Hôm nay,  

Thành Phố Ngàn Hoa

16/12/200300:00:00(Xem: 259275)
Người viết: Mục sư TRẦN THÁI SƠN
Bài tham dự: 428-966-V2151203

Tác giả là một mục sư mới từ Việt Nam sang thăm đất Mỹ, hiện ở Vancouver, tiểu bang Washington. Ngay những ngày đầu, ông góp bài “viết về nước Mỹ” và tự ví mình như nhân vật sách “Phi Lạc Sang Tàu” của nhà văn Hồ Hữu Tường. Sau đây là bài “Phi Lạc Sang Mỹ” thứ ba của Mục sư Sơn.
*

Chiếc phi cơ cất cánh chở tôi rời khỏi thành phố Milpitas của San Jose, nơi mà người ta giới thiệu với tôi tên Milpitas đó có nghĩa là Thành phố Ngàn Hoa. Chiếc phi cơ lượn một vòng như cái vẫy tay chào thành phố có tên đẹp đẽ đó trước khi rời xa.
Từ trên phi cơ nhìn xuống, tôi nhớ lại cảm giác lúc phi cơ hạ cánh đưa tôi đến thành phố nầy. Đó là cảm giác thất vọng khi thấy thành phố như lọt thỏm ở giữa những đồi trọc, không có bóng dáng rừng cây xanh mướt của vùng Greenever ở Portland, Bang Oregon mà một lần tôi đã có dịp đến và đã kể cho Bạn nghe.
Bây giờ, sau một tuần sống nơi thành phố Ngàn Hoa, tôi từ giã với biết bao cảm xúc, cái cảm xúc mà một Nhà thơ diễn tả đầy kinh nghiệm:
Ai ra đi mà không từng bịn rịn,
Rời yêu thương hồ dễ mấy ai quên.
Mà cảm xúc không bộc lộ ra được nó sẽ thành một thứ tâm bịnh khó chữa. Giữa những người trên phi cơ, trên đất Mỹ nầy, tôi biết nói với ai"
Chung quanh tôi là những người Mỹ trắng có, đen có, nâu nâu của dân Mễ có, ngay cả có những người da vàng mũi tẹt như tôi, nhưng nói rặt tiếng Mỹ, là thứ tiếng tôi không đủ từ để diễn tả cảm xúc trong tôi về cái thành phố nầy. Tôi chợt nghĩ đến Bạn tôi, dù tôi đã định ý không viết cho Bạn ấy nữa, nhưng lúc nầy tôi thèm được nói ra cảm xúc của mình biết bao, và thế là tôi lại nói với Bạn tôi - một tri kỷ, một thứ tình Bạn mà người xưa nói: Nhân sinh tại thế, đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận - sống trên đời được một người biết mình, không còn gì để ân hận.

