Hôm nay,  

Di Tản và Thân Tình!

21/05/201300:00:00(Xem: 288051)
viet-ve-nuoc-my_190x135Đôi bạn tác giả Hoàng Trần - Thanh Mai đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải tác giả xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2008. Là cư dân Minnesota, Hoàng Trần hiện làm việc trong ngành bưu điện. Giải thưởng năm thứ 13, bài mới của ông là một đoạn hồi ký kể việc gia đình bảo lãnh nhau sang My. Tác giả cho biết ông sinh ở một làng quê miền Trung, nhưng thời chiến tranh, gia đình tản cư về Cam Ranh.
. . .

Biến cố 1975 xảy ra, tôi lúc này mười bảy tuổi, đang học dở lớp mười. Đầu tiên là dòng người di tản tràn vào Cam Ranh, họ vào ở trong các trường học nên nhà trường đóng cửa. Gia đình bà con mấy chục người từ Tuy Hòa di tản vào ở nhà tôi vì nghe đồn là sẽ chia đất cho Mặt Trận Giải Phóng tới đèo Cả. Gia đình tôi quyết định ở lại Cam Ranh chịu trận cùng bà con chứ biết chạy đi đâu nữa với số người đông như vầy.

Chính quyền bỏ Cam Ranh! Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cái cảnh vô chính phủ lúc đó. Người thì bỏ nhà chạy, người thì đi hôi của. Ai có cây súng trong tay là uy hiếp được người khác. Tiếng súng nổ loạn xạ, không biết ai bắn, và bắn vào đâu. Nhiều người nhặt được cây súng khoái quá cứ chĩa lên trời mà nổ. Người ta phá kho gạo, đem xe tới chở đi bán, rẻ như cho. Ba tôi mua nhiều lắm, nhờ đó mà nhà có đủ lương thực cho mấy chục người. Ba còn mua đủ gạo để làm một cái hầm tránh bom đạn vì vậy mà đỡ lo cái ăn cho đại gia đình mấy chục người mấy tháng tiếp theo.

Quân đội miền Bắc chiếm được Cam Ranh rồi, họ bắt đầu tổ chức chính quyền mới. Hầu hết mọi người lúc này đều lúng túng, không biết chính quyền mới sẽ đối xử ra sao, ai cũng yên lặng và chờ đợi, vẫn lo lắng sẽ có đánh nhau lớn xảy ra. Mấy chục năm đánh nhau dằng dai chẳng lẽ kết thúc dễ dàng vậy sao!
. . .

Một kết thúc chiến tranh đã và đang đem lại điêu tàn và di chứng kéo dài nhiều năm sau. Đất trời đảo điên, con người điêu đứng! Tình hình gia đình tôi dưới chế độ mới chẳng có gì sáng sủa. Ba Má vất vả trên mấy đám rẫy ngày một cằn cỗi hơn.

Bấy giờ sau khi đi làm về không được nghỉ ngơi mà còn phải đi họp phường họp khóm. Thu hoạch mùa màng ngày mỗi kém mà còn phải đóng thuế đất và bán sản phẩm cho nhà nước với cái giá rẻ như cho gọi là thu mua. Có lẽ là thu nhiều hơn mua. Ba Má muốn về thăm quê một chuyến phải làm đơn xin giấy đi đường tận trên huyện. Trước khi lên tới huyện còn phải qua khóm rồi phường cứu xét đồng ý trước. Tại hai cái ách này, người ta kiểm tra xem đã thực hiện những nghĩa vụ công dân như đóng các khoản tiền lao động, tiền thuế… chưa rồi mới ký giấy! Khổ quá, nhất là những người có liên hệ với chính quyền cũ, bị đưa đi vùng kinh tế mới, rừng thiêng nước độc không có sự giúp đỡ nào cả, con cái lại không được học hành.

