Ba tác phẩm bút họa của họa sĩ Châu Thụy |
Chữ viết đã đóng một vai trò quan trọng trong giòng văn hóa của nhân loại. Nhờ chữ viết mà con người đã truyền đạt những tư tưởng từ quá khứ đến hiện đại.
Riêng ngôn ngữ Việt Nam, khi nói về thư pháp, chúng ta thường liên tưởng đến những giòng chữ Hán, xuất phát từ chữ tượng hình, nghĩa là mô phỏng hình dáng của vật thể trong thiên nhiên của người Trung Hoa. Từ đó thứ ngôn ngữ này truyền sang Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước Âu Châu và khối Ả Rập đã dùng ký hiệu diễn tả ý tưởng qua những di tích còn tồn tại.
Cho đến ngày nay, người Trung Hoa vẫn còn công nhận Thư pháp là "linh hồn của mỹ thuật", mang màu sắc thần bí. người Nhật Bản đã nâng nghệ thuật thư pháp trở thành Thư Đạo; gọi là Shodo (" "). "Từ đó nó trở thành một bộ môn nghệ thuật tao nhã cao siêu của tao nhân mặc khách và một cao thủ về thư pháp thường được đánh giá là người trí thức có học vấn cao". Sự kết hợp giữa Tâm và Đạo để được xem như bộ môn Thiền Họa (Zen Painting) bên cạnh nghệ thuật Thiền (Zen Art). Thư pháp là một trong những nghệ thuật xưa nhất của Trung Hoa.
Đối với Việt Nam, chúng ta có một lịch lịch sử oai hùng ngàn năm chống ngoại xâm, nhưng tiếc là chúng ta không có một văn tự riêng biệt cho dân tộc mình. Tuy nhiên, cha ông chúng ta vẫn đã tạo lập được một kho tàng văn chương phong phú và đa dạng, ảnh hưởng tới đời sống tinh thần dân tộc. Dù là văn tự chữ Hán, chữ Nôm, hay chữ Quốc Ngữ, chúng ta vẫn tận dụng để phát triển và lưu truyền một nền văn hoá quý giá, để hôm nay chúng ta hãnh diện với nền văn hóa đó. Nhằm mục đích tri ân tiền nhân đã đóng góp trong giòng văn hóa Việt, chúng tôi nguyện cố gắng gìn giữ và phát huy những gì mà tổ tiên đã để lại.
Nhóm Bút Họa chúng tôi xin góp phần vào nền văn học qua nghệ thuật viết chữ đẹp và hân hạnh giới thiệu đến quý vị một trường phái mới, một trường phái đang hình thành và được đón nhận để góp phần vào sự bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đặt tên là Bút Họa Việt. Chúng tôi muốn mở rộng hơn là dùng nghệ thuật ấy vào chữ Quốc Ngữ để nói lên tính cách đặc thù của ngôn ngữ Việt.
Nghệ thuật Bút Họa vẫn còn thật mới lạ đối với cộng đồng Việt Nam; cọ lông và mực xạ không mới lạ bởi đã được xử dụng để viết chữ Hán và Nôm hơn ngàn năm, nhưng chữ Quốc Ngữ mới chỉ xuất hiện hơn ba trăm năm qua. Từ đó, chúng ta đổi qua bút sắt, mực nước và bút nguyên tử để quen dần với sự tiện dụng của kỹ thuật hiện đại.
Nhưng đến hôm nay, trong Bút Họa, cọ lông và mực xạ được áp dụng lại để viết lên những giòng chữ Quốc Ngữ, một sự kết hợp tuyệt vời trong nghệ thuật Bút Họa giữa Tây Phương là mẫu tự A, B, C và Đông Phương là cái hồn chữ trong tĩnh thiền. Như vậy chúng ta có thể định nghĩa: Bút Họa là sự kết tinh giữa hồn và chữ qua nghệ thuật viết chữ đẹp bằng nét vẽ xuất thần. Thêm vào đó, năm dấu âm: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, và các dấu chữ trên các nguyên âm: â, ê, ô, ư là một sắc thái độc đáo mà chỉ người Việt Nam mới có. Trong chữ Quốc Ngữ, khi nói đã có âm điệu nhạc tính. Khi viết, với những đường nét xuất thần vừa tạo hình vừa gợi cảm làm khởi sắc cho mỗi chữ mỗi câu thêm ý nghĩa, thêm phong phú và đậm nét hơn.
