Hôm nay,  

Trang kinh dị: Người Vợ Câm

23/04/200700:00:00(Xem: 4825)

  Con tàu hú một hồi còi dài rền vang báo hiệu nó sắp tiến vào sân ga, những chiếc bánh sắt nghiến ken két trên đường ray vì đà hãm của những cái thanh truyền thắng. Con tàu dài thườn thượt như một con rắn, dễ đến mười mấy toa chở khách lẫn chở hàng, uốn éo lượn theo đường ray. Người bẻ ghi đứng ở đầu sân ga phất một lá cờ vàng ra hiệu an toàn, người tài xế kéo còi một tràng dài nữa đáp nhận, cùng cảnh báo nguy hiểm đến những con người đang tấp nập đi lại, buôn bán trao đổi hai bên đường ray và bên trong sân ga. Từ đầu con tàu, một luồng khói đen dầy đặc cuồn cuộn tỏa lên không trung, càng lên cao càng tỏa rộng, trông như một chiếc nấm khổng lồ.
Đoàn tàu chạy chậm dần, nó chưa kịp dừng bánh thì một bọn trẻ ốm gầy trong những bộ quần áo cũ mèm vá víu, ôm những cái mẹt hay rỗ đan bằng tre, bên trong chứa những món hàng rong, đã bám vào những cái tay vịn ở cầu thang nhanh nhẹn phóng lên mời chào inh ỏi. Một hàng những quang gánh của những người đàn bà bán đủ loại thức ăn bốc khói thơm lừng, xếp dài hai bên căn nhà gạch duy nhất trong sân ga dùng văn phòng và quầy bán vé. Thấp thoáng bên trong nhà ga, những màu áo ka ki vàng của những nhân viên điều hành người Pháp. Đất nước đã chia đôi, nhưng vẫn còn hơn một trăm ngàn quân viễn chinh Pháp cố nấn ná ở lại theo lệnh của bộ tổng tư lệnh Pháp ở Đông Dương, có lẽ hy vọng một biến cố xảy ra hay một cơ may nào thuận lợi mà có thể dun rủi cho họ ở lại phần đất phía Nam được lâu dài. Trong thời buổi chuyển tiếp ấy, các công sở, ban ngành hãy còn hiện diện rất nhiều nhân viên người Pháp. Bị thua trận ngoài Điện Biên Phủ và phải kéo vào trú đóng ở miền Nam, người Pháp nói chung, bao gồm cả quân đội và dân sự không còn dám tỏ thái dộ trịch thượng mục hạ vô nhân như ông cha của họ khi còn nghênh ngang trong tư cách cai trị người Việt Nam trong thế kỷ trước nữa, mà là những bại tướng bại quân chờ ngày lên tàu về cố hương. Tuy vậy, muốn trục xuất ngần ấy binh lính mà hãy còn được trang bị khí giới rất hùng mạnh không phải là dễ dàng cho cụ Ngô Đình Diệm, vị thủ tướng vừa mới chân ướt chân ráo về đến Việt Nam nhận trách nhiệm lèo lái đất nước theo lời mời của Quốc Trưởng Bảo Đại.
Gần như là tay trắng khi nhận lại một di sản mục nát, rệu rã từ tay thực dân Pháp, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã gồng gánh hai trọng trách nặng như núi của quốc trưởng giao phó. Thứ nhất, Thủ Tướng Diệm bằng mọi cách phải tống khứ tên lính Pháp cuối cùng ra khỏi Việt Nam theo những điều khoản trong hiệp định Genève, làm sao cũng phải mời hết chúng xuống tàu trong năm 1955. Công việc thứ hai còn khó khăn gấp chục lần hơn, Thủ Tướng Diệm phải ngăn chống không cho binh đội cộng sản chiếm lấy miền Nam. Nếu ông không thể làm được một hay cả hai trọng trách ấy thì xin hãy giao chính quyền lại cho quốc trưởng để ông tìm một người khác nhiều đởm lược hơn. Một con người từng bôn ba xứ người nuôi chí phục quốc và hào khí cao ngất trời, lược thao gồm đủ, Thủ Tướng Ngô Đình trân trọng tuyên hứa trước Quốc Trưởng Bảo Đại, rằng ông sẽ làm được. Công việc nhiêu khê trước mắt của chính phủ ông Diệm là thu xếp những chuyến tàu xuôi ngược Bắc Nam trong thời gian mười tháng để chở những người miền Bắc vào miền Nam. Đoàn tàu ra Bắc lúc nào cũng rộng thênh thang, nhưng khi xuôi Nam thì người ta chen chúc đầy ứ trong những khoang tàu chật hẹp, như những con cá mòi cam chịu nằm xếp lớp trong chiếc hộp thiếc bé tí. Những người ở thành phố may mắn lên trước giành được chỗ ngồi được thong dong một chút, những người ở miền quê gồng gánh kéo nhau lên sân ga, chậm chân đành phải ngồi xếp hàng lũ lượt trên lối đi giữa hai hàng ghế, chậm hơn nữa thì đành chịu đứng suốt cuộc hành trình.