Chiến tranh đã kết thúc mấy năm rồi, đất nước cũng đã thống nhất về mặt hành chính nhưng lòng người vẫn chưa thống nhất. Chính quyền gán cái mục tiêu “Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc” vào tên nước như là mục tiêu để theo đuổi. Không thấy nói gì đến công bằng cả. Không có công bằng thì làm sao có hạnh phúc, có tự do cho mọi người. Chính quyền phân chia công dân ra làm nhiều hạng với nhiều quyền lợi hạn chế khác nhau. Đảng và chính quyền chính thức nói đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, nghĩa là công nhận quốc gia không còn độc lập mà nằm trong một hệ thống chính trị quốc tế. Đã không còn biên giới quốc gia về chính trị, kinh tế, như vậy những người không nằm cùng phe, không công nhận chính kiến này đương nhiên là phải tìm con đường sống cho mình. Cho nên bắt bỏ tù những người vượt biển với tội danh phản quốc là không hợp lý.

Gia đình tôi nay đã thêm 4 nhóc tì nhưng Ba Má vẫn cố gắng cho các con đến trường. Ông bà đi làm rẫy từ sáng đến tối mịt, khi thu hoạch được khoai mì thì Má làm bánh tráng gánh bán rong. Cô Hai ra chợ buôn bán lặt vặt, bà Chín mắt bị mù nên ở nhà coi chừng nhà cửa và phụ lo cơm nước. Cuộc sống thiếu thốn nhưng gia đình tôi lúc nào cũng trên thuận dưới hòa, mọi người rất đổi yêu thương nhau. Người lớn lo làm kiếm cơm, lũ nhỏ dốc sức chăm chỉ học hành.

Tôi là con cả, may mắn được gia đình dồn lo cho phương tiện để hoàn tất chương trình trung học và đại học. Khi ra trường, tôi được giao nhận công việc ở chi cục thông kê tại Nha trang. Lương ba cọc ba đồng không đủ nuôi thân. Lúc này Ba Má đã già yếu nên các em kế chỉ theo học các hệ cao đẳng để mau kiếm việc làm. Mà học nhiều cũng vậy, thời buổi gạo châu củi quế, con ông cháu cha mới được ưu đãi thì học đại đại học như tôi thật phí công, gần đúng như người xưa đã nói là “Hết gạo chạy rông, nhất Ông nhì sĩ.”
. . .

Làm việc ở Nha trang được một năm thì tôi cưới vợ. Vì vợ tôi là con của sĩ quan chế độ cũ nên cơ quan làm khó dễ thuyên chuyển tôi đi xa nên tôi phải thôi việc. Tôi nhờ bạn bè giúp đỡ làm đủ nghề nhưng chẳng đâu vào đâu. Sau vợ tôi đề nghị làm kem sinh tố bán cho học sinh, công việc rất cực nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Vậy là tốn công đèn sách 17 năm trời rốt cuộc trở thành ông bán cà rem sinh tố. Nhưng chỉ được vài ba năm thì tình hình làm ăn lại khó khăn do cạnh tranh và do thuế má. Đứa con út của tôi lại bị bịnh mắt nên vợ chồng cứ phải bỏ việc ẵm con vào Sài gòn chạy chữa nhiều lần mà kết quả không khả quan chi mấy. Cũng may giấy tờ bảo lãnh từ Mỹ của Ba vợ tôi đến hạn nên gia đình nhỏ của tôi được thu xếp ra đi chính thức.

Cả nhà tôi từ Cam Ranh ra tiễn chân ở ga Nha Trang. Tôi còn nhớ ngày đậu đại học, cha tôi đã cao hứng bảo “Con là con chim đầu đàn của gia đình, phải bay cao và bay xa để những con chim sau theo đó mà bay tiếp.” Tôi đã không bay cao được như Ba mình mong mỏi, nhưng không ngờ lại bay xa quá như vậy. Cả gia đình tôi vẫn sống quây quần ở Cam Ranh, còn tôi thì bay một lèo qua tận nửa kia quả địa cầu.