Chưa bao giờ bốn chữ "rồng bay phượng múa" lột tả hết cái hồn, vì đường cong của rồng bay, nét uyển chuyển của phượng múa. Chỉ có chữ Quốc Ngữ thể hiện được cái không gian và thời gian và nghệ thuật Bút Họa mới thích hợp để diễn tả sự ví von đó.
Bằng nghệ thuật Bút họa, người họa sỹ dùng nhiều đường nét khác nhau, có nét thì sắc mạnh như cuồng phong bão tố, có nét thì uyển chuyển, mong manh như tơ lụa, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay. Tất cả để tạo nên cái âm hưởng, chuyển cái Hồn của chữ và Ý của câu để xúc tác tâm hồn người thưởng lãm, thấm sâu vào lòng người. Bút Họa cô đọng từng nét chữ tinh túy nói lên sự thinh lặng ảo huyền, nhưng trong thinh lặng lại chứa đựng những cơn sóng ngầm chực chờ cuốn hút người thưởng lãm vào trong cảm xúc ngút ngàn dâng tràn vô biên. Người thưởng lãm bất chợt như thấy tâm hồn mình quyện vào hồn thơ; ý đạo, để trở về với chính mình và hòa đồng cùng tha nhân và vũ trụ.
Bút Họa là một nghệ thuật sáng tạo cần được trau luyện lâu dài, đòi hỏi người họa sỹ tính đam mê và nhậy bén. Nét phóng bút chỉ đến trong một khoảnh khắc, nó lướt qua như cánh vạc bay, như một giải lụa xé, không tô vẽ, không sửa đổi như những môn nghệ thuật khác. Đó là đặc tính thiêng liêng của Bút Họa! Người họa sỹ phóng bút, mở ra cho mình một cõi riêng tư, cho tâm hồn mình thăng hoa thoát tục; để hồn chữ nhập vào tâm rồi biến hóa qua nét cọ như đường gươm của người tráng sỹ. Bút Họa là nghệ thuật chỉ đến trong khoảnh khắc nhưng tồn tại lâu dài.
Mễ Phất, một đại gia Trung Hoa đã mô tả sự ngây ngất đắm đuối của ông khi chiêm ngưỡng tác phẩm Mạc Tích của cổ nhân. Ông phát biểu rằng: " Mỗi khi tôi trải một tác phẩm của cổ nhân ra mà ngắm, tôi ngây ngất đến độ sấm động bên tai cũng không hay, thức ăn ngon ngào ngạt bên cạnh cũng không màng...Tôi ngỡ rằng sau này khi lìa đời, hồn tôi sẽ biến thành con cá bạc, nhập vào những bức Bút Họa mà tung tăng bơi lội trong đó."
Chữ không chỉ là ký hiệu để diễn tả tư tưởng, nhưng trong chữ tự nó có linh hồn. Linh hồn là ý thơ và nét mực là máu chảy, nhưng qua nét tài tình của Bút Họa, linh hồn chữ đã được sống lại để người thưởng lãm đi vào thế giới nghệ thuật. Sự rung động sẽ tác động vào đời sống tâm linh, thay đổi cái tư duy, đạo lý, và lẽ sống hàng ngày. Mỗi lần nhìn ngắm bức Bút Họa, người ta có thể cảm nhận cái hồn của chữ vẫn cứ vang vọng như tiếng đập của nhịp tim và giòng cảm xúc chan hòa vẫn tuôn trào trong tâm tưởng
*
Lời Mẹ Ru, còn tiếng gì êm ái và du dương bằng âm thanh ngọt ngào của Mẹ. Ai cũng có một thời được Mẹ ru cho ngủ trên vòng nôi của cánh tay, của võng treo, và tiếng à ơi đưa ta vào giấc ngủ êm đềm bằng tiếng ngọt ngào của Mẹ. Người thưởng lãm khi nhìn vào bức Mẹ Ru, hình ảnh chiếc võng và có Mẹ nằm ôm con, đưa ta trở về một thời thơ ấu.
