Hôm nay,  

Cinema Cuối Tuần: Vacancy

21/04/200700:00:00(Xem: 14120)

Đặng Thái Sơn thắng huy chương vàng giải Fryderyk Chopin International Piano Competition kỳ X, với thành phần tham dự của 149 dương cầm thủ từ 37 quốc gia
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về

classical@vietbao.com

   Đặng Thái Sơn

- Jo Ký - Tháng 04, 2007

Khoảng cuối năm 1980, một tin đã gây chấn động trong giới âm nhạc khắp nơi trên thế giới: huy chương vàng giải Fryderyk Chopin International Piano Competition kỳ X, với thành phần tham dự của 149 dương cầm thủ từ 37 quốc gia, lần đầu tiên đã trao cho một người không phải đến từ một quốc gia Âu Mỹ, mà là từ một nước Á châu.  Người này cũng không đến từ một quốc gia thịnh vượng trong vùng như Nhật-Bản, Đài-Loan, Nam-Hàn, v.v., mà là từ một nước Việt-Nam điêu tàn sau 20 năm ròng rã chiến tranh.  Người đó là một thanh niên, tuổi ngoài đôi mươi, đến từ Hà Nội, tên Đặng Thái Sơn.

Ngoài giải Chopin chính ra, Đặng Thái Sơn còn đoạt thêm tất cả những giải phụ do các tổ chức, cơ quan khác ban thưởng.  Trong kỳ X có 3 giải phụ: giải của Polish Radio về mazurka, giải của Frederick Chopin Society về polonaise, và giải của National Philharmonic về concerto.  Đây cũng là một thành quả kỷ lục trong lịch sử giải Chopin.  Đặng Thái Sơn là người duy nhất đã chiếm nhiều giải hơn bất cứ ai đã từng thắng giải Chopin từ trước đến nay.  Maurizio Pollini (Ý, kỳ VI, 1960) không chiếm được một giải phụ nào cả.  Martha Argarich (Argentina, kỳ VII, 1965) và Garrick Ohlsson (USA, kỳ VIII, 1970) mỗi người chiếm được một giải về mazurka.  Krystian Zimerman (Ba-Lan, kỳ IX, 1975) chiếm được giải mazurka và polonaise.  Kỳ XI, XII, và XIII không có ai thắng giải nhất Chopin. Yundi Li (Trung-Hoa, kỳ XIV, 2000) chiếm giải polonaise.  Huy chương vàng giải Chopin kỳ XV, 2005 trao cho Rafa Blechacz từ Ba-Lan nhưng không có thêm chi tiết gì về những giải phụ kỳ này.  Cũng nên nêu ra thêm vài chi tiết về giải Chopin.  Vì trong suốt 3 kỳ tranh tài XI, XII, và XIII không có huy chương vàng, khiến Đặng Thái Sơn trở thành người giữ chức vị đương kim lâu dài nhất.  Đến kỳ XIV năm 2000, ủy ban giám khảo thay đổi luật lệ chấm thi, bắt buộc tất cả các hạng của giải Chopin phải được trao tặng.  Có một điều đáng tiếc đã xảy trong giải Chopin kỳ X: đó là sự kiện Martha Argarich, lúc đó trong ban giám khảo, đã bỏ về nửa chừng để phản đối việc ban giám khảo loại Ivo Pogorelich từ Croatia trong vòng ba.

Sự nghiệp của Đặng Thái Sơn gần như gắn liền với Chopin.  Anh là một trong số rất nhỏ những dương cầm thủ được xem là chuyên gia về Chopin.  Trong tất cả những người đương thời, kể cả những người đã thắng giải Chopin, ít ai dược tặng danh hiệu này.  Bất cứ ai, nhiều hay ít, cũng phải có một vài album Chopin; như để đo lường khả năng kỹ thuật và mức độ giao động nội tâm.  Ai cũng có thể chơi nhạc của Bach, Mozart, Haydn, Beethoven, Schubert, Schumann, Brahms, Mendelsshon, v.v. vì nhạc của họ đại loại có cái gì, một cách chung chung, tương đồng ở điểm này hay điểm nọ.  Nhưng Chopin thì khác.  Nếu mang ra đây để bàn thì thiết tưởng không đủ thời gian.  Chỉ có thể tóm tắt một vài điểm đặc thù.  Chopin lúc nào cũng tạo nên một không gian, một trạng thái (mood).  Beethoven có lẽ là người đầu tiên thực hiện điều này qua những sonata của ông ta, và đây là điểm khác biệt then chốt giữa nhạc lãng mạn và các loại nhạc khác.  Dĩ nhiên các nhạc sĩ sau Beethoven, ai cũng cố tạo ra điều này, nhưng Chopin thì dường như ở một phương trời riêng biệt.  Nhạc Chopin có nhiều yếu tố của thơ.  Các câu cú đối đáp có vần có vế gọn gàng chặt chẽ.  Mỗi một câu là một ý tứ và giá trị cá biệt của nó.  Ngay cả những câu lập lại cũng khác với câu chính.  Vì thế muốn đạt được nhạc Chopin là phải tái tạo cái trạng thái đó, và Đặng Thái Sơn là một đại thụ.  Trong quá khứ, chỉ có Arthur Rubinstein (1887-1982) được công nhận là một chuyên gia Chopin.  Còn những người đương thời, kể cả các bậc trưởng bối lão thành như Pollini, Argarich, Barrenboim, Uchida hoặc những tay trẻ tuổi tiếng tăm như Kissin, Lang Lang, v.v., không ai có thể đạt đến tầm vóc như Đặng Thái Sơn trong lãnh vực này.

