Hôm nay,  

Cảm nhận nhân đọc Năm Chữ Ngàn Câu

18/01/201520:40:00(Xem: 5209)

Cảm nhận nhân đọc Năm Chữ Ngàn Câu

Đỗ Xuân Tê

 

Khi chưa cầm được tập thơ trong tay, ý nghĩ ban đầu theo vô thức tôi cứ tưởng ai đó đã xếp chữ lầm tựa đề của tập thơ Năm Chữ Năm Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ xuất bản hồi đầu năm 2014. Nhưng rồi vào thăm mấy trang nhà, cái tựa vẫn đập vào mắt tôi và không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tập thơ thứ 9, Năm Chữ Ngàn Câu, một thi phẩm hoàn toàn mới.

 

Xét về góc độ thời gian, sự ra đời hai tập thơ trong vòng một năm là một thành quả sáng tác đáng chú ý, nhưng nhìn lại tuổi tác của nhà thơ, chia theo bình quân, bảy chín 63 thì bảy năm mới có một tập thơ. Hay làm con tính nhẩm 45 năm làm-thơ (chứ không phải mần-thinh) thì năm chín 45, năm năm một tập vẫn chưa phải là nhịp độ sung mãn.

 blank

Nói vui thì như vậy, nhưng nhìn lại hành trình 45 năm Thơ của Nguyễn Lương Vỵ, nhà thơ Du Tử Lê sau khi đọc Năm Chữ  Ngàn câu đã có những nhận xét rất tinh tế,  không xếp anh tài năng ‘nuớc rút’ hay ‘đường trường’ theo khái niệm của Nguyên Sa  mà theo tôi diễn nghĩa thì tác giả  Khúc Thụy Du ý muốn nói từng bước “bứt phá kiến tạo một hướng đi lẻ, hiếm… làm cho các thi phẩm của Nguyễn Lương Vỵ là một đầu tư trí tuệ cật lực, mở vào những chân trời mới… một thao-thiết mở ra những cánh cửa khác, cho ngôi nhà thi ca của mình.” Nhà thơ đàn anh không quên khen tài dụng chữ của người thơ ít tuổi hơn về thể thơ Ngũ ngôn mà Nguyễn Lương Vỵ đã dày công vận dụng một cách tài hoa.

 

Theo tôi, cứ theo hướng đầu tư này dù đến tập thơ thứ 9 vẫn chưa hẳn là đỉnh điểm, vẫn tạo sự mới lạ, sự sáng tạo, tính uyên bác về câu về chữ về ý về tứ, tính cao-sâu trong ngôn từ, tính tượng-hình trong tư tưởng qua hành trình một Đời Thơ của người thi sĩ đất Quảng nam mà 16  tuổi đã có những vần thơ năm chữ, như bài thơ Cảm Ứng:

 

Biển đắp một tòa sương

Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương

Núi gầm lên khóc nhớ…

 

Anh cũng là nhà thơ còn sót lại của thế hệ sanh ở nửa thế kỷ sau, khi có vốn chữ Hán đạt độ thâm sâu nâng lên hàng dịch giả, chính vậy mà thể thơ năm chữ (rất phổ biến trong cổ thi) có làm tới ngàn câu cũng vẫn đủ sức thu hút độc giả được thể hiện rõ nét trong cả hai thi phẩm sau này ở tuổi 62.

 

Nói cho ngay, hai tập thơ cách nhau 9 tháng không có nghĩa 50 bài thơ của tập sau đã được soạn vỏn vẹn chưa đầy ba trăm ngày (với một vài nhà thơ trẻ tôi đã thấy hiện tượng này) mà tự nó, khi có dịp đọc, rồi đọc lại, người đọc sẽ hiểu nó đã được thai nghén, mài dũa, hiệu đính, bổ sung, cân nhắc từ những năm tháng nào đó trong suốt cuộc hành trình khổ nạn vì Thơ. 

