Hôm nay,  

Trang Kinh Dị: Ở Nhà Một Mình (04/10/2007)

10/04/200700:00:00(Xem: 4309)

(Tiếp theo... và hết)

Cái chết của Thu và cơn sợ hãi của vợ, đã khiến Lộc quyết xin hãng cho làm ca ngày. Nhưng Lộc không thể nào ngờ được, oan hồn của Thu vì chết oan trong một tai nạn xe, vẫn còn lẩn khuấn trên dương thế để tìm cơ hội trả thù gã tài xế đã gây ra tai nạn cho nàng... Gã đó có tên là Joe!
Joe quàng tay lên vai Samantha xô cửa khật khưỡng bước ra ngoài, kéo sát cô gái vào lòng, rồi cúi xuống tìm đôi môi của nàng. Samantha nhăn nhó xoay mặt tránh qua một bên làm nụ hôn của Joe rơi lên má nàng:
-Anh hôi rượu quá đi, anh say quá rồi...
Joe nhụ nhựa:
-Say gì mà say, mới có chục lon bia chớ mấy, anh còn uống thêm được nhiều nữa mà cưng.
Nói thế chứ  hai chân của hắn đã lạng quạng, cái này bước chéo qua cái kia. Joe say quá, đến lượt Samantha phải dìu gã đi về phía chiếc xe truck chở hàng. Cái đầu của gã say lắc lư theo từng bước chân:
-Tối nay em về nhà với anh nghe"
Ngày cuối tuần, hãng phát lương nên anh nào anh nấy rủng rỉnh tiền, những gã ham chơi bời nhậu nhẹt như Joe, mà lại còn độc thân nữa, vừa tan giờ làm là đã phóng xe ngay đến những nơi trà đình tửu quán. Joe mết một em vũ khỏa thân ở quán The Yatch tên là Samantha, nên khi có tiền, nhất định hắn phải mò tới để chiêm ngưỡng sắc đẹp và những đường nét tuyệt mỹ trên người em. Joe thèm được Samantha múa riêng cho mỗi mình hắn thưởng thức, nhưng lương công nhân quèn ba cọc ba đồng chẳng có bao nhiêu, Joe không thể vung tiền qua cửa sổ như những thằng cha cổ trắng mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, mà lúc nào cũng đến thật sớm giành những cái bàn đầu, để được xuýt xoa nhìn ngắm thân thể những em vũ nữ ở một khoảng cách gần nhất. Gần đến nỗi những cái bụng thẳng băng không một chút mỡ dư thừa với cái rún sâu hun hút như một cái vực xoáy của những cô gái nhảy chập chờn trước mắt chỉ có vài phân. Joe ngồi ở một cái bàn phía sau, bực tức nhìn những đôi mắt ngây dại của bọn cổ trắng dán lên mình mẫy em Sam của hắn. Nào đã hết đâu, mỗi thằng trong bọn ấy cứ đưa cao lên những tờ giấy hai chục thơm phưng phức ra dấu cho Samantha đến gần, rồi mẹ ơi, tụi nó nhét những đồng tiền vào cái xì líp nhỏ bằng ba ngón tay. Cái mông của em Sam ngoáy tợn mỗi lần bọn cổ trắng nhét tiền sâu vào nơi huyền bí của nàng, cái xì líp theo cùng những điệu hất nẩy của Sam xuýt nữa đã tụt xuống đùi nàng.
Joe trợn mắt quay đi không muốn nhìn cái cảnh tượng bỉ ổi đó, những ngón tay hắn vo tròn tờ giấy năm đồng trong một trạng thái xấu hổ. Joe muốn bước đến sàn nhảy tặng cho Samantha số tiền ấy với tất cả lòng sùng bái của một con người biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt tác của tạo hóa bằng một trái tim tinh khiết, nhưng không dám vì ngại những chàng cổ trắng chế nhạo đồng tiền ít ỏi của mình. Bọn nhân viên văn phòng, anh nào anh nấy mặt mũi trắng bóc trông đẹp mã khỏi có chỗ chê đi, trong túi rủng rỉnh tiền, nên những cô vũ nữ thích ưỡn ẹo đến gần, thế nào cũng được gọi múa riêng cho họ xem. Joe ngồi gục đầu bên những lon bia nghiêng ngã ngổn ngang trên chiếc bàn trò nhỏ. Chợt hắn thấy một chiếc bụng nõn nà với cái rốn tròn mũm mĩm rung lắc trước mặt, Joe ngạc nhiên nhìn lên, để sững sờ nhận ra là Samantha. Cô gái vừa uốn éo tấm thân hầu như trần trụi của thời nguyên thủy con người vừa nheo mắt tình tứ hỏi:
-Anh có muốn em múa riêng cho anh xem không"
Joe ngần ngừ, rụt rè đáp:
-Cám ơn em, nhưng anh không thể...
Sam nhìn Joe với ánh mắt khuyến khích:
-Anh cho bao nhiêu cũng được, em không phàn nàn đâu.
Joe xòe tờ giấy năm đồng ra, tấm giấy bạc nằm co rúm tội nghiệp trong lòng bàn tay to thô của hắn:
-Anh không có tiền, nhưng anh xin tặng em số tiền nhỏ này.
Samantha lắc lư mông trong một điệu múa gợi cảm:
-Không sao, với anh thì bao nhiêu em cũng múa...
Sam đã nói thật, vì từ lâu nay nàng đã chú ý một anh chàng dáng hơi gầy gầy có khuôn mặt xương xương, đôi má nhô cao gần như che khuất cắp mắt nhỏ thụt sâu vào cái hốc, làm cho toàn bộ khuôn mặt của hắn tối sầm. Nhưng dưới những góc cạnh phản chiếu của những chùm ánh sáng từ nhiều phía khác nhau, gương mặt Joe nổi bật lên đẹp như một bức tượng tạc Hy Lạp giữa những khuôn mặt bụ sữa của những anh chàng ăn vận chải chuốt ngồi sát bên sàn diễn. Nhan sắc Sam không hẳn là kiều diễm đến độ làm cho bọn đàn ông phải điên đảo, nhưng thân hình bốc lửa của nàng xứng đáng được tôn làm hoa khôi trong bọn gái nhảy khỏa thân ở bar The Yatch này. Samantha như một nữ thần nhục thể ngự trị trong cái thiên đường ngập ngụa màu sắc cùng tiếng nhạc cuồng loạn, mà Joe chỉ có thể ngồi từ xa tự dệt cho hắn những cơn mộng đẹp chắc không bao giờ có thật.
Đêm đó, Sam đã ở lại trong chiếc trailer của Joe, hiến cho Joe một đêm thần tiên, mà Joe cứ tưởng nó chỉ xảy ra trong một cơn mộng đẹp mà thôi. Từ ấy, đêm nào Joe cũng đến ngồi vào một chiếc bàn khuất chiêm ngưỡng cái thân thể nõn nà mà hắn được diễm phúc ôm ấp. Sau trận đánh nhau, bọn khách mặc nhiên coi Sam như là của riêng Joe, nên không ai muốn quấy rầy đến hắn nữa mỗi khi Sam đến với hắn. Joe ngồi nhâm nhi bia kiên nhẫn chờ người tình khoác áo ra về, khi Sam đã chán không muốn nhảy nữa vì cái xách tay đã đầy ứ tiền của bọn phàm phu si mê cái sắc đẹp hơ hớ của nàng. Nhưng càng được gần gụi Samanthas, thì Joe càng lạ lùng ngất ngây nhận ra rằng hắn chưa khám phá được gì nhiều trên tấm thân hừng hực sức sống ấy. Joe vẫn không bao giờ hiểu nổi tại sao Samantha lại chọn hắn để trao thân, vì hắn tự biết bản thân chẳng có gì đặc biệt hết. Nhưng thôi, băn khoăn mà làm gì, được sống ngày nào bên cạnh giai nhân là còn hạnh phúc ngày ấy. Đối với Sam, thì sự hiện diện của Joe như một một gã vệ sĩ làm cho nàng yên lòng vô cùng, vì nàng biết sớm hay muộn tấm thân ngọc ngà của nàng cũng rơi vào một cái gọng kìm khắc nghiệt của một tay ma cô nào đó. Không có một cô gái bán thân hay cô gái nhảy nào có thể làm ăn một mình mà không có những tên ma cô kềm cặp, hay nói một cách chính xác là làm nô lệ cho chúng, xác thịt lẫn tiền bạc. Dường như có một quy luật bất thành văn trong giới giang hồ, khi một cô gái làng chơi đã có một tên ma cô bảo vệ rồi, thì bọn ma cô khác sẽ công nhận tính chất "pháp nhân" của tên đó đối với cô gái ấy. Dưới mắt bọn côn đồ, thì Joe chính là một tên ma cô như thế.
