Hôm nay,  

Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975

09/12/201400:00:00(Xem: 6054)

LITTLE SAIGON.- Trong 2 ngày 6-7/12/2014, nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo kết hợp với 2 trang mạng văn học là Da Màu và Tiền Vệ đã tổ chức một cuộc hội thảo khá quy mô với 16 diễn giả nói về các đề tài trong phạm vi văn học miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.

Ngày đầu tiên (6/12/14) được tổ chức tại phòng hội của báo Người Việt bắt đầu lúc 10:00 sáng. Mở đầu bằng nghi thức chào cờ VNCH và phần mặc niệm tưởng nhớ các văn nghệ sĩ đã mất, đặc biệt những người mất trong các trại cải tạo sau năm 1975. Sau đó LS. Phan Huy Đạt, Chủ Nhiệm báo Người Việt tuyên bố khai mạc, chào mừng quan khách.

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, người điều hợp chương trình buổi sáng, giới thiệu diễn giả đầu tiên của chương trình là nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, đề tài thuyết trình của ông hôm nay là:

“Văn học miền Nam 1954-1975 trong tiến trình hiện đại hoá của văn học dân tộc”.

Tiểu sử: Nguyễn Hưng Quốc tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn vượt biên khỏi Việt Nam năm 1985, đầu tiên sang Pháp, sau đó định cư tại Úc từ năm 1991. Khi còn ở Việt Nam, ông đã tốt nghiệp ngành sư phạm tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó lấy bằng tiến sĩ văn học tại đại học Victoria, Úc. Tại đại học Victoria, ông giảng dạy về ngôn ngữ, văn học, văn hóa và chiến tranh Việt Nam. Tuấn là chủ bút tạp chí Việt (1998-2001), hiện thời đồng chủ bút trang Tiền Vệ (2002).

Ngoài ra ông còn hợp tác với một số tạp chí văn học hải ngoại như Văn, Văn Học, Hợp Lưu.v.v. và có trang blog Nguyễn Hưng Quốc trên trang mạng VOA tiếng Việt bình luận về chính trị. Ông đã xuất bản trên 10 cuốn sách, hầu hết là phê bình văn học VN.

Nguyễn Hưng Quốc mở đầu phần thuyết trình của ông là:“Tổng quan văn học miền Nam 1954-1975”. Ông cho rằng: “Văn học miền Nam (VHMN) từ 54-75 là một trong những nền văn học bất hạnh nhất trong lịch sử văn học Việt Nam” vì sau khi CS xâm chiếm miền Nam, họ không thừa nhận nền văn học này nên đã tịch thu, phá hủy tất cả những tác phẩm đã in ra của miền Nam trước năm 75. Tuy nhiên VHMN vẫn được tồn tại là nhờ CĐVN ở hải ngoại liên tục in lại. Theo ông VHMN là một nền văn học lớn và lớn ở nhiều khía cạnh, từ sáng tác, nghiên cứu phê bình, dịch thuật cho đến những nhà văn tiêu biểu, những người có công khai phá kỹ thuật mới lạ, phong cách hay và độc đáo nếu đem so sánh với văn học miền Bắc trong cùng thời kỳ, dựa trên quan niệm mỹ học. Ông cũng nói thêm rằng VHMN thời kỳ 54-75 chẳng những đa dạng hơn VHMB cùng thời kỳ mà còn đa dạng hơn văn học VN thời 30-45.

blank
Trong Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975.

Ba tính chất trong VHMN được nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đưa ra, dùng nhiều văn, thơ của các tác giả như Võ Phiến, Nhã Ca, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng… để dẫn giải tỉ mỉ là:

1/ Tính hiện thực, tính lảng mạn.

2/ Phát triển nhân văn.

3/ Sự đa dạng.

Song song với lời ca ngợi những điều tốt đẹp của VHMN, Nguyễn Hưng Quốc cũng đưa ra nhiều chỉ trích nền văn học miền Bắc. “Nó hoàn toàn xóa sạch cái tôi cá nhân chủ nghĩa, nó nhắm đến cái chung.Toàn bộ văn xuôi ở miền Bắc từ 54-75 đều tập trung đến hai đề tài lớn là tổ quốc và XHCN. Trong đó người ta ca tụng thành công của CNXH, con đường xây dựng CHXH.”.

