Hôm nay,  

Cám Ơn Miền Đất Hứa

24/11/201400:00:00(Xem: 11865)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 4393-14-29793vb8112314

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé", chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới của tác giả là một chuyện tình êm ả, nguyên tựa là “Về Miền Đất Hứa”. Để khỏi trùng với bài đã phổ biến, tựa đề được đặt lại theo nội dung câu chuyện.

* * *

1. Chuyện Tình Internet

Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu...

Cái câu ca dao này đúng cho trường hợp của những cô gái bị mẹ gả chồng xa xứ, chứ trong trường hợp của Vi thì "tự gả Vi cho anh", nói theo kiểu phim bộ, chứ đâu có ai bắt buộc Vi đâu.

Anh là Việt Kiều, xa xứ từ hồi mới học xong cấp 1, ở vùng Cali nắng ấm từng đó năm mà cũng không tìm thấy cái xương sườn của mình. Còn Vi là con gái của miền đất Quảng, Vi sinh ra ở một làng quê có cái tên gọi dễ thương: Trà Mi.

Vi quen anh qua sự giới thiệu của con nhỏ bạn. Con nhỏ thấy Vi có cái máy lap top nho nhỏ mà cũng không biết làm gì ngoài việc coi báo, đọc tin tức, xem phim bộ và nghe nhạc... nó bèn dạy Vi mở một account với yahoo, set up một hộp thư. Rồi nó nói để nó chia bớt bạn bè tâm giao trên internet của nó cho Vi.

Cái email Vi nhận được đầu tiên là email của anh. Thư của anh ngắn gọn và... vào thẳng vấn đề:

- Hi. Đây là Tường, Hân có giới thiệu cho Tường làm quen với Vi. Vi chịu không?

Vi nhủ thầm, anh chàng này ngố quá, làm quen với con gái mà chẳng có biết văn vẻ màu mè tí nào, nhưng Vi cũng phải lịch sự trả lời:

- Hi Tường, Vi rất hân hạnh được làm quen với Tường.

Tường email lại, hỏi Vi có thì giờ vào chat với Tường ở Yahoo mail không thì Vi nói được. Thế là Tường hẹn Vi cuối tuần lên yahoo mail mà chat. Cuối tuần, Vi mới vô yahoo mail, thì đã thấy cái tên Tường hiện lên online, chờ đợi. Qua một vài câu đối đáp, Vi biết được Tường đang ở Mỹ, tiểu bang California, làm chuyên viên kỹ thuật sửa computer. Còn Vi cũng cho Tường biết là Vi đang ở Đà Nẵng, đang thất nghiệp vì ra trường rồi mà chưa tìm được việc làm, nên cuối tuần ra phụ chị coi sóc gian hàng mỹ phẩm. Vì không biết anh chàng bao nhiêu tuổi nên Vi thòng 1 câu hỏi:

- Tường đang đi học hở?

Anh trả lời:

- Không, Tường hết đi học rồi. Tường già quá nên hết muốn đi học.

Trời đất, chưa gì mà đã khai... già, không biết là già cỡ nào đây, không chừng Vi gặp mấy ông già về hưu gần đất xa trời rồi. Vi rủa thầm con bạn ba trợn, không dưng lại giới thiệu một lão già cho Vi, nhưng chắc con nhỏ cũng không biết gì về anh hết bởi vì nó chỉ biết anh qua cái mục "kết bạn tâm thư" mà thôi. Vi chưa biết phải viết gì thì Tường đã gõ tiếp:

- Tường chưa già lắm đâu, khoảng 30 thôi.

Vi thở phào, nhẹ nhõm, cũng không "già" hơn Vi là mấy. Nhưng anh đã 30 tuổi, cái tuổi thành đạt ở nước Mỹ, lý do gì mà tìm bạn tâm thư đây? Hay là thuộc cái lọai ở nhà ăn cơm, rồi hồ hởi lên mạng để tìm đường về quê ăn phở? Vi hỏi:

- Tường ở... một mình hả?

- Không, Tường ở với ba mẹ.

Vi thầm nghĩ, chao ôi, chuyện gì nữa đây, con trai 30 chục tuổi đầu rồi mà còn ở với ba mẹ? Vi nghe nói là ở bên Mỹ, con cái 18, 20 tuổi là đã khăn gói quần áo ra ở riêng. Hay anh thuộc lọai nửa này, nửa kia rồi... à không, hay anh là... con một? Vi hỏi:

- Tường là con một hả?

- Không, Tường còn một đứa em gái tên Hạnh, chắc bằng cỡ tuổi Vi.