Khi nghe Chopin của Đặng Thái Sơn ta có một cảm giác chung là dường như nhạc Chopin rất dễ hiểu, dễ cảm.  Từng câu từng ý đều có thể nhận dạng mà không cần vận dụng gì nhiều.  Nhưng nghe kỹ một chút ta sẽ thấy hằng bao nhiêu phức tạp trong đó.  Những nơi chậm lại, hoặc để dứt câu hay vào câu, dường như đều rất hợp lý.  Nếu nghe thêm vài người khác nữa như Pollini, Argarich, Ashkenazy, Pogorelich, rồi nghe lại Đặng Thái Sơn-như để so sánh-ta sẽ nhận ra rằng cái sự nhấc đặt, trễ nãi của anh vô cùng thích hợp.  Hãy chọn một bài thật đơn giản của Chopin như prelude số 2, opus 28.  Bài này có 1 trang gồm 2 bè đơn giản.  Bè trầm là những hợp âm đều đặn dật dờ, bè cao là vài note thỉnh thoảng chêm vào.  Chỉ trong 3 note nhạc đầu tiên của bè cao (mi, re, fa) ta nhận ngay cao thấp.  Từ note re qua note fa phải chậm lại một chút.  Một chút là bao nhiêu"  Vậy thì phải coi áp huyết của bạn lúc đó như thế nào.  Bài này như một câu thở dài, và không ai thở dài giống ai.

Một điểm khác nữa khi nghe Chopin của Đặng Thái Sơn là anh tiếng đàn của anh rất nhẹ nhàng, thanh thoát.  Những bài hùng mạnh như vài polonaise; những bài mơ màng, êm ái như các nocturne; vui tươi, khinh khoái như các valse; ảm đạm như những prelude anh đều đối xử với Chopin rất chừng mực.  Nếu phải mạnh thì cũng mạnh đủ để mình hiểu đó là mạnh, chớ không mạnh để tha hồ gia công dằn vật.  Một thí dụ điển hình, như bài Polonaise No. 3 "Militaire" cung la trưởng Op. 40-1.  Hãy nghe thử Pollini rồi nghe Đặng Thái Sơn.  Ta nghe Pollini nện những bước quân hành mạnh khỏe, nhất là những đoạn 2 bè đi ngược nhau ở cuối câu.  Đặng Thái Sơn chơi tuy vẫn hùng mạnh của quân hành, nhưng ngoài ra còn có cái uy nghi, bao dung.  Những đoạn êm dịu thì Đặng Thái Sơn thật tuyệt diệu.  Âm thanh của anh như thủ thỉ vào tai, bẽn lẽn, thẹn thùa, rón rén, ngập ngừng, tỉ mỉ, ân cần, lả lướt, bay bướm.  Tuy nhỏ nhẹ nhưng nghe rất rõ, không mất chút chi tiết nào.  Hãy nghe thử 2 nocturne cung do thứ và do thăng thứ posthumous (posthumous có nghĩa là tác phẩm được khám phá sau khi tác giả mất).