Bạn thân mến,
Bạn đừng hiểu lầm rằng tôi sẽ lại kể cho Bạn nghe những cảnh đẹp của Thành Phố Ngàn Hoa, vì nó có tên là Ngàn Hoa. Như tôi đã nói với bạn, ở Mỹ nầy dường như đã có một hệ thống kiến trúc giống nhau, nên đi đâu tôi cũng thấy chừng ấy cảnh vật, với những nơi tôi đi qua thì sao nó giống nhau đến lạ. Hơn nữa dù có tên Ngàn Hoa, nhưng thật lòng mà nói, tôi chẳng thấy hoa nhiều hay đẹp như nơi khác.
Cái Ngàn Hoa gây cảm xúc mà tôi muốn kể cho Bạn nghe là cái Cộng Đồng Những Người Tàn Tật trong thành phố nầy. Tôi sẽ giới thiệu vài người tàn tật tiêu biểu cho Bạn xem:
Người thứ nhất tôi muốn giới thiệu với Bạn là Một Người Mù do một tai nạn khi còn ở Việt nam. Tôi nhớ nhà văn Duyên Anh trong một tác phẩm nào đó lâu rồi trước năm 1975, đã tả cảnh một người mù bằng hai câu thơ thật tuyệt cũng là hai câu hát của người mù trong cái xóm nghèo mà Nhà văn đang nói đến:
Ai đem tôi đến nơi nầy,
Ban đêm thì tối, ban ngày thì đen.
Tôi mạo muội xin lỗi cụ Thi Hào Nguyễn Du mà nói rằng hai câu đó cũng hay như hai câu của cụ nói về mùa Xuân trong Truyện Kiều
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Khác chăng là một bên tả cảnh đẹp với màu xanh mướt của cỏ non, còn một bên thì tả cảnh khổ với một màu đen không còn gì đen hơn.
Người mù như vậy ở Việt nam mình chắc phải đi xin ăn thôi. Tuy nhiên, nơi đất Mỹ nầy, người tàn tật như ông được quỹ an sinh xã hội trợ giúp nhà ở, tiền để sống, nên ông không phải sống cảnh ăn mày.
Chuyện như thế đã là lạ đối với tôi, nhưng chuyện lạ nhất và gây cảm xúc nhất là khi tôi bước vào ngôi nhà của ông ở một mình - Bạn nhớ cho là ông mù ấy ở một mình, nhà sạch sẽ, ngăn nắp. Những người quen biết cho tôi biết rằng ông tự nấu ăn, tự lo lấy mọi nhu cần của mình. Tiếng cười của ông chen lẫn giọng nói lạc quan của ông dường như không tắt suốt buổi tiếp tôi.
Ông lại còn làm tôi ngạc nhiên hơn nữa, là ông đã giới thiệu cho tôi bộ máy vi tính dành cho người mù của ông, ông nói nhờ nó mà ông có thể liên lạc được với người thân ở Việt nam bằng Thư Điện tử (Email). Bạn có tin không" Tôi phải tận mắt mới tin rằng có một người mù sống lạc quan như thế.
Người thứ hai và thứ ba, tôi gọi là người "thứ hai và thứ ba" vì đó là một cặp vợ chồng, mà cả hai đều phải dùng xe lăn. Tôi nghe nói người chồng vốn là một Thanh niên mạnh khỏe, khi còn ở Trại Tị Nạn bị bịnh, Bác sĩ điều trị đã làm cho anh ấy bị liệt đôi chân, dư chứng của cách điều trị sai lầm đó còn hành hạ thân thể anh. Tôi đã đến nhà của cặp vợ chồng nầy, cả nhà họ đầy ắp tiếng cười vui vẻ, họ còn mở rộng căn nhà của mình ở để đón mời những người bạn cần an ủi, thậm chí họ còn lái xe chở những người lành lặn đi làm thủ tục giấy tờ.
Bạn có thấy người bại liệt lái xe hơi chưa " Tôi đã đứng nhìn từ đầu đến cuối, người chồng bại liệt ấy lăn chiếc xe lăn đến cửa xe hơi, mở cửa ra, lách mình vào ghế sau tay lái, vói tay tháo từng bánh xe lăn, xếp lại đưa vào xe, nổ máy xe hơi và bắt đầu gài số, trong lúc ấy, người vợ đã tự ngồi vào xe. Cả hai làm nhịp nhàng, thuận vợ thuận chồng. Tôi không hiểu có bao nhiêu cặp vợ chồng thân thể lành lặn, khỏe mạnh, sống hạnh phúc như "người thứ hai và thứ ba" này.