- Sao Tường biết tuổi của Vi?

- Hân nói.

- Tường quen Hân hồi nào?

- Mới thôi, nhưng Hân có nhiều bạn lắm, một lần lên chat với Hân phải chờ lâu vì Hân chat một lúc với nhiều người, mà Tường thì không thích như vậy. Chắc Hân cũng biết, nên Hân nói để Hân giới thiệu Tường với Vi, cho hai đứa mình chat với nhau.

Vi biết mà, anh đã bị con nhỏ Hân chê, bởi vì con nhỏ lanh quá, chắc là anh chàng này thuộc lọai... cù lần. Nhưng mà không sao, Vi cũng thuộc loại nhát cáy. Hai con này chơi với nhau chắc hạp.

Thư qua thư lại, chat tới chat lui cũng nhiều lần. Vi đòi coi mặt, anh gửi cho Vi một cái hình qua email. Vi cũng đáp lễ gửi lại cho anh một tấm hình của Vi mới chụp bữa đi ăn đám cưới con nhỏ bạn.

Nhìn kỹ thì anh cũng trắng trẻo, đẹp trai, chắc là chỉ làm việc ở văn phòng. Vi thì không có trắng bằng anh, tại Vi thích ở ngoài vườn dang nắng, và Vi cũng không đẹp gái lắm, nhưng bà con chòm xóm nói Vi có duyên ngầm, nhứt là hai con mắt bồ câu của Vi, lúc nào cũng sáng ánh nụ cười.

Thấy có vẻ hợp nhau, nên Vi hẹn anh tiếp tục lên mạng chat tiếp. Cuối tuần nào mà anh hơi bận, không chat được lâu thì Vi cảm thấy buồn làm sao.

Thời gian cứ vậy mà trôi. Qua chừng đâu hơn nửa năm thì Vi nhận được thư của anh, cho biết là tháng sau anh về VN thăm người chú họ ở Sài Gòn rồi anh sẽ ra Đà Nẵng ít ngày thăm Vi với... má Vi.

Tường không về Đà Nẵng một mình mà đi với mẹ của anh. Hai mẹ con đem bánh rượu tới nhà thăm viếng má Vi. Sau bữa gặp Vi ở nhà rồi Tường gọi điện thoại cho Vi, anh nói muốn cưới Vi đem về Mỹ. Vi giựt mình. Anh chàng này tiến mau, tiến mạnh quá, Vi chưa có chuẩn bị tinh thần làm vợ Việt Kiều. Mà có bao giờ Tường nói tiếng "I love you" với Vi đâu. Gặp nhau cả ngày mà anh chỉ nói đến chuyện trời mây mưa gió, nhiều lắm anh chỉ nói với Vi có một câu "Vi dễ thương quá."

Vi không biết nên gật hay lắc đầu vì Vi đâu có biết nhiều về Tường. Má Vi hỏi ngày sanh tháng đẻ của Tường rồi đem vô chùa cho sư ông so tuổi hai đứa. Sư ông gật gù:

- Tốt tốt, hai cái tuổi này hạp nhau, con đàn cháu đống, giàu sang mấy hồi.

Để cho chắc ăn, má Vi dẫn Vi đi coi bà thầy bói trong chợ, bà nói:

- Con này có số xuất ngoại, nhưng phải đợi tới cuối sang năm mới đi được.

Má yên tâm dẫn Vi về, biểu Vi quyết định. Mấy chị Vi cười khúc khích:

- Việt Kiều oai rồi, chịu đi em ơi.

Một tuần lễ sau Vi với Tường làm đám hỏi. Ai tới ăn đám hỏi Vi cũng khen là chàng rể hiền lành, đẹp trai. Con nhỏ Hân bạn Vi cũng có tới, chắc bây giờ con nhỏ đang tiếc ngẩn, tiếc ngơ vì đã để vuột mất anh chàng Việt Kiều cù lần này ra khỏi vòng tay.

Đám hỏi Vi cuối tháng 10, vậy mà hơn cả năm sau Vi mới được theo chồng về Mỹ theo diện bảo lãnh hôn thê.