Nhớ lại hai mươi tám năm trước, Má tôi dắt díu gồng gánh các con chạy bộ khỏi một nơi chết chóc mà không biết đi đâu. Nay thì tôi và vợ con di tản khỏi chế độ cộng sản để đến một vùng đất hứa. Thằng con lớn của tôi là Đĩnh cũng lên 6 nhưng thay vì phải đội cái mâm đồng đỡ đạn lếch thếch trên con đường làng như ba nó ngày xưa thì nay đóng bộ đồ vest cô nó tặng, di tản bằng phi cơ Boeing 747. Cậu út Lộc nhà tôi cũng một tuổi như chú Lan của nó thưở đó nhưng không phải ngồi trong quang gánh cho má gánh đi mà ngồi chễm chệ trên xe đẩy con nít. Và cái chính là chúng tôi biết được nơi mình đến sẽ là một vùng bình yên, tự do, và là một miền đất của cơ hội mà bao nhiêu người đã chấp nhận bán mạng trốn chạy khỏi chế độ chuyên chính của Cộng sản mà tìm đến. Mà đâu phải chỉ là người Việt mình mong được sống ở Mỹ, nhiều dân tộc khác cũng cố tìm mọi cách đến đây làm ăn sinh sống.

Chuyến di tản của chúng tôi ngày nay còn được kẻ đưa người tiễn. Nhìn lại mình - ba mươi lăm tuổi, tay dắt tay bồng, chuyên môn không có, vốn liếng sinh ngữ nghèo nàn quá. Điều vui mừng nhất là có điều kiện tốt để chữa bệnh cho con.

Tôi nhìn Ba Má hôm đó bỗng thấy già đi nhiều. Có lẽ hai Người cũng lo! Tôi cũng không biết phải nói sao để Ba Má yên tâm vì chính mình cũng chưa yên tâm nổi.
. . .

Đến Mỹ, sự giúp đỡ ban đầu của vợ chồng cô em thật đáng quí, nhờ đó mà chỉ trong tháng đầu vợ chồng tôi làm xong các giấy tờ cần thiết, xin được bảo hiểm sức khỏe, lấy hẹn cho con nhỏ đi bác sĩ, xin cho con lớn đi học và có được bằng lái xe. Cô em còn chở gia đình tôi đi chơi khắp nơi cho biết, nhưng thật tình lúc đó trong bụng lo chuyện kiếm việc làm hơn nên đi chơi mà chẳng thú vị gì.

Tôi đã biết rằng bất kỳ sự mở đầu nào lại chẳng vất vả và tốn nhiều công sức. Tổ tiên mình ngày xưa đi khai phá vùng đất phía nam trù phú cũng phải vất vả nhiều thế hệ đầu tiên rồi con cháu mới được hưởng thành quả tốt đẹp. Nhưng khi nhìn thấy hệ thống các cơ sở thương mại phồn vinh của khu Little Saigon chỉ sau 18 năm người Việt mình tới Mỹ, tôi lên tinh thần và nghĩ là mình cũng sẽ hưởng được những gì mình cố gắng trong một tương lai gần mà thôi.

Tôi bắt tay vào tìm việc, đầu tiên là đến các chợ và nhà hàng Việt Nam xin một chân khuân vác, sắp xếp hàng hóa, quét dọn hay rửa chén bát. Không ai nhận, tôi đọc báo thấy cần người phụ cắt cỏ, sửa nhà, cũng đi xin. Vợ chồng cô em chỉ các Agency giới thiệu việc làm tôi cũng tới ghi danh và lấy test, nghe tin hãng nào cần người tôi cũng đến điền đơn. Hơn một tháng mà chưa được gì tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện đi tiểu bang khác theo gợi ý của cậu em út đang sống ở Minnesota.

Có được nơi đặt chân là nhà bạn gái của cậu em ở Minnesota, ba tôi và cô em đưa cho vài số điện thoại và địa chỉ của những người quen đang sống ở đây mà hai người cũng đã liên lạc để nhờ giúp đỡ chúng tôi. Không được sự chỉ dẫn này có lẽ tôi như người đi trong đêm tối, chắc là sẽ vấp ngã nhiều lần và mò mẫm lâu hơn trước khi đến đích. Vậy là gia đình tôi dắt díu nhau lên đường sau hai tháng sống ở khu Little Saigon. Trước khi lên máy bay, cô em còn dặn dò:

- Anh chị thử một thời gian, nếu thấy không có gì khá hơn thì về lại đây với tụi em chớ ở Minnesota mùa đông lạnh lắm, chịu không nổi đâu.