Sáu chia tay với vợ chồng Đạt trong cái bối cảnh hỗn độn đó. Là nhân viên cao cấp của chính quyền quốc gia Đạt được cấp cho mấy chỗ ngồi ở toa hạng nhất, Sáu cũng được phần ưu tiên như cậu chủ. Khi con tàu ngừng hẳn trước nhà ga, Sáu bịn rịn nắm tay Đạt:
-Xin phép cậu cho tui xuống đây, xa quê hương hơn hai mươi năm tui muốn về tìm lại mồ mả ông bà cha mẹ và coi có còn người thân quen nào không. Khi nào công việc xong xuôi thì tui vô Nam tìm cậu mợ.
Quay sang Vân đang rưng rưng nước mắt trong giây phút chia tay, Sáu ân cần dặn dò:
-Mợ ráng chăm sóc cậu, đừng để cậu làm việc và thức khuya nhiều, không tốt cho sức khỏe. Còn cậu Đạt, cậu phải lo lắng chu đáo cho mợ, không được để cho mợ làm việc nặng nhọc.
Đạt cười khì liếc nhìn cái bụng đã mum múp của vợ:
-Anh cứ lo chuyện của anh đi. Cái cung cách của anh làm tôi nhớ đến cũng những lời như thế này của bà nhạc mẫu tôi. Lo quá đi chứ, không lo dễ có được như thế này à"
Vân đỏ bừng mặt véo tay chồng nguýt yêu:
-Cái anh này ăn nói sàm sỡ, anh Sáu cười cho.
Sáu thở ra một hơi dài sảng khoái, anh xách chiếc ba lô dưới chân khoác lên vai nắm chặt lấy tay Đạt lần nữa:
-Thôi tui chào cậu mợ tui đi, cậu mợ phải bảo trọng, có ngày mình còn gặp lại.
Đạt cảm động nhìn vào đôi tròng đỏ hoe của Sáu, chàng đặt tay lên vai người đầy tớ trung thành, mà cũng là người bạn thân thiết nhất của chàng trong những ngày băng rừng vượt núi:
-Dẫu thế nào thì anh cũng phải liên lạc với vợ chồng chúng tôi, đừng để mất nhau nghe. Anh đã biết tôi nhận nhiệm vụ khảo sát địa chất ở Pleiku, vào đó tìm tôi thế nào cũng gặp nhau.
Sáu đã bước xuống được một nửa cầu thang rồi, nhưng anh lại trở lên, trong lúc từ đầu máy, tiếng còi tàu chia ly đã não nùng cất lên. Sáu cởi sợi dây bùa có chiếc răng cọp của sư phụ anh cho để trừ tà ma và thú dữ ấn vào tay Vân:
-Mợ đeo cái này vào để hộ thân, nó linh thiêng lắm mợ, phép Phật rất nhiệm mầu đừng có coi thường. Sau này em bé lớn lên thì mợ mang cho em, sẽ được an toàn trong mọi hoàn cảnh.
Vân ngần ngừ không muốn nhận, vì món quá quá lớn, là cái bùa hộ mạng của Sáu, nàng lắc đầu từ chối:
-Cám ơn anh Sáu đã nghĩ đến mẹ con tôi, nhưng rừng núi cao nguyên cũng nhiều bất trắc lắm, anh cứ giữ để phòng thân.
