Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (tiếp theo...)

16/05/200800:00:00(Xem: 2218)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Mắt bác sáng lên, rồi quay hẳn lại phía tôi như được gãi trúng chỗ ngứa...
- Trước, tôi là một cây quần vợt ở “Septo”. Các loại thể thao điền kinh, môn nào tôi cũng hữu hạng.
Rồi như muốn khơi mạch cho nỗi niềm vơi bớt, bác nói tiếp, giọng như thì thầm:
- Đời tôi hận lắm anh ạ! Hình như mỗi đời người, dịp may chỉ đến một lần, bỏ lỡ rồi, đành ôm hận suốt đời. Năm 1954, tôi đã xách va li xuống đến Hải Phòng rồi. Nhưng, hai ngày ngồi chờ tầu vào Nam, tôi lại lẩn thẩn nghĩ đến mấy cái nhà ở Hà Nội, nghĩ đến nhà tôi và các con, nên tôi lại mò về.
Nói đến đây, hình như có một sự cấu xé dày vò trong lòng, mặt bác nhăn lại, bàn tay đập mạnh xuống đùi:
- Chỉ vì vợ với con, nhà với cửa, để rồi nhà cửa cũng mất; con cái cũng lang thang mỗi đứa mỗi nơi; vợ chồng suốt năm chật vật lê thê, vặc, cãi nhau như mổ bò. Cuối cùng, bây giờ đem thân vào tù vì tội buôn lậu...
Đột nhiên, mặt bác lại hồng lên, môi trên nhấp nháy rồi cong lên:
- Vậy mà anh ạ, nghĩ cho kỹ tôi vẫn còn là may đấy. Luồn lọt, đi làm tài xế chạy xe cho xí nghiệp xe khách, nên cũng yên. Chứ hầu hết những nhà tư sản, có máu mặt dưới chế độ cũ, đa số đều bị bắt ngay từ 1956-1957 rồi. Nhiều người đã tự tử, đã chết trong tù... Thật là cả một nửa nước, ai cũng bị lừa.
Ngồi nghe bác thì thầm tâm sự, tôi càng quý và thương bác hơn. Tôi chỉ mới vào đây độ ba, bốn ngày, bác đã tin tưởng thổ lộ như vậy, nên tôi cũng thử đặt vấn đề hỏi bác, vì sao bác vội tin người như vậy" Bác cười, nhìn tôi, mắt nheo nheo lại:
- Cậu ơi! Hơn một chục năm sống trong xã hội đầy lừa lọc, phản trắc đã làm cho những giác quan của chúng tôi thêm bén nhậy. Vì vậy, gặp một người, chỉ qua vài lần nói chuyện là chúng tôi ngửi thấy vấn đề, an ninh hay bất trắc rồi cậu ạ. Nhưng, cậu hãy cảnh giác tên Hưng.
Tôi khẽ mỉm cười cảm ơn bác đã có lòng tin tưởng. Bỗng dưng cái chăn cuộn 3 đứa của Thắng “Trắng” giẫy lên đùng đục, rồi một tiếng hét ré lên. Thằng Phúc “Lủi” bé tí, bị đạp thọt ra ngoài chăn, đang khóc.
Nhìn cái bàn tay con con đầy ghẻ lở của nó đưa lên quệt nước mắt, trông thật là tội. Tôi chạy lại, đập vào vai thằng Thắng. Nó và thằng Hạnh “Chui” ngồi bật dậy, nhớn nhác dụi mắt. Tôi hỏi:
- Sao cháu lại đạp thằng Phúc ra ngoài"
Thằng Thắng giẫy nảy, chối:
- Không phải đâu! Tại cháu đang nằm mơ, thấy một con rùa to cứ chui vào trong chăn cắn chân cháu, nên cháu mới đạp đấy chứ!
Tôi và ông Khánh cùng cười, thương cảm cho đầu xanh sớm phải cảnh gió bụi, chỉ vì mười mấy tên hung đồ. Tôi móc túi “vê” cho mỗi đứa một điếu thuốc:
- Thôi, ra đây cho mỗi đứa “bắn” một “bi” rồi hãy ngủ lại!