Khí hậu California đẹp thật, nhưng tấm lòng của em tôi còn đẹp hơn nữa, nó làm vợ chồng tôi thấy ấm áp hẳn lên. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng phải cố gắng hết mình trước đã.

Đến Minnesota, hôm sau vợ tôi điện thoại cho Cường, một hàng xóm cũ trước đây, đã sang Mỹ từ năm 75. Cường hỏi địa chỉ và đến đón gia đình tôi tới tiệm vàng của Cường ở thành phố Saint Paul. Anh hàng xóm này thật tốt bụng. Ngay hôm đó Cường chở cả nhà đến sở An Sinh Xã Hội thành phố xin trợ cấp, thuê appartment và ghé ngang hãng rau của mấy mẹ con bà chị của Cường đang làm – gia đình này là chị của Cường được bảo lãnh sang đây một năm trước. Cường nói:

- Ông bà đừng lo gì hết, xin không được trợ cấp thì tôi đưa vào đây làm lúc nào cũng được. Lương là 7 Mỹ kim một giờ.

Mấy hôm sau Cường bảo đã thuê nhà xong. Cậu em út cho tôi cái xe cũ lâu nay bỏ không. Trong thời gian 2 tháng ở California tôi đã lấy được bằng lái nên chở vợ con từ Minnapolis đi Saint Paul coi và ký giấy tờ thuê nhà. Kỳ dọn nhà đầu tiên này, tất cả đồ đạc bỏ hết trong cốp xe vẫn còn rộng.

Mọi chuyện diễn biến thuận lợi. Có chỗ ở được mấy hôm thì đơn xin trợ cấp được chấp nhận. Gia đình chúng tôi như một cái cây mới trồng, đã bắt đầu bám rễ được ở vùng đất băng giá này. Bây giờ là mùa đông, cây trơ trụi nhưng trong lòng đất vẫn ấm áp. Sang xuân, cây sẽ đâm chồi nẩy lộc và bắt đầu một cuộc sống mới.


Lại cũng nhờ Cường, hai vợ chồng biết được bệnh viện để tới xin hẹn khám mắt cho con nhỏ, biết được trường học để xin cho con lớn đi học. Nhớ hôm đầu tiên thằng con lớn đi học, tôi ra chờ xe bus với nó, nổ máy sẵn cái xe định là chạy theo coi họ chở con mình đi đâu, lỡ chiều nó bị lạc mất còn biết chỗ mà tới hỏi. Nó không lạc mà là cha nó, chỉ vài cái đèn xanh là lạc cái xe bus và suýt lạc luôn đường về.

Ngày mới qua California, cộng đồng người Việt đông, nhà cô em gái lại gần chợ Little Sài Gòn, ra khỏi nhà là gặp và nghe tiếng Việt của mình nên có cảm giác đang sống ở Việt Nam và không có cảm giác xa quê hương. Đến khi qua Minnesota, ra đường gặp toàn người ngoại quốc da trắng tóc vàng nên vợ chồng tôi thấy mình cô đơn lạc lõng như chim xa bầy. Nhờ Cường nhiệt tình và sốt sắng giúp đỡ lúc đầu nên vợ chồng tôi yên tâm và bớt lo lắng.

Người ta nói trâu chậm uống nước đục, nhưng tôi thấy ngược lại. Ba tôi trước kia và tôi bây giờ là những người chậm một bước nhưng đều được thân nhân và bạn bè giúp đỡ hết lòng. Tôi luôn luôn nhớ đến sự giúp đỡ ban đầu rất quí này và ghi nhớ trong lòng mình là người tập bơi, phải tự vùng vẫy để nổi trên mặt nước trước chớ không phải lúc nào cũng trong mong vào cái phao cấp cứu của bạn bè.

