Câu Chuyện Thể Thao: Wushu – Tiền Đạo
Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, chúng tôi xin được cùng quý vị tìm hiểu về môn “Wushu”, tức Võ Thuật. “Wushu” là tên gọi theo cách phát âm từ chữ “võ thuật” của tiếng Hán và là môn thể thao dựa trên căn bản của nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa, được phổ biến rộng rãi trong những năm gần đây qua những kỳ đại hội quốc tế có nội dung biểu diễn kỹ thuật múa quyền và thi đấu thiên về lĩnh vực thể thao rất hấp dẫn.
Tuy “Wushu” đã chính thức trở thành môn thể thao tranh tài tại Trung Hoa từ năm 1956, nhưng mãi đến năm 2002 mới được Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế IOC nhìn nhận. Từ khi ra mắt lần đầu tiên tại tại Á Vận Hội lần thứ 11 tổ chức tại Bắc Kinh năm 1990, môn “Wushu” thực sự thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ quốc tế nên “Liên Đoàn Wushu Quốc Tế” (IWF: International Wushu Federation) được thành lập trong cùng năm. Dưới sự điều động của IWF, “Giải Vô Địch Wushu Thế Giới” (World Wushu Championship) lần thứ Nhất diễn ra vào năm 1991 và từ đó đến nay, giải đấu này được tổ chức theo chu kỳ 2 năm 1 lần.
Các bộ môn thi đấu của một giải đấu Wushu quốc tế gồm có 3 loại chính gọi là: “Thái Cực Quyền”, “Trường Quyền Hỗn Hợp 3 môn” và “Nam Quyền”.
Thái Cực Quyền là những bài quyền bao gồm kỹ thuật tinh yếu được thống nhất từ các chi phái của môn võ “Thái Cực Quyền Pháp”. Trường Quyền Hỗn Hợp 3 Môn là những chiêu thức dựa theo căn bản của những môn võ thuật Bắc Phái Trung Hoa như “Thiếu Lâm Quyền Pháp”, “Tra Quyền” và “Hoa Quyền”. Đối lại, “Nam Quyền” chỉ sử dụng võ học truyền thống của hệ phái phía Nam, chủ yếu là những bài quyền của phái “Hồng Gia Quyền” thuộc tỉnh Quảng Đông.
Qua những bộ môn này, các tuyển thủ sẽ biểu diễn phần kỹ thuật thi triển bài quyền hoặc múa khí giới và thi đấu với đối phương, để được chấm điểm. Về khí giớI thì có 4 hình thức chính: kiếm thuật, đao thuật, thương thuật và côn thuật.
Theo cách định nghĩa tổng quát, võ thuật là một môn kỹ thuật được hệ thống hóa và tập hợp những hình thức dùng chân, tay, binh khí v.v…để thi đấu với nhau, vì thế nó còn được gọi là Đấu Thuật, tức những kỹ thuật thi đấu. Qua ý nghĩa này, từ ngữ Võ Thuật cũng được hiểu theo cách biểu hiện vắn tắt của dụng ngữ Võ Học hay Võ Đạo
Tùy theo sự hình thành văn hóa của từng khu vực địa lý và từng quốc gia, tuy võ thuật được phát triển và phân loại khác nhau, nhưng nó vẫn mang đặc tính chung là nhằm mục đích rèn luyện kỹ năng võ học, duy trì sức khỏe, tự vệ khi bị tấn công v.v… Ngoài ra, cũng có những loại võ thuật khác được cải biến thành bộ môn thi đấu ở hình thức thể thao như môn Karatedo (Không Thủ Đạo) và Judo (Nhu Đạo) của Nhật Bản hay môn Teakwondo (Đài Quyền Đạo) của Đại Hàn, Kick Boxing (Cước Quyền Anh) của Thái Lan v.v…
Khi đề cập đến lịch sử khởi nguồn của môn “Wushu” người ta thường liên tưởng đến những đặc tính của võ thuật Trung Hoa với các môn phái chuyên về quyền pháp hoặc cước pháp hay binh khí rất đa dạng và chia ra nhiều chi nhánh khác nhau. Vì theo phát âm của tiếng Trung Quốc, võ thuật được đọc là “Wushu”, nên từ ngữ này đã trở thành tên gọi của môn thể thao Wushu, và Nhật ngữ thì gọi là “Thái Cực Quyền Pháp”. Trong khi đó, tại nước Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan thì gọi võ thuật là “Quốc Thuật”, còn tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thì dùng thuật ngữ “Công Phu” để diễn tả võ thuật.
