Hôm nay,  

Anh Hùng Đông A : Gươm Thiêng Hàm Tử

03/08/200900:00:00(Xem: 5686)

HỒI THỨ NĂM MƯƠI LĂM<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

 

Phái Trúc <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />lâm Yêntử

(tiep theo 2)

 

Vũ Uy vương hô lớn:

 

– Đệ tử Nhật Duy cùng Ý Ninh xin tham kiến đại sư bá.

 

Vương hướng Hưng Ninh vương:

 

– Em xin tham kiến vương huynh.

 

Vương phi Ý Ninh giới thiệu cử tọa. Mọi người nhìn đại sư Đại Đăng: dáng người cao lớn, nét mặt từ ái, trông ngài như cười mà không phải cười. Vũ Uy vương lên tiếng:

 

– Không biết cơ duyên nào mà đại sư bá lại quang lâm tới chốn cát bụi này.

 

Ngài chỉ vào Thiên Phong đại sư:

 

– Bần tăng đến đây để đón đại giá các vị cao tăng Thiếu lâm lên Yên tử sơn thanh tu, phổ độ chúng sinh. Cách đây mấy tháng, vào một buổi chiều, bần tăng thấy mười cụm mây tía sáng rực từ phương Bắc tụ lại trên đỉnh Yên tử sơn, rồi chim bay từng đàn quanh những cụm mây. Hơn một tháng mây mới di chuyển về Thăng long, chim cũng bay theo. Bần tăng biết rằng có cao nhân mang hạnh Bồ tát tới. Hai hôm trước bần tăng thấy mây tía lại từ Thăng long lên đây. Bần tăng theo dõi mới nảy ra đại sư với chư cao đồ hiện diện chỗ này.

 

Mọi người nhìn ra ngoài lều, quả có mười tảng mấy tía lóng lánh đẹp vô cùng. Một đàn chim đang bay lượn trong đám mây.

 

Hưng Ninh vương chỉ Đại Đăng:

 

– Khi anh khởi hành từ Thăng long giải tù binh lên đây thì gặp sư phụ. Người bảo trong trận giặc vừa qua, Đại Việt được hưởng hạnh Bồ tát của chư tăng từ Trung thổ mang qua. Người đi với anh để tiếp đón.

 

Thiên Phong đại sư cùng các đệ tử đứng dậy hành lễ:

 

– A Di Đà Phật! Bần tăng cùng chư đệ tử đang gặp nghịch cảnh. May được Nguyên Phong hoàng đế cùng vương gia đây mở rộng vòng tay cứu vớt. Nay lại được đại sư mở tâm từ bi tiếp dẫn, thực là đại duyên, đại phúc.

 

Đại sư Đại Đăng hỏi vương phi Ý Ninh:

 

– Con là đệ tử yêu của Vô Huyền bồ tát, vậy con có biết phái Yên tử nguồn gốc từ đâu mà ra không"

 

– Bạch đại sư bá, kiến thức của con hẹp hòi, mong sư bá dạy cho.

 

Đại Đăng phóng đôi mắt từ bi nhìn Ý Ninh:

 

– Để sư bá giảng cho con nghe. Vị tổ khai sáng ra phái Yên tử là ngài Hiện Quang. Tổ là đệ tử của tổ Thường Chiếu tại chùa Lục tổ, như vậy tổ thừa hưởng y bát từ giòng Vô ngôn thông. Nhân một lầnchu du vùng núi Đông triều, tổ thấy mây tía tụ trên đỉnh một ngọn núi như cây nấm, ngài leo lên đỉnh, nhìn ra bốn phương. Phương Bắc tới Trung nguyên, phương Đông ra tận biển, phương Tây là chín mươi chín ngọn núi gối lên nhau. Tổ than: đây là linh địa của Nam phương. Thế rồi tổ đặt tên núi đó là núi Yên tử (yên là khói, tử là mầu tím). Tổ cho kiến tạo chùa Hoa yên, cạnh ngọn suối. Có lần một vị tăng vân du qua núi Yên tử thấy tổ, thì hỏi:

 

– Hòa thượng làm gì trong núi vậy"

 

Tổ đáp:

Ná dĩ Hứa Do đức,

Hà tri thế kỷ xuân.