Sáu cười vỗ vào con dao ngắn vắt bên hông cùng cái bao chiếc mã tấu mà đã được anh bọc mấy lần vải để tránh những con mắt tò mò của người Pháp và dân chúng:
-Mợ đừng lo, Tui còn có cái này.
Sáu có lưỡi dao trủy thủ cổ xưa hơn ngàn năm đã tặng cho bác sĩ Vượng, bạn thân của Đạt, trong lúc anh hộ tống Vượng ra bản Quan Châu trên miền biên giới Việt - Lào. Nhờ con dao này mà Vượng đã giết được con cọp thành tinh ăn thịt người. Vượng là con thịt thứ một trăm mà con hổ muốn ăn để nó có thể biến ra thành hình người vĩnh viễn. Số phận đã dun rủi Vượng giết chết con quái vật để giải thoát cả bản Mèo Nậm Luông ra khỏi nanh vuốt của nó, và gần trăm oan hồn còn vướng vất trên cõi trần gian trong kiếp ma trành làm nô lệ cho cọp. Trước khi chia tay với thầy trò Đạt để trở về bệnh viện Mộc Châu, Vượng đã trao con dao lại cho Sáu:
-Anh hãy nhận lại con dao này để bảo vệ cậu Đạt trong lúc còn công tác ở những vùng núi rừng xa xôi, tôi về thành phố sẽ không cần dùng đến nó nữa.
Khi hiệp định Genève được ký kết, Vượng dắt hai chị em Vàng Lin và Vàng Mìn theo đoàn công voa Pháp từ Mộc Châu về Hà Nội, tạm thời người ta xếp chàng vào làm việc trong Bệnh Viện Hà Nội, thật đúng với long ước mong của ông bà cụ Mai, song thân của chàng. Nhưng khi Vượng đem hai chị em cô gái Mèo về nhà xin cha mẹ giới thiệu và xin cho trú ngụ một ít lâu, thì bà giáo đã kéo chàng vào phòng riêng dẩy nẩy lên:
-Mẹ đã bảo anh là không được dây dưa với mấy cô miền núi, mẹ đã chấm cho anh mấy cô Hà Nội vừa đẹp, vừa ngoan, thêu thùa, nấu nướng cái gì cũng khéo.
Vượng nhăn nhó trần tình:
-Duyên nợ mẹ à, xin thầy mẹ tác thành cho chúng con. Không có họ che chở cho thì con đã bỏ xác trên Lai Châu rồi, có đâu cho mẹ tìm dâu Hà Thành.
Bà mẹ nhìn cậu con bằng ánh mắt nghi ngờ:
-Mẹ hỏi thật, anh cưới cô ấy làm vợ vì thương người ta thực sự, hay chỉ là để giả ơn cho cô ta"
Câu hỏi thật khó khăn, Vượng buộc phải gãi đầu thú nhận:
-Thưa... cả hai mẹ ạ!
Đã gả Vân cho cậu Đạt, bà mẹ hài lòng lắm, xem như đã xong được một mối duyên lành. Bà hài lòng khi thấy con gái mỗi lần về thăm, vui tươi hớn hở như đóa hoa hồng phơi phới dưới ánh nắng sớm. Như vậy là chúng nó đang sống vô cùng hạnh phúc với nhau lắm rồi, bà giáo mãn nguyện lắm. Cụ giáo Thịnh kể cho bà ông bắt được nguồn tin từ phủ thủ hiến, rằng người ta sẽ di tản toàn bộ những người làm việc trên bệnh viện thị xã Mộc Châu về, nên bà giáo đã chấm sẵn mấy chỗ ưng ý, chờ cậu con về là cho chúng nó xem mắt nhau ngay. Nhưng giờ đây, Vượng đã đặt ông già cụ giáo trước một sự việc đã rồi, mà nhà bà thì nghiêng theo tân học, không nỡ bó buộc con cái thái quá. Đêm nằm ngủ bên chồng, bà giáo vắt tay lên trán thở dài sườn sượt:
-Con với cái bảo chẳng nghe, tôi buồn phiền quá ông à.
