Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

27/06/201000:00:00(Xem: 30421)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo....)

Mới khoảng 3 giờ chiều, đã nhìn thấy ngọn cờ Cao ủy tị nạn trắng nõn, dẫy dọn ở một khu có nhiều nhà. Mãi đầu mỏm Galang, lá cờ Indo đỏ trắng, cũng đang vẫy chào, như mời gọi những con người tha phương bất đắc dĩ, vì Tổ Quốc bị thằng con côn đồ, rình đâm lén, đang còn nằm dưỡng thương.
Tầu ghé bến Galang, lần lượt theo thuyền của mình, được dẫn đến một khu nhà gỗ lợp tôn, mỗi nhà dài 3 - 4 chục mét, cũng gọi là barrack. Nhìn trải dài chung quanh, có rất nhiều khu nhà barrack, như một thành phố trù phú dân cư. Thoáng chợt một cái gì gần gũi, nhưng qúy trọng thiêng liêng, tôi có nhìn lầm không" Rõ ràng, lá cờ vàng 3 sọc đỏ, đang lắc lư xa xa phía trong, như Tổ Quốc kính yêu nhớ thương, biền biệt của tôi từ hơn 20 năm rồi.
Mặc kệ bà con sắp xếp tìm chỗ nằm, tôi kéo tay cậu Thiện rảo bước, hướng về lá cờ Tổ Quốc, xa chừng hơn nửa cây số. Lắt léo một số đường ngang dọc chắn ngang, tôi vượt hết, cậu Thiện cũng bở hơi tai chạy theo tôi. Tôi và cậu đã đến chân cột cờ, đó là khu ban đại diện của cộng đồng Việt Galang. Thảo nào khi nãy, có một số ông niềm nở ra đón, và đưa chúng tôi vào barrack.
Nhưng lá cờ Tổ Quốc đã thu hết tâm hồn của tôi rồi! Tôi ngước nhìn lá cờ vàng rực rỡ, tôi khoanh tay cúi đầu như kính chào. Một đứa con lạc lõng bơ vơ, mấy chục năm dài trong hang rắn, tổ sài lang. Nhìn lá cờ nhún nhẩy như nụ cười đôn hậu của tổ tiên, hồn thiêng của sông núi. Tôi có cảm tưởng như biết bao nhiêu hồn thiêng, của đồng bào và chiến sĩ đang quấn quít, chung quanh lá cờ.
Tôi và Thiện khoanh tay và kính cẩn cúi đầu lần nữa, kính chào tạm biệt ông cha, chúng tôi chạy vội về barrack để lo chỗ ăn, chỗ nằm. Barrack của chúng tôi số 33 thuộc Zone hai, tối hôm đó chúng tôi đã được biết sơ sơ:
Hiện nay, tổng số đồng bào tị nạn ở trại trên 14,000 người. Những người của chiếc thuyền buồm chúng tôi, đã có địa chỉ để liên lạc thư từ, với thân nhân ở ngoại quốc.
Tôi xin thưa cùng qúy vị: Một phần tôi có những chi tiết thời gian, không gian và sự việc, do 1992 vợ tôi (Hoa) sang Mỹ đoàn tụ, đã mang theo những lá thư đầu tiên, tôi đến Galang. Tôi gửi về cho mẹ tôi, cho Hoa qua những địa chỉ của chú Thưởng ở Pháp, bạn bè biệt kích ở Mỹ, và những phái đoàn Carritas đến thăm trại tị nạn.
Hoa cũng đem theo: Những cuốn vở trình diện, hàng ngày của tôi. Giấy tạm trú nhà bố mẹ, 3 tháng một lần. Các giấy tờ tiểu ban QLNNHTĐV, công an Thành, Quận, Phường, khu vực nên có tên thật và chức vụ của họ. Giấy chứng nhận, của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, (nơi tôi làm việc). Cả tờ giấy nháp tôi xin Đảng trở lại tù. Giấy kiểm điểm vắng nhà, hàng tuần lễ vượt biên, không thành v.v… Thậm chí có cả một chiếc bí tất dầy bằng những giẻ chùi trong cầu tiêu, để chống muỗi ở xà lim I Hỏa Lò. Cả một chiếc lược nhôm, tôi tự làm với Lê Sơn ở trại E, phố Lu Lào Cai 1968.