Lần lần tôi làm quen được với những người cùng hoàn cảnh mới sang lập nghiệp như mình, chúng tôi ai biết được chuyện gì đều chỉ vẽ cho nhau. Tôi học hỏi được kinh nghiệm của những người đi trước và những thông tin rất phong phú và cập nhật từ những người cùng hoàn cảnh.

Ở Minnesota được nửa năm, tôi xin được housing do chính phủ trợ giúp cho những gia đình có con nhỏ và lợi tức thấp. Cả nhà cùng đi học, con học tiểu học, cha mẹ học tiếng Anh và học thêm nghề để sau này có thể kiếm được việc làm tốt hơn. Tiểu bang này khí hậu lạnh lẽo nhưng tình người nồng ấm. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cả Việt lẫn Mỹ, sau khi ra trường vợ chồng tôi có được việc làm và mua được căn nhà 4 phòng, đã gần 100 tuổi. Sáng sáng tôi đi làm về thường có xe Cảnh Sát chạy theo vì họ tưởng tôi đi giao ma túy sớm. Vậy mà gia đình tôi ở đây 5 năm vẫn êm ru, không hề hấn gì cả. Lúc đó mình điếc đâu có biết sợ súng. Năm năm sau, giá nhà lên, bán lại được lời kha khá, có tiền down cho căn nhà thứ 2. Thật là hay không bằng hên, cái xứ lạnh lẽo này coi bộ đãi ngộ tôi khá nhiều.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quí bất kỳ một vật sở hữu nào của tôi bằng căn nhà đầu tiên này. Không thể tưởng tượng là sau 3 năm từ lúc đến đây với 2 cái xách tay chứa mấy bộ đồ cũ mà bây giờ tôi đã sắm được một căn nhà rộng rãi. Hễ rảnh giờ nào là hai vợ chồng rủ nhau ra Home Depot, Menard mua sắm nào là cửa sổ, kính, sơn để về sửa sang lại căn nhà đầu tiên của mình.

Lúc này tôi được tin vợ chồng người bạn của ba vợ tôi vừa mới sang định cư ở California theo diện gia đình bảo lãnh, phúc lợi xã hội mỗi ngày một hạn chế hơn nên hai bác không xin được trợ cấp y tế của chính phủ. Bác gái mắt bị cườm mà không đi chữa trị được. Tôi biết rõ tiểu bang Minnesota này còn dễ dàng hơn, liền mời hai bác lên ở chung với chúng tôi và xin được medical để chữa bịnh.

Người cô ruột của vợ tôi cũng đang sống tại tiểu bang này nhưng ở một thành phố cách chúng tôi vài giờ lái xe, không có người đồng hương nào bên cạnh. Một lần đến thăm cô dượng, tôi thấy hai ông bà cô đơn đến nỗi thỉnh thoảng ông phải tìm cách chọc giận để bà có dịp cãi vã cho nhà đỡ vắng lặng. Vợ chồng tôi mời luôn cô dượng về ở chung.

Tôi làm việc này với ý niệm là trả được phần nào những món nợ ân tình mà mình đã nhận được từ khắp các người thân và bạn bè. Tôi không mong gì có dịp giúp đỡ lại họ, chỉ cầu mong cuộc đời của các ân nhân này luôn luôn được suông sẻ và giúp đỡ được nhiều người khác hơn nữa. Tôi học được ít nhiều cách làm của họ là một cách trả ơn cho họ rồi. Nhưng rồi việc này cũng đem lại cho tôi nhiều kết quả rất hay.

Lúc đầu tôi chỉ thấy nhà mình vui vẻ hẳn lên qua những câu chuyện râm ran trong bữa cà phê sáng hay trong bữa cơm chiều của ông bác và ông dượng. Những bữa cơm rất ngon, rất đậm đà hương vị quê hương do cô tôi và bác gái nấu nướng. Rồi tôi nhận ra thêm là các con tôi nói tiếng Việt rất sõi, không có cái chuyện pha thêm tiếng Anh với thứ tiếng Việt ngọng nghịu. Một ngày nọ thằng con út của tôi còn xổ cả ca dao tục ngữ khi muốn dẫn chứng một điều gì đó.

