Hôm nay,  

Ngày Sẽ Qua Thôi

15/11/201400:00:00(Xem: 12355)
Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Bài số 4386-14-29786vb7111514

Trước 1975, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc tại Saigon, và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ vài ba năm trước đây, Thu Dung đã vui vẻ trở lại trường học (hình tác giả kèm theo). Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2013, cô đã nhận giải đặc biệt với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ". Bài mới của tác giả kể về công việc cô làm tại Mỹ sau khi đi học.

* * *

blank
Như tất cả những di dân hợp pháp, cần cù và lương thiện khác, tôi chầm chậm đi từ A đến A Phẩy (A) không hề mang chút tham vọng nào đi từ A đến Z như nhiều người khác. Cho đến khi có một số bằng cấp kha khá, tôi lò dò đi xin việc.

Chỗ làm đầu tiên (vô cùng sang trọng): Thư viện.

Công việc đầu tiên (vô cùng ấn tượng): Quét bụi cho sách.

Không phải đơn giản để có thể kiếm được một việc nhàn hạ, nhẹ nhàng như vậy và cách nhà chỉ 10 tà tà đi bộ... Hay không bằng hên (Ai là người đã nói câu này với tôi nhỉ?)

Cũng nộp đơn, cũng hồi hộp đợi chờ ngày phỏng vấn như cả chục người khác. Một ngày kia tôi được gọi đi phỏng vấn. Cả nhà xúm lại... trang trí tôi thành một Lady sang trọng, lịch lãm (chứ để tôi tự thân vận động thì chỉ là một áo chemise trắng, một quần jean đen là cảm thấy đủ tự tin để lên đường rồi...) Không ai biết trong máu tôi luôn có thêm cái máu thuyết khách... tôi len lén mang theo trong hành trang là mấy quyển Tương Tri và Tuyển tập Thơ và Truyện chúng tôi vừa xuất bản.

Người phỏng vấn tôi chính là Quản thủ thư viện này. Tôi trả lời những câu hỏi của Sir với một vẻ rất khiêm nhường lễ độ cộng với một niềm tự tin hiếm thấy... Những ngày còn học ở Mt. SAC College, cứ mỗi tuần tôi đều có mặt ở đây để đọc những cuốn sách cần thiết mà không muốn tốn tiền để mua. Có thể coi tôi hầu như là khách hàng quen thuộc của thư viện này rồi còn gì! Tôi còn biết rõ một điều bí mật là trước đây thư viện có một tủ sách Việt Nam nhưng sau không có ai đọc nên đã trả lại cho Center (vì thành phố này cư dân Việt Nam chỉ đếm được trên những đầu ngón tay... nay thì đếm thêm trên các đầu ngón chân và các đốt xương sống!)

Sau những câu hỏi dò xét, tìm hiểu, quan tâm lẫn tò mò, Sir trông có vẻ khá hài lòng, Sir hạ con chốt thí:

- Any questions, Lady?

Lady đang ấm ức nhiều questions nhưng chưa tiện hỏi nên chỉ mỉm cười rất hiền lành và chơi đòn quyết định:

- No questions, Sir, but I have the small gift to your library.

Tôi mở Sac, lấy ra trước quyển Thơ và Truyện, chỉ cho Sir thấy tên tác giả và lật trang 79, chỉ cái tựa SAN DIMAS MÙA THU. Sau đó đặt tất cả những Small Gifts đó trước mặt Sir... Sir ngạc nhiên khó tả nổi, đôi mắt vốn đã xanh lè như mắt con mèo hoang trong đêm lại càng xanh hơn nữa:

- Whats this?

- This is a story about our city: Autumn at San Dimas.

Tôi trả lời với một nỗi hân hoan cũng khó tả. Sir nhìn cái tên tôi, miệng không ngớt Oh My God, Oh My God đầy thán phục. Tôi biết cá đã cắn câu và mình chắn chắn sẽ thắng cuộc một cách vẻ vang dù cái bằng cấp của mình bèo nhèo vô kể so với mớ bằng cấp nặng ký của 11 ứng viên kia... Để coi. Dù bạn đã từng học và từng đọc thiên kinh vạn quyển nhưng nếu bạn không thể viết một cái gì đó cho ai đọc (không kể thư tình) thì sao bạn có thể được nhận vào thư viện tầm cỡ này với chức danh quét bụi? Và cũng rất có thể bạn sẽ được nhận vào những chỗ khác với chức vụ cao hơn như giám đốc, giám sát, quản lý, bảo vệ v.v... chẳng hạn. Đó là những ý kiến mà Sir đã chia sẻ cùng tôi (với một nụ cười hóm hỉnh) sau nhiều tháng cộng sự vô cùng tâm đắc.