Cụ giáo ậm ừ:
-Thôi, con nó lớn để cho nó tự lo liệu, người ta là quan đốc rồi chứ còn nhỏ nhít gì mà bà cứ mãi lo thế. Tôi xem con bé Mèo đó cũng xinh xắn dễ thương, chịu khó thức khuya dậy sớm quán xuyến mọi việc trong nhà, cúc cung hầu hạ vợ chồng mình, con Vân cũng không sánh bằng, bà còn phàn nàn gì nữa.
Bà giáo miễn cưỡng đồng tình:
-Ừ, kể ra thì con bé nom cũng được người được nết, nấu nướng thêu thùa cũng giỏi giang lắm, nhưng tôi cứ mãi e thiên hạ xì xào khó chịu lắm.
-Ôi dào, thì cứ bỏ công tập cho nó ăn mặc, đi đứng, ăn nói như người Hà Nội, trang điểm cho con bé tuyệt đẹp vào, còn ai đàm tiếu nữa. Này, con bé thổi mấy món xôi nếp miền núi tôi thích lắm, còn bà thì sao nhể"
Bà giáo cự nự:
-Ông thì cứ thích... ăn thôi, hừ, ăn nếp mãi tôi ngấy đến tận cổ rồi!
Cuộc di cư vĩ đại của một triệu người dân miền Bắc vào miền Nam đã cất đi được cái khó khăn nan giải của nhà họ Mai. Dân Hà Nội người ta đang lên cơn sốt, rộn rịp thu xếp tìm đường xuôi Nam, nháo nhào chạy động chạy tây, đâu có ai còn để ý đến ai nữa. Nên cuối cùng bà giáo cũng thuận làm một cái lễ cưới đơn giản tác hợp duyên lành cho đôi trẻ. Vượng cùng Vàng Lin chẳng còn lấy một ngày để đưa nhau đi hưởng những giây phút trăng mật bên nhau. Cưới nhau xong là thu vén hành trang đi Nam ngay. Thật may mắn cho cả nhà Vượng, nhờ người Mỹ giúp cung cấp phương tiện, người Pháp dành nhiều chuyến bay cho những nhân viên trong bệnh viện, nên Vượng đem mọi người trong gia đình lên máy bay. Vào đến miền Nam, gia đình Vượng được thu xếp cho về định cư ở thành phố Biên Hòa. Là một bác sĩ giàu kinh nghiệm, Vượng được nhận vào làm việc ngay trong bệnh viện, chẳng những thế mà ông giám đốc còn bổ nhiệm chàng làm trưởng khoa một khu lớn nữa. Bác sĩ Pháp đã lần lượt trở về nước, khu gia cư sang trọng của họ bỏ trống, những người trưởng khoa như Vượng được cấp cho một cái nhà khá là bề thế. Đến đây thì bà giáo sung sướng lắm, vì trời phật ban cho cả gia đình nhiều ân huệ vượt quá sức tưởng tượng như thế này, bà vẫn thường cùng con dâu đi chùa lạy Phật, dâng hương hoa và ít tiền cúng dường để gọi là tỏ lòng thành kính biết ơn.
Cụ giáo Thịnh rảnh rỗi đi vào đi ra không biết làm gì, chẳng nhẽ cứ ngồi nhâm nhi trà mãi, nên khi nghe được bên phòng giáo dục thành phố người ta tìm thuê giáo sư dạy Pháp văn, cụ tới ứng cử ngay. Bà giáo khuyên ngăn mãi, rằng cụ già rồi, cứ ở nhà nghĩ ngơi có phải hơn không. Cụ Thịnh không chịu, cụ bảo ở nhà mãi mụ mị người đi, tuổi già lại càng phải hoạt động cho thân thể mạnh khỏe, chứ nằm ì một chỗ chắc cụ đi sớm. Cụ Thịnh được nhận làm giáo sư dạy Pháp ngữ một cách dễ dàng, bởi khi trao dổi mấy câu với ông hiệu trưởng, cụ xổ một tràng tiếng Pháp Paris chính gốc.Hơn nữa, khi biết cụ Thịnh từng làm giáo thụ ngoài Hà Nội, ông hiệu không giấu nổi sự hân hoan, liền bắt tay cụ giáo ngay:


-Chúc mừng cụ, chúng tôi xin được kính mời cụ làm giáo sư Pháp Văn. Cụ mới vào Nam có chỗ ở chưa, nếu chưa thì chúng tôi có thể thu xếp cho cụ một phòng trong trường.