Đi dự các buổi văn nghệ tết do cộng đồng tổ chức tôi thấy tội nghiệp cho các em ứng viên hoa hậu, nói là mình học hỏi để bảo tồn văn hóa Việt Nam mà nói bằng tiếng Anh. Tôi tội nghiệp vì cha mẹ các em quá bận bịu và các em không được hưởng những giáo dục văn hóa tiềm tàng sẵn có từ ông bà do không được sống cùng một mái nhà. Chỉ đơn giản là có ông bà ở chung nhà, các con tôi được lắng nghe học hỏi và nói được ngôn ngữ Việt Nam chuẩn, nghe được những khúc dân ca đậm đà tình dân tộc mà ông bà yêu thích vẫn mở máy nghe hàng ngày; ăn được những món ăn thuần túy không phải đã được lai tạo cho hợp khẩu vị của người Mỹ ở các tiệm ăn. Đến giờ các con tôi vẫn thích đồ ăn Việt hơn đồ ăn Mỹ. Khi đưa các cháu về thăm quê, tôi tưởng các cháu sẽ buồn chán nhưng các cháu đã hòa nhập nhanh chóng với các anh em họ của mình ở Việt Nam. Tôi đã làm cái việc bảo tồn văn hóa nước nhà một cách ngẫu nhiên và rất đơn giản.

Vài năm sau căn nhà cũng có dịp đón tiếp thêm 2 gia đình em vợ tôi được sang Minnesota định cư từ trại tị nạn Philippines. Hai đứa em vợ tôi đi vượt biên và bị kẹt lại ở trại tị nạn Palawan hơn 10 năm, một cậu đã lập gia đình trong thời gian ở trại và có 2 con nhỏ. Vì cuộc sống không ổn định nên 2 cháu nhỏ không được học hành, cứ lông bông lêu lổng như trẻ bụi đời. Ba tôi, vợ tôi và cô em vợ phải làm đơn cùng bảo lãnh và cô em vợ tôi đã bay sang xin cùng yết kiến phái đoàn phỏng vấn. Cô em đã trình bày với nhân viên phỏng vấn về trường hợp của 2 cháu nhỏ không có điều kiện học hành nếu vẫn còn kẹt lại Philippines nên họ đã chấp thuận cho đậu thanh lọc. Hai cháu nhỏ được qua Mỹ, học hành đàng hoàng và một cháu trai đã ghi danh vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của Mỹ để góp phần bảo vệ đất nước.

Sáu năm sau khi định cư ở xứ sở mới tôi thi đậu và được vào quốc tịch Mỹ. Tôi làm giấy bảo lãnh cho ba đứa em trẻ nhất là Hồng, Hùng và Phương. Ba Má già rồi không muốn đi. Mấy đứa em khác có gia đình cũng không muốn dù tôi có khuyên hết sức là cứ làm giấy tờ vì thời gian còn lâu lắm, đến lúc đó biết đâu lại muốn đi xa lập nghiệp. Thôi thì mỗi đứa một chí hướng, một hoàn cảnh, một suy nghĩ khác nhau. Cơ hội tới mà nhút nhát không biết nắm lấy thì khó mà vươn lên được.

Thời gian ở xứ người sao trôi quá nhanh. Cứ đầu tuần, cuối tuần. Đầu tháng, cuối tháng. Rồi đầu năm, cuối năm. Mới đó mà chúng tôi đã ở Mỹ được 17 năm. Tôi đưa vợ con về Việt Nam thăm gia đình vài lần. Cam Ranh có vẻ thay đổi nhiều, xóm Rẫy bây giờ mở nhiều đường mới và trở thành phố chính của Cam Ranh. Nhân dịp này chúng tôi mua đất xây cho Ba Má và các em căn nhà gần chợ với hy vọng sau này mấy em có nơi làm ăn buôn bán chớ ở đây ồn ào, không thích hợp lắm cho người già. Tuy vậy vẫn tốt hơn trong nhà cũ, vì trong đó giờ đã hư hỏng nhiều, lại khuất nên nóng quá, không tốt cho sức khỏe.