Ngày Vi sửa sọan lên đường theo chồng, má Vi lo lắng lắm, bởi vì Vi theo chồng qua bên kia đại dương, cách má Vi tới nửa quả địa cầu. Vi là con út, được má nuông chiều, vì Vi là đứa con kỷ niệm (sau khi sinh Vi ra thì ba Vi mang bạo bịnh mà mất), nên má không yên lòng khi Vi đi lấy chồng xa. Hơn nữa, chồng Vi là con trai độc nhất, đang ở với cha mẹ chồng, mà nhà lại có cô em chồng bằng cỡ tuổi Vi. Người ta nói, giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, nhứt là bà cô đó lại ở ngay trong nhà. Nhưng Vi cũng làm bộ tỉnh khô an ủi má:

- Má ơi, đừng có lo, con nghe nói, làm dâu ở bên Mỹ khác xa làm dâu ở bên mình.

Mấy bà mẹ chồng ở Mỹ thay đổi rồi, tập hiền rồi, không như mấy bà mẹ chồng ở bên này thích hành hạ con dâu. Ở bên Mỹ chỉ mới nói hành nói tỏi thôi là nó xách thằng chồng với mấy đứa con đi luôn, muốn gặp con gặp cháu phải hẹn tới, hẹn lui, đôi khi không hứng thì nó cũng không cho gặp. Còn "bà cô" thì cũng phải tới ngày tới tháng về làm dâu nhà khác chứ có ở lì đó đâu mà má lo.

Nói thì nói vậy nhưng Vi cũng run, vì ông chồng Vi thuộc loại nhát. Hơn nữa ông là con trai độc nhất, mà theo Vi dò biết thì với cái tình trạng kinh tế của Cali hiện giờ, nhà cửa mắc mỏ, việc làm lúc có lúc không, còn lâu ông chồng Vi mới dám dọn ra riêng. Hồi mới dụ dỗ được Vi ông đã thì thầm:

- Mẹ cưng anh lắm, nên cũng sẽ cưng em. Còn con nhỏ Hạnh thì hơi mè nheo chút thôi, chứ nó cũng lo cho gia đình, thương anh dữ lắm. Bữa nào nó lấy chồng rồi thì chỉ còn có tụi mình ở với ba mẹ. Em mà cho một thằng cu chào đời nhanh nhanh thì em còn được cả nhà cưng hơn trứng mỏng.

Vi thì không có dám nghĩ là được cưng như trứng mỏng, và Vi cũng không hiền tới nỗi để ai ăn hiếp được. Nhưng đó là khi ở Việt Nam kìa, bề gì thì Vi cũng còn có cả đại gia đình bên cạnh, có má để Vi chạy về cầu cứu, chứ ở xa như vậy đơn thân độc mã, tiếng Anh tiếng U thì chưa thông, Vi mới biết làm sao?


2. Cám Ơn Miền Đất Hứa

Những ngày đầu tiên ở Mỹ, Vi khóc hết nước mắt. Trước hết là Vi nhớ nhà, Vi nhớ má Vi với... khu vườn trái cây nhà nội. Ở bên này, Vi đâu có những trái xoài tượng chấm nước mắm đường hay mắm ruốc cắn dòm rụm. Nhớ cóc quá, Vi ra vườn nhà mẹ chồng hái mấy trái đào tiên xanh vô dầm muối ớt ăn mà khóc sướt mướt. Thêm nữa, Vi xa gia đình vào cái ngày ông Táo về trời, khi má Vi sửa soạn gạo nếp để gói bánh tét đón Xuân. Qua tới Mỹ, cứ mỗi lần theo mẹ chồng Vi đi chợ Tết là Vi nhớ nhà hết biết.

Sau khi nghỉ ngơi được hơn tuần lễ, vợ chồng Vi theo mẹ chồng đi chào họ hàng. Trước nhứt là bà ngọai với mấy dì ở gần nhà, rồi đi chào mấy cậu mợ ở xa xa. Tới nhà nào, Vi cũng được đãi đằng tử tế.

Vi bắt đầu cuộc sống mới với nhà chồng. Vi có thêm ba và mẹ, cộng con nhỏ em chồng "gia sư" của Vi. Ba chồng Vi dễ chịu, ai muốn làm gì cũng được, bởi vì chuyện chi cũng hỏi... mẹ mấy đứa. Nói nào ngay thì mẹ chồng Vi không có dữ, nhưng chỉ có cái tật là hay càm ràm, và bà xì nẹc Vi "tận tình" không khác nào con ruột của bà. Còn con em chồng Vi nó cũng không có chằng, chắc tại nó thương Vi thân cô thế một mình nơi xứ lạ quê người, đi shopping có cái gì hay hay nó mua cho nó một cái thì nó cũng mua cho Vi một cái.