Vô tri cư khoáng dã,

Tiêu dao tự tại nhân.

 

(Theo Hứa Do người cũ,

Nào biết mấy xuân qua.

Vô vi nơi hoang dã,

Làm người sống tự tại).

 

Tổ viên tịch niên hiệu Kiến Gia thứ 10 cách đây 37 năm, trước khi viên tịch, Tổ ngồi trên phiến đá đọc một bài kệ:

Huyễn pháp giai thị huyễn,

Huyễn tu giai thị huyễn.

Nhị huyễn giai bất tức,

Tức thị trừ chư huyễn.

 

(Pháp huyễn đều là huyễn,

Tu huyễn cũng là huyễn.

Lìa được hai huyễn ấy,

Thì trừ được mọi huyễn).

 

Tổ là người khai sơn lập ra phái Yên tử. Tổ viên tịch, tổ thứ nhì là Trúc Lâm Quốc sư kế vị. Từ đấy phái Yên tử có tên Trúc Lâm Yên Tử.

 

Dã Tượng đứng hầu sau vương chắp tay hỏi :

 

– Bạch Đại sư ! Con nghe nói Nguyên Phong hoàng đế đang đêm trốn từ Thăng long lên Yên tử sơn xin thọ giáo, rồi bị Trung vũ đại vương bắt về. Như vậy đức vua giác ngộ rồi trốn đi tu, như xưa kia Thái tử Tất Đạt Đa cũng đang đêm cỡi bạch mã rời kinh thành, vượt sông Hằng đi tu rồi đắc chánh quả vô thượng chính đẳng chính giác, thành đức Thích Ca Mâu Ni sao "

 

Đại Đăng mỉm cười :

 

– Nhận thấy cuộc đời vô thường, bỏ địa vị cao quý tìm lẽ giải thoát thì cả hai vị giống nhau. Mà hoàn cảnh không giống nhau.

 

Vương phi Ý Ninh nghe phong phanh rằng sư phụ Vô Huyền bồ tát, trước đây từng là vua Chiêu Hoàng triều Lý, sau khi hạ giá, truyền ngôi cho chồng, được phong là Chiêu Thánh hoàng hậu. Năm sư phụ 19 tuổi chưa có hoàng nam, thì bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa. Nhà vua phẫn uất đang đêm trốn lên Yên tử sơn xin thọ giáo đi tu. Nhưng chi tiết thì không biết rõ. Phi nghĩ : bề gì Đại Đăng cũng là Bồ Tát, là đại sư bá của chồng mình, lòng dạ ngài quảng đại, mình cứ hỏi ắt ngài sẽ nói thực hết.

 

– Bạch đại sư, con không hiểu.

 

– Bần tăng biết, luật trong nội cung rất nghiêm. Những uẩn khúc cung đình thì ngay các hoàng tử, công chúa cũng không được biết. Để bần tăng vì các con mà nói.

 

"Sau khi Chiêu Thánh hoàng hậu bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa thì người được một thần ni thuộc phái Mê linh cứu khỏi hoàng cung, cùng với hai cung nữ thân tín, rồi cho thọ giới pháp danh là Vô Huyền. Hai cung nữ pháp danh Vô Aûnh, Vô Sắc. Lại truyền cho bản lĩnh kiếm thuật thần thông.

 

Đám Phùng Tập và Thiên Phong cùng bật lên tiếng ái chà. Vương phi Ý Ninh hỏi :

 

– Không biết có sự gì lạ, mà...

 

Thiên Phong rùng mình :

 

– Trong trận đánh năm trước bần tăng cùng chư đệ tử đã thấy kiếm pháp thần thông của ba vị sư thái. Nói ra thực xấu hổ, cho đến giờ mỗi lần nghĩ tới bần tăng vẫn còn lạnh gáy.