Theo ông Matsuda Ryuchi, một nhà nghiên cứu võ thuật Trung Quốc rất nổi tiếng tại Nhật Bản thì khởi nguyên của võ thuật Trung Hoa bắt nguồn từ các động tác thi đấu, tác chiến như là những hình thức tranh đua thể thao của những cư dân sống dọc theo sông Hoàng Hà vào thời vương triều nhà Hán (khoảng năm 220 trước Công Nguyên). Sau đó, các động tác này được chú trọng về mặt rèn luyện sức khỏe rồi dần trở thành môn võ thuật. Hiện nay, có rất nhiều các môn phái võ thuật tại Trung Hoa, và vì muốn nêu cao sự nổi bật của mình họ đã tạo ra nhiều giai thoại về những tổ sư sáng lập môn phái là những vị anh hùng hoặc những nhân vật nổi danh mang tính cách truyền thuyết của lịch sử Trung Quốc. Qua đó, nổi tiếng nhất là truyền thuyết về vị tổ sư của phái Thiếu Lâm và phái Võ Đang. Tuy trước đây các hình vẽ được phát hiện vào khoảng năm 1922 trên vách đá trong Thiên Phật Động của chùa Thiếu Lâm, miêu tả những vị sư đang biểu diễn những động tác múa chân tay được tương truyền là do những đệ tử chùa Thiếu Lâm đã vẽ lại khi luyện võ, nhưng sau đó trong quyển sách “Thể Dục Thế Giới” được phát hành tại Trung Quốc thì lại đưa ra bằng chứng cụ thể chứng thực rằng hình này do chính tay viên phó tư lệnh quân khu Nam Kinh tên Tiền Điếu thực hiện từ năm 1917 đến năm 1921.
Về truyền thuyết vị tổ sư quyền thuật Thiếu Lâm, thì tại ngọn núi Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc có một ngôi tự viện tên Thiếu Lâm Tự vốn nổi danh từ ngàn xưa về Thiền Tông và tu luyện võ thuật, nhưng võ học của Thiếu Lâm được xem như do Bồ Đề Đạt Ma đến từ Thiên Trúc sáng lập. Tương truyền rằng khi đến Thiếu Lâm Tự để truyền bá Thiền Pháp thì Bồ Đề Đạt Ma nhận thấy các vị sư của chùa Thiếu Lâm yếu kém thể lực nên không thể nào rèn luyện được tinh thần vì vậy ông đã hướng dẫn họ các phương pháp tập luyện thể lực gọi là “Dịch Cân Hành” và “Tẩy Tủy Hành”. Hai phương pháp này được ghi chép thành kinh sách, nhưng sau đó quyển “Tẩy Tủy Kinh” bị thất lạc, nên môn võ thuật mệnh danh là “Thập Bát La Hán Thủ” phát triển tại chùa Thiếu Lâm chỉ dựa trên căn bản của quyển “Dịch Cân Kinh”. Thế nhưng trên thực tế, các nhà nghiên cứu võ thuật Trung Quốc cho rằng hậu thế đã dựa vào truyền thuyết Bồ Đề Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách tường tọa thiền ở chùa Thiếu Lâm rồi suy diễn ra việc ông đã truyền thụ võ thuật tại đây.