Vốn Liếng Chính Trị
Vũ Linh
...ông Obama đã quá ỷ y vào vốn liếng chính trị lớn lao của mình...
Năm 2004, TT Bush tái đắc cử tổng thống. Chiến thắng lần này khác xa chiến thắng của bốn năm trước, khi ông thắng đương kim phó tổng thống Al Gore một cách èo uột, nếu không nói là thiếu chính danh (thua nửa triệu phiếu phổ thông mà thắng phiếu đại biểu cử tri nhờ thắng một đơn vị bầu cử tại Florida có 571 phiếu!)
Lần sau, ông Bush thắng thượng nghị sĩ John Kerry với hơn ba triệu phiếu.
TT Bush mau mắn khoe là đã đạt được một số vốn liếng chính trị (political capital) lớn lao, và lớn tiếng hứa hẹn sẽ mang cái vốn đó ra xài tối đa, gọi là để… phục vụ nước Mỹ. TT Bush quyết định tiếp tục các chính sách của mình, không lay chuyển trước sự dè dặt rồi chống đối công khai của càng ngày càng nhiều người.
Kết quả như ta đều biết, vốn liếng chính trị của TT Bush vơi cạn mau chóng, xuống còn… chưa tới 30 xu (sự hậu thuẫn xuống đến mức thấp kỷ kục dưới 30%).
Chứng tỏ ở cái xứ Cờ Hoa này, vốn liếng chính trị hay vốn liếng tiền bạc gì cũng vậy, có thể tiêu tan thành mây khói rất mau chóng. Trước khi ta kịp trở tay. Vấn đề là khi có vốn thì nên tần tiện một chút, không nên vung tay quá trán quá mau quá mạnh.
TT Barack Obama lần này chiến thắng một cách huy hoàng gấp mấy lần chiến thắng thứ nhì của TT Bush. Ông đánh bại thượng nghị sĩ John McCain với hơn tám triệu phiếu. Quan trọng hơn số phiếu, ông Obama đã được sự ủng hộ gần như vô điều kiện của giới truyền thông, và cũng được cảm tình của cả thế giới luôn. Vốn liếng chính trị của ông do vậy cũng gấp bội vốn liếng chính trị của TT Bush khi trước.
Tính cho đến nay, thì ông mới “chấp chánh” được không bao lâu, vỏn vẹn có một tuần. Dù vậy, ông chứng minh rõ ràng ông cũng là tay chịu chơi, chịu xài giấy lớn. Chưa chi đã mang cái vốn liếng chính trị đó ra xài vung vít. Ở đây ta có thể định nghĩa xài “vung vít” có nghĩa là xài bậy, xài sai lầm. Hay nói cho nhẹ hơn, là xài hớ, trả tiền cao hơn giá trị của món hàng.
Trong thời gian qua, TT Obama đã bổ nhiệm hàng loạt bộ trưởng và phụ tá. Công bằng mà nói, phần lớn các quyết định này của ông rất đáng hoan nghênh, lựa những người có nhiều kinh nghiệm, uy tín, và nhất là tương đối có lập trường ôn hòa, không có cấp tiến cực đoan như nhiều người đã lo ngại trước đây.
Chẳng hạn như việc bổ nhiệm bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton hay sự lưu nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates, đều là những quyết định được nhiều hậu thuẫn.
Nhưng ngược lại cũng có những quyết định gây rắc rối nhiều.
ĐỀ CỬ ÔNG BILL RICHARDSON LÀM BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI
Ông Bill Richardson là Thống Đốc tiểu bang New Mexico. Trước đây ông đã là bộ trưởng Năng Lượng của TT Clinton. Ông cũng là ứng viên tổng thống chạy đua năm qua, nhưng thua Obama. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng tối hậu của Obama khi ông này chạy đua vòng chót chống lại bà Hillary.
Sau khi Richardson bị thua và rút lui, ai cũng nghĩ ông sẽ ủng hộ bà Hillary vì cơ nghiệp chính trị của ông hoàn toàn do TT Clinton gây dựng nên. Nhưng ông chính khách thính mũi này suy đi tính lại, thấy Obama có nhiều hy vọng hơn. Theo ông Obama có cơ may làm bộ trưởng dễ hơn. Thế là ông phản lại bà Hillary, chạy theo ông Obama. Và ông ta đoán trúng phóc. Ông Obama thắng bà Hillary và lựa ông làm bộ trưởng Thương Mại.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chưa kịp nhậm chức thì ông đã phải rút lui.
Ông đang bị điều tra vì tình nghi có liên quan đến một vụ lem nhem. Một công ty không cần đấu thầu gì mà được ông Thống Đốc này trao cho một hợp đồng xây cất xa lộ đáng giá gần hai triệu đô. Báo chí khui ra trước đó, công ty này đã tặng cho ông hơn một trăm ngàn yểm trợ cho cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
Vụ lộn xộn được báo chí tiểu bang làm rùm beng từ lâu rồi, mà ông vẫn được Obama đề cử làm bộ trưởng Thương Mại. Biết đâu đó là cái giá ông Obama nhận sẽ trả để được hậu thuẫn của ông Thống Đốc khi cuộc chạy đua giữa ông Obama và bà Hillary còn đang ở cao điểm"
Dù sao thì sau khi báo chí tiểu bang làm lớn chuyện, ông Richardson đành rút lui.