 

Đại Đăng thuật :

 

Thái sư Trần Thủ Độ sợ Chiêu Thánh trốn ra các trấn hô hào khởi binh trung hưng Lý triều. Người đem một cung nga giống Chiêu Thánh cho ở trong cung, phòng khi Chiêu Thánh khởi binh thì nói rằng đó là Chiêu Thánh giả. Còn Chiêu Thánh vẫn ở trong cung.

 

Trong trận Bình lệ nguyên, tướng quân Lê Tần vào sinh ra tử, cứu hoàng thượng bao phen. Hoàng thượng cho đổi tên là Lê Phụ Trần. Phụ nghĩa là bảo vệ. Vừa lúc đó chính thê của Lê Phụ Trần qua đời. Hoàng thượng thấy cung nữ giả Chiêu Thánh phải sống cô độc trong cung, người động lòng trắc ẩn, mới truyền gả cho Lê Phụ Trần.

 

Đại Đăng nhìn Ý Ninh :

 

– Con là đệ tử yêu của Vô Huyền bồ tát, con nghĩ sao "

 

– Nếu con là sư phụ, với kiếm thuật thần thông, con quyết về Thăng long lấy đầu Thái sư Thủ Độ.

 

– A Di Đà Phật ! Con là nữ tướng thì con chưa dứt được giới sân. Con nên biết sư phụ con đắc quả Bồ Tát rồi. Nếu người nghĩ đến thù hận, thì người vào cung cắt đầu phụ hoàng con, lên lại ngôi, tái lập triều Lý. Nhưng người hiểu cái lẽ vô thường :

Triều Lê là không,

Triều Lý là không.

Chiêu Hoàng là không,

Nguyên Phong là không.

 

Cho nên trong trận Bình lệ nguyên, người cùng Vô Sắc, Vô Ảnh tả xung hữu đột cứu phụ hoàng con ba phen.

 

Phùng Tập hỏi :

 

– Bạch đại sư, đệ tử tưởng chư vị tăng ni khi đã đắc quả Bồ tát rồi, thì sống ngoài sắc giới. Tại sao ba vị Vô Huyền, Vô Sắc, Vô Ảnh lại lăn vào chốn hôi tanh thi đại sát giới "

 

– À, Phùng sư phó mới sang đây nên không hiểu hành trạng của chư tăng Đại Việt. Từ khi Phật giáo truyền vào vùng đất của tộc Việt, chư tăng ni lấy cứu độ chúng sinh làm lẽ chính, giải thoát thứ chi. Bởi vậy những Bồ tát như Bố Đại, Vạn Hạnh, Minh Không, Đạo Hạnh đều lấy đạo pháp để cứu độ dân tộc. Khi thấy dân chúng bị người Hán chém giết, thì tăng ni cởi bỏ hết giới luật để cứu nước đã.

 

Phùng Tập reo lên :

 

– Thảo nào khi tiếp xúc với chư tăng ni Đại Việt, đệ tử thường nghe nhắc đến câu : đạo pháp với dân tộc là một.

 

Vũ Uy vương thắc mắc :

 

– Bạch sư bá, liệu phụ hoàng có biết lẽ thâm sâu trong lòng của Bồ tát không "

 

– Hai vị từng là vợ chồng đầu gối tay ấp 12 năm, thì gì mà không hiểu nhau. Vả phụ hoàng con là một vị vua uyên thâm Phật pháp vô cùng. Cả người và Vô Huyền đã đạt tới mức vượt ra ngoài nhân ngã tứ tướng, tới nhân ngã tương thôngrồi.

 

Ý Ninh nghe Đại Đăng thuật, càng muốn biết thêm :

 

– Xin sư bá tiếp cho.

 

Quá đau khổ vì tình, đang đêm phụ hoàng con cùng 8 người hầu cận vừa Thái giám vừa Thị vệ trốn ra ngoài thành, dối rằng thăm dân cho biết sự tình. Sau khi vượt sông, người truyền tùy tùng đi về, còn người thì người lên Yên tử sơn tìm lẽ giải thoát. Đám tùy tùng đành khóc từ biệt.