Kế tiếp là phần thuyết trình của nhà Phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc với đề tài: Văn học miền Nam, 1954-1975: Phẩm tính và ý nghĩa

Tiểu sử: Sinh năm 1953 tại Hà Nội, dạy Pháp văn và Việt văn ở Sài Gòn cho đến 1977. Sống ở Mỹ từ 1978. Dạy học và làm việc trong ngành Tâm lý – xã hội trong vòng 25 năm trở lại đây. Hiện dạy Anh văn cũng như Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam tại California State University, Fullerton và Golden West College.

Viết lý luận phê bình văn học từ 1982.

Tác phẩm chính (đã xuất bản tại Mỹ):

* Trịnh Công Sơn: ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (2005)

* Lý luận và phê bình: Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước (1975 – 1995)

* 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975- 1995 (Viết chung, 1995)

* Tuyển tập truyện ngắn hai mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975 – 1995 (Viết chung, 1995)

Theo Bùi Vĩnh Phúc: Bốn phẩm tính nổi bật của VHMN 54-75 là:

Một nền văn học phát triển liên tục từ thời tiền chiến.

Một nền văn học mang tính liên thông với thế giới.

Một nền văn học mang tính nhân bản và nhân văn.

Một nền văn học khai phóng, đa sắc và đa dạng.

Sự diễn giải 4 phẩm tính này của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc tuy không mới lạ gì nhưng đây là kết quả của một suy nghĩ, nhận xét rất logic. Ông dùng 4 phẩm tính của nền VHMN để chỉ ra một thành tựu, đóng góp của văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20. Tuy chỉ trong 20 năm nhưng sự tồn tại của nó rất quan trọng. Nó chia sẻ thân phận, tình cảm của con người, gần gũi với nền văn học thế giới. Và,trong thời gian nầy, miền Bắc cũng có một nền văn học riêng mà giá trị của nó chỉ nằm trong một cái khung kiểm soát về văn hóa và tư tưởng để tô hồng cuộc chiến với miền Nam, ngợi ca chủ nghĩa CS.

Ông cho rằng nền văn học đó đã tự chặn đứt nhịp cầu nối tiếp với nhân loại. Trong tất cả những tài liệu nghiên cứu văn học của miền Bắc hoàn toàn không nhắc đến VHMN, tình trạng này vẫn còn kéo dài từ sau 1975 đến hiện giờ.

Một câu hỏi từ cử tọa cho ông là:” Theo ông giữa nền văn học hai miền trong thời gian này có gặp nhau điểm nào không?”. Nhà Phê bình Bùi Vĩnh Phúc cho là: “Không, nhưng nếu là có thì chỉ ở chỗ là nền văn học hai miền đều vị quốc. Nhưng, miền Bắc thì dược đảng chỉ đạo, tô hồng cuộc chiến, che mất nhân văn con người. Còn miền Nam thì bảo vệ đất nước, tôn trọng tự do, cá nhân con người.”

Diễn giả thứ ba cũng là diễn giả cuối của buổi sáng trước khi nghỉ trưa là nhà văn Trần Doãn Nho với chủ đề là: “Tính văn học trong văn học miền Nam”.

Tiểu sử:

Tên thật Trần Hữu Thục

Sinh năm 1945, Huế.,

bút hiệu Trần Doãn Nho và Thế Quân.

Học ở Huế và Sài Gòn. Tốt nghiệp đại học, ngành Triết.

Trước 1975, viết văn viết báo, đi lính, dạy học. Cộng tác với các tạp chí văn học Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện.

Sau tháng 4/1975, ở tù cho đến năm 1981. Năm 1993, định cư tại Hoa Kỳ,cộng tác với nhiều tạp chí văn học và website hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Gió Văn, Talawas, Gió O.

Các tác phẩm đã xuất bản:

Vết xước đầu đời,tập truyện ngắn,Thanh Văn 1995

Căn phòng thao thức,tập truyện ngắn, Thanh Văn 1997

Viết và Đọc,tiểu luận văn học, 1999

Loanh quanh những nẻo đường, ký và tùy bút, Văn Mới 2000

Dặm trường, truyện dài, 2001

Tác giả tác phẩm và sự kiện, tiểu luận văn học, Văn Mới, 2005

Từ ảo đến thực, tạp bút, 2006.

blank
Trong Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975.