 

Dù tuổi đời hiện giờ ở tuổi 63, từ nhiều năm qua, đọc thơ anh và bút hiệu tên anh, tôi vẫn tưởng tác giả là người của thế hệ thất thập. Nguyễn Lương Vỵ, một nhà thơ già trước tuổi, cả tuổi Thơ lẫn tuổi Đời. Vì thơ, anh đã đánh đổi đời mình bằng những vần thơ ứa máu. Bằng thơ, anh đã cung hiến cho người những tình tự nhân gian.

 

Ta hãy tìm tập thơ có hình bìa Hoa ổi (do nxb SỐNG in ấn rất trang nhã), xem và ngẫm. Với tôi cùng nhiều độc giả không dám đi vào đánh giá theo cách nhìn chuẩn mực của những thi tài lớn, mà chỉ xin đôi điều cảm nhận để hiểu thêm anh là ai, thơ NLV từ đâu đến, cùng lý giải vì sao trong tập thơ có nhiều bài thơ Không Đề  mà tập thơ thứ 9 nầy có tới 9 bài, gây cho độc giả như tôi vừa phải suy tư dự đoán vừa ngộ nghĩnh đặt cho những tác phẩm của anh như ‘những vần thơ không tên’ và thi phẩm mới nhất … Tập Thơ Không Tên số 9.    

 

Không hề dấu diếm, tôi vốn yêu thơ Nguyễn Lương Vỵ hơn chục năm trở lại đây khi đọc những bài thơ rời ông gửi đăng trên một số trang mạng văn học, rồi qua những bản dịch sâu sắc bằng tiếng Anh của một chủ bút nhật báo và cuối cùng là bản dịch ba bài thơ cổ chuyển từ chữ Hán, chùm thơ mùa thu của Trần Nhân Tông. Duyên tình như bén, biết anh cùng quê với Trần Yên Hòa, tình cờ khi ngồi bên quán cà phê, qua cú điện thoại của chủ trang BVN cho biết tác giả đã gởi tôi tập thơ và chờ vài ngày sẽ tới.

 

Tâm lý người đọc bao giờ cũng hạnh phúc khi được tác giả tặng sách, dù chỉ là chữ ký khi đứng chờ buổi ra mắt sách. Nhưng việc gởi tặng cũng là công đoạn rất đa đoan cho những tác giả nhiều mối giao lưu. Nhưng với tôi có thể vì anh vui khi đọc những nhận xét qua ba bài thơ anh dịch của vị vua nổi tiếng đời Trần (thích thú là đã được post lại trên nhiều trang mạng hải ngoại). Duyên văn nghệ xuất phát từ các website ấy vậy mà hay, chẳng vậy mà Đinh Cường dù chưa một lần giáp mặt cũng gởi cho tôi cả một Đoạn ghi bằng thơ trân trọng những gì tôi đã viết về các nghệ sĩ.

 

Trở lại “Tập thơ không tên số 9” mà tôi ví von cho vui như thế, Năm Chữ Ngàn Câu, lần này ra mắt như một sự trân trọng bạn đọc nhân dịp 45 năm ‘chung thủy’ với Thơ từ thuở một thư sinh phải lòng với câu, với chữ đến khi tóc bạc òa bay giữa trần gian, được hiểu như một Lời tự sự của tác giả, một cách bộc bạch những tâm tư thầm kín pha nỗi u hoài nhuốm niềm u uẩn vốn đã tích tụ ẩn chứa trong anh từ những năm tháng điêu linh trên quê hương (mà Tam kỳ/Quán Rường là mảnh đất chịu nhiều bất hạnh) để những bậc thầy, cha, chú của anh, bạn bè, người thân, bạn văn của anh, người âm kẻ dương, người vai trên kẻ vai dưới, người đương thời người tiền bối, người chốn quê, nơi đất trích hiểu được tấm lòng của anh và với những bạn đọc - mà anh luôn trân trọng - hiểu được Thơ anh.