 

Giờ Mão (5-7 giờ sáng) hôm sau thì người tới bến đò Đại Than. Sợ dân chúng nhận được, người lấy vạt áo che mặt qua đò. Tối hôm đó người nghỉ trong chùa Giác hạnh. Sáng hôm sau lại đi tiếp. Đường xá gập ghềnh, con ngựa mệt quá đi không nổi, người phải bỏ ngựa, mà leo núi. Trưa ngày hôm đó tới núi Yên tử. Người gặp tổ Trúc Lâm.

 

Tổ thấy người thì mừng lắm, ung dung nói với người :

 

– Bần tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng, mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối vui cảnh lâm tuyền đã quen, lòng nhẹ như mây nổi, nên theo gió mà lên núi này. Nay bệ hạ bỏ địa vị chí tôn, mà tìm đến cảnh quê mùa rừng núi ; hẳn muốn cầu tìm gì đây " Nghe sư phụ hỏi, hai hàng nước mắt chảy dài, hoàng thượng đáp : Trẫm còn thơ ấu, sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không nơi nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp các đế vương phế hưng bất thường ; nên trẫm lên đây chỉ cầu thành Phật chứ chẳng muốn tìm gì khác. Tổ đáp : trong núi không có Phật. Người chỉ vào hoàng thượng : Phật ở trong tâm bệ hạ. Nếu để tâm trong sáng, không vướng bụi trần thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm thì tức khắc thành Phật, không cần đi tìm cực khổ bên ngoài.

 

Ngày hôm sau, Thái sư đem bá quan lên Yên tử sơn đón hoàng thượng về. Hoàng thượng nói : Trẫm còn trẻ tuổi, chưa cáng đáng nổi việc nặng nề, thì phụ hoàng đã vội lìa bỏ, mất chỗ trông cậy. Trẫm không dám ở ngôi vua mà làm nhục Xã Tắc.

 

Thái sư năn nỉ mấy phen, hoàng thượng vẫn không đổi ý. Người bảo các quan rằng: vua ở đâu thì lập triều đình ở đó. Nói xong người cắm cây nêu trong núi rồi chỉ chỗ này là điện Thiên an, chỗ kia là điện Đoan minh. Tổ thấy vậy tâu rằng :Phàm làm đấng nhân quân thì lấy ý muốn thiên hạ làm ý mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về mà bệ hạ không về thì sao được " Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng quên.

 

Ghi chú,

 

Sau thảm cảnh 1237, vua Trần Thái Tông trở lại Thăng long, làm vua. Ngài vẫn nghiên cứu đạo Phật, giác ngộ, trước tác rất nhiều kinh điển. Các tác phẩm chính là :

 

Thiền tông chỉ Nam,

Kim cương tam muội kinh chú giải,

Lục thời sám hối khoa nghi,

Bình đẳng lễ sám văn,

Khoa hư lục,

Thi tập.

 

Đại Đăng đứng lên chỉ vào đại sư Thiên Phong và chư đệ tử :

 

– Thôi vương gia hãy lo việc lớn. Bần tăng xin mời đại sư cùng chư đệ tử lên đường về Yên tử sơn.

 

Vũ Uy vương đứng dậy tiễn khách. Khi chư tăng đi rồi, vương viết một phong thư trao cho người cao niên nhất trong 18 tục gia đệ tử của Thiên Phong :

 

– Xin mời các huynh đệ coi Đại Việt như quê hương mình. Lát nữa đây Mông cổ trao trả gia đình các vị, rồi các vị hãy lên đường về Thăng long. Các vị trình thư này cho Hưng Đạo vương, thì các vị sẽ được trọng dụng.

 

Như đã ước hẹn, cuộc trao đổi người diễn ra tại Bạc dịch trường Nguyên dương. Hôm sau, ngay khi bình minh, mặt trời ló dạng. Hoài Đô, A Truật dẫn đoàn Lôi kị Mông cổ hộ tống mấy trăm cỗ xe, trên chở đàn bà, trẻ con, gia súc tới.