Cả ba đứa toét miệng ra cười, trông như miệng ba con ốc nhồi. Nhìn thằng Phúc “Lủi” ngồi cuộn trong cái mép chăn, chỉ bé bằng con chó con, tôi tò mò hỏi:
- Cháu 11 tuổi, vậy cháu bắt đầu ăn cắp từ bao giờ"
Ra cái vẻ ta đây là “người nhà” của chú, thằng Thắng nhanh nhẩu trả lời thay:
- Nó biết ăn cắp từ ngày 4 tuổi, chú ạ. Nó đã có 12 lần “tiền sự” rồi đấy! (Nghĩa là 12 lần bị bắt, không xử).
Tôi ngạc nhiên hỏi ngay, với vẻ không tin:
- Bốn tuổi làm sao biết ăn cắp"
- Mẹ nó đã mất nhiều công dậy nó. Mẹ nó cứ bế nó chen lẫn vào những đám đông, như chỗ lấy vé ở rạp xi nê hay rạp hát. Nó lựa thế (theo mẹ nó bảo) thò tay sang túi áo người khác để lấy kính, lấy bút máy, có khi cả tiền. Nếu không may bị họ bắt được, người mẹ xin lỗi là cháu nó trẻ con, táy máy, đùa nghịch. Thấy người mẹ bế đứa trẻ, đa số không nghi ngờ gì cả, mất cảnh giác dễ bị mất lắm.
Tôi vẫy tay ra hiệu cho thằng Thắng đừng nói, để tôi nghe chính thằng Phúc “Lủi” trả lời, tôi hỏi tiếp:
- Thế lần cháu “mổ” (móc túi. Lính mổ: loại móc túi) được nhiều nhất là bao nhiêu tiền và cách đây bao lâu"
Đôi mắt đang hấp him như hai mắt con mèo nhìn đám gà con bới thóc ở sân, đột nhiên mở to, sáng lên như thấy một chú gà con rời mẹ chạy lại gần chỗ mình:
- Tết năm ngoái, cháu “mổ” được một lần nhiều nhất là 180 đồng.
- Ở đâu và của ai"
Tôi hỏi với một vẻ trầm trồ ca ngợi, một chiến công hiển hách. Thằng nhỏ càng sáng mắt lên đầy phấn khởi trả lời:
- Hôm đó, cũng sắp sửa Tết như kỳ này, cháu xuống Hàng Gai. Cháu đang chen vào Bách Hóa định mua một hào kẹo, chợt cháu thấy một bà xách cái lẵng hoa, cũng đang mua hàng. Bà mở lẵng ra lấy ví, móc tiền trả cái áo cánh. Thấy ví dày cộm, đầy tiền, cháu liền “tăm” bà ta suốt buổi chiều hôm ấy. Nhiều lần cháu không biết làm sao được. Mãi đến lúc bà ấy xuống ga Hàng Cỏ chen vào mua vé tàu, cháu mới chui vào theo, rồi dùng lưỡi “lam” mới, cháu “chích” lẵng của bà. Vậy mà phải gần nửa tiếng đồng hồ lo âu, hồi hộp, cháu mới lấy ra được. Xong, cháu lủi lẹ.
Tôi hiểu, dưới chế độ miền Bắc lúc này, có tiền nhiều như vậy, không là thủ quỹ thì cũng là cán bộ về tài chính của nhà nước. Tôi lại hỏi:
- Thế cháu đem tiền về làm gì, đưa đi đâu, hay gửi ai"
Nó cười rộ lên nghe như tiếng dê kêu:
- Chúng cháu mỗi đứa đều có nhiều chỗ gửi tiền. Các bà bán nước trà, các bà bán hàng cơm. Lúc có tiền thì gửi; lúc khó khăn không kiếm được, thì các bà bán chịu cho, chú ạ.
- Lúc này cháu còn tiền gửi không"
- Còn chứ chú! Cháu vào “hao” (Hỏa Lò) một, hai tháng trở về, chúng cháu phải có tiền chứ. Nếu không, lúc mới về làm sao dám đi kiếm tiền!
Thằng Thắng nhịn từ nãy, bây giờ được thể nói thêm vào:
- Chúng cháu ít khi bị bắt lắm. Nếu có một vài chục hay cái đồng hồ, thường không bị vào “hao” đâu.