Qua tới Mỹ rồi Vi mới biết được một sự thật ngỡ ngàng - ông chồng Vi không có đi làm, ông đang ăn tiền thất nghiệp. Trời đất, không lẽ Vi phải hát cái bản... "em đã lầm khi theo anh sang đây..." Ông chồng Vi dỗ dành:

- Thất nghiệp tạm thời thôi, rồi anh sẽ đi làm lại. Anh có ghi danh với mấy cái công ty tìm việc làm, thế nào một trong những công ty đó cũng tìm được việc cho anh.

Vi có hỏi ông sao thất nghiệp mà cũng hăng hái về Việt Nam cưới vợ, không đợi tới khi có việc làm rồi hãy đem Vi qua cho Vi đỡ khổ, chứ bây giờ ăn bám ông bà già biết tới chừng nào.

Ông chồng nói:

- Khi có giấy bảo lãnh rồi là phải làm liền, không chính phủ bên nớ đổi ý mất công. Với lại đang thất nghiệp mới có nhiều thì giờ đi về VN đi chơi, chứ mới có việc làm lại rồi là khó xin phép nghỉ. Đúng ra thì mình không có ăn bám ông bà già đâu, bởi tiền trợ cấp thất nghiệp của anh cũng khá, anh chỉ đưa mẹ ít tiền hơn hồi anh đi làm chút ít thôi.

Nghe ông giải thích Vi cũng thấy có lý, nên bớt hậm hực, bớt buồn.

Nhờ trời, mấy tháng sau ông chồng Vi đã có lại việc làm. Một trong những công ty tìm việc làm đã tìm được cho ông một công việc làm thiệt tốt. Hiện thời, ông làm tạm thời cho nhà thương Kaiser, một hệ thống y tế có tầm cỡ ở vùng Nam Cali. Nhờ giỏi dắn, siêng năng nên ông đã được ông xếp lớn của nhà thương hứa cho vào làm thiệt thụ sau sáu tháng thử thách. Vừa vào được chính ngạch, qua probation rồi thì chồng Vi đã phấn khởi mua ngay một cái xe Nissan Rogue nho nhỏ, để cuối tuần hai đứa chở nhau đi chơi.

Từ từ rồi Vi cũng tập làm quen được với đời sống mới. Vi ở nhà, học Anh Văn theo mấy cái cuốn sách mà con nhỏ Hạnh nó đưa, chờ tới tối nó đi làm về trả bài cho nó. Ông chồng Vi không có thích mấy cái vụ chữ nghĩa này, nên ống chơi game trong khi Vi theo gia sư học hành.

Vi cũng tập làm quen với những món ăn của người bản xứ. Vi cũng biết ăn hamburger, cái món thịt không có dính dáng gì tới thịt heo mà cũng gọi là ham..., Vi biết ăn hot dog, một món xúc xích làm bằng thịt gà, thịt bò xay nhuyễn nhồi vô bao như lạp xưởng không liên quan gì đến... chó. Vi cũng biết ăn taco, một món ăn với thịt bằm, xà lách, cà chua kẹp trong mấy cái bánh tráng làm bằng bắp chiên dòn như bánh tráng nướng. Vi cũng thích ăn spaghetti, một loại nui ống làm bằng bột mì, trộn với thịt nấu trong nước sốt cà chua...

Không biết từ lúc nào Vi lại ghiền cái món hamburger quốc hồn quốc túy của Mỹ. Lúc đầu thì ở tiệm nào Vi cũng thấy ngon, nhưng sau này thì Vi bắt chước chồng chỉ ăn ở In and Out (tiệm bán hamburger mà nghe nói chỉ có ở California), có khoai tây tươi chiên dòn. Còn Mc Donald, Burger King... Vi bỏ lơ không thèm ghé. Nhưng sau khi biết cái công ty gia đình In and Out này bành trướng sang những tiểu bang lân cận như Nevada, Arizona, Texas, thì chồng Vi buồn, vì In and Out hết còn là nhãn hiệu độc quyền của người California, nên ông lượm coupon của tiệm Carl s Jr., mua một cái được thêm 1 cái. Còn hot dog thì Vi không thích lắm, nhưng nếu muốn ăn là phải mua hot links ở Costco, đặc sản vùng Louisiana, cay xé lưỡi Vi mới chịu ăn.

Chờ tới khi giấy tờ điều chỉnh xong rồi, Vi mới được đi học Anh Văn ở trường đàng hoàng. Chồng Vi ghi danh cho Vi đi học ở cái trung tâm dạy tiếng Anh tráng niên ở gần nhà, một tuần ba bữa. Buổi sáng trên đường đi làm ba chồng Vi thả Vi ở đó, buổi trưa thì mẹ chồng Vi với mấy dì, tuy theo ngày nghỉ thay phiên nhau đi chở Vi về vì ông chồng Vi đi làm từ sáu giờ sáng, và phải làm tuốt downtown Los Angeles.

