Hôm nay,  

Tô Súp Nóng Cho Người Không Nhà

20/11/201400:00:00(Xem: 15795)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4390-14-29790vb5112014

Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Mùa thu Cali lại về. Nhà chị Nga hôm nay bận rộn và đông người. Anh chị vừa đi chợ về. Trên xe đầy những túi xách thực phẩm chuẩn bị nấu món súp nui. Các anh chị em trong nhóm Giới Trẻ Cát Tường hàng tháng luân phiên nhau phụ trách việc nấu một món, khi thì phở, mì hoặc nui. Lát nữa đây các em sẽ tập trung ở nhà chị để xắt gọt rau củ, luộc nui, luộc gà, xé gà và nấu hai nồi nước lèo thật to. Các em cũng chuẩn bị đi mua hơn một trăm phần quà để sáng mai có mặt ở Civic Center tại thành phố Santa Ana lúc sáu giờ rưỡi.

Nhóm người trẻ làm công việc thiện nguyện này sẽ phục vụ bữa ăn sáng và phát quà cho khoảng hơn một trăm người Mỹ không nhà.

*

Hồi mới qua Mỹ, thời gian đầu tôi bị choáng ngợp bởi sự giàu có, phồn vinh của xứ sở này khi không thấy hình ảnh những người nghèo, người ăn xin, không thấy trẻ con lang thang, không thấy các bà mẹ mang bầu thổn thện đi trên đường phố. Người đi đâu hết cả, đường phố vắng vẻ, chỉ thấy xe là xe. Một đất nước an bình. Một xã hội có một chế độ an sinh xã hội hoàn hảo. Thế rồi một hôm trên đường đến một góc phố tại khu người Việt, tôi thấy một người Mỹ trắng lớn tuổi, còn khỏe mạnh, râu ria xồm xoàm đứng ở góc đường, ăn mặc bình thường như một người công nhân đeo một cái bảng trước ngực "I am homeless". "I need food".

Đây là người Mỹ nghèo đầu tiên tôi thấy ở xứ Mỹ. Người Việt Nam quen gọi họ bằng tiếng Mỹ "homeless". Nói chung "homeless" hay "street people" là những người không có chỗ cư trú an toàn, đều đặn và lâu dài. Ban ngày, những người này sống lang thang trên hè phố, trong công viên, nhà ga, trạm xe bus, xe điện ngầm, các khu thương mại, quảng trường... Họ không có khả năng kiếm tiền để thuê các phòng dài hạn, các nhà trọ rẻ tiền hoặc share phòng. Ban đêm họ không có chỗ ngủ nhất định. Họ giăng lều, căng bạt, che chắn bằng các vật liệu nhẹ như thùng giấy, các miếng giấy dầu không thấm nước có thể che mưa (tarpaulins). Gia tài của họ là vài túi đồ gọn nhẹ. Nhiều đồ đạc hơn nữa thì có chiếc xe đẩy như xe trong các siêu thị chất đầy túi là túi.

Luật pháp Mỹ không cho phép những người "homeless" ngủ qua đêm ở các nơi công cộng. Cảnh sát đuổi nơi này, họ dọn đi nơi khác. Có những thành phố, cảnh sát bắt phạt những người ngủ ngoài đường và dùng từ "transient" trong báo cáo vì không rõ gốc gác của họ. Mùa đông họ tìm các "shelter" là những nhà tạm trú. Các giường vừa một người nằm kê sát nhau, xếp thành nhiều dãy trong một tòa nhà lớn. Họ chia nhau cái ấm áp của máy sưởi vào mùa đông. Nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được chỗ ngủ yên ấm này.

Số người Mỹ không nhà và người nghèo ở xứ Mỹ có khuynh hướng càng ngày càng tăng. Theo thống kê nước Mỹ trên toàn quốc, tùy theo tiểu bang, có khoảng từ hai đến ba triệu người không nhà trong đó có gần phân nửa là phụ nữ và trẻ em. Một phần ba số người này sống ngoài đường. Hai phần ba sống trong các nơi tạm trú khẩn cấp (emergency shelter) hoặc sống nhờ vào sự giúp đỡ của các chương trình gia cư chuyển tiếp (transitional housing program) trong khi chờ đợi có đủ điều kiện chuyển sang nhà thường trú (permanent housing). Có chương trình nhà cứu hộ (supportive housing) giúp cho những người đi làm có lợi tức thấp hay những người bị mắc vào những trường hợp khó khăn, ngặt nghèo như nghiện rượu, tâm thần, bệnh HIV, lạm dụng tình dục... Kinh tế càng suy thoái, số người không nhà càng tăng.