Tôi đang vê điếu thuốc, tai vẫn mơ màng nghe, chợt ngạc nhiên, quay lại hỏi thằng Thắng:
- Là thế nào" Chú chưa hiểu có tiền, làm sao lại không bị vào “hao”"
- Có gì đâu, chú! Các chú công an ở các khu phố, mặc thường phục cũng như đồng phục, thường đi bắt chúng cháu ấy; chúng cháu đã nhẵn mặt, biết tính từng người. Nhất là chú Ngọc ở khu Hoàn Kiếm. Thường thường đi làm ăn, chúng cháu cứ để sẵn 10 đồng, có khi là một cái đồng hồ cũ giá độ 15, 20 đồng, cùng quá thì 5 đồng ở trong túi. Không may, hôm nào đó, bất chợt bị “vồ”, tiền hay đồng hồ bị công an khám thấy, giữ để làm tang vật. Rồi, công an cứ nắm tay giong về đồn. Trên đường đi, nếu có tiền như trên, công an thường vờ bảo “đứng đây, tao vào đi tiểu (hoặc mua cái gì đó, tùy theo), mày chạy đâu, chết với tao”. Tuy vâng, dạ nhưng phải hiểu là “hãy lủi lẹ, và không bao giờ được hỏi hay nói gì về số tiền công an giữ cả”. Vấn đề này, hai bên đều tự hiểu ngầm. Hầu hết chúng cháu, lớn nhỏ ai cũng hiểu thế
Thì ra là vậy, tôi thầm nghĩ khi nghe thằng Thắng nói. Tôi đang định hỏi tiếp với 3 đứa chúng nó, thì quản giáo đã đến mở cửa. Tới giờ hành chính rồi.
Bẩy mươi sáu: Tình người... Hưng Yên
Ra sân, sau khi rửa mặt xong, tôi và bác Khánh lại lúi húi dọn dẹp chỗ “bàn” dài, để lát nữa chia cơm. Sáng nào, từ ngày chuyển ra trại chung ngoài này, tôi cũng thấy cô Vân đặt một cái bàn con ở một góc sân, trên để khay thuốc, rồi hí hoáy phát và bôi thuốc ghẻ cho mấy đứa nhỏ. Tôi hiểu là thỉnh thoảng cô vẫn đưa mắt nhìn tôi. Cô muốn tôi ra xin thuốc từ mấy ngày nay, nhưng tôi cứ lờ đi coi như không biết. Tôi nghĩ sự việc rồi sẽ chẳng giải quyết được gì, mà chỉ làm cho trái tim rỉ máu nhiều hơn. Vả lại, trong điều kiện như thế này, tôi không có quyền làm buồn lòng một người con gái, dù là người đó thuộc phía đối phương. Danh dự của cá nhân tôi, và danh dự của chế độ nữa không phép tôi làm như vậy. Nnếu câu chuyện này vỡ lở ra, chúng sẽ có dịp bồi thêm là người của miền Nam chỉ trai gái, không có đạo đức, v.v... Từ những suy nghĩ như trên, tôi cứ phải lẩn tránh. Bất đắc dĩ phải ra ngoài, tôi thường nhìn đi nơi khác.
Hôm nay cũng vậy, tôi dõi mắt xa xa, chỗ khe hở của tấm cót vây ở sân, nhìn những cái chân trắng, đầy lông lá, đi đi lại lại. Óc đang miên man đầy vơi những nỗi niềm nghiêng ngửa của cuộc đời, chợt, một cậu bé đến cạnh tôi, thì thầm, mắt nhìn ra chỗ bàn cô Vân:
- Chú ơi! Cô y tá bảo mời chú ra cho cô hỏi gì ấy!
Tôi thấy rõ trái tim mình nhảy nhịp một cách bất thường. Cô Vân ơi! Thôi mà, xin cảm ơn tình cô. Xin hãy để cho tôi yên lành, lần mò trong quãng đường tăm tối của tôi! Dù đầu óc nghĩ như vậy; dù lòng chẳng có ý định và dù vẫn cố gắng cắm cúi lau bàn, tôi vẫn thấy trái tim mình nhảy lộn xộn loạn cả lên. Trong khi tai vẫn thoang thoảng nghe như có tiếng nói của ai đó luồn trong gió ở ngay phía sau mình, mà do những tiếng gọi nhỏ bé hun hút, từ trong hang sâu thẳm của cõi lòng tôi thúc giục đẩy đưa. Hai bàn chân tôi, từ từ tiến ra chiếc bàn cô Vân đang ngồi ghi ghi, chép chép. Rồi cô nhấc chai thuốc này, mở chai kia, như không hề chú ý đến tôi.