Dẫn giải một số thơ văn của các tác giả miền Nam trong giai đoạn 54-75, Nhà văn Trần Doãn Nho bác bỏ “ văn học đô thị” mà miền Bắc đã gọi tên VHMN, nhằm để giảm thiểu rất nhiều tính đa dạng của NHMN. Theo ông, VHMN là một kính vạn hoa, soi rọi từng ngóc ngách của cuộc sống, nó không thể bị điều khiển bỡi bất kỳ chính quyền nào, nó nhu một con chim, một dòng sông nên tồn tại bỡ chính nội lực của nó. Nó là một rừng hoa bạt ngàn với nhiều xu hướng khác nhau. VHMN có tính kế thừa nền văn học tiền chiến. Ngoài ra nó có đầy đủ tính hiện đại, tính nhân bản, Tính hiện thực và bi kịch. Bi kịch nằm trong cuộc sống cá nhân, trắc trở giàu nghèo, xa cha me, vợ chồng. Và nhất là do đất nước chiến tranh. Tính bi kịch này dần dà, trở thành “một câu hỏi lớn về thân phận của con người trong chiến tranh là sự thao thức trong từng tác phẩm.”

Về phần tác giả, ông nói: Đối với họ, là nhà văn hay nhà thơ chính là một lựa chọn tự do. Viết lên những gì mình muốn viết mà không sợ một thế lực nào chính là hành động biểu hiện sự tự do.

Chủ tọa cho hội luận buổi chiều là nhà phê bình Đinh Từ Bích Thúy và nhà văn Phùng Nguyễn, hai cây bút của trang mạng Da Màu. Và, Diễn giả đầu tiên là nhà thơ Du Tử Lê với chủ đề: “Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm văn học miền Nam”

Tiểu sử

Ông sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.

Cựu sĩ quan QL VNCH, cựu phóng viên chiến trường, Năm 1973 được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972.

Cho tới hôm nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996)[1]. Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu.

Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần "Thế kỉ 20: thi ca Việt Nam" khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).

Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.

Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Đã xuất bản 61 tác phẩm.

Theo nhà thơ Du Tử Lê những cá nhân làm nên dòng VHMN chia thành 3 thành phần chính:

- Thành phần thứ nhất: Những nhà văn, nhà thơ gốc miền Bắc.

- Thành phần thứ hai: Những nhà văn, nhà thơ gốc miền trung.

- Thành phần thứ ba: Những nhà văn nhà thơ gốc Nam bộ.

Vì đất nước chiến tranh, hầu như thanh niên đều phải đi lính, ngoại trừ mộtsốhoản dịch vì lý do gia cảnh hay nghề nghiệp. Nhà văn, nhà thơ cũng không ngoại lệ. Và, tuy trong quân đội nhưng về phương diện sinh hoạt văn chương, ông chia họ ra hai thành phần:

- Thành phần thứ nhất là thành phần tiếp tục theo đuổi văn chương mà họ đã chọn như: Tạ Tỵ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…

- Thành phần thứ hai là những người cầm bút chọn viết về đời quân ngũ như: Văn Quang, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam…

Nhưng dù là thành phần nào thì không một ai bị bắt buộc viết theo nhu cầu từ thượng cấp. Ông đưa ra 9 đặc thù của 20 năm VHMN:

1/ Tính tự do

2/ Tính nhân bản: trong những tác phẩm văn chương không có tính chất hận thù, sắt máu như văn chương miền Bắc. Tính nhân bản này được Giáo sư Neil L. Jamieson (đại học Geogre Mason, VA) ca ngợi qua cuốn Understanding VietNam. Ngay cả tác giả thiên tả là Jean Claude Pomonti cũng đã xiển dương khía cạnh này trong cuốn La Rage deetre Vietnamien.

3/ Những cái “Tôi” được phô bày trần trụi. Người đọc thấy rất nhiều cái “Tôi” dị hợm, xấu xí, hèn nhát được phê bày trực tiếp. thậm chí tình cảm riêng tư của chính tác giả cũng đem ra phơi bày trong thi ca.

4/ Sự tự phát nhà Xuất Bản do các nhà thơ, nhà văn chủ trương.

5/.Song song với dòng chảy văn chương miền Bắc và Trung thì dòng văn chương vủa các cây viết niền Nam, viết bằng ngôn ngữ đặc thù miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Sơn nam, Bà Tùng Long.

6/ Sự xuất hiện rực rỡ của những nhà văn nữ. Đặc biệt hơn nữa là có một số đông đưa tình dục vào tác phẩm.