Samantha rất hài lòng vì nàng đã chọn Joe làm người bảo hộ cho nàng, dù Joe chẳng biết tí ti gì về cái ý đồ lợi dụng của nàng. Từng được nghe những cô gái bán thân kể những câu chuyện khủng khiếp về bọn ma cô tàn bạo, Sam lo sợ có một ngày nàng cũng sẽ rơi vào tình cảnh ấy, tấm thân của nàng sẽ bị chúng dày vò không thương tiếc. Nhưng bất ngờ, Joe đã hiện ra đúng lúc, cái tư cách khác người của Joe giữa bọn phàm phu tục tử với những cặp mắt hực lửa như muốn đốt cháy da thịt nàng, đã gợi ở Sam sự chú ý đặc biệt. Sau vụ đánh nhau, Sam quyết định hiến thân cho Joe và sẽ từ từ biến Joe thành một gã nô lệ tình yêu. Những đêm hoan lạc mà Samantha ban phát cho Joe có tác dụng như những viên ma túy bọc đường ngấm dần vào tim não gã đàn ông si ngốc ấy, để hắn luôn trung thành tuyệt đối với nàng. Sam có một dự định mà nằng giấu kín trong lòng không muốn hé cho Joe biết. Không giống như những cô bạn nhảy kiếm được nhiều tiền một cách dễ dàng, đã đổ đốn ăn tiêu phung phí không nghĩ đến ngày mai, cái gì sẽ chờ đợi ở cuối con đường, khi tuổi thanh xuân đã qua đi, sắc đẹp đã phai tàn, những đường cong da thịt trên thân thể đã chảy nhão xuống như những miếng mỡ ôi, Sam cố dành dụm tiền, mơ màng nghỉ đến một ngày nàng sẽ rời bỏ ánh đèn màu để mở một cửa hàng bán quần áo thời trang, hay một salon chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ chẳng hạn. Sam sẽ không còn đi nhảy nữa, mà nàng sẽ trở thành một bà chủ của chính mình. Joe như một tấm lá chắn che chở để Sam mua thời gian kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, nên thỉnh thoảngg Sam cũng dúi vào túi Joe ít tiền cho hắn xài vặt và uống bia.  Nhưng Joe có một tật xấu Samantha khuyên nhủ mãi mà hắn không thể dứt bỏ được. Đó là cái tật nốc bia không mệt mỏi đến khi say mềm rũ rượi như một con sâu, đến nỗi Sam phải vất vả dìu hắn ra xe, thậm chí lái xe đưa gã tình nhân hờ về chiếc trailer. 
Có một đêm, Joe lại say bí tỉ, đòi Sam về ngủ với hắn trong chiếc trailer, nàng cau có mở cửa xe đẩy Joe ngã nhào lên chiếc đệm xe:
-Nói mãi không chịu nghe, thôi anh nằm đây ngủ đi, tôi về nhà, anh làm tôi mệt quá rồi.
Joe cố nắm tay Sam kéo lại:
-Em đi đâu, anh đưa em về"
Samantha vùng vằng vẫy ra:
-Tôi chán anh lắm rồi...
Joe gục đầu lên cánh tay ụa mấy tiếng, hơi rượu tanh khẳm phả vào mặt cô gái làm nàng phải đưa tay lên bịt mũi. Sam lùi ra cố sức đẩy hai cái chân nặng chình chịch như đá của Joe vào khoang xe, rồi nàng đóng sầm cửa lại quay người bỏ đi thẳng ra phía con đường lớn. Đã quá nửa đêm, Samantha đưa tay lên nhìn đồng hồ. Gần hai giờ khuya rồi còn gì. Gió đêm thổi lạnh, Sam kéo cao cổ áo nhìn con đường vắng tênh ngần ngừ muốn trở lại với Joe, nhưng thật may làm sao, có một chiếc taxi trờ đến, Sam rối rít vẫy:
-Taxi! Taxi!
Samantha chui tọt vào xe, ngã đầu dựa lên nệm xe nhắm nghiền mắt, lòng thầm nghĩ, đã đến lúc phải nói lời chia tay, rồi nàng sẽ đi về một phương trời xa nào đó bắt đầu cuộc đời mới...

*

Không biết đã thiếp đi được bao lâu, đột nhiên Joe sực tỉnh, có lẽ vì một cơn gió đêm lùa vào làm hắn lạnh. Joe lồm cồm bò dậy, cổ họng khô nóng, đầu óc đặc sệt chẳng còn cảm giác gì, như chứa đầy đất sét trong đó. Joe quớ quạng tìm Sam:
-Sam, em ở đâu... anh đưa em về"
Giọng khàn khàn đẫm đầy hơi rượu của Joe tan loãng vào cõi tịch mịch của đêm trường. Một vài người khách về muộn đang cho xe chạy ra khỏi bãi đậu. Joe nắm lấy tay lái ngồi dậy lắc đầu nhìn ra ngoài. Lạ chưa, hắn trông thấy những ngọn đèn dường như chúc ngược ngọn xuống đất với những chùm ánh sáng lóe lên thành những cái cầu vồng ngũ sắc tuyệt đẹp. Joe lẩm bẩm:
-Hừ, xe bị lật rồi chắc"
Khó nhọc mở cánh cửa xe, Joe lảo đảo bước ra ngoài chống tay vào thành xe nhìn ra con đường dài hun hút. Hắn gật gù hài lòng nhìn những cây cột đèn giờ đây đã đứng thẳng lên đằng gốc như cũ:
-Hóa ra mình vẫn còn sống!
Joe lại leo vào ngồi sau tay lái, cho tay vào túi quần lục tìm chìa khóa, mãi sau mới moi ra được. Tra chìa khóa vào ổ điện, Joe càu nhàu:
-Sam đi đâu rồi nhỉ, đã bảo để đưa về... Hay là lại đi với thằng nào rồi"
Từ cái sân đậu trước quán rượu, chiếc xe vẽ thành một đường ngoằn ngoèo ra chạy ra hướng xa lộ. Joe cố mở đôi mắt nặng chình chịch nhìn theo vệt đèn pha trải dài trên mặt đường. Vẫn chưa tỉnh cơn say, xa lộ thẳng tắp và rộng thênh thang là thế mà chiếc xe cứ đâm vào bên lề, Joe mệt nhọc bẻ tay lái đưa nó trở ra giữa lộ, xe không lật nhào đã là phước ba đời nhà hắn. Chiếc xe cứ phóng đi lảo đảo trong đêm khuya, Joe cố kềm cho nó đi thẳng nhưng không tài nào điều khiển được nó, bởi chính bản thân hắn cũng đang là một gã say, không gian đang chao đảo quay cuồng chung quanh. Thật kỳ dị, chiếc xe trong tình trạng nguy hiểm như thế mà nó vẫn bon bon trên xa lộ với một vận tốc rợn người. Joe cũng quên khuấy không nhớ đến những chiếc xe tuần đêm của cảnh sát. Được một lúc, thấy trong người nhộn nhạo khó chịu quá, Joe lủi xe vào đám cỏ bên lề, vẫn để máy nổ, hắn mở cửa nhoài người ra ngoài đưa mấy ngón tay vào miệng thọt sâu xuống tận cổ họng. Joe ụa lên một tiếng lớn, bàn tay hắn vừa rút ra khỏi miệng, thì từ đáy bao tử phụt ra ngoài nào rượu nào thức ăn thành một đường cầu vồng xa dễ đến mấy thước. Joe ngã người dựa vào nệm xe thở ra một hơi dài khoan khoái. Ngần ấy rượu được phún ra, Joe thấy tỉnh táo đôi chút, hắn gài số xe đạp ga cho xe chạy trở ra mặt đường, tiếp tục cuộc hành trình đầy bất trắc.