Chính phủ liên bang, tiểu bang, quận, thành phố đều có nhiều chương trình, kế hoạch giúp đỡ những người không nhà. Tuy nhiện vấn đề "homeless" ở xứ Mỹ vẫn là một vấn nạn xã hội tồn tại, phức tạp khó giải quyết, đôi khi đưa tới nhiều phản ứng khó lường.

Có câu chuyện xảy ra khá lâu về một vị dân biểu ở tiểu bang Hawaii tên là Tom Brower. Hawaii là tiểu bang có nhiều khách du lịch và có khoảng mười bảy ngàn người không nhà. Trên đường phố, đích thân ông cầm cái rìu dài bằng sắt (sledge hammer) đập nát những cái bánh xe của những chiếc xe đẩy chất đồ đạc của người "homeless". Khi gặp một người không nhà ngủ ở bến xe bus ban ngày, ông dựng họ dậy và nói "Cút đi"! (Get your ass moving!). Ông nói với báo chí ông không cảm thấy thoải mái một trăm phần trăm khi làm công việc này nhưng ông cho rằng việc làm này là đúng. Có nhiều người đưa ý kiến về hành động của ông như: "Ghê tởm!" (disgusted). " Đe dọa quá đáng!" (extreme & threatening). "Kỳ thị!" (discriminating). Khi được phỏng vấn, một người "homeless" già trả lời "Không hay tí nào!" (It s not cool). Họ cam chịu và an phận.

Một câu chuyện về thành phố Sarasota ở tiểu bang Florida, dọc con phố chính là các cửa hàng sang trọng và đắt tiền, người quản lý các cửa hàng của khu phố bị than phiền sự có mặt của những người "homeless" làm bẩn thỉu, hư hại khu thương mại giá trị của họ. Họ vận động khách hàng, gây quỹ "Homeward Bound Fund" được ba ngàn đồng cùng với Sở cảnh sát Sarasota ruồng bắt trên hai trăm năm mươi người. Sau đó, họ mua vé xe bus một chiều đuổi những người này ra khỏi thành phố. Một người "homeless" đã nói: "... Tôi chỉ xin tiền để mua vớ, thức ăn và quần áo. Họ quên chúng tôi cũng là con người, những người kém may mắn. Nếu tôi có tiền, tôi sẽ có quyền lực..."

Điều khoản 25 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền trong đó có đoạn:... "Mỗi người đều có quyền thụ hưởng một mức sống tiêu chuẩn, đáp ứng đầy đủ cho sức khỏe và đời sống của chính mình và gia đình gồm thực phẩm, quần áo, nhà ở, thuốc men và những dịch vụ xã hội thiết yếu, cả quyền hưởng an sinh xã hội khi thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay những trường hợp sinh sống ngoài khả năng kiểm soát của mình...." Chính phủ của đảng Dân Chủ thường có những chính sách quan tâm nhiều đến vấn đề an sinh xã hội. Vấn đề "Homelessness" không phải chỉ là vấn đề của nước Mỹ mà là của nhân loại khi thống kê cho biết hiện nay trong số bảy tỷ người trên hành tinh này, hiện có khoảng một trăm triệu người không nhà.

*

Trước mặt chúng tôi có khoảng gần hai trăm người không nhà đang đứng sắp hàng. Mỗi người một hoàn cảnh. Họ tỏ ra ít nói, xa lạ, trầm ngâm. Có những lý do thầm kín, tế nhị, riêng tư mà văn hóa của người Mỹ không cho phép người lạ đi sâu tìm hiểu. Một tô súp nóng vào buổi sáng và một túi quà đựng các vật dụng cá nhân tuy nhỏ bé nhưng là sự chia sẻ thực tế nhất và là niềm an ủi cho họ trong ngày.

Civic Center thuộc thành phố Santa Ana, thủ phủ của Orange County, người Việt quen gọi là quận Cam, nơi đóng đô của chính quyền quận Cam từ năm 1889 cho đến nay, cai quản ba mươi bốn thành phố trong đó có những thành phố thân quen với người Việt như thành phố Westminster có Little Saigon, Garden Grove có cộng đồng người Đại Hàn... Tổng số người không nhà của quận Cam chiếm khoảng mười tám ngàn người trong số hơn ba triệu dân. Thành phố Westminster có khoảng hơn một ngàn người không nhà.


Các em trong nhóm Giới Trẻ Cát Tường chọn khuôn viên Civic Center của thành phố Santa Ana vì đây là trung tâm đông những người không nhà sinh sống và có khuôn viên trống trải, mát mẻ, thu hút họ qua lại vào ban ngày.