 

Phía Đại Việt, Hưng Ninh vương, Vũ Uy vương cũng dẫn vương phi, Tạ Quốc Ninh, Dã Tượng và ban Đông hoa; đem gần vạn tù binh gồm người Mông cổ, Tây vực, Hán, Đại lý tới.

 

Vừa trông thấy vương phi Ý Ninh, A Truật gò cương lại nhìn: ký ức cho y biết đây là thiếu nữ đã cùng y giao chiến tại Phù lỗ. Y suýt mất mạng dưới kiếm của nàng. Hôm nay, trong ánh nắng ban mai của mùa Xuân, y gặp lại nàng trong lớp áo quý tộc của Đại Việt, tươi như hoa. Phía sau nàng còn năm thiếu nữ sắc nước hương trời trên lưng ngựa. Y vẫn chưa biết cô gái kiếm thuật thần thông trong trận Phù lỗ, nay trở thành vương phi. Y tiến tới chắp tay xá:

 

– Phải chăng cô nương là Quận chúa Trần Ý Ninh, từng trấn thủ Phù lỗ"

 

– Đúng vậy. Tạ ơn tướng quân đã nhường cho tôi mấy chiêu bên bờ chiến lũy. Hôm xưa chúng ta giao đấu, suýt nữa thì kẻ sống, người chết. Hôm nay chúng ta gặp nhau trong nắng Xuân. Mông cổ, Đại Việt không còn chém giết nhau nữa.

 

Vương phi chỉ vào vương:

 

– Đây là phu quân của tôi. Phụ hoàng ban chỉ cho chúng tôi thành duyên giai ngẫu ngay sau trận Phù lỗ.

 

Trong trận Phù lỗ tuy tuy A Truật suýt bỏ mạng dưới kiếm của quận chúa Ý Ninh, nhưng sắc đẹp của nàng khiến y ngày mơ, đêm tưởng. Y định sau khi trao đổi tù binh, y xin với Vũ Uy vương tâu lên Nguyên Phong hoàng đế cưới nàng làm vợ. Bây giờ nghe vương phi nói, A Truật cảm thấy miệng đắng, mắt hoa.

 

Từ lúc vừa nhìn thấy năm nàng Đông hoa, thì Hoài Đô dán mắt vào Thúy Trang. Vương phi Ý Ninh nghĩ thầm :

 

– Tên Hoài Đô này cưới công chúa con của vua Mông cổ là Mông Ca, nên y được cử làm giám quân bên cạnh Ngột Lương Hợp Thai. Uy quyền y lớn hơn cả viên Thái sư này. Mình nghe vợ y mới chết cách đây không lâu. Khi vào Thăng long y đã bắt một trong Tô lịch thất tiên là Bạch Hoa làm tỳ thiếp, không biết có đúng không " Tuy y sủng ái nàng, nhưng vì là phò mã, y không thể lấy gái có chồng, hơn nữa gái đó lại xuất thân kỹ nữ lầu xanh. Y bị dáng thanh nhã trẻ trung của Thúy Trang bắt mất hồn rồi. Thúy Trang tuy trẻ, mà bản lĩnh không trẻ đâu. Chưa biết ai bắt ai !

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN &nbsp; Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử.
HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN &nbsp; Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử. (tiep theo 2)
HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN &nbsp; Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử. (tiep theo 1)
HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM &nbsp; &nbsp; Nguyên tổ họ Lý Hàn quốc
HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM &nbsp; &nbsp; Nguyên tổ họ Lý Hàn quốc (tiep theo 1)
HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM &nbsp; &nbsp; Nguyên tổ họ Lý Hàn quốc (tiep theo 2)
Tượng quận dương uy nhiêu tướng lược, Bồ lăng tuẫn tiết, tận thần trung. (tiep theo 1)
Tượng quận dương uy nhiêu tướng lược, Bồ lăng tuẫn tiết, tận thần trung. (tiep theo 2)
Tiêu sơn hóa tinh pháp (tiep theo 2)
Tượng quận dương uy nhiêu tướng lược, Bồ lăng tuẫn tiết, tận thần trung.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.