Sir hài lòng vô cùng khi có dưới tay một nhân viên- không cần biết đã học và đọc được bao nhiêu- nhưng đã từng viết được “thất kinh tứ quyển” như tôi (đúng là thất kinh hồn vía luôn!)

Nhưng cuộc đời đâu dễ êm trôi... nhất là khi tử vi của tôi đã định vị thân cư thiên di! Một tai nạn bất ngờ đã làm tôi phải nghỉ việc 3 tháng. Nghĩ coi, 3 tháng không ai quét bụi thì thư viện sẽ ra sao? Tôi mất việc, dù Sir cứ luôn miệng phàn nàn: OMG, OMG...

Tôi trấn an mình: Whatever will be...will be... Mất việc thì đã sao chứ? Mất mạng thì mới thật là đáng sợ (mà đã mất mạng thì còn quái gì để sợ nữa chứ?) Nói tóm lại, cứ yên tâm đi, Thượng đế sẽ sắp xếp mọi chuyện cho mình đâu vào đó, ai biểu ổng đã tạo ra mình?

Một trường mẫu giáo gần nhà hân hoan nhận tôi làm TA vì tôi đã có một thời gian làm Volunteer ở đó một năm từ hồi chưa có cái bằng cấp nào lận lưng làm vốn ! Bọn con nít rất khoái tôi, chúng cho rằng tôi nice hơn teacher của chúng. Teacher của chúng còn nhỏ xíu, khi vui cười như nắc nẻ, khi buồn giận ở đâu đâu thì tới lớp với một vẻ mặt vô cùng phù thủy làm bọn nhóc khiếp hồn... Tôi kể cho bọn nhóc nghe những chuyện cổ tích tôi say mê đắm đuối ngày còn nhỏ... Bọn nhóc kể cho tôi nghe những chuyện cổ tích bọn chúng say mê đắm đuối bây giờ... (nói chung những câu chuyện cũng tương tự nhau thôi... khi tôi kể nửa câu, bọn chúng giành nhau giơ tay xin kể tiếp... làm đôi lúc tôi cảm thấy hơi mất mặt bầu cua!). Tôi dạy chúng hát Lets it go. Chúng dạy tôi chơi game Angry Bird... Ôi những ngày hạnh phúc ngắn ngủi hiếm hoi...

Một ngày nọ trường hết kinh phí, phải sát nhập mấy trường lại với nhau. Lớp mẫu giáo của tôi được dời đến một địa điểm gần đó, nhưng chỉ dời học trò mà không dời cô giáo. Cô ở nhà tạm thời lãnh tiền thất nghiệp. Còn bé Teacher kia xin được một chỗ bán hàng trong Kohls!

Ông xã tôi châm chọc: "Đã nói từ lâu rồi ma. Bạn hiền đi đến đâu, nơi ấy sẽ close door!"

Tôi đâu thèm chấp nhất và sẵn lòng tha thứ cho cái người đã từng chịu đựng nỗi khổ mang tên tôi suốt mấy chục năm... cái người cũng suốt mấy chục năm đi đâu về chưa tới cửa đã réo Na ơi, Na à nghe sốt ruột!

Đôi khi làm việc quá mệt mỏi tôi lại có một ao ước cháy bỏng là được ở nhà chơi có ai nuôi... Nhưng ở nhà chơi có ai nuôi một thời gian tôi cảm thấy mình thật bất tài vô dụng. Tôi hằn học, bực bội với mọi người, nhất là với cái người đang nuôi tôi đến độ không ai chịu nổi! Bạn tôi nghe cả nhà than thở, động lòng trắc ẩn, tìm tôi, khích tướng:

- Có một việc này, nếu bạn chịu làm, bạn sẽ có rất nhiều tiền.

