Trong buổi lễ Cúng Kỳ Yên. |
Trong diễn văn khai mạc, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, hôi trưởng hội Lăng Ông, bảo: "Mỗi đầu năm và giữa năm thường có cúng Kỳ Yên ở Lăng Ông - Bà Chiểu. Tiếp tục truyền thống tốt đẹp đó, hôm nay hội Lăng Ông - Lê Văn Duyệt Foundation, và hội đồng hương Gia Định cùng tổ chức buổi cúng Kỳ Yên này để cầu chúc cho quốc thái dân an, cho đồng bào sớm được tự do, dân chủ ở trong nước, và cho đồng hương hải ngoại được an khang thịnh vượng.
Vào năm 2008 vùng đất Sài Gòn - Gia Định sẽ tròn 310 tuổi, tính từ ngày Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập nền hành chánh đầu tiên ở đây. Nay các địa danh Sài Gòn - Gia Định đều không còn bởi chánh quyền Cộng Sản đã cố tình bôi xóa cùng lúc với chánh sách bôi xóa cả nền văn hóa Miền Nam.
Nhưng trong đất Gia Định vị Phúc Thần của Miền Nam, Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, vẫn được người dân Đồng Nai tôn thờ sùng bái. Lăng Ông ngày càng được mở rộng, tráng lệ, uy nghi. Đặc biệt ngày 4 tháng 2 vừa qua, bức tượng Đưc Thượng Công do người dân Đồng Nai đóng góp đúc nên, được dựng ngay trước Lăng Ông, để tưởng nhớ công ơn lớn lao của Ngài đối với vùng đất và người dân Miền Nam nước Việt.
Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại Vàm Trà Lọt, gần làng Long Hưng Tây tỉnh Mỹ Tho. Năm 17 tuổi Ngài theo tòng chúa Nguyễn Ánh, lập nhiều công trận lớn lao trong việc thống nhất Việt Nam, mở đầu nhà Nguyễn. Gia Long mất, giao cho Ngài trọng trách bảo vệ vua Minh Mạng. Ngài hết lòng với vua Gia Long và Minh Mạng. Ngài làm Tổng Trấn Gia Định thành (như Thống Đốc Nam Kỳ) hai lần: lần đầu từ 1812 đến 1815 và lần sau từ 1820 đến 1832. Ngài rất thanh liêm, rất sáng suốt trong chánh sách cai trị. Chưa có người nào cai trị Miền Nam mà làm cho Miền này an ninh, phồn thịnh, và người dân ấm no hạnh phúc bằng Đức Thượng Công. Người dân kính phục, mang ơn Ngài, gọi Ngài là ông lớn Thượng, các nước lân cận như Miên, Lào, Thái Lan thì rất nể sợ Ngài, gọi Ngài là Cọp Gấm Đồng Nai. Ngài mất ngày 1 tháng 8 năm 1832, thọ 68 tuổi. Mất rồi Ngài rất linh thiêng. Người dân Đồng Nai Củu Long xem Ngài như vị Phúc Thần của vùng này.
Lăng Ông là nơi có ngôi mộ của Ngài và cũng là nơi có đền thờ để phụng thờ Ngài. Lúc đầu (1832) chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Đến đời Tự Đức Lăng được xây lại lớn hơn. Thời Pháp thuộc có hai lần trùng tu vào những năm 1922 và 1937. Thời Việt Nam Cộng Hòa, năm 1973, Lăng được bổ sung phần chính điện theo bản vẻ của Kiến Trúc Sư Mohamed Hamim (ông cũng là giáo sư Petrus Ký). Năm này Lăng có thêm tượng đồng Đức Thượng Công để đáp ứng lòng tín ngưởng và sự mong đợi của người dân Đồng Nai về phương diện văn hóa. Nhất là năm nay sẽ là năm kỷ niệm 310 tuổi của Sài Gòn Gia Định. Riêng cá nhân tôi vừa mừng vui nhưng cũng không khỏi buồn vì luyến tiếc một thuở xa xưa nào. Buồn quá, tôi viết, trong dịp này:
"Hãy trả lại tôi Sài Gòn
Với con đường Công Lý,
Với con đường Tự Do
Hãy trả lại tôi trường Petrus Ký
Với công trường Cộng Hòa
Với hai câu đối trước cổng: "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Tây Âu khoa học yếu minh tâm"
Hãy trả lại tôi trường nữ trung học Gia Long
Với trường Trung học Tây Đô Phan Thanh Giản
Hãy trả lại tôi nền văn hóa giáo dục nhân bản
Có lương tâm, có liêm sĩ, cớ phẩm chất, có tình người
Hãy trả lại tôi danh xưng Gia Định
Bởi đây là cửa vào Lục Tĩnh Nam Kỳ
Hãy trả lại tôi những cánh đồng phì nhiêu
Đơm đầy bông lúa quí
Hãy trả lại tôi những khu vườn sum xuê cây trái
Và những con sông dày đặc cá tôm
Mà người dân Đồng Nai Cửu Long
Đã từng làm chủ và được hưởng hồi bao nhiêu năm trước
Dân Nam Việt vốn ăn ngay nói thẳng
Họ bảo nhau:
Sao không đem ông Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Phong,
Bà Nguyễn Thị Minh Khai với ông Mao Trạch Đông
Với cả ông Lê Duẫn nữa
Sao không đem họ về "lộng kiếng" đi cho rồi""
Sau diễn văn khai mạc, đồng hương lần lượt lên đốt nhang cầu nguyện trước bàn thờ Đức Thượng Công. Tiếp theo là phần văn nghệ gồm các bài cổ nhạc Nam phần do Phương Tiến phụ trách. Đồng hương được mời dùng bữa ăn trưa nhẹ với heo quay, xôi, kiểm, chả giò, do một số mạnh thường quân yểm trợ. Buổi lễ chấm dứt lúc 6 giờ chiều cùng ngày.