Bà mẹ chồng với mấy bà dì chồng Vi đều làm nails, nên biểu Vi đi học làm nails để cuối tuần đi làm cho có đồng ra đồng vô, chứ lương của chồng Vi, sau khi trừ thuế, trừ tiền xăng rồi, đem về góp tiền ăn, tiền nhà xong rồi chắc cũng chỉ đủ tiêu.

Sau gần hai năm ở Mỹ, Vi đậu được hai cái bằng: cái bằng làm nails và cái bằng lái xe. Vi được thừa hưởng cái xe cũ của con Hạnh, nên cách ngày Vi lái xe đi học, còn cuối tuần Vi đi làm ở 1 tiệm nails trên vùng Fontana. Nhờ khéo tay, khéo chiều nên ngoài số khách "xoay tua" Vi cũng có một số khách hẹn riêng đáng kể. Mấy bà làm lâu trong tiệm cứ quở Vi:

- Con nhỏ này mới qua mà lanh quá, lấy hết khách của người khác rồi.

Vi nghe mấy bà càm ràm mà cũng không dám nói lại, bởi vì khách yêu cầu Vi chứ Vi có đòi khách đâu. Vi cũng hiểu nỗi lòng của mấy bà, vì lương bổng của mấy bà đã giảm đi một phần nào từ khi tiệm có thêm Vi, nhất là phải làm việc xoay tua trong cái tình trạng kinh tế suy thoái này.

Bây giờ thì hai vợ chồng Vi cũng còn ở chung với ba mẹ chồng. Ông bả cũng rất hãnh diện vì mấy cậu mợ, mấy dì khen là ông bà có phước, có con dâu Việt Nam mà không có "chảnh", không đua đòi quần này áo nọ cho bằng với người ta. Vi biết lo nhà, lo cửa, lo cho chồng trong lúc chồng cơ lỡ.

Lật bật mà gần tới Tết nữa rồi. Năm nay là năm thứ ba Vi ở trên miền đất Hứa. Trong lúc ngồi lau lá với con nhỏ Hạnh để mẹ chồng Vi gói bánh tét ăn Tết, nhìn cảnh gia đình chồng quây quần Vi lại thấy buồn. Lau lá xong Vi bỏ vào phòng ngồi tựa đầu giường, ôm cái Ipad của mình, tính FaceTime với má. Mấy tháng trước, chị Ba của Vi đã mua cho má 1 cái Ipad lớn, dạy má cách FaceTime với Vi, giờ này thì má cũng đã sử dụng rành rõi lắm rồi.

Nhưng ông chồng Vi đã vào theo ngay sau đó. Ông ngồi xuống bàn mở máy computer ra tính tính, toán toán gì đó, rồi ông xà vào bên cạnh Vi thủ thỉ:

- Anh tính từ đây tới hè thì hai đứa mình sẽ có khoảng 30 ngàn tiền để dành. Mình sẽ mượn thêm ba mẹ một số tiền down, mua 1 cái nhà 3 phòng nho nhỏ cho hai đứa ra riêng. Anh đã hơn 33 tuổi rồi, mình sửa soạn có baby là vừa. Chừng em gần sanh thì mình sẽ làm giấy tờ bão lãnh bà ngoại qua đây du lịch. Nếu bà ngoại muốn ở lâu hơn thì mình xin gia hạn rồi tìm cách điều chỉnh giấy tờ cho bà ngoại. Em thấy sao?

Trời, ông chồng Vi khéo hỏi, còn thấy sao với trăng gì nữa chứ. Ông tính gọn bưng và ngon lành như vầy thì Vi còn dám mơ ước gì hơn. Vi vít đầu chồng hôn túi bụi lên hai má thì thầm:

- Cám ơn anh, cám ơn anh thật nhiều.

Tựa đầu vào vai chồng, Vi sung sướng nhắm mắt hình dung đến một viễn ảnh tương la. Trong gian nhà nhỏ ấm cúng đó, Vi nhìn thấy hình ảnh đôi vợ chồng trẻ với những đứa con kháu khỉnh chạy chơi, đùa nghịch chung quanh. Vi âm thầm cám ơn Trời Phật đã cho Vi có cơ hội gặp Tường và theo Tường sang Mỹ. Vi cũng không quên cám ơn miền đất Hứa, miền đất an bình đã cho hai vợ chồng Vi một cơ hội xây dựng tương lai.

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.