Galang do mưu sinh, nhiều người tạo lập những quán hàng, nên có một đường phố dài, nhà cửa chắp vá hai bên, để rồi có một rạp ciné, có nhà thờ, có chùa, có trường học cho các em nhỏ, và không thể thiếu có một đồn cảnh sát Indo.
Dù ban đại diện cộng đồng, đã có một tiểu tổ trật tư,ï để giải quyết những vụ việc tất nhiên, trong cộng đồng hơn vạn người, mà quyền tự do mỗi ngày mỗi tăng ở trong lòng mỗi người. Đến một quần thể đông đúc, người cùng một quê hương, cùng chạy cộng sản trong giai đoạn này.
Riêng với tôi, vì nhiều lý do để tâm trạng của tôi, dần dần vón cục lại, dù 14 ngàn người này, đủ mọi thành phần xã hội. Khi tôi từ miệng con Hồng Tuộc trở về: Bố mẹ, em gái, bạn thân còn không nhận ra tôi, nên hầu như ở đây tôi không có ai, là người quen biết. Tâm tư còn đặc sệt máu và mủ của quê nhà, ngày đêm vẫn còn nặng mùi, nên chẳng muốn gần ai. Những lo toan danh và lợi của mọi người làm cho tôi lạc lõng, cô đơn, quạnh hiu.
Tôi xin nói sơ về giá sinh hoạt khi ấy (Đầu1983) ở Galang để qúy vị có một chút khái niệm: 1 đồng Việt Nam ăn 12 Rupias (tiền Indo). Một lượng vàng = 400. 000 Rupias, bó rau muống độ 20 ngọn giá 100 Rupias, qủa bầu 3 kg= 500 Rupias, mướp một qủa = 200 Rs, bát phở = 500 Rs, một vé ciné 500 Rs. Tầu của tôi khi đó đến 80 phần trăm, có thân nhân ngoại quốc gửi tiền cho: money order, money transfer cứ 100 dollars = 80.000 Rupias. 600 Rs 1 lon bia hộp, ly cà phê đá 200 Rs.
Do hoàn cảnh riêng, tôi chẳng để ý đến những thứ ấy, ngoài những ngày phải đi interview, khai báo với các phái đoàn. Sáng sớm dậy, tôi đã ra khỏi barrack để đi vào một khu rừng non ở gần đấy, tới khi trời...... tối mới trở về barrack. Khi đó Cao ủy phát cho mỗi người hai gói mì khô mỗi ngày. Nhiều người, nhiều gia đình họ đem mì đổi gạo v.v… xoay xở. Nhưng với tôi đã qúa đủ rồi, hai gói mì, sáng một, chiều một.
Bốn mươi chín: Sướng khổ, không có tiêu chuẩn
Tôi làm được một cái chòi con ở giữa rừng, đủ để ngồi che mưa, nắng. Bên cạnh, có một dòng suối con róc rách, cứ như Thiên Thai của cụ Văn Cao. Túi tôi thì rỗng, nhưng đầu tôi thì không còn chỗ chứa: Tiếng chim hót, tiếng suối reo, gió mưa cảnh vật không còn chỗ xếp. Tôi vào rừng như thế có 3 mục tiêu chính: Cần đi vơ vét nhặt nhạnh lại Anh ngữ trước đây, đã rơi rụng gần hết. Giữ tâm hồn đi một con đường, tránh những dòng điện giật. Thưởng thức cái tự do cho cả cơ thể lẫn tinh thần, và hòa nhập với thiên nhiên, thực hiện lời dạy của cụ Nguyễn: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ...
Chính trong tĩnh lặng, thanh vắng tư tưởng mới chui luồn sâu, vào từng ngóc ngách của mỗi sự việc. Tôi hiểu, nếu trong cuộc sống, mình muốn cái gì cũng được, thì cuộc đời đâu có còn ly kỳ, hấp dẫn nữa" Cho nên sự khổ đau và hạnh phúc, chỉ là sự tương đối, không có tiêu chuẩn nào cả. Có bao nhiêu của cải, nhà cửa, ruộng vườn là hạnh phúc" Còn đói khát, tù đày, mù lòa, tàng tật thì khổ đau" Đó là sự huyền diệu, kỳ bí tạo hóa đã ban cho loài người! Tôi nhớ một sự kiện nhỏ mà bản thân tôi đã trải qua.