Nha Trang cũng thay đổi khác xưa rất nhiều. Thành phố đông đúc, tấp nập ồn ào, mất hẳn vẻ thanh tĩnh yên ắng ngày nào. Người quen còn ít, toàn là những gương mặt lạ. Bạn bè lâu ngày gặp lại ai trông cũng già và tất bật lo cho cuộc sống. Có lẽ vì cảnh không còn cũ, người thì khác xưa nên ở ngay trên chính quê hương mình mà sao tôi cảm thấy xa lạ, lạc lõng và nhớ đến sự yên tĩnh, êm đềm của căn nhà mình bên kia bờ đại dương cùng cuộc sống an toàn, trật tự đâu ra đó. Quê hương thứ hai đã cưu mang giúp đỡ rất nhiều những ngày đầu chân ướt chân ráo, cho chúng tôi một cuộc sống an bình, có làm có ăn, và có điều kiện để giúp đỡ thân nhân cùng những người cùng khổ còn kẹt lại quê nhà. Ngoài ra con người ở đây được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Những ai chịu khó và có ý chí muốn vươn lên đều được cho cơ hội và thành đạt.

Trong thời gian qua, mặc dù kinh tế của Hoa Kỳ cũng như cả thế giới đang trong thời kỳ suy thoái nhưng gia đình tôi thật may mắn ai cũng còn giữ được công việc tốt, và quan trọng hơn cả là đứa con út đang được theo dõi chữa bệnh bởi một nền y tế tối tân vào bậc nhất của thế giới. Cháu còn được trời cho một số năng khiếu đặc biệt và có cơ hội cùng điều kiện tốt để phát huy năng khiếu của mình.

Mười năm sau khi làm giấy tờ bảo lãnh cho các em, hồ sơ của Hồng và Hùng được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho định cư. Hồ sơ đứa em út là Phương phải hủy bỏ vì cu cậu bỗng dưng đổi ý không chịu đi. Cô em gái là Hồng vẫn còn độc thân nhưng Hùng đã có vợ và hai con trong thời gian chờ bảo lãnh. Vợ chồng Hùng cả hai cùng đi làm đầu tắt mặt tối mà mà thu nhập chẳng bao nhiêu, tình trạng kinh tế rất khó khăn. Nay được cơ hội đi Mỹ, mọi người đều mừng.

Nhân cơ hội giá nhà cửa đang xuống thấp, vợ chồng tôi bán nhà cũ và mua 1 căn nhà 6 phòng ngủ rộng rãi hơn để đón các em qua ở chung trong thời gian đầu. Lo thủ tục nhà cửa xong chúng tôi bay về Việt Nam trước thăm gia đình sau đón các em cùng bay qua Mỹ chung một chuyến cho khỏi bỡ ngỡ. Phải nói là những chuyến di tản của các thành viên trong gia đình tôi càng ngày càng thuận tiện và sướng hơn xưa. Không biết các thế hệ sau này có còn phải di tản đi đâu nữa không? Họa chăng là di tản ra khỏi trái đất đến một hành tinh nào đó bằng phi thuyền!

Bà con bên vợ tôi cũng qua định cư ở xứ này khá đông và chúng tôi sống quây quần gần gũi nhau để dễ bề giúp đỡ tương trợ nhau. Những người đến trước đều vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ người đến sau. Nhờ thế dù mới qua nhưng các em tôi có công việc làm ngay và sớm ổn định cuộc sống. Hồng vừa đi làm vừa đi học. Vợ chồng Hùng chịu thương chịu khó mới sau 2 năm qua Mỹ đã mua được nhà rộng rãi, hai con học giỏi và biết nghe lời. Nhìn các em mà tôi mừng thầm. Con chim đầu đàn của Ba tôi đã bay xa và đưa được các con chim kia bay theo đến phương trời mới bình an. Những hạt giống trên quê hương đầy bom đạn ngày nào đã bay thật xa qua nửa bên kia trái đất và nẩy mầm, phát triển tốt trên vùng đất mới. Mong rằng đây sẽ là những hạt giống tốt, có ích cho người, cho đời để không phí hoài công sức của các bậc tiền nhân.

Hoàng Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,331
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.