Tôi biết là cô đã thấy tôi ra, nhưng nét mặt cô lại rất lạnh lùng. Tôi cũng hiểu, lúc này cũng có hàng trăm con mắt đang để ý theo dõi, bởi vì dù muốn hay không, sự việc nằm ngay trước mắt người ta. Mãi một lúc, cô nhìn tôi, mắt cô run run, đang từ màu nâu chuyển dần qua máu lá mạ “nửa dòng”, rồi nhạt dần thành màu hoa thiên lý “con so”. Mặt cô thoáng hồng lên dưới ánh nắng nhạt của buổi sáng mùa Đông. Một bàn tay cô lơ đãng, đưa lên hẩy nhẹ mái tóc lả lơi buông xõa bờ vai. Môi cô mấp máy, thốt ra những lời run run trong gió Bắc hanh khô:
- Sao mấy ngày hôm nay, anh không ra"
- Ra làm gì cho buồn thêm!...
Tôi trả lời trong hiu hắt nghẹn lòng. Giữa lúc ấy, tên Lê, phó giám thị từ phía cổng trại chung đi vào. Cô Vân vội nhặt 3 viên thuốc trong khay, gói vào một miếng giấy nhỏ, rồi đưa cho tôi, nói nho nhỏ:
- Mai, gần cuối giờ, anh báo cáo ra đây xin thuốc!
Tôi cầm gói thuốc đi về chỗ bàn chia cơm, người còn bần thần như vào một buổi chiều lộng gió, ngồi một mình nhìn ra cửa biển mênh mông. Vân nhẹ trách tôi sao mấy ngày không ra, thế là rõ lòng cô đã chờ đợi mong mỏi đấy. Vân ơi! Tôi cũng mong, cũng nhớ lắm. Nỗi mong nhớ khao khát của tôi hẳn còn sâu đầy hơn Vân nhiều. Tôi biết rung động trước tình người, bén nhậy với ân nghĩa, thế mà tôi đã bị rào kín, bị bóc lột đến độ tàn bạo. Sáu năm dài buồn bã trong căn buồng hẹp, cùm kẹp lê thê, khổ nhục đã làm tôi thiếu khát mọi thứ. Tôi thèm khát mùi lá khô, mùi hoa bàng. Tôi ngẩn ngơ nhìn ánh nắng. Tôi thả hồn với mây chiều, với mưa phùn gió Bấc. Tôi đắm say nghe tiếng chim ríu rít trên cành bàng, những sinh vật duy nhất nơi đây không hận thù. Tôi muốn được san xẻ cõi lòng, khát khao bầu bạn. Thế rồi, Vân đã đến với tôi, với một tình người dạt dào trong sáng. Để rồi tôi đã được những phút ngập ngừng, hồi hộp, say sưa. Và Vân đã mong nhớ. Và chúng ta đã bao lần trằn trọc trong đêm khuya.
Nếu như thế đã là đôi chút của tình yêu, thì sao nhỉ" Phải chăng đó là phần tinh khiết cao quý nhất của con người mà sắt máu, khủng bố của chế độ này đã không đàn áp nổi" Và phải chăng, nó cũng chính là chứng nhân và thẩm phán của chân lý, của tình người, để tuyên án chế độ này"...
Đang nghĩ ngợi miên man, chợt Thọ “Lột” đến ghé vào tai tôi, thì thầm:
- Anh ơi! Mấy hôm trước, đài nói Nguyễn Chí Thanh bị mệt nặng, các bác sĩ đã tận tình cứu chữa ở Liên Xô, nhưng cuối cùng bị chết. Nhưng, thực ra, bên ngoài Hà Nội, người ta đồn là Nguyễn Chí Thanh bị bom B-52 chết ở Dầu Tiếng, trong Nam, anh ạ.