Chuyển tiền lậu? Buôn vũ khí? Bán cocaine? Trồng thuốc phiện?

Bạn cười:

- Trời ơi, Bạn đâu đủ bản lĩnh làm mấy việc đó! Nghe tui nói nè, Bạn phải kiên nhẫn chút, Bạn đi học nail đi, Bạn là người rất khéo tay và luôn có tinh thần cầu tiến mà!

(Tôi cười thầm: Chơi với tôi riết Bạn cũng nhiễm tính thuyết khách trong máu mất rồi!)

Học nail? Ờ hay đó. Hồi mới qua Mỹ, tui chuyên môn được thuê làm người mẫu cho thiên hạ thi nail, nhiều khi bị họ cắt đứt tay chảy máu mà hổng dám nhúc nhích, sợ giám khảo đánh rớt họ tội nghiệp... Nhưng tui sợ máu lắm, chắc hổng làm được đâu!

Bạn cười, la:

- Gì mà máu với me? Lâu lâu mới bị tai nạn nghề nhiệp chút xíu vậy mà... Nhưng lỡ bị thì xịt chút thuốc cầm máu là OK... mà bây giờ thi cũng dễ hơn nhiều, trên mấy bàn tay giả... Ai thi cũng đậu... Xui thiệt xui mới rớt (cũng may bạn là người uốn lưỡi bảy lần mới giữ lại được câu: Ngu thiệt ngu mới rớt, chứ không thì tình bạn trước sau cũng tan tành theo mây khói!)

Chờ tôi thấm những lời đường mật vào đầu xong, bạn dụ dỗ tiếp:

- Tui nghĩ thông minh đỉnh ngộ như bạn thì đậu là cái chắc, bạn lấy bằng xong về làm tiệm tui không ai dám ăn hiếp hết... tiệm tui thợ dễ thương, lịch sự, khách mỹ trắng sạch sẽ, típ nhiều tiền...

Nghe bạn xúi và vẻ ra một tương lai sáng lạn có nhiều tiền, tôi hoan hỉ gật đầu và ghi tên đi học. Mà kể cũng kỳ lạ thật, số tôi sao lận đận và khác người... Cái gì mọi người cho là khá khó tôi thấy dễ ợt. Cái gì mọi người cho là dễ ợt tôi lại nuốt hoài không trôi...

Ngày tôi đi thi nail là một ngày đất trời phẫn nộ điều gì không biết mà mưa như trút nước... sấm chớp rầm rầm, khói sương mờ mịt, gió cuồng loạn đuổi nhau để các thứ xe trên freeway nhích từng bước một. Tôi đi lạc 3 lần mới tìm đúng chỗ thi. Cũng may nhiều người cùng cảnh ngộ nên giờ thi được du di cho từng người!

Bạn trấn an:

- Không sao, ra khỏi nhà mà mưa to là điềm đại cát!

Đại cát đâu chưa thấy, tôi đã bị sổ mũi và ho khúc khắc như con gà nuốt nhằm sợi dây thun rồi!

Dĩ nhiên tôi rớt, tôi biết trước điều đó vào lúc 1 giờ trưa trước khi kết quả được thông báo vào lúc 4 giờ chiều...

Tôi nghĩ:" Mình muôn đời không có duyên với những nghề nghiệp RẤT NHIỀU TIỀN như bạn. "

Bạn hỏi, hơi tức giận:

- Lý thuyết rớt tui còn chấp nhận được vì cái bản dịch của bài thi trắc nghiệm rất điên khùng mà những người trí thức cỡ như bạn (tôi liếc chừng coi thử bạn có mỉa mai xách mé gì tôi không, nhưng bạn rất thản nhiên bình phẩm tiếp với một niềm thất vọng khôn nguôi) càng suy nghĩ, càng hỏi tại sao tại sao thì lại càng không hiểu nó muốn cái gì... Nhưng còn thực hành thì quá là đơn giản, một con người tài hoa như bạn (tôi lại lén nhìn coi thử bạn có ý gì dè bỉu hay chê bai gì không, nhưng bạn vẫn buông giọng đều đều với nhiều buồn thương tội nghiệp làm tôi muốn khóc.) tui đã nghĩ rằng bạn qua truông dễ ợt thôi mà... Sao kỳ lạ vậy chứ?