Cụ giáo, giờ đây là giáo sư Thịnh của trường trung học Biên Hòa vội đáp lời:
-Cám ơn ông hiệu trưởng đã nhận tôi. Tôi hiện đang ngụ chung với cậu con trai lớn trong khu gia cư bệnh viện nên tôi nghĩ rằng, tốt hơn hết nên dành chỗ trong trường cho những vị giáo sư khác cần hơn tôi.
Câu chuyện dần sang đến chỗ thân tình, ông hiệu trưởng niềm nở mời ông giáo đến nhà chơi:
-Rồi đây chắc chúng tôi còn phải học hỏi thêm nhiều ở cụ. Chẳng dám nào xin cụ hẹn cho một ngày để chúng tôi mời ông bà cụ và ông bà bác sĩ Vượng đến dùng một bữa cơm thân mật với chúng tôi được không ạ.
Khi đã hoàn toàn mãn nguyện từ vật chất đến tinh thần, thì con tim người ta rộng mở với mọi người chung quanh, nên bà giáo đâm ra thương mến cô con dâu người Mèo. Yêu chồng, Vàng Lin khéo léo chìu chuộng bà mẹ khó tính, nên dần dần nàng đã thay vào vị trí của Vân làm con gái của mẹ.

*

Sáu tần ngần đứng nhìn mãi theo con tàu, lòng xốn xang bứt rứt như vừa mới đánh mất một mảnh đời của mình. Khi đoàn tàu hỏa đã khuất mất sau một khúc quành, Sáu ngẩn ngơ nhớ ra rằng anh đang đứng trên mảnh đất quê hương sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngày theo thầy ra đi, thằng bé Sáu chỉ mới được mười mấy tuổi, hãy còn là một đứa trẻ gầy guộc vì thiếu đói và đen đủi như những thân cây khô trơ trụi lá dưới cái nhiệt nóng đổ lửa của những cơn nắng hạ. Lần ra đi trước, hai thầy trò cũng đã bước lên một đoàn tàu trực chỉ về phương Bắc, mà lúc đó trong lòng cậu bé đã nghĩ đến một sự tha phương vĩnh viễn. Hai mươi năm sau, Sáu không bao giờ có thể nghĩ đến cái khoảnh khắc anh bồi hồi rưng rức đặt chân lên miền đất quê hương mà anh chào đời. Sáu ngơ ngác đứng giữa một rừng người náo nhiệt trong sân ga, chợt thấy mình như một con người xa lạ đứng bên lề cuộc sống. Những hành khách xuống tàu được thân nhân ra đón, trò chuyện tíu tít trong niềm vui đoàn tụ, chỉ mỗi Sáu lẻ loi cô độc bên mái hiên nhà ga. Một bà ngồi sau gánh hàng gần bên mở lời chào:
-Mời cậu ăn giúp tôi một tô bún riêu.
Sáu giật mình quay qua ngồi xuống đưa mắt nhìn vào cái xoong nhôm chứa đầy một thứ chất lỏng đỏ quánh đang sôi rỉ rả, với những lát cà mỏng bập bềnh giữa những cọng hành xanh mướt, những khúc thịt giò béo ngậy ẩn hiện dưới lớp váng mỡ vàng lườm. Món bún riêu trông hấp dẫn, nước bọt ứa ra hai bên lưỡi, Sáu nhận ra rằng bụng anh đang cồn cào đói sau cuộc hành trình dài.
-Ừ, dì làm cho tui một tô đi.