Chúng tôi đến sớm đã thấy chiếc xe van chở hai thùng nước lèo to và hai cái bếp gas. Một chiếc xe khác chở bốn cái bàn lớn đậu sẵn bên lề đường. Các em trai mau mắn bắt bếp, đun sôi nồi nước lèo còn bốc khói. Một số em dựng bàn trong khi các xe khác cũng vừa kịp đến chở nào là thau đựng cà rốt, bộng cải xắt nhỏ luộc sẵn, gà xé, nui luộc, những thau trứng luộc, nước tương, ớt, tô, muỗng, khăn giấy. Chuối vừa chín tới, cắt từng trái được bày trên bàn. Các em gái chở những thùng giấy lớn đựng đầy các quà đến kịp giờ. Tùy theo số tiền đóng góp của các em và các nhà hảo tâm bảo trợ cho nhóm, hàng tháng, các em mua những vật dụng cá nhân cần thiết như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, xà bông, bao đựng khăn ướt (baby wiper). Mỗi túi quà như thế giá trị vào khoảng sáu đồng... Mùa này thời tiết vào thu, trời trở lạnh, các em mua thêm vớ, nón len. Tất cả cho vào một túi xách nhỏ thật gọn gàng.

Trời đã sáng dần. Những người "homeless" đã lục tục kéo đến đầy cả khuôn viên. Họ được thông báo lịch trình ngày thứ bảy cuối cùng của tháng là ngày Giới Trẻ Cát Tường tổ chức buổi điểm tâm và phát quà nên nhiều người đã tụ tập sớm. Hai nồi nước lèo đã sôi sùng sục.

Bảy giờ rưỡi, mọi việc đã sắp đặt xong xuôi, Anh Khôi, trưởng đoàn chào mừng và cám ơn những người không nhà đến đây để cho những người trẻ Việt nam có cơ hội làm những việc thiện nguyện. Anh cũng cám ơn giới trẻ Cát Tường gồm khoảng hai mươi em và các nhà hảo tâm đã bớt chút thì giờ, đóng góp bằng tiền và công sức của mình đến với người không nhà để có bữa điểm tâm đơn sơ và một gói quà nho nhỏ này.

Các em gái được phân công phục vụ điểm tâm đeo bao tay và đứng thành hàng dài. Có em múc nui vào tô giấy lớn, em múc rau củ, hành ngò, em múc gà, em múc nước lèo, em rắc tiêu. Một dãy các em đứng phát mỗi người hai cái trứng luộc, một trái chuối, muỗng và khăn giấy. Vài em khác tay cầm chai xịt nước tương hay ớt vào từng tô. Một em đứng gần dãy bàn cuối phát những túi quà.

Những người "homeless" đều có bề ngoài giống nhau. Nghèo nàn và buồn bã. Đàn ông râu ria xồm xoàm, tóc thường dài hoặc cạo trọc, quần, áo, mũ len tuy không rách rưới nhưng cũ kỹ, nhầu nát, bẩn thỉu. Đàn bà ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm, tóc tai rũ rượi. Đa số là người da đen và Mễ. Thỉnh thoảng có vài người nét mặt trông giống người Tàu hay Đại Hàn. Không thấy có người Việt nam. Hầu hết những người Việt nam không nhà đều quây quần ở khu Westminster nơi có đông người Việt.

Một dãy hàng dài những người không nhà đang đứng rất trật tự và kiên nhẫn chờ đến phiên mình. Nhận thức ăn và túi quà xong, họ ngồi ăn rải rác trong công viên. Có người sức ăn nhiều, hỏi xin hai tô. Có người chỉ lấy gà và nước lèo. Có người không lấy rau củ. Có người lấy ít nui. Có người xin thêm vài miếng gà, vài cái trứng. Họ đều thốt lời cám ơn.

Tôi có dịp hỏi thăm một cô gái da đen nét mặt còn rất trẻ, tóc bím dài, mang bầu, dáng đi lạch bạch với cái bụng khá to đến xin thêm một bao khăn nữa? Cô đã có quà nhưng trở lại và nói cô rất thích các khăn ướt đựng trong bao vừa tiện và cần thiết. Tôi vui vẻ đưa cho cô một bao và hỏi ngày nào cô sanh và đứa bé trong bụng là trai hay gái.Thấy tôi tỏ vẻ thân thiện, cô kể chuyện đời. Cô bỏ học, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà khi mười tám tuổi. Cô không tìm được việc làm, sống lang thang và mang bầu với một thanh niên không nhà như cô. Khi biết cô có thai, chàng này bỏ đi. Cô muốn giữ đứa con. Hiện giờ cô đang được một tổ chức vô vị lợi tên là Casa Teresa ở Orange County cung cấp một chỗ ở an toàn và chăm sóc sức khỏe cho cô trong thời kỳ mang thai. Cô sống nhờ vào các bữa ăn từ thiện. Cô chưa biết sanh đứa bé trai này ở đâu nhưng chắc chắn chính phủ sẽ trả tiền chi phí bệnh viện. Cô không biết tương lai như thế nào nhưng trước mắt, một đứa trẻ không nhà sắp ra đời, thêm một gánh nặng cho bà mẹ và xã hội.

