Báo Fortune ngay nhan đề bài viết của nhà phân tích Colin Barr đã nêu rõ, "Wall Street's troubles are yours, too" (Thị Trường Wall Street Suy Sụp Cũng Là Chuyện Của Bạn), và nói rằng toàn dân Mỹ đều đang trả giá.
Bạn đọc hẳn còn nhớ một thời mấy năm trước đã từng nghe quảng cáo trên các làn sóng phát thanh rằng chúng ta có thể mua nhà mà không cần đặt tiền down payment (một phần trả trước), rồi lại nghe là khỏi cần trả tiền thủ tục hồ sơ khi hoàn tất (closing cost), thậm chí còn nghe quảng cáo là mua nhà khỏi cần chứng minh lợi tức… Đó là một thời huy hoàng của ngành địa ốc. Có vẻ như thời đó chỉ có trong mơ, không thể có ở đời thực. Vậy mà lại có chuyện đó, y hệt như một trò lừa vĩ đại, và bây giờ là ngành địa ốc khủng hoảng, số lượng nhà tịch thu tăng đều vì người mua không trả nổi, trong lúc giá nhà sụt giảm ào ạt so với thời đổ xô đi mua làm cho chủ nhà mang nợ nhiều hơn trị giá thật của nhà…
Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đã khai phá sản hôm Thứ Hai. Công ty tài chánh Merrill Lynch cũng gặp nguy, nhưng may mắn được Bank of America đồng ý mua với giá 50 tỉ đô bằng cổ phiếu. Công ty bảo hiểm AIG trong vài ngày tới có thể sẽ khai phá sản, nếu không tìm được nơi cứu hộ (giờ chót, chiều Thứ Ba, có tin chính phủ sẽ cho vay 85 tỉ đô). Hàng chục công ty tài chánh lớn khắp Hoa Kỳ sợ khó đứng vững, vì cổ phiếu của họ buộc vào thị trường địa ốc. Thị trường khắp thế giới cùng bị ảnh hưởng.
Cả ba công ty tài chánh Lehman, Merrill và AIG đã thua lỗ hàng loạt thời gian gần đây, và phải tự hạ trị giá tích sản của mình nhiều tỉ đô la. Trong quý 3 vừa qua, Lehman loan báo thua lỗ 4 tỉ đô la, trong khi Merrill lỗ hàng chục tỉ đô la vì các khoản cho vay địa ốc không thu lại được. Trong 3 tam cá nguyệt vừa qua, hãng bảo hiểm AIG đã tự hạ giá (writedown) khoảng 25 tỉ đô la vì cam kết bảo đảm cho các khoản cho vay của các ngân hàng khác. Như thế, bùng nổ ngành địa ốc nhiều năm trước đã làm giàu cho nhiều công ty, thì bây giờ lại làm hại cho khắp nước Mỹ vì toàn dân phải cùng trả giá.
Daniel Alpert, giám đốc ngân hàng đầu tư Westwood Capital tại New York, đã viết trong tháng 3-2008, "Gánh nặng ba trùm nền kinh tế mỹ có gốc rễ gần nhất là việc tạo ra khối nợ gần 7 ngàn tỉ đô la, gồm các khoản nợ địa ốc mới và nợ tiêu dùng trong 6 năm đầu thập niên này. Nói đơn giản, tạo ra khối nợ này là chưa từng có trong lịch sử, nhiều hơn gấp đôi khối nợ của chủ nhà và người tiêu dùng (hầu hết, nợ tiêu dùng là mua xe hơi và xài thẻ tín dụng) đã hiện hữu cuối năm 1999."
Các công ty tài chánh hưởng lợi lớn nhờ khối nợ tăng vọt trong thời ngành địa ốc bùng nổ, đạt các khoản lợi tức kỷ lục và có sức tăng mạnh mẽ, trong khi giới đầu tư toàn cầu bơm tiền ra mua các cổ phiếu và trái phiếu chống lưng bởi ngành địa ốc để thu lợi. Nhưng khối nợ Thị Trường Wall Street đó lại không an toàn, hàng trăm loại trái phiếu bị đánh sụt giá trong khi giá nhà Hoa Kỳ bắt đầu sụt giảm. Thế là các ngân hàng đầu tư liên tục mất tiền.
Như thế, các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ hôm Thứ Hai đều cùng sụt giảm. Chỉ số trung bình kỹ nghệ Dow Jones giảm 504.48 điểm, tức 4.42%, để còn 10,917.51. Chỉ số thị trường Standard & Poor's 500 giảm 58.74 điểm, tức 4.69%, để còn 1,192.96;
Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 81.36 điểm, tức 3.6%, để còn 2,179.91.