Trên xa lộ tự do lúc nửa đêm chiếc xe phóng vun vút, vệt đèn pha như một lưỡi gươm đâm ngập sâu vào khoảng tối hun hút phía trước. Joe trong trạng thái mơ màng, cái đầu gà gật trên tay lái, bàn chân không tự chủ, càng lúc càng miết mạnh vào bàn đạp ga, làm chiếc xe lồng lộn như một con chiến mã say máu chiến trường. Khi Joe nhướng mắt nhìn lên thì hắn hoảng hốt nhận ra một ánh đèn đỏ vừa sáng lên cách vài chục thước, có nghĩa là Joe đã vào đến khu dân cư. Chiếc xe đang phóng với một vận tốc trên dưới tám mươi dặm một giờ, trong một khoảng cách quá ngắn như 1thế, giữa màn đêm đen đặc, thắng nó lại không phải là chuyện dễ. Joe nghiến răng giữ nguyên tốc độ quyết định vượt luôn đèn đỏ. Khi chiếc xe vùn vụt lao ra giữa ngã tư đường, thì thình lình Joe trông thấy một chiếc xe van đang theo con đường phía bên tay trái sầm sầm  tiến đến. Chiếc xe của Joe băng qua ngay trước đầu chiếc xe van, hắn nghe tiếng rít rợn người của những chiếc bánh cao su chiếc xe van cày trên mặt nhựa. Trong một phản xạ sinh tồn, Joe đạp lút vào cần thắng, chiếc xe truck lảo đảo, chông chênh như muốn lật nhào qua một bên, nhưng Joe đã cố giữ thăng bằng, chết điếng người nghe phía sau vỡ bùng lên một tràng âm thanh chói buốt, rổn rảng của sắt thép, rồi tiếp theo những tiếng nện ình ình vọng lên từ bên lề.
Khi xe đã dừng lại, Joe tỉnh hẳn rượu, hắn mở cửa phóng xuống chạy trở ngược về phía ngã tư, cuống cuồng nghĩ đến một tai nạn khủng khiếp do chính lỗi lầm của mình. Joe chạy như một gã điên theo vệt bánh xe đen nhẻm vẽ thành một đường vòng cung và mất hút vào phía triền dốc. Joe tuôn người phóng xuống, hắn trượt chân ngã lăn tròn, lăn mãi, cho đến khi va vào một khối thép cứng lạnh lẽo đau điếng. Joe lồm cồm bò dậy, hắn nhận ra cái vật mà hắn va vào chính là chiếc xe van của người tài xế bất hạnh. Chiếc xe lật ngửa đưa bốn chiếc bánh lên, cái đầu xe phía người lái móp méo thảm hại vì những cú va chạm quá mạnh. Joe rùng mình nhìn những mảnh sắt dúm dó, ớn lạnh nghĩ đến cái xác thân của người tài xế bị nghiền nát trong đó, hắn trườn người đến nhìn vào cái khung cửa. Chợt Joe giật mình kêu lên thảng thốt:
-Ô, Chúa tôi!
Một khuôn mặt đẫm máu chúc ngược xuống đất đang trừng trừng nhìn vào mắt Joe, mái tóc đen dài xỏa rũ rượi, từng đợt máu phun ra từ cái đầu bị vỡ tuôn theo suối tóc chảy ròng ròng xuống. Sau cơn kinh hãi, Joe đã nhận ra nạn nhận là một người đàn bà, ánh đèn từ trên lề hắt xuống một chùm sáng mờ nhạt, Joe cố mở mắt nhìn cho rõ. Joe lại ú ớ lần nữa:
-Trời, bà ta còn sống...
Bởi hắn vừa trông thấy đôi mí mắt của người  đàn bà khẽ hấp háy, máu từ trán chảy xuống ngập đầy khóe mắt, nhuộm đôi tròng trắng của bà ta thành màu đỏ, đôi thủy tinh trợn trừng nhìn hắn trông như một con quỷ nhập tràng. Từ đôi môi tái nhợt, đột nhiên phát ra một chuỗi âm thanh khe khẽ, nấc nghẹn:
-Giúp... tôi... giúp... tôi...
Joe bò thụt lùi xa dần trước cái nhìn tuyệt vọng pha lẫn với giận dữ của người đàn bà, vì hắn sợ. Joe biết, khi hắn đưa người đàn bà này vào bệnh viện, người ta sẽ nhanh chóng tóm cổ hắn giao cho cảnh sát vì cái tội say rượu lái xe gây chết người. Ở cái xứ Mỹ này, say rượu lái xe gây tai nạn là một tội ác bị trừng phạt rất nặng, Joe gỡ ít nhất phải năm, bảy cuốn lịch, hắn không dại gì đưa đầu vào tròng. Giữa đêm khuya vắng lạnh không một bóng đèn xe như thế này, nào ai biết tấn thảm kịch  xuất phát từ đâu. Người đàn bà bị thương nặng lắm, cái đầu vỡ toác như thế kia, chắc chắn bà ta sẽ chết và đem theo cái bí mật về thủ phạm xuống đáy mồ. Tốt hơn hết, Joe nghĩ hắn nên đánh bài tẩu mã, là thượng sách nhất. Đã bò đi được một quãng xa rồi mà Joe dường như con nghe tiếng kêu cứu thảm thiết của nạn nhân đuổi theo:
-Giúp... tôi... tôi không... muốn... chết...
Joe chống hai tay lên mặt cỏ đứng dậy sải bước phóng lên triền dốc. Khi đã lên đến mặt đường rồi, Joe co giò chạy như điên về phía chiếc xe chở hàng của hắn, mở cửa nhào vào tay lái, nổ máy và nhấn ga bỏ chạy. Về đến chiếc trailer, Joe cứ để nguyên bộ quần áo nhớp nhúa gieo người lên giường, chẳng mấy chốc mà hồn phách của hắn đã lơ lửng bay lên cõi không gian đen thẫm. Joe thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nhọc toàn những cơn ác mộng....
Không biết hắn đã ngủ được bao lâu, đột nhiên từ tận đáy tiềm thức, Joe mơ màng có cái cảm giác rằng, dường như có một cái gì đó kỳ dị đang ở ngay bên cạnh giường. Đôi mí Joe nặng chình chịch như bị keo khằn dính, cố gắng lắm hắn mới mở hé được đôi chút. Từ chùm ánh sáng của chiếc đèn nhỏ đặt ở đầu giường, Joe giật mình trông thấy, trời ơi, hắn có nhìn lầm không, một người đàn bà mặt mày nát bét với chiếc sọ vỡ, máu chảy ròng ròng xuống ngực  đứng ngay bên chân giường đưa hai cánh tay xương xẩu về phía Joe thều thào:
-Giúp... tôi... giúp... tôi...
Joe gào lên khủng khiếp vì cái con người máu me ấy chính là người đàn bà trong chiếc xe van, hắn chỗi dậy lấy hết sức lực tống vào mặt con ma một cú đấm ngàn cân, vừa kêu cứu inh ỏi:
-Cứu tôi... con ma...
Giữa đêm khuya, tiếng kêu của Joe lồng lộng vọng đến những chiếc trailer gần nhất, một vài người đàn ông mặc vội chiếc áo khoác cầm đèn pin chạy sang. Bọn người hàng xóm nện vào cánh cửa thình thình:
-Chuyện gì đó Joe, mở cửa nhanh lên ...
Cánh cửa mở rộng, Joe thểu não hiện ra trong khung cửa. Một người lên tiếng hỏi:
-Gần sáng rồi mà ông còn la lối gì thế"
Joe gãi đầu bối rối:
-Tôi... tôi... nằm mơ thấy... ma!
Bọn hàng xóm phá ra cười:
-Chuyện khôi hài, ông làm tụi tôi mất ngủ theo, thôi vào ngủ đi, ngày mai còn đi làm.
Joe cám ơn những người hàng xóm, hắn quay vào bật hết những ngọn đèn trong trailer, rồi nhảy phóc lên thu người ngồi tựa vào trong góc giường không dám ngủ nữa. Hắn thức cho đến tận sáng, khật khưỡng chân thấp chân cao bước ra lái xe đi làm. Từ cái đêm kinh dị đó, hình ảnh người đàn bà đã biến thành quỷ cứ ám ảnh mãi trong tâm trí, Joe không dám ngủ trong bóng tối nữa, hắn bật đèn sáng suốt đêm. Chói mắt quá ngủ không được, Joe rầy rạc trông thấy.
Khổ sở vì cái tội ác giấu kín của mình vẫn chưa trừng phạt đủ Joe hay sao, có một đêm một cú sốc khác giáng lên làm hắn muốn ngã quỵ, khi Samantha với vẻ mặt buồn rầu báo cho Joe biết cuộc chia tay, vì ngày mai nàng sẽ từ giã cái thành phố này để đi về một thành phố khác và chắc sẽ không bao giờ trở lại nữa. Joe sửng sốt không tin rằng cuộc tình của hắn với Sam rã rời nhanh chóng đến như vậy, dẫu hắn đã luôn sẵn sàng chờ cái giây phút này từ lâu rồi. Đau đớn ngập lòng, Joe nốc bia đến say bí tỉ, đến nỗi Sam cũng phải xót xa, nàng dìu người tình hờ ra xe, lòng thầm nhủ sẽ đưa Joe về chăm sóc hắn lần cuối rồi nàng sẽ ra đi.
