Hôm nay,  

Mì Gói Gốc Ngoại Sản Xuất Trong Nước Chiếm Ưu Thế Lớn

19/05/201300:00:00(Xem: 8437)
SAIGON -- Xưa nay, mì ăn liền vốn là món ăn rất phổ biến đối với đại đa số người Việt. Ngày trước thì chỉ một dạng mì gói, ngày nay có thêm dạng mì ly, mì tô…, mì ăn liền không chỉ phổ biến ở quán vỉa hè, quán điểm tâm, mà còn len lỏi vào thực đơn nhà hàng, thậm chí nhiều đại lý internet cũng bán thêm “mì gói nước sôi”. Nhiều người còn có thói quen tích trữ mì gói để phòng khi cần kíp.

Theo một bài viết trên báo Thanh Niên, Hiệp hội Mì ăn liền thế giới đã công bố trong năm 2012 VN xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền với sản lượng gần 5,1 tỉ gói/ly. Tính bình quân thì mỗi người VN ăn 57 gói/ly trong một năm.

Thống kê trên phản ánh khá đúng thị trường mì ăn liền trong nước. Chỉ ghi nhận tại các siêu thị, cũng luôn bày bán đến hàng trăm chủng loại, từ mì gói đến mì ly, mì tô, giá cả cũng đa dạng, từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/gói hoặc ly… Đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết có tổng cộng khoảng 60 nhãn hiệu mì/bún ăn liền đang có mặt tại siêu thị, giá thấp nhất 2,900 đồng/gói và cao nhất 30,300 đồng/tô. Ngoài các loại mì sản xuất tại VN, thị trường còn kinh doanh nhiều loại mì nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc.
vb_instant_noodle_mi_goi
Trên thị trường có khoảng 60 nhãn hiệu mì/bún ăn liền vừa nội vừa ngoại, chia thành hàng trăm chủng loại khác nhau. (Photo VB)

Báo Thanh Niên cho biết theo thống kê Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, dù thị trường có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất nhưng chủ yếu tập trung vào các "ông lớn": đang dẫn đầu là các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản, mặt hàng chủ lực là mì Hảo Hảo và mì Kim Chi heo/tôm) với khoảng 50% thị phần; thứ hai là Asia Foods (nổi tiếng với mì Gấu Đỏ) chiếm hơn 20% thị phần và thứ ba là Masan (nổi tiếng có nhãn mì Omachi). Thị phần rất nhỏ còn lại chia đều cho các doanh nghiệp cả mới lẫn cũ, trong nước và nước ngoài. Trong số đó, nổi trội và có tiềm năng là các doanh nghiệp: Saigon VeWon (gốc Đài Loan, sản xuất tại VN có mì A One khá nổi tiếng) và 2 doanh nghiệp nội là Miliket và Vifon (nổi tiếng từ khá lâu với nhãn mì Gà Tím).

Báo Thanh Niên ghi nhận là sức hút của thị trường mì ăn liền là điều tất yếu khi doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này liên tục tăng 10-30% mỗi năm. Cụ thể, năm 2011, doanh thu của Acecook tăng 30%. Thương hiệu mì Shin Ramyun của Công ty Nong Shim (Hàn Quốc) tăng từ 27-35% mỗi năm, kể từ năm 2005 đến nay. Đó là lý do mặc dù trong nước đã có khoảng 50 doanh nghiệp mì ăn liền nhưng mỗi năm đều xuất hiện thêm nhà đầu tư mới, trong số đó có cả giới chủ VN.

Như báo Thanh Niên đưa tin, nếu không có gì thay đổi, vào tháng 6 tới, mì ăn liền Kinh Đô sẽ có mặt trên thị trường. Ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Kinh Đô, phân tích: “Do ra sau nên Kinh Đô sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tầm cỡ, mà sẽ nhắm vào những phân khúc nhỏ hơn. Hiện nay, thị trường mì gói tại miền Nam trị giá khoảng 2 tỉ USD/năm, do vậy Kinh Đô vẫn còn nhiều khoảng trống để phát triển”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.