Thời gian: Khoảng cuối 1969 đầu 1970 sau khi HCM chết.Không gian: Phân trại E của trại trung ương số I phố Lu Lào Cai. Khi ấy do Trung uý Hoàng Thanh làm giám thị, trại ở vào một nơi hẻo lánh, giữa một khu rừng già, xa với người dân. Tù nhân trong trại khoảng trên dưới 350 người. Thành phần: Hầu hết là tù chính trị, gồm chừng 70 người dân tộc: Mường, Mán, Mèo, Nhắng, Nùng, Thái, Thổ v.v…VC ghép chung cho cái tội là thổ phỉ, cướp rừng. Có khoảng 20 người là tu sĩ, chủng sinh (Đi tu ở chủng viện VC đóng cửa, bắt về nhà lấy vợ). Chừng 30 biệt kích gián điệp trong Nam ra Bắc hoạt động chống VC, còn lại hơn 200 là người ở các tỉnh trên miền Bắc, VC ghép chung cho cái tội là, phản tuyên truyền, phản cách mạng.
Cũng như nhiều các trại tù của VC trên miền Bắc, ăn uống đói khổ: Ngô, khoai, sắn, bo bo độn vào gạo. Không biết vì lý do gì, bặt đi hàng tuần lễ không hề có tí gạo nào, chỉ có sắn và bo bo. Đúng là không có tự do, mới thấy giá trị cần thiết, của tự do. Không có ánh nắng, mới thấy ánh nắng, là kỳ diệu tuyệt vời. Chúng tôi bắt đầu nhớ và thèm cơm, rồi đến tuần thứ 2, thứ 3 thì bất cứ lúc nào mệt ngủ đi, chứ không thì bất cứ ở đâu ngoài nương khoai, vườn sắn, hay trong rừng chặt tre, đẫn gỗ, ở lán thủ công nơi tù lao động, lúc nào tâm tư, cũng như chuyện trò, ai cũng chỉ nghĩ và nói về cơm. Rồi tuần lễ thứ 4, thứ 5 thì trại bắt đầu đi kiết lỵ nhiều, mặt anh nào cũng tái ngắt, mắt trắng dã nhìn nhau.
Thương hại nhất là các bác già, răng đau hoặc không có, móm mém ăn bo bo không nhai vỡ hết nên, khi đi cầu ra còn nguyên hạt. Nhà xí, nhà cầu của trại cũng không còn hôi thối nữa. Ăn phải có mắm muối, hay ít cá thịt thì phân mới thối. Do đấy có những anh đói qúa, tiếc rẻ của trời đã chui vào thùng phân, hót nhặt những hạt bo bo còn nguyên. Khi đi lao động ra suối rửa, rồi cho vào ống nứa, nấu lại mà ăn. Qua bản thân, tôi xin thành thật mà nói.
Giai đoạn này, bất cứ đêm hay ngày: Cuộc đời, cha mẹ, họ hàng, anh em, miền Nam, cả tổ quốc, quê hương chẳng cần và không còn lúc nào tôi nghĩ tới nữa, mà chỉ nghĩ đến ăn, đến cơm, đến những bữa ăn tưởng tượng. Nếu khi mệt thiếp ngủ đi mà mơ, cũng mơ đến ăn mà thôi, ngày 2- 3 người chết là thường.
Chả trách VC họ giữ ổn định vững vàng, chế độ của họ được là thế! Bất cứ người dân nào, từ cán bộ, công chức thợ thuyền v.v… Ai cũng chỉ đêm ngày, tính toán cho cuộc sống gia đình, không thiếu hụt, đói khát mà thôi.
Có thể (tôi suy đoán), ban giám thị và cán bộ, thấy tình trạng này thì tụi tù, sẽ chết dần hết. Họ họp nhau, sau đó quyết định thứ Bẩy này, sẽ cho tụi tù ăn, một bữa cơm.
Tin còn bí mật, nhưng có thể một tên cán bộ nào đó chỉ nói riêng với một tên tù thân tín, như tổ trưởng, toán trưởng v.v… là chiều thứ Bẩy này, trại sẽ có một bữa cơm, nhớ chỉ một mình anh biết thôi! Tin quan trọng như vậy, mà bảo chỉ mình anh biết. Anh đó phải có người thân tín khác, cho nên chỉ ngày hôm sau, cả trại hơn 300 người ai cũng biết cả!
Còn một ngày nữa, mới tới cái bữa cơm chiều thứ Bẩy, mong chờ ấy. Thế mà tù nhân, gặp nhau bất cứ ở đâu, lúc nào, mắt cũng sáng long lanh như nhắc nhở: "Còn một ngày nữa thôi đấy nhé!" Để rồi cho tới đêm hôm thứ Sáu. Qua tôi, tôi tin rằng, đêm ấy là cả một trời thơ mộng, cho chiều mai của mỗi người tù.