Joe rên rỉ theo từng bước chân xiêu vẹo: "Sam, em không thể ở lại với anh được sao, anh có lầm lỗi gì..."
Samantha  cố dịu dàng giải thích:
-Em đã chán cái nghề gái nhảy này rồi, em phải đi tạo dựng sự nghiệp cho mình. Anh say quá, để em lái xe đưa anh về.
Joe tự ái vung tay lên gạt cô gái sang một bên:
-Cám ơn em, anh còn lái được mà.
-Cũng được đi, em sẽ về trailer với anh.
Joe quàng tay lên vai Sam khật khưỡng mở cửa xe cho nàng bước lên. Một cơn giận dỗi dâng trào lên từ đáy lòng, Joe hậm hực đạp lút ga, chiếc xe hùng hổ vọt đến trước trong tiếng máy nổ dòn giận dữ. Chiếc xe phóng vun vút trên con đường xa lộ rộng thênh thang. Sự đớn đau cay đắng đã làm cho Joe tỉnh hẳn rượu, hắn lầm lầm không nói gì, nghiến răng miết chặt bàn chân tăng tốc độ xe. Sam bám vào bên vai Joe kêu lên:
-Anh, đừng chạy nhanh quá nguy hiểm, với lại coi chừng cảnh sát...
Joe hừ nhẹ: "Đừng lo, anh quen con đừng này quá mà..."
Được một lúc, Sam giật cánh tay Joe:
-Anh coi chừng, phía trước đèn đỏ kìa...
Joe giật mình nhìn đăm đăm vào ánh đèn đỏ và nhận ra là cái ngã tư quen thuộc. Một luồng gai lạnh chạy rần rật trong từng sớ thịt Joe như những dòng điện nhỏ, cái khuôn mặt đẫm máu của người đàn bà mà Joe cố quên lại chập chờn hiện ra, hắn nới lỏng chân giảm tốc độ, nhưng chiếc xe vẫn lăn bánh như điên cuồng, có lẽ còn nhanh hơn. Joe ngạc nhiên bỏ chân sang cái cần thắng, nhưng, trời ơi, cái bàn đạp nhẹ tênh, nó không gây được một chút ảnh hưởng nào lên chiếc xe đang hồng hộc lăn xả vào ngã tư như một con ngựa chứng. Sam thét lên trong kinh hoàng:
-Dừng lại, thắng lại, đến ngã tư rồi, đừng chạy nhanh quá anh...
Joe cũng gào to:
-Cái thắng xe hư rồi Sam ơi...
Hắn tuyệt vọng nhìn cái bóng đèn đỏ ở trên cao, rờn rợn tưởng tượng một chiếc xe từ phía đèn xanh sẽ tông vào, hoặc hắn hoặc Sam sẽ chết vì sự va chạm chắc chắn sẽ rất dữ dội. Chợt Samantha reo lên:
-A, đèn xanh anh ơi.
Joe thở phào, hắn rà chân lên cái cần thắng lần nữa, thấy nằng nặng, chiếc xe khựng lại được một chút. Joe mừng rỡ quay sang Sam:
-Được rồi, thắng được rồi!
Nhưng Sam đã tái mặt thét lớn:
-Joe, coi chừng, có xe vượt đèn đ...
Joe kinh hoảng xoay mặt nhìn, để rụng rời trông thấy một chiếc xe van thì phải, lù lù từ phía đèn đỏ lao tới ầm ầm, nó phóng chắn ngang đầu chiếc xe truck, buộc Joe phải đạp lút thắng và bẻ quặt tay lái về một bên. Tiếng kêu của Sam đã chìm mất trong tiếng rít của những chiếc bánh xe chà xát trên mặt nhựa, rồi trong một khoảnh khắc thật ngắn ngủi, Joe thấy những chiếc cột đèn đường đảo lộn quay cuồng, cùng tiếng kim loại vỡ bể buốt óc, thân thể Joe bị dằn xóc dữ dội như trong cơn địa chấn. Chiếc xe lảo đảo rơi tòm xuống triền dốc ven đường, rồi nó lật nhào lăn vòng vòng trong tiếng thét hãi hùng của Samantha:
-Joe... trời ơi... chết...
Đầu Joe đập mạnh vào một nơi nào đó trong khoang xe, cảm giác như có một lưỡi búa sắc bén bửa đôi chiếc sọ của hắn, tiếng kêu thét của Sam chỉ còn là những âm thanh mơ hồ, xa văng vẳng như vọng lên từ đáy vựa sâu. Joe biết mình sắp chết, bởi một cảm giác đau nhức khủng khiếp và nóng như lửa đang nổ tung trong đầu hắn. Một chất nước nhầy nhụa tanh tưởi ngập tràn hố mắt, Joe cố nhướng lên nhìn để khủng khiếp trông thấy không gian nhuộm toàn một màu đỏ của máu. Joe cứ hấp háy mắt mãi, đôi môi mấp máy trong cơn hấp hối. Đột nhiên, Joe trông thấy một cái bong đen bò vào, hắn cố mở miệng gào to, nhưng máu đầy ứ trong khoang họng chỉ cho phép những tiếng kêu rời rạc vô nghĩa:
-Giúp... tôi... giúp... tôi...
Cái bóng người đã bò vào đến bên khung cửa thò mặt nhìn vào. Joe ú ớ nhận ra, trời ơi, là gương mặt đầm đìa máu của người đàn bà trong chiếc xe van của đêm nào. Người đàn bà áp mặt sát vào tận mũi Joe, mà hắn có thể ngửi được mùi máu tanh thối hắt ra từ hơi thở của nàng. Người đàn bà nghiêng đầu chăm chú nhìn Joe, cái cổ của nàng bỗng kéo dài ra, dài mãi, cái đầu cứ nghoẹo xuống cho đến một lúc nó đã hoàn toàn chúc ngược xuống song song với cái đầu của Joe, cái cổ gắp lại làm đôi, trông giống như cổ con gà bị người ta bẽ gẫy. Từ đôi môi tím bầm của người đàn bà thều thào  âm thanh quen thuộc:
-Giúp... tôi... tôi không... muốn chết...

*

Sáng hôm sau, cảnh sát tìm thấy chiếc xe truck nằm bẹp dúm bên bơ hồ. Một sự tình cờ lạ lùng, khi trong toán điều tra có hai người cảnh sát đã từng đến bờ hồ trong đêm chiếc xe van gặp nạn. Một người cảnh sát nhíu mày nói với bạn:
-Ben, anh có nhớ cũng tại nơi đây, đêm đó tôi với anh cùng nhìn thấy một chiếc xe van nằm ở ngay vị trí này, trong tư thế này, thật kỳ dị.
Cảnh sát viên Ben gật gù:
-Ừ tôi cũng nhận thấy thế, một sự trùng hợp tôi chưa từng thấy trong đời. Cả cái tư thế chết của người đàn ông nữa.
Ben rùng mình nhìn bạn:
-Anh có nhớ là bà Thu gì đó cũng nằm chết như thế này không"
Người cảnh sát tái mặt gật đầu.
Người ta tìm thấy Samantha nằm ngất xỉu cách chiếc xe chừng mười mấy thước. Có lẽ cánh cửa xe bật tung, Sam không cài dây an toàn, hóa ra lại may mắn, vì Sam bị hất tung ra rơi lên trên nền cỏ mọc dầy ướt sương đêm, êm ái như một tấm nệm. Như là một phép lạ của Chúa ban cho, Sam chỉ bị xây xát rất nhẹ, được chở vào bệnh viện nằm tĩnh dưỡng trong chốc lát, Sam xin về vì chẳng thấy mệt mỏi hay đau đớn gì.
Trường hợp của Joe càng kỳ dị hơn. Báo cáo của bác sĩ khám nghiệm cho biết Joe không chết vì xuất huyết mà chết vì... sợ. Lượng adrenaline trong máu Joe tăng vọt lên đến mười lần hơn lúc bình thường. Khi con người trong trạng thái sợ hãi quá độ thì chất hóa tố adrenaline trong cơ thể đột ngột tăng lên cao. Nhưng cái gì làm cho Joe chết trong trạng thái như thế, không ai tìm được lời giải đáp rõ ràng.


Vào đất địch! - Đặng Chí Bình (Trích Hồi ký Thép Đen Chương 15)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu ra mắt thiên hồi ký Thép Đen, SGT xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả 4 chương được tác giả coi là tâm đắc trong thiên hồi ký Thép Đen. "Chương 15: Vào Đất Địch!" dưới đây là chương mô tả những bước chân đầu tiên của tác giả sau khi ông, từ biển đông, đặt chân lên một vùng bờ biển xa lạ, vô danh của Miền Bắc.