Tôi không dám kể cho bạn (và mọi người) là: Tôi cho một cô bé Colorado mượn hầu như gần hết đồ nghề khi cô bé khóc hu hu vì đã để quên một mớ trên taxis mà lúc vào phòng thi mới nhớ vì tìm không thấy! Chữ Colorado làm tôi nhớ anh Đoàn Dũng, anh đã dẫn tôi đi vượt biển nhiều lần mà không lọt, anh cũng là người giúp tôi vươt qua những khó khăn của tuổi ấu thời... Bởi vậy tôi động lòng trắc ẩn. thấy con bé sao giống mình quá, cũng hời hợt, cũng vô tâm, cũng lơ đãng quên trước quên sau... Tôi và nó cùng hồi hộp chờ kết quả, nó đậu, tôi rớt (mà tôi còn mừng hơn tôi đậu, nói không ai tin, nhưng sự thật là như vậy.)

Đâu có sao, tôi là dân CALI, tôi có thể đi thi 2,3 lần mà chẳng hề hấn gì, còn nó phải đi từ xa xôi muôn dặm tới đây...

Nhưng dù sao tôi cũng cũng canh cánh bên lòng một mặc cảm tội lỗi và cũng hơi quê khi có ai quan tâm hỏi kết quả thi cử ra sao! (may thay, ai cũng sợ tôi buồn nên nháy nhó dặn nhau đừng hỏi!)

Rồi việc gì đến sẽ đến... Tôi cũng kiếm được cái bằng nail sau vài lần ứng thí. Bạn là người vui nhất, rốt cuộc bạn cũng nói sự thật của lòng mình: "A ha, kể từ hôm nay, bạn chính thức làm manager cho tui, tui có quyền tự do bay nhảy... hai chục năm nay tui chưa hề biết thế nào là chiều thứ bảy!"

Tôi cũng là một người biết điều hiếm có, tôi giúp bạn hết lòng, hết sức... chỉ có điều tôi không rành rẽ gì để nói chuyện với khách về những kiến thức chuyên môn mà một manager cần phải biết... Lại học, học tiếp...tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Mễ, tiếng Nhật... mỗi ngôn ngữ độ 10 câu làm vốn... Ai nói câu: Học, Học nữa, Học mãi... đúng là người ấy đã từng ở trong hoàn cảnh bi đát như tôi.

Bạn nói, làm cho bạn không ai dám ăn hiếp, nhất là khi bạn đã giao cho tôi chức vụ quan trọng thứ nhì chỉ sau bạn mà thôi... nhưng thật ra đâu phải vậy. Mấy nhóc thợ ăn hiếp tôi kinh khủng... Khách đông, bọn nó làm xong quăng qua bắt tôi sơn và vẽ... Chúa ơi, bọn nó lẫn khách hàng nghe bạn tôi ca tôi là một ĐẠI (HỌA) SĨ nên hoàn toàn tin tưởng ở tài nghệ còn tiềm ẩn của tôi!

Có khách khó tính, thắc mắc:

- What s this?

Tôi giải thích càng bí ẩn, càng khó hiểu chừng nào, khách hàng càng khoái chí. (Cũng có khi tổ trác, tôi phải chùi đi để vẽ lại những bông những hoa, những da báo, chấm bi tùy theo yêu cầu quê mùa lúa lác của khách! những lúc vậy, bọn nhóc thợ phá lên cười...)

Tôi nghĩ: "Số phận đã an bài để mình tuy không có nhiều tiền lắm như lời bạn nói nhưng an phận, và vui... "

Cho tới một ngày, khi vừa đứng dậy mở tủ mỹ phẩm để tư vấn và dụ dỗ một ông khách sộp đến mua một gift card tặng vợ thì tôi thấy choáng váng và ngã chúi vào tay ông ta... Bọn nhóc thợ sau đó cứ chọc: "Cô khéo lựa chỗ êm ái để xỉu!"