Một cá biệt khác nữa của Đặng Thái Sơn đó là chất lượng âm thanh (tone quality) của anh.  Những âm thanh của Đặng Thái Sơn thuộc âm vực khoảng bát độ 5, 6 trên dương cầm nghe như tiếng của đồ sứ quý chạm vào nhau.  Tiếng đàn của Vladimir Horowitz (1903-1989), tay đại dương cầm người Nga, cũng thường được ca tụng là nghe như tiếng chuông (bell like).  Rất nhiều phần Horowitz dùng đàn của nhà Steinway & Sons, nhưng không rõ Đặng Thái Sơn dùng đàn của nhà nào chế tạo.  Nhưng đàn do ai chế tạo đi nữa, qua 16 album của anh, ta thấy phẩm chất này luôn có trong âm thanh của Đặng Thái Sơn.  Năm 1829, lúc Chopin 19 tuổi, ông vướng cuộc tình đầu tiên với một học sinh soprano, nàng Konstancja Gladkowska.  Mê mẩn tiếng hát của người yêu Chopin nguyện từ đây sẽ viết những âm giai tuyệt đẹp vào nhạc của mình.  Nếu thấu hiểu được điều này, người trình diễn nhạc Chopin phải đặc biệt lưu ý đến những âm giai trong nhạc Chopin.  Không những Đặng Thái Sơn có khả năng diễn tả những giai điệu tuyệt vời của Chopin, anh còn có thêm khả năng kiến tạo ra những âm thanh có chất lượng đặc biệt.  Dương cầm là một nhạc cụ thuộc nhóm gõ (percussion).  Âm thanh được tạo nên bằng cách nhấn ngón tay lên phím đàn.  Mỗi phím đàn bẩy một bộ phận cơ khí khiến một chiếc búa gõ vào dây đàn và âm thanh làm rung động một mặt gỗ (soundboard) để khuếch đại âm thanh lên.  Muốn cho âm thanh lớn, ngón tay phải đánh mạnh vào phím đàn; muốn âm thanh yếu, ngón tay phải đánh nhẹ.  Sức lực áp đặt lên phím đàn là phương tiện duy nhất điều tiết âm thanh.  (Dĩ nhiên còn phải vận dụng đến kỹ thuật nhấc ngón tay để hoàn chỉnh một âm thanh.)  Bàn đến đây ta mới thấy muốn tạo nên những âm thanh chất lượng trên dương cầm không phải dễ.  Ngoài khả năng và kiến thức ra, người trình diễn cần phải có tư duy về âm lượng và âm sắc.  Và đây là vấn đề mấu chốt để phân biệt cao thấp.

Đặng Thái Sơn đã thâu thanh gần như tất cả các tác phẩm của Chopin.  Anh đã ghi âm 2 concerto, toàn bộ valse, toàn bộ nocturne kể cả những bài khám phá sau khi Chopin mất (posthumous), toàn bộ polonaise, toàn bộ prelude, đầy dủ ballade, scherzo, sonata, v.v..  Anh chỉ chưa thâu bộ mazurka.

Ngoài Chopin ra, Đặng Thái Sơn còn ghi âm nhạc của nhiều người khác như Ravel, Debussy, Mendelsohnn, Shubert, v.v..  Tuy đã ghi âm 16 album, hiện nay chỉ có một album duy nhất của anh trên amazon.com là Venetianisches Gondellied, chơi nhạc của Mendelsohnn, Schubert, và Liszt.  Track thứ 12 trong album này là bài Gretchen Am Spinnrade (Nàng Gretchen bên khung cửi) là một ca khúc của Schubert do Liszt soạn cho độc tấu dương cầm.  Bài này ngoài Đặng Thái Sơn ra dường như không có ai thâu.

Năm 2005, Đặng Thái Sơn đã được mời làm giám khảo cho giải Fryderyk Chopin International Piano Competition kỳ XV và giải Sviatoslav Richter International Piano Competition kỳ I tại Nga.  Đặng Thái Sơn hiện đang sống tại Canada, thường xuyên trình diễn và dậy học.  Là một nhà dương cầm sâu sắc và nhậy cảm, Đặng Thái Sơn đã nâng trinh độ diễn tả nhạc Chopin nói riêng và âm nhạc nói chung lên một tầm mức cao hơn mà ít ai có thể đạt tới.  Năm 2001 tại Miyazaki, Nhật-Bản, Isaac Stern đã gọi Đặng Thái Sơn là "A genuine musician"  (Một nhạc sĩ chân chính).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Những năm 1889-92 ông lưu diễn Anh, Pháp, Bỉ và mang lại nhiều thành công rực rỡ. Trong thời gian này, Albeniz sáng tác rất nhiều
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Năm chó chưa hết, năm heo chưa đến có người khách phương xa ghé nhà, vui chuyện hỏi rằng, thế có nhà soạn nhạc nào sinh năm Hợi
Năm 1886 có lẽ là năm quan trọng nhất trong cuộc đời của nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint-Saens
Chữ Requiem, theo tiếng La-Tin, có nghĩa là "yên nghỉ". Đây là chữ đầu tiên trong bài kinh cầu hồn của đạo công giáo.
Nhạc cổ điển tây phương là một kho tàng âm nhạc phong phú kéo dài vài trăm năm, nếu chỉ tính từ thời Phục Hưng
Những Cây Thông ở Thành Rome được sáng tác năm 1924 bởi nhạc sĩ người Ý Ottorino Respighi. Trình diễn lần đầu tiên
Tuần rồi Việt Báo có mời một số người thường viết cho mục Góc Nhạc Cổ Điển trong đó có kẻ viết bài này đi nghe chương trình nhạc tại thính đường mới của thành phố L.A. "Walt Disney Hall"
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.