Lần nầy tôi lại giới thiệu với Bạn "người thứ tư và thứ năm", vì họ cũng một cặp Trời cho. Người chồng không bị liệt, mà bị cụt hẳn cả hai chân đến khỏi khớp gối, phải ngồi xe lăn. Còn người vợ thì bị chứng động kinh co giật làm cô ấy không đi thẳng người được, phải dùng nạng chống đỡ một bên, lưỡi của cô cũng bị ảnh hưởng co giật làm giọng nói phát âm rất khó. Thế mà họ có một cặp song sinh gái rất đẹp, Bạn ạ. Tôi cứ phải ngắm nhìn một gia đình khác thường nầy, hình như Trời đã ban thưởng cho họ một cặp Thiên thần không mang cánh để chứng tỏ Ngài hiện hữu với kiếp người khốn khổ của họ.
Rồi điều làm tôi xúc động thêm nữa là lúc họ lên xe hơi. Người chồng cụt chân với tất cả cố gắng có được đã thót lên xe chuyền từ tay vợ đưa hai thiên thần bé nhỏ của mình lên ghế sau, thắt dây an toàn cho con, xong rồi quay lại xếp xe lăn và ngồi vào ghế người lái xe, còn người vợ rướn người ngồi vào ghế bên cạnh chồng phía trước. Họ không hề quên luật lệ an toàn giao thông của Nước Mỹ đối với con cái của họ - các trẻ con phải được thắt dây an toàn khi ngồi trên xe hơi, cũng như người lớn, dù họ là người cần được giúp đỡ. Tôi cố mãi nhìn chiếc xe hơi kỳ diệu đó từ từ rời chỗ đậu xe lăn bánh đi, trên đó có một gia đình cũng diệu kỳ. Tôi buột miệng: Hạnh phúc quá !
"Người thứ sáu và thứ bảy" tôi giới thiệu cho Bạn là hai ông già bị liệt, phải ngồi xe lăn. Tôi phải thán phục những người làm công tác xã hội của Nước Mỹ nầy và Chương trình Quỹ Phúc lợi xã hội cung cấp cho người tàn tật. Họ nghĩ ra mọi cách để giúp những người tàn tật có thể sống mà không phải đi xin ăn.
Hai ông già bị liệt nầy không có bà con thân thuộc - tôi nghe nói thế, nhưng làm gì mà một người được sanh ra trên đất lại không có người thân, họa chăng những người thân đó đã từ bỏ họ vì họ có thể trở thành gánh nặng. Tôi phải khen công tác xã hội của Nước Mỹ, vì hai ông già bại liệt không phải làm gì cả, nhưng cũng được cấp nhà để ở, mỗi người một căn nhà đẹp và tiện nghi như bao căn nhà khác.
Nhà Nước Mỹ cũng thuê người săn sóc mỗi ngày vài tiếng đồng hồ, giúp những người tàn tật như hai ông những việc cần thiết. Bạn mà nhìn thấy chiếc xe Buýt với người tài xế Mỹ chở hai ông đến sinh hoạt với Cộng Đồng Người Tàn Tật của Thành Phố Ngàn Hoa nầy, tôi bảo đảm Bạn cũng sẽ giống tôi khâm phục vị kỹ sư thiết kế xe với cánh cửa xe là một hệ thống nâng người ngồi trên xe lăn lên để đưa họ vào trong xe hơi, rồi đến cách người tài xế đối xử với hai ông và dịu dàng vừa chu đáo. Bạn hỏi tôi: Vì tổ chức hay vì tình thương" Tôi không biết, nhưng nó trên cả tình ruột thịt.
Nói đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện Lão Ngư Ông và Biển Cả của Văn Hào Earnest Hemingway. Cả câu chuyện đã được Nhà Văn gom vào một câu bất hủ: THÀ BỊ HỦY DIỆT, CHỜ KHÔNG CHỊU THẤT BẠI. Lão Ngư Ông bị người ta cho là hết thời đánh cá, giống như một phế nhân, ông không chịu khuất phục trước tuổi già của mình, không chịu khuất phục con cá kình to lớn muốn kéo ông theo nó vào lòng biển bao la; ông cũng không chịu khuất phục tâm trạng cô đơn hãi hùng khi một mình với chiếc thuyền bé nhỏ, với những dụng cụ câu cá đơn sơ, với mấy ngày đêm đói khát trên đại dương, với bầy cá mập hung dữ rình rỉa thịt con cá kình ông câu được. Cuối cùng rồi Lão Ngư ông mà người ta cho là hết thời cũng đem được con cá kình to lớn mà ông câu được vào bờ, dù nó chỉ còn trơ trọi một bộ xương. Lão Ngư Ông đã không chịu thất bại vì tuổi tác hay vì hoàn cảnh, dù ông có thể bị hủy diệt giữa biển cả bao la.