Không, tôi đâu có lựa chọn gì, tôi ngã xuống, và ông khách đứng trước mặt lật đật đỡ lấy tôi thôi! Chỉ có điều ổng độ 300 pounds nên bọn nhóc thấy êm chớ tôi thì lúc đó chẳng biết gì nữa... Xe 911 hú còi ầm ỉ còn hơn hộ tống các VIP trực chỉ LAC USC

Vậy là một quá trình xét nghiệm máu dài dài không dứt, bạn sốt ruột khi thấy chẳng ai nói tôi bị cái quái gì mà cứ nằm dài hết thử máu lại chuyền máu. Ban đầu bạn còn đùa: "chừa lại để tui còn làm được vài dĩa tiết canh"... sau rò rỉ thông tin, bạn khóc: "Tui hại bạn rồi. bịnh của bạn tránh tiếp xúc các hóa chất mà tui lại xúi bạn theo ngành nail."

Tôi bị một dạng ung thư vì tiểu cầu quá nhiều trong máu. Bác sĩ nghiêm trọng phán: "H. 562. Trên 500 đã là rất nguy hiểm rồi"... Đáng lẽ phải đi đếm tiểu cầu sớm, nhưng xét nghiệm này rất đắt, một thường dân như tôi không bảo hiểm nào chịu chi... (nhưng từ khi vào Kaiser Center thì tôi chẳng quan tâm ai phải trả tiền nữa.)

Các cô thợ tới thăm, khóc: "Bọn con nhớ cô, nhất là những khi lấy đất trong khóe của khách, không dám bỏ lên chân của họ nữa, cô la !"

Ban đầu tôi shock dữ lắm, nhưng dần dà bình tâm. Tử vi nói tôi sống tới 70 tuổi lận mà. Sống chi dai dữ vậy trời? Tôi đâu muốn già, tóc bạc, da nhăn nheo, xấu ình xấu ỉnh... Tôi đã chẳng muốn chết cách đây mấy chục năm rồi đó sao? Sinh, lão, bệnh tử ai chẳng phải trải qua việc gì đâu phải sợ?

Ông xã tôi, trước là Kỹ Sư, nay là Cư Sĩ, rất thiền: “Đúng là mẹ con Tu Hú. Có số hưởng... không cần làm gì cũng có người nuôi!" Tội, ổng lại nai lưng ra nuôi tôi mà không hề hé môi nói một lời than vãn!

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Tôi không thể chôn chân trong 4 bức tường dù nhà mình hay bệnh viện. Tôi không cam tâm bỏ hết những công lao dùi mài đèn sách vào xó bếp. Bịnh của tôi chỉ tránh tiếp xúc với hóa chất chứ đâu cấm tránh tiếp xúc với con người. (mặc dù những lúc vào bệnh viện, tôi phải ở một nơi đặc biệt vô trùng qua 2 lần kính.)

Tôi đôi khi thật là dễ vỡ.

Tôi nói với bác sĩ: "I want to work continue."

Bác sĩ cười: "Of course... without over work!"

Việc, có sẵn, chẳng ai muốn làm... TA cho nhóm trẻ khuyết tật của bệnh viện... Bạn nhăn nhó: "có gì để nhập viện cho nhanh... đỡ kêu xe cấp cứu " và những người thân thì ngao ngán: "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường / chỉ tìm những chốn đoạn trường mà đi..."

Không ai thấy gì trong các đôi mắt vô hồn mà đầy buồn thương vô hạn ấy sao?

Không ai thấy gì trong các nụ cười lệch lạc mà ấm áp vô cùng ấy sao?

Không ai thấy gì trong các tâm hồn sâu thẳm mà cô đơn cùng tận ấy sao?

Hay có thấy, chỉ để buông một tiếng thở dài: Tội. Rồi quên?

Đêm đêm, tôi đi qua những giường ngủ của các bé con... Senata ôm chặt vào lòng gấu Misa xám nhạt, Sophia co người như con tôm hai tay ôm lấy chân mình, May nằm sấp úp mặt vào chiếc gối, May là con bé hay cắn tôi nhiều nhất, bé thường choàng tay qua lưng tôi, dụi mặt vào vai tôi và nhay nhay như chú chó con ngứa răng... Nếu tôi hất ra, dõng dạc: "Don t touch me ", bé sẽ giật mình hốt hoảng, đưa ngón tay vào miệng, tự gặm nhấm ngón tay mình và chìm vào cơn trầm cảm đến mấy ngày... vì thế tôi để cho bé cắn.