Ngay sáng hôm sau, toàn trại tập họp để đi lao động như mọi ngày. Dù không cần nhìn cũng phải thấy, mặt mọi người tù, như có một khí thế khác thường. Mắt ai cũng như sáng hẳn ra, mấy bác già khó tính, miệng cũng hay nở nụ cười, bao dung với mọi người.
Và chiều hôm ấy, (thứ Bẩy tuyệt vời) chưa về tới trại, hãy còn lưng chừng, gần trại E thôi. Mùi cơm nồng nàn từ bếp thơm phức đã tỏa phì ra, để những anh chàng tù, ai cũng muốn cong mũi lên hà hít, rồi nhìn nhau mỉm cười.
Vào trại, nhìn cảnh tù ríu rít chạy như con thoi, người ta bảo "vui như ngày tết "! Cá biệt một vài anh không thể kìm hãm lòng mình được, khi còn đang cân cơm đổ vào từng bát ở ngoài sân. Anh ta đã chộp lấy phần của anh, dù chia chưa xong, bốc lấy bốc để, mắt trợn ngược, mồm há hốc đút cơm vào rồi.
Một số những người trầm lắng, họ thong thả đường hoàng, đưa cơm về chỗ đậy lại. Nếu không thể chế ngự được cái háo hức trong lòng, để nuốt vào những giọt nước rãi thèm khát rỉ ra, thì chỉ nhón một vài hạt cơm, cho vào miệng, khe khẽ nhai mà thôi!
Cá biệt có vài anh, dứt khoát, cương quyết không động vào một hạt cơm, đợi cho cán bộ vào buồng điểm xong, bấy giờ về chỗ mới bỏ màn xuống. Không sáng lắm vì ánh điện yếu lại ở trong màn, thì chịu khó rờ rẫm cũng sẽ phân biệt, từng hạt cơm để mà hưởng thụ, để mà thưởng thức dần dần cho đã niềm thương nhớ, nỗi thèm thuồng của gần 2 tháng trời chứ có ít đâu!
Tạo hóa đã ban cho loài người, một kỳ vật cao qúy như vậy, mà nhiều người lại coi thường. Ngay tôi, bây giờ ở bất cứ nơi đâu, dù cả ở xứ Cờ Hoa này, cơm, bánh, thực phẩm, loại đắt tiền nhất tràn lan, u hề chung quanh. Làm sao tôi tìm lại được bữa ăn có cảm giác thèm khát háo hức ngon, như chiều thứ Bẩy ở phân trại E, tù ngày ấy"
Từ đấy, nhìn vào thực tế cuộc sống xã hội. Những người chán đời tự tử, từ bỏ cuộc sống; không phải là những người bị mù lòa, tàn tật hiểm nghèo nhất. Cũng không phải là những người trong hoàn cảnh đói khổ, nghèo túng nhất. Chúng ta đều đã suy ra khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời, chỉ là một sự tương đối. Điều quan trọng là phải biết ứng dụng; nâng cao ý chí chịu đựng và chuyển đổi hoàn cảnh của mình.
Có những bưổi chiều tối, từ trong rừng trở về, tôi thường lang thang về một đường phố dài nhiều hàng quán, do người tị nạn tạo lập. Những cửa hàng của người Tầu, người miền Nam, miền Bắc, miền Trung, đủ kiểu đủ loại. Tôi có cảm tưởng như chợ Đại, Cống Thần của đồng bào Hà Nội tản cư, hồi trước 1954.
Có một cửa hàng trái cây của người Hoa, tôi cứ lượn qua, lượn lại nhiều buổi tối. Nhìn những qủa táo, cam, chùm nho, những loại tôi đã nhìn thấy ở chợ Bến Thành trước khi chui vào miệng con Hồng Tuộc, tôi đã được biết mùi. Nhưng có một trái lạ, tôi đã hỏi những người cùng mua hàng, tôi được biết là trái lê, nhìn cái da của nó trắng nõn như ngà voi, tròn như trái táo.