 

Tôi ít khi để cảm nhận và phê bình của các cây bút khác ảnh hưởng đến cảm xúc của mình khi bày tỏ những góp ý với các tập thơ tập truyện vừa ra mắt, chủ ý là để giữ sự suy nghĩ độc lập tránh sự trùng ý với người đi trước, nhưng lần này tôi đã làm trái ngược và thích thú gạn lọc vài nhận xét rất hay của mấy bạn văn và người thơ tác giả thân quen. Đây cũng là một biểu cảm tế nhị thể hiện mối giao lưu tác giả-độc giả, độc giả-độc giả thường thấy trong sinh hoạt văn học hải ngoại nhiều năm trở lại đây.

 

Tôi tâm đắc với Tô Đăng Khoa, có lẽ là người đã đọc bản thảo trước khi in và trở thành Lời bạt sau khi in. Ông viết rất tự tin do có những quan hệ gần gũi với tác giả (bài thơ đề tặng đầu tiên, tác giả đã dành cho ông) đã dẫn dắt tôi đồng cảm với nhiều nhận xét tinh tế, đặc biệt phần trích dẫn những vần thơ nguyên bản của Năm Chữ Ngàn Câu, tôi ngẫm lại sao có sự trùng hợp chi lạ với độc giả trình độ thẩm thơ còn hạn chế như tôi.Tôi chỉ bổ sung, còn nghĩa dân gian là làm ngơ trong khái niệm ‘mần thinh’, một thương hiệu mới của người-thích-mần-thơ.

 

Người thứ hai là nhà thơ Lê Giang Trần, ông đọc hộ và khái quát tài tình cả một phần tư số trang của tập thơ khi kết hợp nhuần nhuyễn bước chân thi nhân qua những chuyến đi thăm đi dạo một vòng nhân gian, tạm trích,

 

“Ông thăm mẹ, thăm con mình, thăm một số bằng hữu, thăm từ đường, thăm mộ ông năm sạn ở quán rường, chiều uống rượu với võ chân cửu ở bảo lộc, thăm sơn núi ở bảo lộc, trở lại đà lạt, gặp lại thi sỹ trần xuân kiêm ở sài gòn, trưa ở chùa linh ứng, đêm thả bộ một mình trên phố sông hàn, hát khẽ bên mồ (em trai), ông thổi kèn ma tháng tư, khuya ở ngả năm gò vấp, tặng cho em gái màu nắng cũ, tiễn biệt nhà văn nguyễn xuân hoàng… và ở trong một chiều-không-gian hay chiều-thời-gian nào đó, thi nhân tự cười lên tiếng hống của con sư tử...”

 

Có một ý chung nổi lên như một cảm nhận cốt lõi của cả ba nhà thơ (kiêm bạn đọc) là họ đều bàn nhiều về những bài thơ…Không Đề. Tôi cũng không là ngoại lệ và phần tôi xin biểu lộ theo hướng dưới đây.

 

***

 

Trước hết nói về Thơ, trong lời mở đầu mà thi nhân đã hạ mình dùng chữ Lời Thưa, Nguyễn Lương Vỵ đã tự hỏi,

 

“Thơ?

Câu hỏi đã từ rất lâu, không lời vọng lại hồi đáp

Câu trả lời vẫn còn im lắng, ngất xanh trong những giấc mộng dị thường

Thơ?

Tiếng nói trong trẻo trong veo nhất của Con Người trên trần gian này. Có phải như vậy chăng?”

 

Không dám chắc, câu hỏi bỏ lửng, câu trả lời còn đi trốn, nhưng anh cũng thử tạo ra một tiến trình hình thành cho thơ khá độc đáo,

 

“Âm sắc cất lên Tiếng Nói, thổi hồn vía vào Chữ, đọng lại, hòa âm, tan và bay đi thành Thơ,”

 

Và ta không thấy lạ khi tác phẩm đầu lấy tên Âm Vang Và Sắc Màu mở đường cho những tập thơ sau chỉ toàn Âm với … Âm (nhà thơ nữ Nguyễn Thị Khánh Minh có tặng tác giả bài thơ ĐỘC HÀNH tóm gọn những câu chữ của tác phẩm đã ấn hành và theo tôi có lẽ là một trong số ít bạn thơ họ hiểu nhau theo mối quan hệ Bá Nha -Tử Kỳ trong thơ văn).