*

Đã bước chân lên bờ, mà người tôi vẫn còn quay cuồng mệt lả, tôi nằm luôn tại chỗ ngoài bãi cát trắng dăm phút cho lại sức. Bây giờ chỉ còn một mình, tôi nhìn vào phía trong, vẫn đen kịt một mầu, không thấy một hình dáng nhà cửa, cây cối. Tuy người chưa hết rã rượi, nhưng theo cái bản tính tự nhiên của sự sinh tồn, tôi vội vơ chiếc ba lô, tay xách đôi dép râu, chúi đầu tiến vào phía trong, chỗ mầu đen, để ẩn nấp nằm nghỉ. Chứ đây là giữa bải cát trắng lồ lộ, nằm làm sao yên. Chạy được vào chục mét, tôi thấy bãi cát có những khoảng, đốm loang lổ mầu đen. Tôi bước chân lên, thì ra là cỏ! Chẳng biết là thứ cỏ quái quỷ gì mọc trên cát lại toàn là gai, đâm vào chân tôi đau nhói. Vội vàng ngồi xuống, tôi thụt chân vào đôi dép râu, rồi tiếp tục lần mò chạy vào sâu nữa, qua hết bãi cát, đất sỏi càng lúc càng dốc lên. Bỗng, tôi bước hụt chân, cả người lẫn chiếc ba lô nặng chịch đều lộn tùng phèo xuống một hố đầy lá và cành cây khô. Sườn tôi đập vào một hòn đá đau điếng, nhưng vì hốt hoảng, căng thẳng, tôi vẫn thục mạng bò lên khỏi hố. Tôi cứ tưởng chiếc hố là cái bẫy của kẻ thù có gài mìn, nó sắp nổ.
Cứ ôm chiếc ba lô lúi húi xê dịch sâu mãi vào phía trong cho đến một lúc người quá mệt, tôi ngồi thụp xuống, ghé sát mặt đất, căng mắt ra nhìn vào màn đêm đen kịt. Nhìn lên nền trời xam xám, bóng mờ mờ của một cây to trước mặt. Tôi lầm lũi tiến về chiếc cây. Tôi đã tỉnh dần, nhìn đồng hồ đã hai giờ hơn. Trời vẫn tối như mực, giơ bàn tay trước mặt không nhìn thấy. Tôi chỉ còn dùng tai, vểnh lên nghe ngóng. Chỉ nghe những tiếng xào xạc của lá cây lẫn vào tiếng rì rào của sóng biển xa xa.
Dựa gốc cây mươi phút đã đỡ mệt, tôi lần mò lấy tay sờ soạng mặt đất chung quanh, xác định điạ hình, đào chôn những thứ tôi không cần mang theo. Đất cát nên tương đối mềm. Tôi lần mò lấy chiếc xuổng con trong ba lô. Đã mấy lần thực tập chôn giấu vật dụng trong đêm, tôi hiểu điều quan trọng nhất là không để rơi ra ngoài một hòn đất mới nào. Một chiếc túi to may sẵn, bao nhiêu đất cát đào lên, đều đổ vào đấy.
Trong lúc loay hoay làm việc, tôi nghĩ đến các vỏ bọc trong kế hoạch khai báo khi bị rơi vào tay địch mà Sài Gòn đã huấn luyện cho tôi. Ngay từ khi đó, tôi thấy Cục Tình Báo miền Nam đã đánh giá cộng sản thật ngây thơ. Vỏ bọc 2 và 3 làm sao cộng sản tin được. Sài Gòn không thấy làm như vậy sẽ gặp hai khuyết điểm: thứ nhất, nó sẽ không tin vào một vỏ bọc nào hết. Thứ hai, chắc chắn thân tôi sẽ nhừ đòn của chúng. Cho nên, lúc này tôi quyết định bỏ hẳn vỏ bọc 2 và 3. Tôi đã chôn mấy chục lọ thuốc Tây của vỏ bọc 2, cả lương khô, bi đông lọc nước, chiếc máy hồng ngoại tuyến, 200 đồng tiền miền Bắc, thuốc lá “Đại Tiền Môn”, diêm quẹt. Những thứ này xét ra không thực tế, lại vừa kềnh càng lỉnh kỉnh, vừa càng dễ bị phát hiện. Tôi chỉ mang theo hai trăm đồng với một chiếc túi dết, cùng một số quần áo lót, nghĩa là những thứ đã cũ của miền Bắc. Những tài liệu, đựng trong một cái túi tí con, tôi đã khâu phía bên trong quần lót. Tài liệu này, ngay từ khi rời Đà Nẵng tôi đã luôn mang theo trong mình. Dù vậy, tôi vẫn thỉnh thoảng phải cho tay vào sờ, vì đó là linh hồn của chuyến đi.
Vì đã có kinh nghiệm, nên chỉ hơn một tiếng đồng hồ tôi đã chôn giấu hoàn hảo. Làm xong, đưa tay sờ độ dày của lá khô bên cạnh, tôi xoa chỗ chôn vật dụng cho bằng như cũ.
Nhìn đồng hồ 3 giờ 30 phút, quá hồi hộp, căng thẳng thần kinh trong khi làm việc tôi không để ý, bây giờ tôi mới thấy chỗ sườn đau ê ẩm, nhoi nhói. Tôi sờ tay vào không thấy sưng. Tôi tự nhủ, kệ nó, rồi nó sẽ khỏi. Lúc này, tôi mới thấy đói và thấm mệt. Tôi gối đầu lên túi dết, dự định nằm một tý để lấy sức. Vừa mệt, vừa thiếu ngủ tôi thiếp đi lúc nào không hay. Khi tai tôi thoáng nghe tiếng người gọi nhau í ới, tôi giật mình thức giấc. Bò nhổm dậy, tôi mở to mắt, vểnh tai lên, hướng về có tiếng người khi nãy. Tôi nhìn đồng hồ mới 4 giờ 30. Trời vẫn còn tối đen. Tôi ngạc nhiên, hay là tôi mơ. Tôi vẫn nhớ đinh ninh lời ông Phan nói: “Nơi đây có thể nghỉ ngơi hàng tuần thoải mái,” nghĩa là khu vực này không có người ở. Với khả năng thính giác của mình, tôi tin là đã nghe đúng, vì vậy tôi tiếp tục nghe ngóng. Nhưng chỉ là tiếng gió rì rào lẫn vào tiếng xào xạc của vài chiếc lá khô rời cành.
Mãi chả thấy gì, vẫn cái im lặng của đêm trường. Một tiếng cú ở đâu xa rúc lên trong đêm khuya, nghe dài lê thê như tiếng thở than của những kiếp người nhiều cực nhọc gian khổ. Tôi lại nằm xuống như cũ. Chưa được mười phút, đột nhiên một tiếng cười dòn ngặt nghẽo của một người con gái, lẫn vào trong gió làm tim tôi thắt lại. Tôi nhỏm bật dậy, tiếng một người đàn ông nghe rõ mồn một:
- Để cái liềm đấy cho tui!
Không còn nghi ngờ gì nữa, với phản xạ tự nhiên, tôi vội vơ lấy cái túi dết và lủi dần, xa hướng có tiếng nói.
Trời sáng dần, mờ mờ, tôi đã nhìn ra cảnh vật. Ngay chỗ tôi ngồi là một chỗ nghĩa địa, lưa thưa một số ngôi mả, lác đác chung quanh vài bụi cây nhỏ cành lá khô cằn như thiếu nước, bụi nào cao nhất cũng chỉ chừng 2 mét. Cả một khu vực, chỉ có một cây to duy nhất chỗ đêm qua tôi đã lần mò tới được. Lướt tầm mắt về những phía xa xa, bao quanh phía trong, toàn là những lũy tre làng ngang dọc. Như vậy, ở đây thật gần xóm làng!
6 giờ, xa xa phía làng, một đoàn người trai gái, liềm hái đang đi về phía tôi. Nhìn quanh, chẳng còn chỗ nào kín đáo để ẩn núp. Gần chỗ tôi đang đứng, chỉ có duy nhất một bụi cây nhỏ, đường kính chừng 2 mét và cao cũng khoảng 2 mét là cùng. Cấp bách quá rồi, tôi đành chui vào đấy, trong khi đoàn người vẫn đang đi tới. Con đường mòn đi qua chỉ cách chỗ bụi cây tôi nấp chừng 6 mét. Trong bụi lại có một ổ kiến vàng to tướng, kiến bò vào chân, vào người tôi cắn nóng ran. Tôi chỉ dám lấy hai tay xoa khe khẽ, không dám làm mạnh vì sợ rung cành lá.