7/ Sự thay đổi cách viết. ông đưa thí dụ về cách chấm câu của một số các nhà văn đã thay đổi cách viết.

8/Tiếp nhận và khai triển các trào lưu văn chương trên thế giới: Thơ tự do, xu hướng Hiện sinh, văn chương mới…

9/ Đả kích tôn giáo: Một số nhà văn nhà thơ đã vượt qua cái vòng “Taboo”(cấm kỵ) là vấn đề tôn giáo. Nhà văn điển hình mạnh mẽ là Thế Nguyên.

Kết thúc, nhà thơ Du Tử Lê “nhấn mạnh” rằng Có thể 20 năm VHMN còn nhiều đặc thù khác nhưng khả năng ông có giới hạn, hy vọng có sự tiếp sức của người khác.

blank
Trong Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975.

Phần trình bày tiếp theo là của Nhà văn, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn với chủ đề:

“Ảnh hưởng của Tây phương trong văn học miền Nam”.

Tiểu sử: Sinh năm 1956 tại Nha Trang. Nguyên chủ bút tạp chí Tập Họp (1987-1989). Nguyên phụ tá chủ bút tạp chí Việt (1998-2001); Hiện đồng chủ bút trang Tiền Vệ. Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc và văn chương; đồng thời là nghệ sĩ trình tấu guitar, diễn viên sân khấu, kịch tác gia, và dịch giả. Hiện sống tại Úc. Từ năm 2004 cho đến nay, là thành viên của Uỷ Ban Văn Chương và Lịch Sử, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales. Từ năm 2005, kiêm nhiệm trách vụ thành viên của Uỷ Ban Sách Lược Phát Triển Nghệ Thuật Miền Tây Sydney, cũng thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales.

Đã xuất bản: Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết (California: Văn Nghệ, 2001); Time & Destiny [phê bình mỹ thuật] (Sydney: The University of Sydney, 2002); In-Between 1.5 Generation [dịch và biên tập cùng với Carmel Killin and Dunja Katalinic] (Sydney: Casula Powerhouse Arts Centre, 2000); The Bridge: Anthology of Vietnamese Australian Writing [biên tập và giới thiệu] (Sydney: Casula Powerhouse Arts Centre, 2004); From the Editors: Migrant Communities and Emerging Australian Literature [tiểu luận in chung với Jose Wendell P. Capili, Sumana Viravong, và Noonee Doronila; do Jose Wendell P. Capili biên tập] (Sydney: Casula Powerhouse Arts Centre, 2007).

Ông Hoàng Ngọc Tuấn nhận định rằng sự ảnh hưởng Tây phương có nhiều giá trị tích cực, thể hiện qua cả lối viết và ý tưởng, trong tác phẩm thơ văn cũng như trong phê bình văn học cho nền VHMN. Những ảnh hưởng ấy “đến từ rất nhiều học thuyết và trường phái khác nhau của văn học và triết học Âu-Mỹ.”

Nhưng vẫn có một số phản đối củanhững người bảo thủ hoặc mang thành kiến văn hóa. Ông khẳng định rằng, một con người, một đất nước tự tin, vững mạnh thì không lo sợ gì sự ảnh hưởng từ mọi nơi trên thế giới. Các nhà cầm bút có sự tự tin và tài năng thì họ có thể tiếp nhậnmọi ảnh hưởng và biến chúng thành những nét mới trong tác phẩm của mình. Như trường hợp danh họa Picasso đã tự nhận mình ảnh hưởng tranh vẽ của Phi châu, và, chính ông đã hòa hợp, biến đổi nó để trở thành một lối vẽ đã ảnh hưởng cả nền hội họa trên thế giới.

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã đi đến kết luận là, chính sự thân hóa này đã mang đến rất nhiều tác phẩm có giá trị, giúp cho nền VHMN tự do, đi trước văn học miền Bắc XHCN nhiều thập kỷ.

Phần hội thảo tiếp tục với nhà văn Phạm Phú Minh nói về đề tài tuy không thuộc về văn chương nhưng lại có mật thiết đến văn học:

“Tình hình xuất bản và phát hành tại miền Nam 1954-1975”

Tiểu sử: Phạm Phú Minh, sinh năm 1940, bút hiệu Phạm Xuân Đài, người làng Đông Bàn, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Sư Phạm ban Triết học tại Viện Đại Học Đà Lạt. Tốt nghiệp Sư Phạm năm 1964.

