Hôm nay,  

Công Binh Vnch: Nhâm Thìn 1952-giáp Thìn 1964

05/02/200000:00:00(Xem: 8989)
Trong loạt bài giới thiệu các quân, binh chủng của QL.VNCH, chúng tôi đã lược trình chiến sử của quân chủng Không quân, Hải quân, Thiết giáp, Pháo binh, Lực lượng Đặc biệt, và một số đơn vị thuộc binh chủng Nhảy Dù, Thủy quân Lục chiến Biệt động quân... Trong số báo Tân Niên mừng Xuân Canh Thìn, VB giới thiệu đến bạn đọc bài tổng hợp chiến sử của binh chủng Công binh từ khi chính thức hoạt động vào đầu năm Nhâm Thìn 1952 đến thời kỳ phát triển vào năm Giáp Thìn 1964. Bài viết này được biên soạn dựa theo tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5 bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH, một số bài viết trong các đặc san của Công Binh:

* Công binh Quân đội Quốc gia Việt Nam:
Ngành Công binh Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập từ tháng 9/1951 với một số đơn vị đầu tiên, nhưng chính thức hoạt động và tham gia các cuộc hành quân từ năm 1952. Trong tiến trình hình thành và phát triển của binh chủng này, thì ngành Công binh với ngành Công thự tạo tác là hai ngành riêng trong giai đoạn đầu.

Trong giai đoạn sơ khởi, vào tháng 9/1951, ngành Công binh đã thành thành lập 2 đại đội Công binh chiến đấu đầu tiên tại Huế và Thái Bình. Danh hiệu của hai đại đội này được đặt theo danh hiệu của Quân khu mà đơn vị trực thuộc, đó là Đại đội Công binh chiến đấu 2 (Đệ Nhị Quân khu), thành lập tại Huế và Đại đội Công binh chiến đấu số 3 (Đệ Tam Quân khu) tại Thái Bình. Hai tháng sau, Công binh thành lập đại đội thứ ba tại Đệ Tứ Quân khu (Cao nguyên Trung phần), đó là Đại đội Công binh chiến đấu số 4 tại Ban Mê Thuột.

Năm 1952 đánh dấu sự hình thành chính thức của binh chủng Công binh qua việc thành lập thêm 3 đơn vị của binh chủng:
Đại đội Công binh chiến số 1 (Đệ nhất Quân khu) thành lập ngày 1 tháng 6-1952 tại Long Xuyên.
Đại đội Công binh chiến đấu số 5, thành lập ngày 1 tháng 8-1952 tại Long Xuyên.
Đại đội Công binh chiến đấu số 6 thành lập ngày 1 tháng 8-1952 tại Vĩnh Long.

Tuy đã được thành lập nhưng các đại đội Công binh chiến đấu vẫn hoạt động trong phạm vi của các tiểu đoàn Công binh Pháp. Đến năm 1953, tổ chức Công binh chiến đấu chia làm hai địa hạt: các đơn vị Công binh chiến đấu và các cơ sở Công binh về hành chánh và tiếp vận. Ngành Tiếp vận Công binh được thành lập ngày 1 tháng 1/1953 tại trung ương có một cơ sở gọi là nha Vật liệu Công binh Trung ương (Direction centrale du service du génie) và tại mỗi quân khu có một cơ sở địa phương gọi là nha Vật liệu Công binh Quân khu (Direction du service du génie de la région militaire). Các cơ sở này đều tùy thuộc vào sự điều khiển của Pháp.

Cũng trong năm 1953, theo đà phát triển của quân binh chủng binh sở, các đại đội Công binh chiến đấu biệt lập dần dần tổ chức thành tiểu đoàn. Đầu tiên là Tiểu đoàn 3 Công binh chiến đấu thành lập ngày 1-1-1953 tại Nam Định, do sự kết hợp của các đại đội 3 và 5 có sẵn, và đại đội 74/2 Công binh F.T.E.0 chuyển giao đổi thành đại đội Công binh chiến đấu số 7 (1-7-1953). Kế tiếp ngày 1 tháng 10/1953, Tiểu đoàn 1 Công binh chiến đấu thành lập tại Gia Định với sự kết hợp đại đội 1 và đại đội 6 có sẵn, và đại đội thứ ba tân lập (1-1-1954). Đầu năm 1954, các đại đội Công binh cải danh theo tiểu đoàn. Ví dụ như đại đội 1 tiểu đoàn 1, đại đội 2 tiểu đoàn 3…