Khi đoàn người đi ngang qua bụi cây, tôi tường như nghẹn thở. Nếu có ai đó buồn đi tiểu, rẽ vào bụi cây này, ôi thôi, cuộc đời tôi sẽ… đi đứt! Điều làm tôi hoang mang không ít nữa là họ nói tiếng ríu rít như chim, nhiều tiếng tôi không hiểu được. Tiếng Nghệ An tôi đã biết; ở đây, không phải tiếng đó. Như vậy, đây chỉ có thể là Hà Tĩnh. Thực ra, tôi cũng chỉ suy đoán chứ chưa dám khẳng quyết, vì Phan đã nói rõ ràng: "Chỗ Bình đổ bộ thuộc tỉnh Nghệ An giáp với Hà Tĩnh. Đây là vùng quê hương của họ, họ là thổ công của vùng này. Bình hãy yên tâm!”
Còn một điều nữa, một phần do tinh thần tắc trách của Phan, nhưng phần chính là do tôi. Do tinh thần chủ quan xem thường địch. Tự tin vào khả năng của mình sẽ qua mặt chúng được, cho nên tôi đã không hỏi vùng tôi đến là làng nào, xã nào, huyện nào khi quyết định thay đổi điểm đổ bộ khác. Đó là một khuyết điểm trầm trọng của tôi, người đi vào đất địch để hoạt động.
Nhưng qua thực tế, dù tôi có hỏi kỹ để biết rõ chăng nữa, tôi vẫn bị tình trạng hoang mang như lúc này. Nghĩa là, tôi cảm thấy hải thuyền đã không đưa tôi đến đúng chỗ quy định, mà Phan đã giao ước với họ. Ngồi trong bụi cây, càng suy nghĩ mặt tôi càng nóng lên. Như thế này, thật là đầy cam go, gay cấn: Một người trai Bắc lạ, ở giữa một vùng mà chưa biết đích xác thuộc tỉnh nào, chứ đừng nói làng xóm địa phương.
Lúc này, đoàn người đã xuống ngay một thửa ruộng cách chỗ tôi nấp chừng 200 mét để gặt lúa. Họ cười nói, chuyện trò ầm ĩ. 7 giờ, rồi 8 giờ. Mặt trời chói chang, đỏ như lửa đang bò lên cao từ hướng Đông. Đến đây, tôi mới nhớ lại chiếc mũ cối, vì vội vàng, lại rũ rượi vì say sóng, tôi đã để quên trên hải thuyền. Thật là lúng túng nhiều mặt. Ở trong bụi mãi đâu có được. Trời nắng, khi họ nghỉ gặt, giải lao, họ sẽ kéo vào nơi bóng mát nghỉ ngơi. Tôi bấn cả người lên, ngó ngấp chung quanh. Giá có cách gì bới đất để chui xuống! Phần bị kiến cắn nhiều, lại còn sợ hãi, nên căng thẳng làm tôi tê người đi.
Nhìn lại phía cây to, chỗ tôi chôn giấu vật dụng, cách bụi cây tôi đang nấp chừng 30 mét. Do đêm tối sờ soạng, tôi đã để rơi mấy hòn đất ra ngoài, mà tôi không biết. Hơn nữa, lá phủ ngụy trang chỗ chôn cũng chưa ổn như mình nghĩ. Người tinh ý nhìn thấy, sẽ tò mò, phát hiện ra ngay. Làm sao đây" Đây cũng là chuyện sống chết, tôi phải tìm mọi cách để giải quyết. Tôi lựa một góc khuất do bụi cây che với nơi ruộng của đoàn người đang gặt. Tôi bỏ túi dết lại trong bụi, nằm sấp, bò về phía cây to.       ị Tr.31
 Tiếp theo trang 18
Tôi nhặt những hòn đất vương vãi đút dần vào túi quần, xáo lại những chỗ lá khô cho đồng nhất, rồi tôi bò về bụi, móc những hòn đất bỏ ra.
9 giờ rồi. Mồ hôi tôi ra ướt đẫm áo, vừa vì tinh thần căng thẳng, vừa vì cái nóng oi nồng của mùa Hè. Mới còn sớm mà sao gió thổi từ hướng Tây nồng nực, gió cũng nóng. Lúc này tôi phải quyết định, dù có bị bắt liền tại đây. Muốn hay không tôi cũng phải chui ra ngay khỏi cái bụi cây quỷ quái này. Vì còn một điều gay cấn nữa, khi sớm, vì sợ và vì bị kiến cắn, tôi không để ý. Bây giờ, trời sáng rõ tôi mới thấy trên đầu và chung quanh tôi, toàn là sâu róm! Trong cuộc đời tôi, không hiểu sao loại này tôi ghê sợ nhất. Tôi chẳng biết sợ thứ gì, dù trong rừng gặp hổ hay rắn. Ngay khi còn đi học ở Sài Gòn, có lần tôi đã trèo vào chuồng cá sấu để sờ da nó. Một vài người bạn thân chẳng có thể làm gì được để bắt tôi phải chiều theo ý họ, trừ khi họ có con sâu róm. Chính tên Đặng Trí Hoàn đã cầm một cành điệp có con sâu róm, đuổi tôi chạy dọc suốt mấy phố chung quanh trại học sinh, để xẩy ra một tai nạn giữa hai người đi xe đạp, trên đường phố, đầu năm 1957.
Nghĩ lại lúc ngồi trong bụi cây, bây giờ tôi còn nổi gai ốc lên. Sau này, lúc cộng sản khai thác cung, nếu chúng biết được nhược điểm ấy của tôi, cứ đưa sâu róm dí vào người, không biết lúc ấy tôi sẽ như thế nào. Tôi chui ra khỏi bụi cây ngay! Tay vuốt lại quần áo ngay ngắn, khăn mặt vắt vai, một bên khoác túi dết, tôi đường hoàng đi ra.
Tôi đã có chủ định, cứ phải vào làng. Hiện giờ, tôi chưa xác định được Quốc lộ 1 nằm về hướng nào phía bên trong. Tôi đưa mắt nhìn khắp phía xa xa, trong cái màu xanh bạt ngày của cây và núi, tôi cố chú ý, cũng chẳng thấy vật gì di chuyển. Lúc đó khoảng 9 giờ 30 sáng. Nhìn về phía đoàn người đang gặt, tôi tươi mặt, vừa cười, vừa giơ tay ra hiệu chào và tiến về phía họ. Vài cô gái tự nhiên cười ré lên, tay vẫy vẫy gọi:
- Anh ơi! Đi đâu đấy, xuống đây gặt lúa với chúng em!
Một số thanh niên cũng cười. Tôi cứ tiến bước về phía họ, rồi tay khoắng lên lia lịa, nói to:
- Chào các bạn, vui quá, lúa năm nay có khá không"
Tôi đi đến nữa chừng, rồi vờ chợt xem đồng hồ tay, tôi ngửng lên, tay chỉ về phía làng:
- Chết đã 9 rưỡi rồi, tôi phải vào gặp ông chủ tịch đã!
Mồm nói, chân tôi quay lại phía làng, vừa đi tới vừa ngoái lại, đưa tay vẫy vẫy:
- Chiều nhé, tôi còn ở lại đây đến chiều!
Các cô rối rít léo nhéo, vẫy gọi tôi. Đi dăm chục mét, tôi quay lại cũng vẫy, mấy chiếc bàn tay giữa ruộng cứ giơ mãi lên vẫy tôi. Đã đi xa, qua được “ca” này, tôi cũng thêm phấn chấn tinh thần. Làm sao họ có thể biết được rằng, tôi vừa ngoài biển vào đây đêm vừa qua. Từ nơi bụi cây, dẫn vào làng là một con đường đất đỏ, dài chừng độ 700 mét. Trời nắng chang chang, đầu lại không mang mũ nón, thật là bất tiện. Trên đường đi tới, sẽ càng khó khăn thêm ra.