 

Trong phần đầu của tập thơ, tác giả dùng những bài thơ như món quà tặng cho các bạn văn và người thân, tạm goi là những người dương. Phần sau như một chiêu niệm những người âm dưới dạng Phụ lục. Kẹp giữa là các chuyến đi như Lê Giang Trần khái quát. Bản lề khép mở phân chia cuốn sách là những bài thơ Không Đề dành cho các độc giả đánh cược với thơ. Phải nói là tập thơ này tôi đọc khá kỹ theo trình tự của mục lục, sẽ còn đọc lại theo ngẫu hứng từng bài và đây mới là cái thú khi thẩm thơ cho những độc giả ở tuổi về chiều.

 

Hình như thơ Nguyễn Lương Vỵ thiên về âm nhiều hơn dương, nhiều bài thật buồn và tôi hoàn toàn đồng thuận với cô tiểu thư, con gái anh,“thơ ba làm rất hay nhưng…buồn quá!”

 

Cả tập có độc một bài xuân, nhưng anh vui vì có mẹ, Nắng Xuân Phân như là con đò đưa anh về miền thơ ấu,

 

Mắt xa xăm mờ tỏ

Con về là Mẹ mừng

Nắng xuân phân rưng rưng

Vai gầy thêm tuổi hạc

Kể chuyện nữa đi Mẹ

Chuyện chi con cũng nghe

Chuyện chi mô rứa hè

Gịong Quảng Nôm giòn rụm…

 

Tứ Tấu Khúc Bên Thềm Nắng Cũ, bài thơ như một cuộc trò chuyện với cha, với chú nơi cõi âm đậm đà với âm với sắc,

 

Câu thơ níu lửa sinh linh

Chôn hết sắc màu

Chôn hết âm vang chiều lá mục

Tiếng kêu sương ủ kín vết thương tâm…

 

Nắng Dương Cầm, tưởng niệm Quỳnh Giao là một bài thơ thật hay được post lại trên nhiều trang mạng đọc hoài vẫn cứ rưng rưng,

 

Tháng bảy nắng dương cầm réo rắt

Ngón tay người nở một trời bông

Bông biêng biếc bông trắng ngần tâm tướng

Hạc vàng bay hay hồn người mênh mông… 

 

Trăm Năm Hàn Mặc Tử, được coi như một bài thơ chiêu niệm gồm đúng 100 câu năm chữ in lại trên tập thơ này, Nguyễn Lương Vỵ góp phần đưa nhà thơ tài hoa bạc phận lên hàng chân dung bất tử trong thi ca nhân kỷ niệm trăm năm ngày sanh của ông.

 

Khép lại phần Cảm nhận nhân đọc một tập thơ, người viết chọn Không Đề III, một chân dung tự họa của nhà thơ nhân tuổi 62,

 

Ngó lên thấy cái vút

Nhìn xuống gặp cái vù

Mừng ta ngày càng khù

Tiếng cu gù ướt nắng

Lời chiêm bao văng vẳng

Giọng em cười  trong veo

Suốt đời ta mang theo…

 

Và thực sự đi vào phần kết với Không Đề IX

 

Mần thơ như chết khát

Ực hết tình em trao

Nốc hết cõi chiêm bao

Nuốt hết đời oan nghiệt

Cho đến hơi thở cuối

Vẫn mần-thinh-mần-thơ…

 

Xin mời bạn đọc hãy cùng tôi ta tìm tập thơ để nhìn Hoa ổi và Vệt nắng bên hè tâm tình với người làm thơ ‘đến hơi thở cuối’.