Dạy học và hoạt động thanh niên. Từ năm 1966 làm việc trong Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS) của bộ Giáo Dục. Biệt phái sang Phủ Tổng Ủy Dân Vận năm 1973. Từ 1975 đi tù cải tạo, ở các trại Long Thành, Thanh Cẩm (Thanh Hóa) và Xuân Lộc. Ra khỏi tù năm 1988.

Đi tị nạn tại Mỹ cuối năm 1992. Từ 1993 đến 2007 làm việc với tạp chí Thế Kỷ 21 trong các nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn, Chủ nhiệm và Chủ bút.

Hiện là Chủ bút tạp chí online Diễn Đàn Thế Kỷ (diendantheky.net).

Đã xuất bản: Hà Nội Trong Mắt Tôi (tùy bút, 1994).

Theo nhà văn, nhà giáo Phạm Phú Minh: 20 năm VHMN đã tạo được một truyền thống cho việc in ấn, xuất bản, công việc này trước 1975 hoàn toàn là hoạt động của tư nhân. Thời gian 1954-1975 muốn xuất bản sách báo thì phải qua kiểm duyệt. Ông đã dùng slide để chiếu cho cử tọa xem bản thảo của nhà thơ Tạ Ký nạp kiểm duyệt năm 1961. Từng trang sách được thông qua hay bị đục bỏ có đóng dấu và ký tên của người hữu trách. Sau khi kiểm duyệt xong thì công việc xuất bản hoàn toàn theo các quy luật thị trường, có nghĩa là sách hay thì bán chạy hoặc ngược lại.

Trong 20 năm, miền năm đã có được 2500 nhà bán sách và 3000 tiệm cho thuê sách. Ông không đồng ý với ý kiến của một số người cho rằng sự xuất hiện của các tiệm cho thuê sách là giết đi việc xuất bản sách mà cho rằng: “ với 3000 tiệm cho thuê như vậy thì mỗi cuốn sách in ra sẽ bán ít nhất là 3000 cuốn, một con số không nhỏ !

Một hình thức xuất bản khác mang tính điển hình cho giai đoạn này mà ông cho là sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến, đó là các tiểu thuyết “feuilleton” trên báo hàng ngày. Đây là dạng những tiểu thuyết dài, đăng nhiều kỳ trên báo. Truyền thống này, theo nhà văn Phạm Phú Minh, đã được giữ mãi trong báo chí miền Nam, ngày càng phong phú và đa dạng cho đến 30 tháng Tư, 1975.

Để kết thúc, ông khẳng định: “Sách viết ra mà không có nhà xuất bản coi sóc, in ấn, không có nhà phát hành phân phối để tới tay người dân mua về đọc và thưởng thức, thì coi như cuốn sách đó chưa hiện hữu trong đời sống của một quốc gia, của một cộng đồng,”.

Nhà văn nữ xuất hiện đầu tiên trong buổi hội thảo là Trịnh Thanh Thủy với đề tài: “Ý thức nữ quyền trong tác phẩm của các nhà văn nữ từ 1954 đến 1975”.

blank
Trong Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975.

Nhà văn Trịnh Thanh Thủy.

Tiểu sử: Sinh quán Gia Định. Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ. Cộng tác với Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Người Việt hải ngoại, Việt Báo, Trẻ, Khoa Học dot net, Hoa Đàm, Việt tide, Viễn Đông, Chim Việt Cành Nam, Tiền vệ, Da Màu.

Tác phẩm: Giữa L và C, Tập thơ in chung với Đinh Trường Chinh và Nguyễn Tư Phương.

Mở đầu nhà văn Trịnh Thanh Thủy cho biết: “ Giải Nobel Hoà Bình năm nay được trao cho hai người, một Ấn Độ và một Pakistan. Họ đều là các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Người thứ nhất, Ông Kailash Satyarthi là một kỹ sư điện Ấn Độ, 60 tuổi, từng đấu tranh hỗ trợ cho các trẻ em và phụ nữ, những người làm việc tại các nhà máy Ấn Độ như những kẻ nô lê. Họ bị bóc lột sức lao động và là nạn nhân của bạo lực cũng như tấn công tình dục.