Vào tới gần làng, tôi thấy trước một chiếc cổng tre là một người đàn ông cởi trần, mặc chiếc quần đùi đen, khoảng năm chục tuổi, ngồi ngay xuống vệ cỏ. Tay ông ta cầm chiếc roi tre, đập đập vào cây khoai nước dưới ruộng như đùa nghịch chơi một mình. Ngay từ xa còn cách khoảng 200 mét, tôi đã thấy lão nhìn phía tôi rồi, thế mà giờ đây tôi đi gần đến, lão vẫn coi như không biết. Thái độ của lão già làm tôi hơi chờn. Theo lẽ thông thường, trong một xóm làng vắng vẻ, thấy một người lạ đi đến, phải trố mắt ra nhìn mãi mới phải. Khi tôi tới, còn độ 2, 3 mét, tôi phải lên tiếng trước xem sao:
- Chào bác, bác ngồi chơi" Cháu vừa ngồi ngoài đó! (tay tôi chỉ về hướng đoàn người đang gặt phía xa) nói chuyện với các anh chị vui quá. Ở ngoài đó cháu mới uống nước đấy, thế mà vào tới đây đã khát rồi. Cháu vào xin bác ngụm nước nhé"
Miệng tôi nói, chân như có vẻ định đi vào cổng. Tôi đã thấy một căn nhà tranh con lụp xụp, với vại nước để bên cạnh chiếc cầu ao bằng 3 thân tre ghép lại. Tôi chào và nói bấy nhiêu lời, mà lão chẳng trả lời tôi một tiếng. Lão ngước nhìn tôi, rồi đứng dậy đi về phía trong làng, nói mấy tiếng cộc lốc:
- Uống nước thì đi theo tui!
Tôi đã tưởng lão câm, bây giờ lão mới nói. Vậy, từ nãy giờ lão là con người tôi đáng sợ. Lão cứ im lặng đi trước, tay vẫn cầm cái roi tre vung vẩy. Tôi phải phá tan cái không khí nặng nề này:
- Vụ mùa năm nay có khá hơn năm ngoái không bác" Năm ngoái cháu về, chỉ thấy tương đối thôi, bác nhỉ"
Im lặng một lúc, rồi lão trả lời tôi, giọng nhát gừng:
- Cũng khá!
Thật khó bắt chuyện! Thôi cứ đành đi theo lão, rồi sẽ tùy cơ ứng biến. Mà lão dẫn đi uống nước xa thế! Mãi gần giữa làng. Tới nơi, tôi nhìn thấy một sân gạch rất rộng, trên đó mấy người đang gò lưng kéo con lăn lúa bằng đá. Mấy đống khoai lang to tướng bên cạnh sân. Mấy thanh niên nam nữ đang chọn khoai từ đống này sang đống kia. Tôi hiểu ngay, thằng cha già này dẫn tôi vào chỗ chết.
Tôi bỏ lão, sà ngay vào chỗ đống khoai to. Tôi trầm trồ khen những củ khoai lớn và hỏi chuyện mấy người thanh niên đó. Tuy tôi nói chuyện, mắt vẫn không rời lão già chó chết. Lão đi vào căn nhà con phía bên kia sân, trong đó, tôi thấy mấy thanh niên mặc quần áo nâu, mấy khẩu CKC dựng ở mé vách. Tôi đoán là du kích! Lão già ghé tai một người nói gì đó, và người này nhìn về phía tôi. Phải chủ động, tôi chào mấy người nhặt khoai, rồi đi về phía nhà du kích. Lão già mắc dịch trở ra đường cũ, về ngay. Khi đi qua sân lúa, tôi cúi xuống nhặt một bông lúa lên nhấm. Tôi biết mấy tên du kích đang theo dõi, không bỏ sót một hành động nào của tôi. Tôi vẫn đủng đỉnh ở giữa sân, toi còn nói như đùa với mấy người kéo lúa:
- Như thế này là đốt giai đoạn đấy!
Tôi và mấy ngưòi ấy cùng cười vang. Tôi vừa đi vào nhà, vừa gật đầu chào mấy anh du kích. Thấy thái độ tự nhiên của tôi, một anh có vẻ là chỉ huy, cầm cái tích sứt vôi, rót vào một trong 3 cái chén mẻ, cáu ghét đen xì, đang để lỏng chỏng trên chiếc bàn mộc bám đầy bụi đất. Anh vừa cười vừa nói:
- Mời đồng chí uống nước!
Tôi cầm chén nước và xách luôn cả tích nữa. Uống hết, tôi rót tiếp, miệng như nói một mình: "Tại anh Đạt đây! Hôm qua, tôi đã bảo tôi không uống được nữa, anh cứ cố ép, làm từ sáng đến giờ uống bao nhiêu nước. Còn ngủ nhỡ giờ nữa chứ!"
Anh du kích chỉ huy (trong 3 người, tôi chỉ thấy anh ta nói, nên đoán vậy) chừng độ 25 tuổi, nhìn tôi có vẻ hơi ngập ngừng:
- Thế này không phải, đề nghị đồng chí cho chúng tôi xem giấy tờ"
Tôi tươi nét mặt, nhìn anh, tay cho vào túi sau rút ví, miệng nói:
- Hoan nghênh tinh thần cảnh giác cao của các đồng chí!
Tôi mở ví, rút tờ giấy thông hành, nhưng cố ý dềnh dàng cho họ xem thấy bìa giấy nghĩa vụ quân sự, và một số giấy tờ khác. Anh ta cầm xem, tôi coi như không để ý, chỉ tay ra sân nói với hai anh kia:
- Năm nay, vùng mình khá hơn năm ngoái nhiều!
Trong khi đó, tôi thấy thái độ của anh xem giấy tờ có vẻ ngần ngừ. Thực ra, lúc này ruột tôi cũng đang co thắt lại, chả biết giấy tờ có chính xác không, và tình huống này sẽ dẫn tới đâu. Tuy vẫn nhìn ra sân, nhưng tôi không bỏ sót một cử chỉ nào của họ. Tôi thấy anh đó nói nhỏ gì với một anh du kích khác, hình như có nói đến xã trưởng, rồi anh kia nói không có nhà. Sau đó lại nói đến cơ quan, lại nghe hôm nay Chủ Nhật, rồi tôi chỉ nghe thoáng thấy tiếng “Phong”. Lúc tôi quay lại, anh du kích chỉ huy cầm giấy, mỉm cười nói với tôi, có vẻ ngài ngại:
- Tôi đề nghị anh (bây giờ y gọi tôi là anh, vì giấy tờ là học sinh) theo anh này lên gặp ông chủ tịch.
Tôi sáng mắt lên, vẻ ngạc nhiên, nói:
- Có phải lên nhà ông Phong phải không"
Anh đó mở mắt to nhìn tôi, rồi gật đầu. Tôi quay lại, vừa kéo tay anh du kích sẽ dẫn tôi đi, vừa nói to:
- Hay quá! Tôi cũng đang định đến nhà ông ấy đây. Vậy thôi, nào ta đi!
Thái độ này của tôi đã làm không khí cởi mở hơn. Anh du kích cầm giấy tờ đi trước, không mang súng. Tôi thấy tình hình không căng lắm.Trên đường đi, tôi tìm mọi cách để kể chuyện trò vui vẻ với anh du kích. Chủ đích trong lòng, tôi chỉ muốn hỏi anh ta đây là làng gì, xã gì, huyện hay tỉnh gì mà thấy điều kiện không thể cho phép. Đã nhiều lần lên tiếng ngập ngừng lên đến cổ họng, rồi lại đành kìm nuốt xuống, chỉ sợ hở cái đuôi ra thì nguy. Đường trong làng vắng vẻ quạnh hiu, lác đác đây đó vài mái nhà tranh trông lụp xụp tiêu điều lẫn vào lũy tre, nghe thật vắng lặng hiu hắt. Trái ngược với trái tim tôi, đang đập thùm thụp như trống làng vào đám.
Tới gần một chiếc ngõ có cổng gạch, anh du kích rẽ vào, tôi biết ngay là nhà tên chủ tịch (không biết là huyện hay xã). Nhìn vào trong, tôi thấy một cái sân gạch, một bà cụ mặc váy nâu, đang khòm lưng hý hoáy cầm chiếc chổi quét ở góc sân. Hai căn nhà làm nối vào nhau thành hình thước thợ, tuy cũng là nhà tranh nhưng rất khang trang sạch sẽ so với những nhà khác trong làng, vỉa hè bó gạch. Khi vào tới sân, một con chó mực con bé tí từ trong nhà bếp ra hè, đứng ngửng đầu lên sủa húng hắng. Bà cụ vừa ngửng lên, mắt hấp háy nhìn chúng tôi, mồm vừa xùy chó. Tôi sà đến chỗ bà cụ, để một tay lên vai cụ, rồi niềm nở:
- Thưa cụ, cụ còn nhớ cháu không ạ, cụ dạo này có được khoẻ không"
Tôi nói to cho tên du kích cũng nghe thấy. Bà cụ đưa đôi mắt kèm nhèm nhìn tôi ngập ngừng:
- Không dám, chào anh, anh đến chơi!