 

Đỗ Xuân Tê

Calif., Tháng 1-2015

 

Ghi chú: Năm Chữ Ngàn Câu, tập thơ thứ 9 của Nguyễn Lương Vỵ, NXB SỐNG      California,12.2014. Giá bán: 18 USD.

 

Liên lạc NXB SỐNG:

15751 Brookhurst St., #225

Westminster, CA 92683

Tel: (714) 531-5362

Email: tuanbaosong@gmail.com

 

Với tác giả:

Vy Nguyen

P.O. Box 20022

Fountain Valley, CA 92728, USA

Email: luongvynguyen2@gmail.com

 

 


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Ngày xuân đi chùa, lễ Phật là một phong tục đẹp nhằm nâng cao tâm hồn con người và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ Phật ngày xuân còn để cảm nhận cái Chân-Thiện-Mỹ, khơi dậy tính Thiện, cảm nhận cái đẹp của cảnh xuân, cảnh chùa, hầu trở về bản tính thiện lương của con người. Đạo Phật và chùa chiền khắp thế giới nơi nào cũng có. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thờ Phật, xây đền, chùa thường theo một kiến trúc na ná nhau nhưng dân tộc nào cũng có pha trộn những nét đặc thù riêng". -- Nhà văn/ nhà báo Trịnh Thanh Thủy giới thiệu những ngôi chùa nổi tiếng vòng quanh thế giới. Xin mời độc giả Việt Báo đi theo bước chân phiêu lãng của chị.
Zion National Park, Lâm viên Quốc gia, tọa lạc tại vùng Nam tiểu bang Utah, là một thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Mời bạn đọc theo bước chân của nhà văn/nhà báo Trịnh Thanh Thủy đến thăm miền đất với thiên nhiên hùng vĩ này.
Mọi thứ xuất hiện trên thế gian này đều mang theo nó bản chất tương đối, hay nói theo khái niệm triết học là một thực thể luôn luôn có hai mặt: nên và hư, tốt và xấu, lợi và hại, v.v… Cái dễ thấy nhất là đồ nhựa. Lúc đầu ai cũng thấy đồ nhựa rất tiện lợi cho việc sử dụng hàng ngày. Nhưng ngày nay, đồ nhựa sau khi được dùng rồi bỏ đi thành rác lại gây ra tai họa cho môi trường, cho các sinh vật trên trái đất trong đó có loài người.
Riêng mùa Tạ Ơn năm nay, anh H. đặc biệt muốn hướng lòng biết ơn của mình đến với một biểu tượng của đức tin. Anh H. đã đến tạ ơn Đức Mẹ Long Beach.
Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California. Họa sĩ Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên. Ông học vẽ năm 1952
Năm 2008, trong chuyến về Việt Nam ngày mùng 4 Tết, gia đình tôi tổ chức du lịch thăm Tứ Động Tâm tại Ấn Độ.
Chiều Thứ Sáu ngày 8 tháng 11/2019, mình hành hương chùa Kim Các Tự, ngôi chùa quen thuộc với người học văn ở Sài Gòn thời xa xưa.
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, bậc cao tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, một trong những nhà lãnh đạo khai sáng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào đầu năm 1964, cũng là nhà phiên dịch và trước tác về Kinh, Luật, Luận và nhiều thể tài Phật Giáo, đã viên tịch tại Chùa Từ Đàm, thành phố Huế, vào lúc 9 giờ 45 phút tối ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), thọ thế 97 năm, theo Thông Báo của Hòa Thượng Thích Hải Ấn, Trú Trì Chùa Từ Đàm, Huế, cho biết vào sáng Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019.
Hôm Thứ Sáu ngày 8 tháng 11/2019, mình hành hương ngôi chùa nhiều kỷ lục thế giới: Todai-ji tức Đông Đại Tự, xây từ thế kỷ thứ 8 theo lệnh Nhật Hoàng để cầu nguyện đất nước bình an.
Thứ Ba, ngày 5 tháng 11/2019, mình thăm chùa Senso-ji, thờ Đức Quan Thế Âm, tại Tokyo, Nhật Bản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.