Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Từ Nguyễn Hữu Đang Đến Phạm Hồng Sơn

23/08/200600:00:00(Xem: 26963)

- Quỷ lộng chùa hoang

(Thành ngữ VN)

Phạm Hồng Sơn.

Ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông Nguyễn Hữu Đang & bà Lưu Thị Yên – bút hiệu Thụy An – (1) bị kết tội “gián điệp” và lãnh án mười lăm năm tù vì tội danh này. Tuy bị xử ở “toà án nhân dân” Hà Nội nhưng vì là một phiên xử kín nên toàn dân đều ngơ ngác, không ai hiểu tại sao ông Nguyễn Hữu Đang – một đảng viên cộng sản, nguyên thứ trưởng Bộ Thanh Niên, thứ trưởng Bộ Tuyên Truyền trong nội các đầu tiên nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà – đã trở thành gián điệp.

Khi “lục” lại hồ sơ của Nguyễn Hữu Đang, tôi không tìm được một chứng tích nào liên quan đến hoạt động gián điệp của ông ta – ngoài lời “tố cáo” của một người viết báo, ký tên Hồng Vân, đăng trên tạp chí Văn Nghệ, số ra ngày 12 tháng 5 năm 1958, như sau:

“Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn cái đầu óc thích ‘ăn trên ngồi trốc’, thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn… Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc lồng lộn khủng bố, toàn bộ Đảng ta rút vào bí mật… Còn Nguyễn Hữu Đang vẫn hoạt động công khai trong phong trào truyền bá quốc ngữ”.

Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Hữu Đang lủi thủi trở về làng quê ở Thái Bình. Ông sống nhờ vào … côn trùng, cóc rắn và đã chọn sẵn chỗ nằm trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Đài Tuyên Ngôn Độc Lập. Phùng Quán. Ngô Minh et al. Nhớ Phùng Quán, Trẻ, 2003, trang 474).

Mười lăm năm sau nữa, khi Nguyễn Hữu Đang đã bước vào tuổi bát tuần thì … “thánh đế (bỗng) hồi tâm” – nếu nói ví von theo kiểu Trần Dần. Ông được trả lại thẻ cử tri, được nhà nước cho lĩnh lương hưu, cứ y như thể là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra hết trơn hết trọi.

Mười lăm năm tù, và mười lăm năm sống vất vưởng bên lề xã hội (coi như ) chỉ là … một giấc ngủ trưa. Xử thế nhược đại mộng. Giấc mộng đời của Nguyễn Hữu Đang ngó bộ (hơi) hãi hùng, và (e) hơi khó xử: “Vụ án lớn hơn 30 năm trước chưa thể khép lại! Nếu theo đúng luật thì cần kết luận lại toàn bộ Nhân Văn Giai Phẩm dưới ánh sáng mới của tình hình. Những oan ức cần được giải bầy cặn kẽ. Ai gây oan phải xin lỗi và bồi thường. Sự phục hồi danh dự trên báo chí, công luận cần rõ ràng, minh bạch, không thể xúy xoá, ù ọe được. Nhất là khi đương sự đã hơn 80 tuổi và còn sống. Không thể để họ ngậm oan khiên xuống dưới tuyền đài!” (Thành Tín, Mặt Thật, Garden Grove, CA: Turpin Press, 1993,159).

Hai chữ “đương sự” trong đoạn văn thượng dẫn dùng để chỉ Nguyễn Hữu Đang, và những dòng chữ dẫn thượng được viết vào những năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Bây giờ là đầu thế kỷ hai mươi mốt. Nguyễn Hữu Đang đã bước vào tuổi cửu tuần. Ông vẫn còn sống. Những nỗi oan khiên ông phải ghánh chịu vẫn còn nguyên, không có gì cần phải “xúy xoá” cả, mọi việc vẫn cứ “ù ọe” một cách rất tự nhiên – như những chuyện thường ngày, vẫn xẩy ra ở huyện. Oan khiên, tất nhiên, vẫn tiếp tục giáng xuống đời của những lớp người kế tiếp.

Ngày 18 tháng 6 năm 2003, một công dân Việt Nam khác, ông Phạm Hồng Sơn cũng bị kết tội “gián điệp” và bị kết án mười ba năm tù (và ba năm quản chế) vì tội danh này! Tuy cũng bị xử ở “toà án nhân dân Hà Nội”, nhưng vì cũng là một phiên toà kín nên toàn dân lại vẫn hoàn toàn ngơ ngác, không ai hiểu tại sao ông Phạm Hồng Sơn – một người thành đạt, một thanh niên sinh trưởng “trong lòng cách mạng” – đã trở thành gián điệp.

Khi “lục” lại hồ sơ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, tôi cũng không tìm được một chứng tích nào về hoạt động tình báo của ông ta, ngoài những lời tố cáo của một người viết báo, ký tên Bảo Sơn – đăng trên tờ An Ninh Thế Giới, với tiêu đề “Tình Báo Qua Các Thời Đại”, số ra ngày 31 tháng 7 năm 2003 – như sau:

“Với tất cả những tài liệu, chứng cứ mà cơ quan an ninh điều tra có được, cộng với những lời khai của đối tượng chính thì không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng người đầu tiên ‘có công’ đưa Phạm hồng Sơn, người đang có công ăn việc làm ổn định tại văn phòng một công ty nước ngoài đi vào đường phạm tội chính là Nguyễn Gia Kiểng…”

“Nguyễn Gia Kiểng cũng chỉ bảo cho Sơn cách thu thảo tin tức về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước, và đặc biệt chú trọng tìm kiếm thông tin về nội bộ Đảng, chính quyền, quân đội, công an. Phạm Hồng Sơn làm ngay theo những chỉ đạo của Nguyễn Gia Kiểng…”