Trong khi đó, mắt và tâm trí tôi còn đang bám sát từng thái độ, cử chỉ của tên du kích. Đó mới là chính, thái độ của y ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của tôi. Tên du kích bước lên nhà trên, rồi đi vào trong buồng. Tôi hỏi bà cụ:
- Ông Phong còn ngủ à cụ"
Bà cụ nói chậm rãi, một cách mệt nhọc:
- Nó, hôm qua đi họp mãi khuya mới về!
Tôi bỏ bà cụ, lên ngay nhà trên để tranh thủ thời cơ. Khi tôi bước vào nhà, thấy tên du kích đang kéo cái điếu bát định hút thuốc. Tôi chưa từng bao giờ hút thuốc lào trước đây, nhưng bây giờ, để tạo không khí chan hòa quen thuộc, tôi cũng sà đến, vê một điếu và hỏi:
- Ông Phong hãy còn ngủ kia à"
Y đã ngậm miệng vào chiếc se điếu, tay đang bật lửa, nên y chỉ gật đầu. Khi y hút xong, thì một người khoảng 35 tuổi, mặc quần đùi màu xám bộ đội đã bạc, đi chân đất, áo sơ mi cháo lòng, da cũng trắng mai mái (chứng tỏ ít ra nắng) đang ở trong buồng bước ra. Mắt còn ngái ngủ, tay đang cầm tấm giấy thông hành của tôi. Tôi quay lại, mặt tươi lên, lớn tiếng:
- Anh Phong, chà bây giờ còn ngủ kia à" Hôm qua tôi ghé xuống Đạt, uống say quá, bây giờ mới ra đây!
Phong như tỉnh hẳn, mở to mắt nhìn tôi, rồi anh ngập ngừng, ngọ nguậy rồi toét thành nụ cười, giơ tay bắt tay tôi. Ánh mắt anh ta thoáng chút ngỡ ngàng. Chắc anh đang băn khoăn lục óc, chả biết đã gặp anh này ở đâu. Rồi có lẽ đổ tại trí nhớ của mình tồi, mặt anh bình thường trở lại, nói một cách xuề xòa:
- Hôm qua họp khuya quá!
Anh ta để tờ giấy xuống bàn, rồi co hai chân lên, ngồi xổm trên ghế. Tên du kích thấy thái độ của tôi với ông Phong như vậy, nên anh ta chào Phong và tôi trở về sân hợp tác xã. Tay đã cầm điếu thuốc, nên tôi đành kéo cái điếu lại, cố gắng hút. Dù tôi không dám rít mạnh, phải kìm ghê lắm, nếu không thì ho, thế mà cũng say đáo để. Phong kéo điếu, bắt đầu hút. Hết say, mặt tôi xụ hẳn xuống nói như phân trần:
- Đấy, anh xem, trước đây tôi khoẻ như vậy, thế mà gần một năm nay, cứ tự nhiên xây xẩm mặt mày.
Thấy nét mặt y trầm tư, tôi nhẹ giọng vẻ thân mật nói tiếp:
- Anh Phong à, tôi học hành như anh đã biết đấy, rất chăm mà cứ học trước quên sau. Cái bệnh tim chó chết này như vậy. Nhiều lúc tôi không muốn sống nữa.
Phong vẻ cảm động, quay lại nhìn con người phờ phạc mệt mỏi (mấy đêm ngày say sóng, không ăn) của tôi, nói như an ủi:
- Làm gì mà bi quan thế! Có bệnh, khoa học ngày nay tiến bộ chữa, sẽ khỏi.
Tôi cười buồn:
- Thực thế! Mới hôm qua ở bến xe, thấy đông người, tự dưng tôi xây xẩm mặt mày. Nếu không có người đỡ, tôi đã ngất, ngã vỡ đầu rồi. Có cái mũ thì cũng lại để quên trên xe. Anh Chí bí thư đoàn đã giục tôi nhiều lần, thậm chí, chính anh phải xin giấy giới thiệu cho tôi ra Hà Nội chữa bệnh, nhân kỳ hè này.
Phong hút thuốc xong, chả để ý gì đến tấm giấy thông hành để trên bàn. Phong vừa cho chân xuống đất định đứng dậy, vừa nói:
- Này, để tôi gửi tiền mua hộ tôi 3 cục “pin” nhé!
Tôi khẽ đập vào tay y, cười:
- Ồ! Anh lạ! Tôi có tiền đây, để tôi mua về rồi hãy tính. Có cần mua gì nữa không, tôi mua một thể"
Phong nghĩ ngợi một lúc rồi lắc đầu. Tôi chậm rãi nói, như thân tình quen thuộc:
- Lúc về, thế nào tôi chả phải ghé vào đây (nhưng thực ra lúc đó, tôi chưa biết đây là đâu), tôi vừa nói vừa cầm tờ giấy thông hành cho vào ví.
Phong còn tiễn tôi ra hè, bắt tay. Tôi chạy lại chỗ bà cụ, cầm tay bà cụ nói:
- Cụ ơi! Cháu đi đây!
Bà cụ lại ngừng quét, ngửng đôi mắt nhập nhèm:
- Phải, anh đi!
Sau này nhiều lúc nghĩ lại, tôi cũng thấy buồn cười. Phong chờ cái thằng chó chết, mãi chả thấy mua “pin” về. Tôi ra khỏi cổng, thấy con đường trước mặt thì cứ đi, chứ cũng không biết con đường sẽ dẫn đến đâu.
Lúc này đã gần 12 giờ trưa, mặt trời càng chói chang như thiêu đốt. Nóng hừng hực, không một ngọn gió, thế mà lòng tôi mát rượi nhẹ nhàng. Chỉ một chút xíu nữa thôi, thì đời tôi đã tịch ở ngay mảnh đất này, nơi tôi đổ bộ. Cho tới nay, tới lúc tôi đang ngồi viết những giòng nỗi niềm này, tôi cũng vẫn chưa biết rõ ràng đấy là đâu. Trên con đường đất trắng bệch vì lâu ngày không mưa, hai bên toàn là ruộng đã gặt rồi, đất cũng đã khô nứt nẻ. Xa xa ngược chiều, một bà cụ đầu đội bó củi đang đi lại. Giữa cánh đồng vắng buổi trưa, tôi quan sát trước sau chả thấy một bóng người, vì thế khi gặp bà cụ, tôi chào vồn vã:
- Trời ơi! Nắng quá cụ ơi! Các cháu đâu không đi làm cho cụ; mà cụ phải vất vả thế này"
Bà cụ thật già, tội nghiệp! Bà cụ này còn già hơn bà cụ nhà tên chủ tịch. Bà cụ hổn hển nói khi tôi đỡ bó cây thanh hao con khô đã rụng hết lá:
- Chúng nó đi hết rồi. Ngày nào tôi cũng phải vào núi để lấy củi đun bếp.
Thấy bà cụ đã quá già, tôi đánh bạo:
- Cụ ơi, cứ đi thẳng đường này là ra đường cái hở cụ"
Bà cụ quay lại, nhìn về phía xa xa, tay cụ vẩy vẩy:
- Cứ đi một thôi nữa là tới đường cái.
Tôi hỏi tiếp:
- Đường nhựa chứ cụ"
Bà cụ gật đầu. Tôi thấy không nên hỏi thêm nữa, sợ khi bà cụ vào làng, lão Phong hoặc du kích hỏi bà cụ là tên đó hỏi cái gì, bà cụ nói ra thì chết. Tôi phải phòng hờ như vậy, vì chỗ này tuy đã xa làng, nhưng giữa đồng trống, biết đâu chả có những con mắt đang theo dõi. Cẩn tắc vô ưu, không chơi dại! Vì vậy, tôi đỡ bó củi lên đầu cho bà cụ, chào rồi đi lẹ.
Bây giờ tôi mới chú ý, xa xa đã nhìn thấy ô tô chạy. Nhìn trải dài cánh đồng bao la xa tắp, tôi thấy vài người đang đi dưới ruộng khô hướng ra phía đường cái, có người đội cái “rương” mà đỏ cạch. Họ đi tắt qua cánh đồng. Tôi cũng bắt chước họ, xuống ruộng nhắm thẳng phía đường cái, bước tới. Một mình lang thang trên cánh đồng rộng, óc tôi miên man nghĩ ngợi. Tôi nghĩ đến lão Phong chủ tịch. Chắc bây giờ lão đang lục óc xem đã gặp tôi ở đâu! Vậy lão chỉ còn trách cái óc tồi tệ của lão, lão ta đã gặp tôi trong lúc nào đó mà quên rồi. Hội hè họp hành, thiếu gì trường hợp. (Số tới: Chương 16)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.