Tôi xoa lên những vết cắn trên tay, trên vai mình, những vết cắn vì yêu thương nhưng đôi khi đau điếng cần phải đi chích thuốc. Tôi luôn mặc áo dài tay che dấu những vết tích ấy để những người thân khỏi bận tâm.

Có cô bạn uyên thâm kiến thức tình cờ thấy vết cắn, nghe kể xong, hoài nghi lễ độ nhìn tôi, phán:

- Quá bịnh!

Tôi cười (đôi khi tôi khá hiền lành):

- Bịnh gì vậy bạn?

- Sadique, tìm hạnh phúc trong đau đớn!

Thôi mà bạn, tôi đã nếm dư thừa những trần gian lộn xộn rồi, đừng có ném thêm những hiện sinh, hiện đại, phân tâm học vân vân các thứ vào cuộc đời tôi nữa.

Đơn giản một chút đi, nếu bạn trông thấy một bé thơ đang buồn đau tuyệt vọng, lẽ nào bạn không xót xa ôm bé vào lòng để dỗ dành, an ủi?

Tôn Nữ Thu Dung

Ý kiến bạn đọc
28/11/201415:09:33
Khách
Cám ơn t/g. Bài viết thật hay, lời văn hóm hỉnh, dễ thương. Không nhiều tiếng Vc nên đọc rất thoải mái. Tôi cũng như bạn wowang không digest nỗi tiếng của Vc.
26/11/201422:45:50
Khách
Giọng văn vui thiệt . Cảm ơn cô .
24/11/201422:38:57
Khách
Không có chi tác giả Thu Dung ơi và WW luôn ủng hộ những tác giả VVNM, và chẳng qua chắc là WW bị dị ứng với văn chương của bọn đỉnh cao trí tuệ loài đười ươi, nên mới mạo muội viết vài hàng góp ý thôi. Cũng may là tác giả TD không khiển trách WW.
22/11/201407:23:40
Khách
Cảm ơn lời nhận xét thật đúng của WW... mình sẽ lưu ý hơn khi viết . Mong bạn vẫn tiếp tục đọc và ủng hộ mình .
21/11/201414:53:56
Khách
Me cua Dung Anh viet hay qua. Con doc lai hai lan roi van thich doc nua. Giong van rat moc mac, gan gui, lac quan va giau long nhan ai. Chuc co luon giu suc khoe on dinh va cho ra doi nhieu tac pham hay nhu vay nua, co nhe!
20/11/201416:38:12
Khách
Cám ơn tác giả Thu Dung, truyện viết rất hay! Tuy nhiên ww ước gì nếu như tác giả thay thế câu (chứ để tôi tự thân ]vận động thì chỉ là một áo chemise trắng, một quần jean đen là cảm thấy đủ tự tin để lên đường rồi...) bằng (chứ để tôi tự thân trang điểm (sửa soạn) thì chỉ là một áo chemise trắng, một quần jean đen là cảm thấy đủ tự tin để lên đường rồi...) thì hay và đúng nghĩa với văn chương VN trước năm 1975. Chỉ là 1 góp ý nho nhỏ của tôi xin tác giả đừng trách, bởi tôi rất sợ cái văn chương của bọn csVN đang dùng, nếu cứ để tiếp tục mà không ai lên tiếng, thì một ngày nào đó, chữ nghĩa VN sẽ mất đi cái mỹ miều, cái ý nghỉa đúng với chữ dùng và sự thanh tao của ngôn ngữ VN!
18/11/201402:24:58
Khách
Thật sự xúc động khi đọc bài viết này. Tấm lòng của tác giả đã sưởi ấm cái giá lạnh đầu mùa đông ở Cali . Mong rằng tác giả luôn khỏe mạnh để đem lại cho chúng ta những tác phẩm hay như thế.
16/11/201409:23:34
Khách
Dạ , D.ở Mỹ được 4 năm rồi , thưa chú Trần Dạ Từ . Còn cái hình là trường MG chớ không phải trường D . học . D. học ở Mt.SAC College chú ạ .
15/11/201409:31:40
Khách
Bai viet qua hay !!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,943
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.