-Cậu muốn cay vừa hay cay đậm"
Bà bún riêu vừa hỏi vừa lấy chiếc khăn the màu ngà lau khô đáy chiếc tô sành dầy cộm, những ngón tay nhanh thoăn thoắt như một nhà nghệ sĩ tài hoa lướt trên phím đàn, bốc một nhúm rau muống chẻ trộn với giá cho vào, rồi rải lên trên những nhúm bún trắng ngần. Cái môi múc nước béo đảo qua đảo lại giữa những váng mỡ tìm kiếm một cục giò, mãi sau bà múc lên một cái xương ống được bao bọc quanh bởi một lớp da màu nâu nhạt phồng dòn, nhưng khổ nỗi chẳng có được tí thịt nào. Sáu chẳng buồn để mắt đến thủ thuật tống khứ những cục giò mỡ của bà dì bún riêu, thịt hay mỡ đối với anh cũng vậy thôi, có cái gì cho vào bụng là được rồi. Sáu kéo chiếc ghế thấp đến gần ngồi lên:
-Dì cứ cho cay nhiều vào, bún riêu càng ăn cay càng ngon.
Đưa tay đón lấy tô bún nóng hổi, mùi thơm bốc ngạt cả mũi, nhưng Sáu chưa ăn vội, anh hỏi bà dì:
-Dì ơi, từ đây muốn về đến Bình Khê thì phải đi như thế nào"
Bà bún riêu không trả lời ngay câu hỏi:
-Thế cậu là người ở Bình Khê à, hỏi có khi không phải, dường như cậu ở xa mới về"
-Thưa phải, tui ở miền Bắc vào, xa quê hương lâu năm, cảnh vật bây giờ khác xưa nhiều quá.
Bà bún riêu đưa tay chỉ về hướng con đường đá dẫn ra con lộ lớn:
-Cậu có thấy mấy chiếc xe thổ mộ đó không, cậu ra đó hỏi người ta, chờ đủ người là đi. Nhưng mà này, không khéo cậu về đến đó thì trời đã chiều lắm rồi. Xe người ta chỉ đến chân đèo thôi, nếu cậu qua bên kia đèo thì phiền lắm đấy, không có xe nào chịu đi đâu.
Sáu ngừng ăn ngước lên hỏi:
-Mình trả thêm tiền người ta chịu không"
-Tôi không biết, nhưng đường đèo hoang vu hiểm trở lắm, nhiều hùm beo tôi e họ không dám...
Chợt bà bún riêu nhoài người đến gần đưa tay lên che miệng nói nhỏ:
-Thôi cậu tìm nhà trọ ngủ tạm qua đêm rồi sáng mai đi sớm, xe mới qua đèo. Nói cậu sợ, chứ cọp beo người ta ít ngại hơn là sợ... ma đó cậu.
Nghe nói đến ma, Sáu không khỏi giật mình, bởi anh đã trải qua nhiều cơn sóng gió với bọn ma rừng, ma xó lẫn ma trành trên miền Thái, Mèo lắm rồi. Bà già bồi thêm một câu:
-Nghe mấy tay thổ mộ kể lại dân ở dưới chân đèo mặt trời vừa khuất núi thì nhà nào nhà ấy họ cài then trốn ở trong không dám đi ra ngoài. Nhà tôi ở gần đây, nếu cậu muốn thì tôi cho cậu ngủ qua đêm, cậu cho bao nhiêu tôi cũng cám ơn.
Hóa ra bà bún riêu nói vòng quanh, là cốt câu những người khách lạ như Sáu về ngủ trọ trong nhà kiếm thêm chút tiền. Sáu ngần ngừ hỏi thêm:
-Ở đất Bình Định này mà cũng có ma nữa sao.
-Có chứ sao không cậu. Eo ơi, đêm xuống là ma nó bay hàng đoàn trên đèo.
Nét mặt thành khẩn và sợ sệt của bà lão làm cho Sáu cũng phải rùng mình ớn lạnh, anh ngần ngừ không biết phải quyết định thế nào. Nhưng tiếng gọi thân thương của miền quê nghèo từ một dĩ vãng đã quá mờ mịt đang quặt thắt trong lòng, một nỗi thúc bách không thể lần lửa. Sáu móc tiền trả cho bà lão, bà dì đón lấy tờ giấy bạc một đồng xé ra làm hai, trao lại một nửa cho Sáu:
-Năm cắc một tô cậu.