Số phận những con người tàn tật nầy cũng vậy. Họ không để sự nghiệt ngã của cuộc đời đè bẹp họ, họ đã vươn lên sống như mọi người và sống có ích cho nhiều người. Điều may mắn cho những người tàn tật nầy là họ được sống trên đất Mỹ, một đất nước dường như là duy nhất quan tâm đến người tàn tật. Nếu họ sống với thời của Hitler Đức Quốc Xã, với chủ trương một dân tộc siêu đẳng, chắc họ phải vào lò thiêu hoặc được hưởng một cái chết nhân đạo từ lâu rồi. Ôi Nước Mỹ, một Đất Nước với những điều kỳ quái.
Dĩ nhiên không phải tất cả những người trong Cộng Đồng Người Tàn Tật của Thành Phố Ngàn Hoa nầy đều tàn tật. Chính cái chỗ đó tôi mới cảm nhận câu ca dao bầu bí ngày còn bé đã học:
Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống
nhưng chung một giàn.
Tôi không có ý nói người nầy là bầu người kia là bí, vì trong cái Cộng Đồng Tàn Tật đó có khi người lành là bầu giúp bí là người tàn tật, đôi khi ngược lại người tàn tật lại là bầu để giúp bí là người vẹn lành cơ thể mà khuyết tật tinh thần.
Chiếc phi cơ đã bay cao hơn, Thành Phố Ngàn Hoa Milpitas đã khuất dưới đám mây. Trong trí tôi vẫn còn vương vấn những bông hoa lạ giữa rừng người. Tôi chợt nhớ một câu nói của vua Sa-lô-môn khôn ngoan ghi trong Thánh Kinh: Bạn tình ta ở giữa đám con gái như bông huệ ở giữa gai góc. Lương nhơn tôi ở giữa đám con trai như cây bình bát ở giữa những cây rừng.
Tôi không biết Bạn sẽ có dịp nào qua đến cái Đất Mỹ có Chương trình chăm sóc những người tàn tật không, nếu có, dù Bạn không phải là người tàn tật cũng hãy đến thăm cái Cộng Đồng Người Tàn Tật của Thành Phố Ngàn Hoa nầy, chắc chắn Bạn cũng sẽ bắt gặp những điều thú vị như tôi. Vì chúng ta là TRI KỶ mà! Rồi Bạn lại tràn đầy cảm xúc viết một bài gởi đăng trên tờ VIỆT BÁO, biết đâu bài ấy sẽ đoạt giải thưởng mà Báo ấy đang treo.
Một người bạn còn lang thang trên Đất Mỹ.
Ms. TRẦN THÁI SƠN

Ý kiến bạn đọc
19/02/201817:59:29
Khách
Xin cảm ơn bài viết với nội dung rất lạc quan, đưa ra những bài học tích cực để chúng ta noi gương, để thấy những sự khó khăn của chính mình trở nên nhỏ bé và không đáng nói. Sự kiện trì, lòng quyết tâm tự lập của những người đối đầu với những chướng ngại quá lớn thật đáng khâm phục và học hỏi. Bài viết cũng ca ngợi những chương trình xã hội quá nhân bản của nước Mỹ trong việc hỗ trợ và lo lắng cho an sinh xã hội.

Xin góp một ý rất nhỏ là nước Mỹ, "một đất nước dường như là duy nhất quan tâm đến người tàn tật..." Không phải đâu vì còn vô số những nước khác trên thế giới (đa số là những nước tự do và dân chủ) cũng có những chương trình quí giá này (những nước Bắc Âu, Canada, Úc, Pháp, Đức, Anh, vv và vv là những ví dụ)

Xin cám ơn mục sư một lần nữa về bài viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,323,796
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.