Lục lại cái hố sâu của tâm tưởng, rõ ràng tôi chưa hề được nếm mùi của lạ này, nó ra sao" Tôi nâng quyết tâm, dứt khoát mình phải được nếm, tôi băn khoăn, vấn vương nhiều buổi tối mỗi khi bước qua ngôi hàng này, chỉ vì cái túi của tôi, đã từ lâu thường dán chặt vào nhau. Thậm chí mấy cái tem gửi thư, tờ giấy viết, đã làm cho tôi phải lao đao, vấn vít lẫn vào tiếng suối reo, tiếng chim hót và cả tiếng ve sầu kêu ở trong rừng. Thế mà một buổi tối tôi trở về, mới bước vào cửa barrack đã có mấy người rối rít:
- Anh Bình có loa gọi lên ban đại diện nhận, money order!
Như trong hầm tối, tìm thấy cửa hang, nhiều những sợi tơ vàng quấn quanh, giấc ngủ của đêm hôm ấy. Ông ân hay bà ân nào của bốn phương trời, lại ngó một mắt, đến nơi hẻo lánh xa xôi này"
Không ngờ người đó lại là Lầu Chí Chăn, một người "nhái "được về sau tôi, nhưng lại có hoàn cảnh đến bờ trước. Hai mươi dollars, nhưng làm sao định giá của nó được, trong cảnh đời của tôi lúc bấy giờ"
Tôi đã chạy như có người đuổi, về chỗ cô nàng "lê "có nước da ngà voi, được gói gọn trong cái giấy hồng lụa mềm, chỉ có 50 cents. Tôi đã ôm gọn cái tôi chưa biết mùi, chạy bay vào rừng, về căn lều đụp, và bên dòng suối Nghê Thường, không có chỗ nằm, tôi ngồi dựa vào một thân cây làm cột lều. Lôi tuột của lạ xuống, để ngay ra trước mặt, trước khi cắn, tôi nhìn kỹ lưỡng một lần nữa. Một làn hương chưa bao giờ ngửi thấy, đã đẩy tay tôi đưa áp vào mũi, phê qúa, không chịu được nữa rồi.
Một con chim mầu xanh lam đầu đỏ chót, đứng trên một cành quen, chéo trước mặt nhìn tôi, cất tiếng hót: Hì... lá… hì... lá... cứ như đòi muốn chia phần. Tôi quắc mắt, lườm lại nó, rồi tôi đã cắn một miếng từ lúc nào, nghe cuống họng kêu rồn...… rột. Tôi nhai ngấu nghiến, chỉ hơn hai phút, qủa lê nõn nà đã mất tiêu vào cái bụng, cung cấp sự sống từ bao giờ. Con chim đầu đỏ đã bỏ đi từ, lúc tôi lườm.
Tiếng suối hôm nay nghe như một đám trẻ con đang cười đùa, đuổi nhau ở sân đình. Tôi đứng dậy thả bách bộ vào mãi chiếc đầm con, cạnh dòng suối. Miệng vẫn ngọt vì nước của trái lê còn dư vị.
Tư tưởng của tôi đã nhẩy phắt về quê nhà, thoáng thấy mẹ, vợ và con gái; lại vút về Ku Ku với con tầu đã nuốt sống 105 mạng người. Hẳn bây giờ chỉ còn xương rải rác đây đó dưới đáy biển, hay trong bụng những con …cá to. (Còn tiếp...)


Saigon Times
PO Box 409 Bankstown NSW 1885 Australia
T: (612) 9793 2557 - F: (612) 8004 816
E: info@saigontimes.com.au

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hỏi (Bà Trần T.K.T): Chồng tôi bị bắt và bị buộc tội buôn bán ma túy với số lượng thương mãi lớn
Thư ai gởi lạc thế này Giữa chiều xuân nhạt, gió bay ngập chiều
Trông thấy cô, trong giây phút Tân cơ hồ quên mất mối hận tình
Đếm bóng thời gian, chợt ngỡ ngàng Chập chờn, khấp khểnh bước gian nan
Vấn đề Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức NSW
Vì những khó khăn bất ngờ, không thể vượt qua, chúng tôi rất tiếc phải đi đến quyết định, đổi Sàigòn Times từ Tuần báo thành Nguyệt san kể từ sau số báo này
Song song với làn sóng phát triển kinh tế kèm theo đà tiến bộ nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt xã hội
LAO ĐỘNG ĐẠI BẠI NGAY TẠI SÀO HUYỆT PENRITH
TÌNH PHỤ TỬ TƯ BẢN ĐỎ
Ông Danny Boyle đảm nhiệm vai trò đạo diễn nghệ thuật Thế Vận Hội London 2012
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.