Cổ phiếu mất giá, tất nhiên tất cả những người dân Mỹ có tiền trong cổ phiếu cùng mất giá. Cũng thế, hàng chục triệu người Mỹ có quỹ hưu 401 (k) cũng tự động sụt giá. Nghĩa là, trong túi của dân Mỹ, tự nhiên nhiều tờ giấy bạc bay đi đâu mất.
Dự kiến, tình hình này sẽ buộc Quỹ Dự Trữ Liên Bang kềm cho lãi suất thấp, nhưng các khoản tín dụng đối với tiền vay mua hàng tiêu dùng sẽ tạm thời xiết chặt.
Nhiều vị chủ nhà đang gặp gian nan trong việc trả nợ địa ốc sẽ được nhẹ thở vài tháng, nếu hồ sơ vay tiền mua nhà nằm trong hồ sơ của công ty Lehman Brothers; công ty này vừa khia phá sản ở tòa, và tòa phá sản bây giờ sẽ quản trị các khoản nợ tiền nhà này.
Như thế, thủ tục tịch thu nhà sẽ chậm lại vài tháng; có thể yên tâm là trong vài tuần nữa sẽ chưa có ai tới gõ cửa để đòi tịch thu nhà từ các hồ sơ này.
Mất việc làm là chuyện tất nhiên cho nhiều chục ngàn người trong khi lĩnh vực tài chánh phải tái phối trí. Không chỉ tại Hoa Kỳ, mà cả tại các quốc gia có văn phòng và có đầu tư của các công ty tài chánh này.
Trong tình hình như thế, các ngân hàng sẽ phải giữ thế thủ để tự vệ. Nếu bạn cần vay tiền để kinh doanh, hay để mau xe, hay các khoản vay khác, kể cả sinh viên cần vay tiền đi học, đều sẽ khó hơn, vì ngân hàng sợ cho vay dễ quá sẽ phải gánh thêm nợ xấu. Như thế nghĩa là, các đại lý bán xe sẽ khó bán hơn, và các nhà địa ốc sẽ khó bán nhà hơn.
Có điều nhẹ thở, là giá dầu sẽ tạm thời giảm. Trước tiên, giá dầu giảm bởi vì các nhà đầu tư bỏ chạy đối với bất kỳ thứ gì bị xem là nhiều rủi ro, bất kể là trận bão Ike đang làm gián đoạn sản lượng dầu ở vùng Vịnh Mexico. Giá cho các hợp đồng phân phối dầu tháng tới đã giảm gần 6 đô/thùng barrel hôm Thứ Hai. Nếu giá vẫn thấp hơn 100 đô/thùng barrel, thì áp lực lạm phát tại Mỹ sẽ nhẹ thở rất nhiều. Như thế nghĩa là giá xăng dầu sẽ giảm trong vài tuần tới.
Nhìn chung, bất kỳ biến động xấu nào trong lĩnh vực tài chánh đều làm khổ dân nghèo. Không chỉ làm giá cả thị trường dao động, nhưng còn xiết chặt hơn thị trường việc làm. Bộ Loa Động Mỹ tuần trước cho biết tỉ lệ thất nghiệp tăng từ 5.7% trong tháng 7-2008 lên tới 6.1% trong tháng 8; trong đó, các công ty cắt giảm 84,000 nhân viên trong tháng 8, cũng là tháng thứ 8 liên tục Hoa Kỳ gặp nạn thất nghiệp tăng. Một phần lý do cũng vì văng miểng cú động đất ngành địa ốc nhiều tháng nay.
Như thế, có 605,000 việc làm đã biến mất trong năm nay tại Mỹ. Trong khi nền kinh tế Mỹ lại cần tạo ra thêm 100,000 việc làm mới mỗi tháng mới ổn định được.
Hiện tượng đó lại sinh ra ảnh hưởng dây chuyền: mất việc sẽ làm dân Mỹ không trả nổi các khoản nợ, cả nợ tiền nhà và nợ thẻ tín dụng. Và như thế, lại kéo theo suy yếu cả thị trường tài chánh, và rồi lại làm suy yếu thêm cho thị trường việc làm.
Do vậy, trận bão sắp tới có thể sẽ bùng nổ là khi khối người mất việc trong nhiều tháng qua sẽ chịu đựng hết nổi, và không trả nổi bất kỳ khoản nợ nào hết. Lúc đó sẽ cực kỳ đau đớn.
Với tầm cỡ khủng hoảng tài chánh như thế, Hoa Kỳ cũng sẽ còn mất nhiều thời gian mới hồi phục nổi.