Đây là lần đầu tiên ông Obama phung phí vốn liếng chính trị của ông. Có lẽ vì quá tự tin, nghĩ rằng không ai dám đặt vấn đề ông Richardson lem nhem nữa một khi Đấng Tiên Tri đã lựa ông này"
ĐỀ CỬ ÔNG ERIC HOLDER LÀM BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP
Luật sư Holder là người đã giúp ông Obama lựa ứng viên phó tổng thống Joe Biden. Trước đây, ông Holder là Thứ Trưởng Tư Pháp dưới thời TT Clinton. Đây là bộ trưởng da đen duy nhất trong nội các Obama, nên nhiều người nghĩ sẽ khó đặt vấn đề gì với ông này, và ông sẽ được thuận buồm xuôi gió khi qua cuộc thi sát hạch của Thượng Viện.
Nhưng rồi sự việc trở thành rắc rối hơn vậy.
Ông Holder bị tố giác làm hai chuyện “nhạy cảm" khi còn làm Thứ Trưởng cho TT Clinton. Đó là việc đề nghị ân xá cho một nhóm khủng bố tranh đấu cho “độc lập” của Puerto Rico, và ân xá cho ông Marc Rich.
Cuối thập niên 70, một nhóm khủng bố Puerto Rico dùng bom đánh phá New York trong hơn 100 vụ khiến cả chục người chết và cả trăm người bị thương. Khoảng 20 tên khủng bố bị ra toà, xử mấy chục năm tù. Tất cả sau đó được TT Clinton ký lệnh ân xá năm 1999. Đúng lúc đó cũng là lúc bà Hillary đang tranh cử thượng nghị sĩ tiểu bang New York, là tiểu bang có nhiều dân Puerto Rico, phần lớn có cảm tình với các nhóm tranh đấu cho tự trị của quần đảo này. Sau đó thì như mọi người đều biết, bà Hillary đại thắng.
Không ai có thể nói bà Hillary thắng chỉ vì được phiếu của dân Puerto Rico, nhưng cũng khó ai phủ nhận việc ân xá này đã giúp bà lấy được một số phiếu lớn của cộng đồng Puerto Rico.
Vụ ân xá ông Marc Rich cũng gây tai tiếng lớn. Ông Rich này mang tội trốn thuế lớn và giao dịch với Iran dưới thời TT Carter khi cả trăm nhân viên tòa đại sứ Mỹ bị bắt làm con tin tại Iran. Ông bị FBI truy lùng, nhưng lại bỏ trốn qua Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, và Cuba. Một ngày trước khi mãn nhiệm, TT Clinton ký lệnh ân xá cho ông Rich, người đứng hạng hai trong số nhân vật bị FBItruy nã và chưa từng đền tội dù chỉ nửa ngày tù. Vụ ân xá giờ chót bị chỉ trích nặng nề, đặc biệt là sau khi thiên hạ biết được bà vợ ông Marc Rich này đã yểm trợ cả trăm ngàn đô cho việc thiết lập thư viện Clinton.
Về phương diện pháp lý, tổng thống có toàn quyền quyết định ân xá bất cứ ai vì bất cứ tội gì. Nhưng chỉ có thể ân xá dựa trên khuyến cáo của bộ Tư Pháp. Ông Thứ Trưởng Holder là người đã khuyến cáo những ân xá trên. Bây giờ, các nghị sĩ Cộng Hòa đã chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi ông Holder về hai vấn đề trên khi ông này ra trước Thượng Viện để bị khảo sát.
ĐỀ CỬ ÔNG TIMOTHY GEITHNER LÀM BỘ TRƯỞNG TÀI CHÁNH
Ông Geithner là Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ New York, cũng là một trong mấy nhân vật đề xướng chương trình cứu nguy kinh tế cho TT Bush, và là người hợp tác mật thiết của bộ trưởng Tài Chánh của TT Bush. Việc ông được đề cử là bộ trưởng Tài Chánh trong nội các Obama đã được cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa ca tụng.
Nhưng khổ nỗi, ông này lại bị khui ra vài chuyện bất thường.
Thứ nhất là ông đã từng dùng người giúp việc là dân ở lậu, không đóng thuế. Chuyện này là nhỏ, nhưng đã từng làm cho hai bà được TT Clinton chọn lựa mà mất chức bộ trưởng Tư pháp.
Chuyện lớn hơn là ông Geithner thiếu thuế đâu bốn chục ngàn đô, tuy đã trả được một phần. Ông Geithner và ông Obama giải thích đây chỉ là một sai lầm ngay tình (honest mistake) trong việc khai thuế.
Chẳng hiểu có phải sai lầm thành thật không, nhưng nội cái chuyện ông bộ trưởng Tài Chánh tương lai lại không hiểu rõ luật thuế má cũng làm thiên hạ đâm ra hơi lo. Bộ Tài Chánh là bộ lo về thuế, làm ra luật thuế, kiểm soát cơ quan thu thuế IRS, đi bắt những kẻ trốn thuế mà ông bộ trưởng lại không thông luật thuế hoặc có gian ý về thuế, thì dân thọ thuế nghĩ sao" Hơn nữa, nếu đã không hiểu rõ luật thuế thì cuộc khủng hoảng tài chánh rắc rối hiện nay có thể trông chờ ông bộ trưởng giải quyết thỏa đáng được không"