Nguyễn Gia Kiểng là ai" Ông ta hoạt động tình báo cho chính phủ nào" Phạm Hồng Sơn đã “thu thảo” những thông tin gì về Đảng, nhà nước Việt Nam và đã gửi đến những quốc gia thù nghịch nào" Việc làm của Phạm Hồng Sơn đã phương hại đến an ninh quốc gia và quốc phòng ra sao"

Nhà báo Bảo Sơn không đề cập đến những vấn đề trên. Ông chỉ lên tiếng chê trách thái độ “hèn nhát đến độ không thể hiểu nổi ” (vì đã nhất định không chịu bị ghép tội gián điệp) của Phạm Hồng Sơn. Ông cũng chỉ trích nặng nề quan niệm sống của đương sự, qua những điều ghi chép (hoàn toàn có tính cách riêng tư) mà ông ta “tìm được” trong máy vi tính của nhân vật này.

Nhà báo Bảo Sơn đã đi quá xa (có lẽ bằng xe Molotova hay T54 gì đó) vào đời tư của bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Cũng bằng những phương tiện hung hãn này, ông ấy cán luôn lên ngành tư pháp và hành pháp của nước CHXHCNVN – nếu như đất nước này (cũng) có sự phân quyền (rõ ràng và đàng hoàng) như thế – qua những dòng chữ như sau: “Việc Phạm Hồng Sơn có những hoạt động phạm tội gián điệp và bị xử phạt theo luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam là hoàn toàn chính xác và đúng các qui định của pháp luật.”

Vụ án Nguyễn Hữu Đang “chỉ là phần nổi của một tảng băng sơn.” Phần chìm của nó “là cả một nền văn học, nghệ thuật giáo dục, đạo đức của miền Bắc bị lụn bại, méo mó, què quặt và hầu như cả một thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc bị đánh gục, bị dìm trong nỗi sợ triền miên.” (Trần Minh, “Nhân Văn – Giai Phẩm, Một Tư Trào, Một Vụ Án, Một Tội Ác, ” Thế Giới Ngày Nay, Nov. & Dec. 1994).

Chưa hết, “nó còn liên quan đến cả chục ngàn ‘Nhân văn xóm’, ‘Nhân văn huyện’, ‘Nhân văn tỉnh’, những người bị bắt, bị giam, bị xét hỏi, bị ghi vào sổ đen … do đã tàng trữ, truyền tay, tán thành ủng hộ các tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm” (Thành Tín, sđd 161).

Bốn mươi lăm năm trước chỉ vì đặt vấn đề “Hiến Pháp Việt Nam Và Hiến Pháp Trung Hoa Bảo Đảm Dân Chủ Như Thế Nào” (trên Nhân Văn – Giai Phẩm) nên Nguyễn Hữu Đang đã bị mang đi chôn (sống) bằng bản án mười lăm năm tù, với tội danh gián điệp. Sự trí trá, bất nhân và tàn ác của những người cầm đầu đảng cộng sản Việt Nam, thể hiện qua vụ án này, đã khiến cho cả một thế hệ người “bị dìm trong nỗi sợ triền miên”.

Phải gần nửa thế kỷ sau, khiếp đảm mới mờ phai, dân khí và dân chí mới dần hồi phục, và mới có một lớp người mới đủ dũng cảm đứng lên dõng dạc và thẳng thắng đòi đặt lại vấn đề tự do và dân chủ cho toàn xã hội. Họ lại tiếp tục bị vùi dập thẳng tay, bị mang ra chôn sống bằng những bản án với tội danh tương tự – y như lớp người đi trước.

Nhìn “xuyên suốt” từ Nguyễn Hữu Đang đến Phạm Hồng Sơn để thấy sự “nhất quán” trong chính sách cai trị của những người cộng sản hơn nửa thế kỷ qua – ở Việt Nam. Nếu đảng CSVN tiếp tục nắm quyền nửa thế kỷ nữa, đến năm 2048, khi bước vào tuổi bát tuần, Phạm Hồng Sơn sẽ được trả lại quyền công dân, thẻ cử tri, và (không chừng) dám cũng sẽ được lãnh lương hưu – như thể đã không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra –y như tình cảnh của Nguyễn Hữu Đang bây giờ vậy.

Số phận (tính luôn hậu vận) của Phạm Hồng Sơn, như thế, kể như đã… ổn. Tôi không còn gì để phải bận tâm về ông ấy cả. Tôi chỉ có đôi chút băn khoăn về số phận chung của cả dân tộc Việt Nam thôi. Sau khi thoát khỏi sự cai trị kéo dài hàng răm năm của ngoại bang, họ lại rơi ngay vào bàn tay của … qủi. Qủi lộng chùa hoang!

Tưởng Năng Tiến

GHI CHÚ: (1) Vụ án gián điệp này còn liên quan đến 4 người khác nữa: Trần Thiếu Bảo (giám đốc nhà xuất bản Minh Đức bị xử mười năm tù), Phan Tài và Lê Nguyên Chi (tòng phạm) mỗi người năm năm tù. Vì sự hiểu biết rât giới hạn của người viết về trường hợp của nhà văn Thụy An và ba nhân vật vừa nêu nên chúng tôi đã không đề cập đến họ để tránh sự lạm bàn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu sau khi từ giã thế giới này, mọi nguời rồi cũng sẽ có dịp gặp nhau ở một nơi nào đó,
Khi được hỏi "âm thanh của hai chữ hoà bình gợi lên điều gì cho ông", thi sĩ Viên Linh đã trả lời rằng
Qua bán tuần san Thời Báo Kinh Tế VN - số ra ngày 3 tháng 4 năm 99 - phó tiến sĩ Nguyễn Hữu Hải, có phát biểu rằng
"Một ngày phiên chơ,ï u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.