*
Qua bức bút họa này (bức Buông"Xả), chúng ta thấy từng đường nét như những giọt sương khuya rớt xuống mặt hồ tĩnh lặng, rồi tan biến vào hư không, ví như tâm hồn người thưởng lãm muốn trút bỏ nhưng ưu tư phiền não để tìm sự thăng hoa trong giòng cảm thức và từ đó đón nhận cuộc đời đầy ý nghĩa và thi vị hơn.
"Có từ vô thủy vô chung, không về đến chốn tận cùng cũng không, cái gì có" Cái gì không" Có không không có ở cùng thế gian" (thơ Đặng Xuân Mai) Bác Sĩ Nguyễn Tiếng, một khách thưởng ngoạn đã xem cuộc triển lãm Bút Họa Việt và lời thư tâm sự như sau: "Càng nhìn bức bút họa Bác càng thấy thích. Nhưng bức Bút Họa của Châu Thụy ngoài cái đẹp của khéo tay, còn có hồn nữa, từ cái đẹp bay bướm của nét chữ đến cách trình bày của Châu Thụy đã chuyển đạt đến cả sự thiết tha của tấm lòng vào trong bức bút họa nhờ có sự giải thích thêm, nên Bác mới nắm được cái tinh túy (essence) của bức bút họa. Sự kết hợp của Bút Họa và thơ, khiến người xem muốn đọc đi đọc lại nhiều lần để thưởng ngoạn cái đẹp của nét chữ và suy ngẫm cái thâm thúy của câu thơ. Thật là một sự dung hòa tuyệt vời".
Trong lần triển lãm khác, ông Trần văn Nam, sau khi ngắm kỹ những bức Bút Họa được trưng bày trong phòng, ông bất chợt bị thu hút bởi một bức họa với đường vẽ đơn sơ hình ảnh của một người đàn bà đang còng lưng gánh thúng, bên dưới là câu thơ: "Một đời gánh nắng và mưa, mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng, bây chừ gánh đứt đòn cong, vì ai vai lệch lưng còng Mẹ ơi!"
Sau khi giải thích cho ông về sự kết hợp giữa hình ảnh và câu thơ, ông đã rưng rưng đưa tay lên lau nước mắt, cảm động về sự đồng tâm đồng cảm này. Có lẽ đâu toàn diện bức bút họa, đã gợi lên cho ông hình ảnh người Mẹ thân yêu của ngày xưa và cảm tình dâng tràn!
Ông Song Thuận, Chủ tịch của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, đã viết: "Bút Họa Việt đem lại những nét chữ tươi sáng mới mẻ, tượng trưng cho một nghệ thuật tuy đã cũ nhưng lại rất mới trong các ngành nghệ thuật. Bút họa Việt chắc chắn sẽ mang lại sự sống trường tồn cho chữ Việt và hồn chữ Việt mãi mãi vương vấn trong lòng người Việt Nam".
Nhóm Bút Họa chúng tôi muốn làm bước tiên phong trong công việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ qua nghệ thuật viết chữ đẹp tại hải ngoại, khởi xướng lên với mục đích làm giàu thêm tiếng Việt, để từ đó, chúng ta hãnh diện về sự phong phú trong tiếng Mẹ đẻ. Hy vọng qua những lần triển lãm, sự đóng góp về nghệ thuật Bút Họa sẽ mang đến một luồng gió mới góp phần vào văn hóa đặc thù Việt Nam, hội nhập vào văn hóa xứ người.
Ngày nào chúng ta vẫn còn hướng về quê Mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương, ngày nào tiếng Việt vẫn là lời hàn huyên, tâm sự, thì ngày đó tâm tư quý vị vẫn còn thổn thức. Còn chúng tôi vẫn miệt mài ngày đêm bên nghiên cọ, trải lòng trên trang giấy những nét Bút Họa chan chứa hồn thơ ý đạo, với bao tình tự quê hương.
(Thuyết Giảng trong "Chiều Nhịp Cầu Thi Ca" )