Thời đó, dù người Pháp có đúc nhiều tiền kim loại, nhưng trong dân gian vẫn còn thói quen xé những tờ giấy bạc làm đôi, khỏi móc túi tìm tiền cắc cho phiền phức. Cái thói quen này còn kéo dài đôi ba năm nữa dưới chính thể nền Đệ Nhất Cộng Hòa, rồi dần dần theo nhịp sống mới, người ta không còn xé giấy bạc nữa. Bà dì bún riêu rót cho Sáu một ly nước uống tráng miệng:
-Uống trà đi cậu.
Sáu nâng cái chung lên nhấp chất nước nâu đậm không biết là loại trà quái quỷ gì, vì cái vị đắng chát khó chịu, nhưng anh cố không nhăn mặt vì ngại làm bà lão phiền lòng, có được chút nước ấm giải khát cho đỡ tanh miệng là quý lắm rồi. Sáu đứng lên:
-Cám ơn dì, chào dì tui đi.
Bà lão chép miệng:
-Cậu vẫn nhất định đi à"
-Dạ nhớ quê quá dì, cùng lắm thì tui tìm chỗ ngụ dưới chân đèo, cứ đi được đến đâu hay đến đó.
-Nếu cậu đã quyết định vậy thì tôi chúc cậu về nhà được bình an.
Lời nói của bà lão gợi lên trong lòng Sáu một nỗi rờn rợn, như một sự cảnh báo những hung hiểm đang chờ đón anh trên con đường đèo hoang vu ấy. Bất chợt, Sáu đưa tay lên cổ theo thói quen tìm chiếc răng cọp, trong lòng cảm thấy hơi tiếc nuối cái bảo vật hộ mạng. Nhưng nỗi bâng khuâng đó chỉ thoáng qua như một cơn gió nhẹ gợn trên mặt hồ, bởi cái mạng sống của Sáu là do Đạt cứu vớt cho, nhảy vào dầu sôi lửa bỏng cũng chưa đủ để đền ơn, thì có sá gì một chiếc răng cọp chứ. Sáu bước nhanh đến một chiếc xe cổ mộ mà anh thấy đã có mấy người lên ngồi trên đó. Một người đàn ông rất khó đoán, vì trông ông hãy còn khá tráng kiện, nhưng những đường xếp nếp trên khuôn mặt đã biến ông thành một người già, trông cũng phải ngoài năm mươi. Người đàn ông đang phì phà điếu thuốc rê, khói bốc mù mịt mang theo mùi hăng hắc, trông thấy có khách ông vội bước ra vồn vã:
-Chú em đi về đâu, mời chú lên xe.
-Chú có về Bình Khê không"
Ông chủ xe gỡ điếu thuốc trên môi xuống phà ra một đống khói:
-Có chú, chuyến xe này là chuyến chót rồi, chú em lên đi.
-Từ đây về đấy mất bao lâu vậy chú"
-Thường thường là trước mặt trời lặn, nhà tôi ở dưới đèo nên tôi mới cho xe về, chứ mấy xe khác họ ở Qui Nhơn giờ này không ai chịu đi đâu.
Đã nghe bà bún riêu kể chuyện ma trên đèo, nhưng Sáu vẫn muốn có lời xác nhận từ ông chủ xe, nên anh hỏi:
-Chú không chở khách qua đèo sao"
Ông già xua tay ra:
-Úy, ban đêm đâu ai dám qua đèo.
-Bộ sợ giặc cướp sao chú"
-Giặc cướp nó cũng không dám qua đèo, đừng nói gì người thường như mình.
Sáu cởi chiếc ba lô trên lưng đặt vào lòng xe.
-Chắc có hùm beo ma quỷ gì phải không chú"
-Hùm beo thì thỉnh thoảng chúng có mò ra đường, nhưng không sợ bằng ó ma lai chú em à.
Một người đàn bà mặc chiếc áo the đen, quần lãnh ngồi trong xe từ đầu nghe những lời trao đổi của hai người, đã nói xen vào:
-Phải đấy cậu, tôi là người ở Bình Khê, giòng họ nhà tôi mấy đời lập nghiệp ở Bình Khê nên tôi biết ó ma lai.