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, điều khoản thứ 25 trong đó có đoạn viết về trường hợp của cô. "Motherhood and childhood are entitled to special care and assistance. All children whether born in or out of wedlock, shall enjoy the same social protection". Hoàn cảnh mẹ độc thân nuôi con cũng được hưởng sự chăm sóc đặc biệt. Tất cả các trẻ em sinh ra trong hay ngoài hôn thú hợp pháp đều được hệ thống an sinh xã hội bảo vệ.

Tôi đứng gần một người đàn ông da đen còn trẻ có khuôn mặt khắc khổ. Ông xin một tô nui thứ hai và thêm một ít gà. Tôi nhìn tay ông có những nốt ghẻ cào đến tróc da chảy máu. Đa số những người "homeless" mắc bệnh ngoài da do cách sống thiếu vệ sinh, ít tắm rửa. Tôi hỏi ông về sự chăm sóc sức khỏe nhất là ông nên xin thuốc chữa những con "scabies"còn gọi là "cái ghẻ" vì nó sẽ lây lan và làm ông ngứa ngáy khó chịu. Ông nói ở Santa Ana và các thành phố lớn đều có Free Care Clinic chữa trị cho những người không nhà. Hầu hết người nào cũng mắc bệnh về răng, da, chân, tiểu đường hoặc bệnh lao... do ăn uống thiếu dinh dưỡng, thời tiết, điều kiện vệ sinh. Bệnh tâm thần cũng là loại bệnh phổ biến.Tôi hỏi về việc làm, người đàn ộng buồn bã kể ông bị lạc mất hết giấy tờ như thẻ ID có hình, giấy khai sanh, thẻ an sinh xã hội trong một chuyến di chuyển bỏ chạy tránh cảnh sát. Muốn xin thẻ ID mới phải có địa chỉ, ông không có địa chỉ nào để gửi về. Ông không tìm việc làm vì không có một thứ giấy tờ nào trong người để nộp đơn xin việc. Ông đã sống lang thang được một năm rồi.

Mặt trời đã mọc. Nắng chiếu le lói qua các hàng cây kẽ lá báo hiệu một ngày nắng ấm. Sau buổi phục vụ điểm tâm và phát quà, những người không nhà này sẽ tản mác đi khắp nơi. Một ngày dài bắt đầu. Họ sẽ lang thang đâu đó quanh khu vực Civic Center và chờ đợi để nhận phần ăn trưa của một tổ chức từ thiện khác.

Bữa ăn sáng của các em cũng là món súp nui, trứng và chuối còn lại. Khôi, em trưởng nhóm gửi lời chào tạm biệt các bạn và các nhà hảo tâm trong Giới Trẻ Cát Tường. Các em xếp vòng tròn, cùng vỗ tay và hát với nhau bài "Gặp nhau đây", "Nối vòng tay lớn". Các em sắp xếp bàn, bếp, nồi và các thùng giấy lên xe rồi chia tay ra về, hẹn gặp nhau vào thứ bảy tuần cuối của tháng mười một.

Đây là hình ảnh rất dễ thương của những người trẻ Việt nam qua Mỹ khi còn là những đứa trẻ. Các em lớn lên ở xứ Mỹ nhưng còn nói được tiếng Việt. Có em ra trường đi làm, có em còn đi học, hầu hết các em còn độc thân, có vài cặp vợ chồng chưa có con. Những người trẻ may mắn này cùng có một điểm chung là tấm lòng biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình các em bước đầu lập nghiệp ở xứ Mỹ. Các em có điều kiện học hành, thành đạt và muốn chia sẻ sự bất hạnh của những người Mỹ không nhà bằng những việc làm thiết thực, thấm đậm tình người.

Sau hai tiếng đồng hồ tham gia với các em trong nhóm Giới Trẻ Cát Tường mang "Tô súp nóng cho người không nhà", trên đường về, trong cơn gió lạnh, tôi bỗng thấy như lòng mình như ấm áp hơn nhờ hơi ấm từ những tô súp nóng.

Xin cám ơn Giới trẻ Cát Tường và cầu nguyện an lành cho những người bất hạnh.

Phùng Annie Kim

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,547
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.