Người thứ hai, Malala Yousafzai là một cô gái người Pakistan, 17 tuổi, người trẻ nhất của lịch sử giải Nobel trong hơn một trăm năm vừa qua. Năm 16 tuổi, cô bị một nhóm người Taliban nả súng vào đầu cũng chỉ vì cô đấu tranh cho 31 triệu bé gái trên thế giới được đi học. Họ tưởng đã làm cô bặt tiếng nhưng họ đã lầm. Cô vẫn sống như một phép lạ. Và từ sự im lặng đó hàng nghìn tiếng nói khác đã cất lên, những sức sống mãnh liệt đầy dũng cảm được ra đời.”

Từ vấn đề này, Nhà văn Trịnh Thanh Thủy đưa một cái nhìn trở lại thời kỳ 54-75, ý thức nữ quyền ảnh hưởng thế nào trong tác phẩm của các nhà văn nữ. Bà cho là: “ Những người nữ đã bắt đầu biết sử dụng ngòi viết của mình để bày tỏ lập trường cá nhân. Họ viết và tư duy như một phụ nữ. Ý thức nữ quyền khiến họ nói lên được những quan điểm riêng, và xác định được vị thế cũng như cung cách sống của mình trong xã hội.”, Và “…Họ,tìm kiếm tự do, cố gắng thoát khỏi sự bao vây nhận chìm của cấu trúc quyền lực truyền thống có tính cách bộ tộc, và cả văn hoá Khổng-Nho.

Họ, không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh. Đó là một quan niệm nghệ thuật về con người là sinh vật cô đơn trong một thế giới phi lý..”. Bà diễn giả I, phân tích những tác phẩm của các nhà văn nữ như: Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ… để minh chứng cho lý luận của mình.

Cuối cùng bà đưa ra nhận xét:” Sự có mặt của các nhà văn nữ miền Nam VN từ thập niên 54 tới 75 tựa như sự hiện diện của những bông hoa rực rỡ, toả ra một mùi xạ hương rất âm tính, trong khu vườn văn học. Ý thức nữ quyền khi tiềm tàng, lúc sáng chói đã khiến người phụ nữ phải cầm viết. Chính vì văn chương cũng là một vũ khí quan trọng trong công cuộc giải phóng chính mình và giải phóng cho nữ giới nói chung.”

Phần ý kiến của cử tọa cho bài nói chuyện của nhà văn Trịnh Thanh Thủy có lẽ là sôi nổi nhất trong buổi hội thảo hôm nay.

Cuối chương trình ngày đầu của cuộc hội thảo là bài nói chuyện của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng với chủ đề: “Thơ nhân chứng: Ngọn lửa cuối cùng của tự do”

Tiểu sử: Nguyễn Đức Tùng là một Bác sĩ – Nhà văn hiện sống ở Canada. Anh chữa bệnh, làm thơ và viết nghiên cứu phê bình văn học.

Đã xuất bản: Thơ đến từ đâu. Sách phỏng vấn 25 nhà thơ.

Nhà thơ Nguyễn Đúc Tùng đã mở đầu cho bài nói chuyện của mình như sau: “Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt thơ có thể làm được gì?”

“Đói khát, chiến tranh, tù đày, vượt biên, tra tấn. cực điểm của lịch sử, tận cùng của số phận và nhân phẩm. Suốt 20 năm, 1954-1975, thơ miền Nam hào hứng mở đường, mê mải làm mới ngôn ngữ, trong khi tạo ra những giá trị không ai có thể nghi ngờ trong gia tài nghệ thuật chung của đất nước, tạo nên một trong những nền thơ lớn nhất của dân tộc nửa sau của thế kỷ XX, thì nó cố tình bỏ quên một điều.

Giữa một không khí tự do, bỡ ngỡ, đầy cảm hứng, nhưng tự phát, nền văn học 20 năm ấy, trong khi không ngớt lo âu vì thời cuộc, chiến tranh, thân phận, đã phát triển dựa trên một giả định có tính bắt buộc, rằng những điều kiện tự do sáng tạo của nó lâu dài, vĩnh viễn. Chính là dựa trên giả định ấy mà giá trị căn bản của VHMN đã được thiết lập.”

Trong bài nói chuyện của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, ông chú trọng đến khái niệm về thơ:”Giữa thơ trữ tình và chính trị có sự xung khắc lâu dài”; “ Tiếng nói nhà thơ là đơn độc, vì điều kiện sống tản mát, vì họ không có thói quen tập họp lại. Sức mạnh và điểm yếu văn chương của văn chương nằm ở đây”. Đi xa hơn nữa, ông cho rằng: “ Thơ nhân chứng không phải là một bút pháp, mà là một khuynh hướng. Bút pháp của thơ giai đoạn này hầu hết là trữ tình. Vì vậy có thể nói đây là thơ trữ tình nhân chứng.”

