 tuổi, 3 tuổi chạy vội tới, không nói không rằng, đứa lớn bỏ vào hộp 50 xu tự động lấy một hoa Poppy, đứa nhỏ bỏ vào 20 xu cũng tự động rút một hoa. Cả hai cùng chạy lúp xúp theo mẹ nó, đang hối hả đi trước đàng kia. Tôi vô cùng ngạc nhiên với việc làm bất chợt của hai đứa bé này. Chưa nghĩ được sâu xa cử chỉ tốt đẹp lẹ làng của chúng, nhưng lòng tôi rộn lên một nổi mừng, một nổi lo. Mừng vì đã có người mở hàng mau mắn, lo vì nếu mọi khách hàng đều quyên tiền như 2 em thì có lẽ giỏ hoa này sẽ bị lỗ vốn. Nghĩ thế, nhưng tôi liền tự trấn an: Vì lòng tốt của 2 em bé đó, tôi sẽ bù lỗ, rồi tiếp tục bán hàng….
Đúng như tôi nghĩ, nhờ em bé mở hàng mau mắn nên khách tới rất đông, hết người này, tới người khác, mọi người đều hỏi: “Bao nhiêu mỗi hoa Poppy"” Tôi đều trả lời: “Đây chỉ là sự lạc quyên (just donation), tùy lòng hảo tâm của ông, của bà,…. Ông bà tới đây là đã có trái tim tốt rồi"… Thế là mọi khách hàng đều cho vào hộp $1 hoặc $2 coins, tôi trịnh trọng trao cho họ một hoa Poppy, không quên cám ơn, kèm theo nụ cười tươi tắn.
Rồi Cô Nga, người bạn thân thiết của tôi bước tới tươi cười, tôi trao cô một hoa, cô cho vào hộp tờ giấy $5 đầu tiên. Kể từ đó nhiều khách hàng cũng tặng tiền donation theo cô, từ $5 lên $10 rồi $20. Tôi thầm mang ơn cô Nga. Đây là shop của Úc ở ACT, rất hiếm người Việt Nam qua lại lối này, chỉ vài phần trăm người Việt quyên góp, nhưng cũng đủ làm tôi khích lệ và vui mừng.
Một bà Úc ẳm đứa nhỏ bước tới, nó đưa tay đòi hoa, tôi cho vô tay nó và hỏi: “ba cháu có ở trong quân đội không"" Má nó vừa trả lời thay: “Ba nó đang ở trong hải quân”, vừa cho vào hộp $10, rồi chào giả biệt, và quầy quả ra đi. Tôi chỉ kịp cám ơn ngắn gọn.