Sáu nhảy lên ngồi gần bên người đàn bà: "Thưa dì thứ mấy để tui gọi cho phải phép."
-Tôi thứ Hai cậu, tôi còn người chị cả nữa.
Sáu không quan tâm mấy đến những con ma lai, tình cờ biết bà dì là người cố cựu ở Bình Khê, Sáu mừng lắm, vì anh hy vọng có thể hỏi thăm những chuyện xưa cũ.
-Thưa dì Hai, tui cũng là người ở Bình Khê, tui xa xứ từ năm hơn mười tuổi, bây giờ trở về muốn tìm lại người quen. Dì Hai có biết ông bá hộ Nguyễn Dương không"
Người đàn bà vỗ hai bàn tay vào nhau trả lời ngay:
-Biết chứ, nhà ông bá hộ Dương bên ấp Bình Tây ai mà không biết, cậu là thân thuộc gì với ông bá hộ vậy"
-Dạ, ngày xưa tui đi chăn trâu cho ông bá hộ.
Bà dì nhìn Sáu chằm chằm từ đầu đến chân, như để tìm kiếm dấu vết quen thuộc từ cậu bé chăn trâu ngày xưa:
-Tôi thường qua bên đèo, có nhớ nhà ông bá hộ trâu bò nhiều, kẻ ăn người làm cũng lắm, nhưng mà tôi không nhận ra cậu.
Sáu cười hiền:
-Tại vì tui thường ở ngoài đồng nên dì ít thấy.
-Bây giờ cậu muốn tìm nhà ông bá hộ Dương, nhưng mà nhà cửa thân quyến cậu ở đâu"
-Dạ, tui mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ lúc mới năm sáu tuổi, tui không nhớ rõ gốc gác, tui chỉ nhớ là nhà ông bá hộ đem tui về nuôi.
Bà già chép miệng:
-Tội cho cậu dữ chưa, nhưng mà... nói cậu đừng buồn, ông bá hộ Dương bây giờ đã trở thành người phế nhân rồi!
Sáu giật nẩy người bàng hoàng, bởi ông bá hộ là người thân duy nhất của anh trên cõi đời này, dẫu ông thường hà khắc đòn roi Sáu, nhưng từ tận đáy lòng con tim anh vẫn dành cho ông một tình thương mến, như của một người con dành cho người cha. Nghe tin dữ, Sáu không khỏi bồi hồi:
-Nhà cửa gia đình ông bá hộ ra sao thưa dì"
-Ngày xưa thời Pháp thì giàu nứt đố đổ vách, kẻ ăn người ở ra vào tấp nập. Nhưng khi Việt Minh về thì nhiều người tản mác đi, ông bá hộ muốn được yên thân nên đem nhiều tài sản ruộng đất hiến cho mấy ổng, chỉ giữ lại căn nhà hương hỏa với vài mươi mẫu ruộng làm lúa cũng tạm dư dả, nhưng không được xênh xang như trước nữa. Từ ngày ông bá hộ trúng gió bị méo miệng bại xuội nằm liệt giường, thì cậu cả Dư chỉ huy công việc gia đình.
Bà dì ngắm nhìn Sáu lần nữa:
-Cậu năm nay được bao nhiêu tuổi rồi"
-Dạ ba mươi ba thưa dì.
-Ừ, vậy cũng xấp xỉ tuổi cậu Cả, chắc nhỏ hơn vài tuổi.
Sáu nhăn tít trán cố hình dung gương mặt của cậu Cả như thế nào, nhưng ký ức của anh bị một vầng mây mù bao phủ, không thể nhớ được.
-Thế còn cô Ba Dung em cậu Cả thì sao ạ"
Bà lão thở ra một hơi dài áo não:
-Ôi cậu nhắc đến cô ba Dung làm tôi tội nghiệp cô ấy lắm cậu à. Khoảng năm mười lăm mười sáu tuổi gì đó, con gái người ta đang đẹp đẽ hiền lành như vậy tự dưng cô ba Dung bị tà ma nhập rồi cô bị câm luôn từ đó...                      

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.