Và để kết luận, ông viết: “ Thơ nhân chứng chống lại sự hành hạ con người, chống lại khổ đau tăm tối, gợi lên lòng can đảm. Truyền đi cho các thế hệ sau ánh sáng của những ngọn lửa cuối cùng của nó, và vì thế, tất nhiên, không phải là cuối cùng; chúng trở lại. Có ai trong chúng ta cũng muốn ngồi xuống quanh ngọn lửa ấy không?

Hết hội thảo ngày thứ nhất (6/12/14).

Còn tiếp ngày hội thảo thứ nhì (7/12/14)

Đặng Phú Phong

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Ngày xuân đi chùa, lễ Phật là một phong tục đẹp nhằm nâng cao tâm hồn con người và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ Phật ngày xuân còn để cảm nhận cái Chân-Thiện-Mỹ, khơi dậy tính Thiện, cảm nhận cái đẹp của cảnh xuân, cảnh chùa, hầu trở về bản tính thiện lương của con người. Đạo Phật và chùa chiền khắp thế giới nơi nào cũng có. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thờ Phật, xây đền, chùa thường theo một kiến trúc na ná nhau nhưng dân tộc nào cũng có pha trộn những nét đặc thù riêng". -- Nhà văn/ nhà báo Trịnh Thanh Thủy giới thiệu những ngôi chùa nổi tiếng vòng quanh thế giới. Xin mời độc giả Việt Báo đi theo bước chân phiêu lãng của chị.
Zion National Park, Lâm viên Quốc gia, tọa lạc tại vùng Nam tiểu bang Utah, là một thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Mời bạn đọc theo bước chân của nhà văn/nhà báo Trịnh Thanh Thủy đến thăm miền đất với thiên nhiên hùng vĩ này.
Mọi thứ xuất hiện trên thế gian này đều mang theo nó bản chất tương đối, hay nói theo khái niệm triết học là một thực thể luôn luôn có hai mặt: nên và hư, tốt và xấu, lợi và hại, v.v… Cái dễ thấy nhất là đồ nhựa. Lúc đầu ai cũng thấy đồ nhựa rất tiện lợi cho việc sử dụng hàng ngày. Nhưng ngày nay, đồ nhựa sau khi được dùng rồi bỏ đi thành rác lại gây ra tai họa cho môi trường, cho các sinh vật trên trái đất trong đó có loài người.
Riêng mùa Tạ Ơn năm nay, anh H. đặc biệt muốn hướng lòng biết ơn của mình đến với một biểu tượng của đức tin. Anh H. đã đến tạ ơn Đức Mẹ Long Beach.
Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California. Họa sĩ Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên. Ông học vẽ năm 1952
Năm 2008, trong chuyến về Việt Nam ngày mùng 4 Tết, gia đình tôi tổ chức du lịch thăm Tứ Động Tâm tại Ấn Độ.
Chiều Thứ Sáu ngày 8 tháng 11/2019, mình hành hương chùa Kim Các Tự, ngôi chùa quen thuộc với người học văn ở Sài Gòn thời xa xưa.
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, bậc cao tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, một trong những nhà lãnh đạo khai sáng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào đầu năm 1964, cũng là nhà phiên dịch và trước tác về Kinh, Luật, Luận và nhiều thể tài Phật Giáo, đã viên tịch tại Chùa Từ Đàm, thành phố Huế, vào lúc 9 giờ 45 phút tối ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), thọ thế 97 năm, theo Thông Báo của Hòa Thượng Thích Hải Ấn, Trú Trì Chùa Từ Đàm, Huế, cho biết vào sáng Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019.
Hôm Thứ Sáu ngày 8 tháng 11/2019, mình hành hương ngôi chùa nhiều kỷ lục thế giới: Todai-ji tức Đông Đại Tự, xây từ thế kỷ thứ 8 theo lệnh Nhật Hoàng để cầu nguyện đất nước bình an.
Thứ Ba, ngày 5 tháng 11/2019, mình thăm chùa Senso-ji, thờ Đức Quan Thế Âm, tại Tokyo, Nhật Bản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.