Để xác định rõ, tôi hỏi thêm:
- Em nghe thấy từ bao giờ, khi còn ở ngoài Hà Nội, hay mới đây" Theo em, nguồn tin này do từ cán bộ nói ra, hay từ những người nghe đài BBC, hay từ đài miền Nam"
- Thằng bạn em nghe đài Sài Gòn. Nó mới bị bắt vào, nói lại.
Tôi động viên ca ngợi nó:
- Cảm ơn em, em có những nguồn tin thật là tuyệt. Nhưng, nhớ đừng cho ai biết là em đã kể cho anh nghe!
Chiều hôm ấy, khi tôi vừa ra cửa (trật tự được quyền ra vào, nhưng cũng chỉ ở góc cửa buồng mình), thấy buồng bên cạnh có 4, 5 anh đang thập thò ở cửa. Lại nghe tiếng nói của một người nào đó, rất quen đang nói chuyện với một anh đứng gần đấy. Cái tiếng khàn khàn, đờn đợt, trọ trẹ miền Nam, tôi ghé gần một cậu, hỏi nhỏ về người có tiếng nói rất quen đó. Với hai con mắt him híp như mắt con heo nái, liếc đi liếc lại, long sòng sọc, miệng cười hềnh hệch, nhe những chiếc răng bàn cuốc, trong góc có một chiếc răng vàng đã bẹp dúm một bên. Chính anh ta đã nghe thấy tôi hỏi cậu kia, nên đã ưỡn thẳng người lên, rồi trả lời với vẻ ta đây:
- “Long Châu Sa” Lê Văn Lương, mới ở trại trung ương về đây!
- Trại nào"
- Trại I Phố Lu, Lào Kay.
- Tại sao lại về"
- Vụ án phải xử lại.
- Thế Nguyễn Văn Căn, sao"
Y mở to mắt nhìn tôi, như hỏi sao tôi biết, nhưng miệng y vẫn trả lời dù chưa hiểu vì sao tôi lại biết chuyện của Căn:
- Đã bắn 3 năm nay rồi còn đâu!
Dù đã biết vậy, nhưng tôi vẫn thấy tim mình như thắt lại khi nghe tin cụ thể về anh Căn. Anh đã chết rồi! Như vậy, ngày từ ngày đó, ngày tôi đào thoát, rồi bị đưa vào cát xô gần hai tháng, là thời gian anh Căn bị đưa đi bắn. Tôi nhắm mắt, gục nghiêng đầu một phút để mặc niệm hương hồn của anh. Anh đã hy sinh cho quyền làm người của nhiều người.
Tên Lê Văn Lương cũng đi trại trung ương 3 năm nay rồi. Y lại mới được đưa về đây. Mồm y ông ổng huênh hoang kể những chuyện trên trời dưới đất ở trên trại trung ương, miền núi rừng hẻo lánh xa xôi. Năm, sáu người, ngay trong phòng tôi, cũng ngồi hếch mắt, há mồm nghe, trong đó có cả bác Khánh. Riêng tôi, tôi cứ bần thần suy nghĩ về tên người Việt gốc Căm pu chia này, một tên đểu giả vô lại, tôi cho là chưa từng thấy một người nào khả ố, lật lọng đến như vậy, lại liên quan đến tổ chức tình báo Trần Minh Châu tức Cập. Một tổ chức gián điệp được cài lại từ 1954, dây dưa rất nhiều ẩn khúc. Anh Cập, đầu mối đã bị xử tử năm 1957. Rồi cuối cùng năm 1958, Căn và Lượng mới bị bắt, vì Lượng giết một đứa bé ở Hàng Bạc để bịt miệng, từ đấy mà bị lộ. Căn đã bị xử tử năm 1964. Lương bị xử án chung thân, bây giờ lại được gọi về xử lại.
Đang miên man nghĩ ngợi về y, chợt nghe y nói tới một chuyện làm tôi chú ý. Y kể lại, năm 1964, miền Bắc có bắt được một vụ biệt kích. Toán biệt kích này có tên là toán “Boone”, gồm 5 người: Đinh Sơn, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Huy Lân, Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Văn Mạnh. Chẳng hiểu vì lý do gì, toán này khi nhẩy xuống đất, biết đã bị bao vây, nên tất cả đều hàng hết, hàng ngay.
Cộng Sản miền Bắc đã lợi dụng vụ này để làm chính trị. Đài phát thanh, báo chí, chúng làm rùm beng hàng mấy tháng trời, trong nước cũng như ngoài nước, để chuẩn bị cho một phiên tòa với nhiều đại biểu của cả nước và có cả sự tham dự, của nhiều phóng viên quốc tế, v.v... Chúng xử ròng rã 3 ngày, với bao nhiêu trò hề, làm đau lòng những người có giòng máu quốc gia và làm mát mặt những tên đít đỏ như rệp. Cuối cùng, để khuyến khích, cổ vũ các toán biệt kích sau này, khi ra Bắc sẽ đầu hàng ngay, mặt khác, để chứng tỏ cho thế giới thấy chế độ xã hội chủ nghĩa “Lương tâm của loài người, đỉnh cao của trí tuệ, đầy lòng nhân đạo, thương yêu người dân như con cái trong nhà, như anh em ruột thịt, máu chảy ruột mềm v.v...", chúng tuyên bố tha bổng. Đài phát thanh, báo chí trong và ngoài nước bốc thơm như mít. Nhưng, bây giờ tên Lê Văn Lượng chết tiệt lại nói là, nếu các bạn muốn gặp các anh biệt kích đó, xin mời lên trại trung ương số I, Phố Lu, Lào Kay.
Câu chuyện y kể làm mọi người bâng khuâng, thấy đầy rẫy vô lý. Dù rằng y là một tên lỗ mãng, đểu cáng, nhưng có những sự việc y không thể dựng đứng lên được. Thí dụ như sự việc này, bởi vì người và việc còn đấy. Nội vụ đã đưa ra tòa, cả nước chứng kiến, bao nhiêu phóng viên quốc tế quay phim, chụp ảnh; mặt khác nữa, ngay những bị can, sau khi được tuyên bố tha bổng, lại bị đưa cả vào tù, đời nào họ chịu. (!) Chính phủ ăn nói với họ ra làm sao" Cho nên, rằng muốn tin, nhưng lại không thể tin, chỉ vì sự việc còn cách một không gian từ Hỏa Lò lên trại Phố Lu. Vì vậy, câu chuyện này cũng để nó đấy, thời gian sẽ làm sáng tỏ sau.
Nhưng, có một điều chưa thể quên ngay được về câu chuyện này là, sáng hôm sau, chả biết tên chó má nào đã thọc với quản giáo. Thế là cả một buổi sáng, buồng số 5 phải ngồi tập trung lại, có tên Kế dự. Lượng phải ngồi riêng một chỗ để toàn buồng... "giúp đỡ” bằng cách sỉ vả, mạt sát y là thằng nói láo, phản tuyên truyền, xuyên tạc đường lối giáo dục, cải tạo nhân đạo của đảng, chính sách khoan hồng độ lượng của cách mạng, v.v... Cả một nhà nước to lớn, cả một đảng Mác xít, Lê nin nít vĩ đại bao giờ lại thèm làm những chuyện trẻ con, lừa bịp như vậy, còn đâu là uy tín, còn đâu là nét mặt phúc hậu của “cha già dân tộc” là Hồ Chí Minh"...
Gần hai tiếng đồng hồ, mỗi người mỗi phát biểu sỉ vả. Ngồi ở buồng bên cạnh, tôi còn sốt cả ruột gan, nóng ran cả mình mẩy, huống chi Lượng. Phải nói là y tối tai, tối mắt, quay cuồng như con thú ngồi trên nồi rang. Dù y có cương cường, hống hách đến chừng nào, cũng phải quỵ mọp đầu xuống trước hơn một trăm cái miệng châu vào bủa lưới ụp xuống đầu y.
Người ta nói “trúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”, huống chi ở đây hàng hơn một trăm người, lại có “chính quyền” đứng làm ngáo ộp nữa! Ở đây, phải hiểu “chính quyền” là vũ khí bạo lực. Cho nên, cuối cùng anh đã cúi đầu nhận tội nói láo, phản tuyên truyền, chuyện không, nói có. Để chuộc tội, anh xin nhận “15 ngày kỷ luật cát xô, ăn cơm muối ngày một nắm”.
Câu chuyện này vẫn chưa chấm dứt ở đây, còn dài mãi đến năm 1982, và đến... bây giờ. Tôi, do hoàn cảnh tù đầy đẩy đưa, sẽ minh oan cho Lượng bằng người thực, việc thực. Không những chỉ câu chuyện này, mà còn biết bao nhiêu những cái bí ẩn, trong một góc của cả một bối cảnh thê lương dài 30 năm của đất nước, sẽ được phanh phui ở những trang tới.
Buổi tối, tôi đang ngồi chuyện trò với bác Khánh, Phúc “Thổ” lại ghé vào tai tôi nói thầm, tay chỉ vào một góc buồng có 6, 7 cậu đang ngồi:
- Mời anh lại chỗ chúng em một tí!
Tôi ngạc nhiên, nhưng cũng đứng dậy theo Phúc. Trong đám có cả Thọ “Lột” và mấy cậu nữa cũng là những tay có hạng trong làng dao búa của Hà Nội. Chẳng biết các cậu “xoay sở” từ lúc nào, những tên đàn em, kẻ canh gác cán bộ, đứa vào nhà xí dùng giấy đun được một ca nước trà. Thấy thế, tôi nhìn tất cả ngụ ý hỏi là các cậu làm vậy, không sợ tên Hưng và những loại chó “thọc” với cán bộ hay sao" Phúc “Thổ” cười một cách tỉnh bơ, không cần giữ ý:
- Anh ơi! “Sơn ăn từng mặt” thôi, anh ạ. Thằng Hưng hay thằng nào, cũng chỉ dám hống hách, cáo cầy với những cánh nào non thôi. Chứ chúng nó mà không biết điều với bọn em, chúng em sẽ cho nó “ăn bã trầu” ngay. Vì vậy, anh đừng để ý làm gì.
Rồi nó nhìn tôi giọng tình cảm:
- Chúng em được gặp anh, chúng em quý anh lắm. Cho nên, đứa nào trêu chọc đến anh, đúng là tên đó tới số.
Thọ “Lột” ngồi im lặng từ nãy, bây giờ rót ít nước trà vào chiếc bát con duy nhất, vừa đưa cho tôi, vừa nói:
- Xin mời anh cả! Như vậy, suốt gần 6 năm ở xà lim, anh không hề có mùng mền gì ư" Mấy đêm hôm đầu, chúng em dậy đi giải, thấy anh bó người trông như cái thây ma chết rồi.
Mấy cậu choai choai đang lắng nghe câu chuyện, vội chêm vào:
- Chúng cháu thấy chú bó người nằm thẳng cẳng, kín đầu đuôi, nhiều đêm phải rủ mấy đứa mới dám vào đi tiểu.
Phúc “Thổ” quay lại chỗ mấy cái ba lô, ôm ra một cái mùng cá nhân, một quần “tê tơ rông” vàng, với một chiếc áo “bơ lu dông” màu cứt ngựa để trước mặt tôi:
- Đây là tất cả những thứ chúng em đã chuẩn bị cho anh, anh hãy dùng tạm. Anh yên tâm, chúng em sẽ lo cho anh có đủ quần áo.
Lòng tôi thật xúc động và ngạc nhiên trước tình cảm của các cậu này. Tôi nói trong cảm động:
- Anh rất biết tấm lòng của các em. Nhưng, ở trong xà lim hàng 6 năm, anh đã chịu quen rồi. Các em cũng chả có, vậy các em cứ để lại dùng. Chỉ cần tấm lòng các em quý mến anh, là anh đã được an ủi nhiều rồi. Con người của anh phong sương, chẳng thích lệ thuộc vào hình thức. Các em hãy nghe anh, cất đi!
Phúc “Thổ” nói, giọng đầy vơi tình cảm:
- Anh Bình ơi! Bọn chúng em như những người lính không nhà, tuy có nhiều lúc thật xác xơ, đói khát, nhưng cũng nhiều lúc thật đế vương. Những cái này, chỉ là những cái vặt, không là gì đối với bọn chúng em cả. Nhiều khi, một cái quần may hàng năm, sáu mươi đồng; nếu cần chỉ đổi lấy một cái bánh mì 5 hào, cũng xong.... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.