Liên tiếp, Tiểu đoàn 4 Công binh chiến đấu thành lập tại Ban Mê Thuột ngày 1-1-1954 với đại đội 4 có sẵn và một đại đội tân lập. Tiểu đoàn 2 Công binh thành lập tại Huế ngày 1 tháng 2-1954 với đại đội 2 có sẵn và một đại đội tân lập. Tiểu đoàn 5 Công binh chiến đấu thành lập ngày 1 tháng 3-1954 tại Nha Trang, với những thành phần hoàn toàn tân lập, mhằm thỏa nãn cho nhiều đơn vị Việt Nam đang tham dự chiến dịch Atlante. Tới khi đình chiến, tất cả có 5 tiểu đoàn với mỗi quân khu một tiểu đoàn, trong đó có cả vùng chiến dịch Atlante được coi như đang trở thành đệ 5 quân khu nhưng sau dự định này bị bãi bỏ. Mỗi tiểu đoàn Công binh chiến đấu lúc đó có trên 500 người, với những dụng cụ gồm 5 xe ủi đất (2 nhỏ và 3 trung) với 31 xe đổ đất cùng những dụng cụ thông thường của người binh sĩ Công binh.

Phụ thuộc vào các tiểu đoàn này, tại mỗi quân khu còn có một đại đội dự trữ vật liệu và sửa chữa dụng cụ. Tại các Đệ tam và 4 Quân khu, người ta còn thấy mỗi nơi có một đơn vị Công binh gọi là đại đội Khai lộ.

* Giai đoạn 1955-1956:
Đầu năm 1955, theo sự chuyển giao của Pháp, tiểu đoàn 73 F.T.E.0 cải thành Tiểu đoàn 6 Công binh chiến đấu, kể từ 1 tháng 2-1955. Ngày 29 tháng 3-1955, tổ chức thanh tra trung ương thành lập với các vị thanh tra kiêm chỉ huy trưởng binh chủng, để thay thế các bộ chỉ huy tại các quân khu bị giải tán. Những vị sĩ quan này được xem như chỉ huy trưởng đầu tiên của binh chủng. Theo đó, thiếu tá Phạm Đăng Lâm được bổ nhiệm giữ chức thanh tra và chỉ huy trưởng Công binh, ông giữ chức vụ này đến 10 năm, và lần lượt được thăng cấp trung tá vào cuối 1955, đại tá: 1963, chuẩn tướng 1964.

Ngày 1 tháng 10-1955, theo tinh thần kế hoạch quân số 1955, bảng cấp số Công binh ra đời với quân số ấn định cho ngành này là 7,487 người, gồm 385 sĩ quan, 1,645 hạ sĩ quan, 4,999 binh sĩ, 7 nữ phụ tá và 451 dân chính. Đứng đầu là bộ chỉ huy trung ương, kế đến là bộ chỉ huy Công binh quân khu với các cơ cấu tiếp vận trực thuộc. Trong khi đó ngành Công binh tạo tác vẫn duy trì biệt lập. Theo tổ chức mới này. từ các tiểu đoàn Công binh tiến đến việc thành lập 3 liên đoàn Công binh chiến đấu, mỗi quân khu một liên đoàn. Ngoài ra còn có 4 đại đội Công binh chiến đấu riêng biệt dành cho 4 sư đoàn dã chiến.

Đến năm 1956, các đơn vị Công binh được tổ chức tới cấp liên đoàn nhằm tập trung tất cả phương tiện đủ đáp ứng cho những công tác quy mô như mở mang đường sá, thiết lập phi trường, xây cất pháo đài, sửa sang bến tàu, bắc cầu mà trước đó do Công binh Pháp đảm trách. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện riêng của từng Quân khu. Các liên đoàn Công binh chiến đấu gồm những thành phần như sau:

Liên đoàn 1 (Đệ nhất quân khu, các tỉnh Nam phần): 1 tiểu đoàn Công binh chiến đấu, 1 tiểu đoàn Công binh kiến tạo, 1 đại đội Cầu nổi, 1 đại đội xe ben, 1 đại đội công việc nặng, 1 đại đội sửa chữa và 1 đại đội kho.
Liên đoàn 2 (Đệ nhị Quân khu: các tỉnh Trung nguyên Trung phần): 3 tiểu đoàn Công binh chiến đấu, 1 đại đội Công binh cầu nổi, 1 đại đội Bailey, 1 đại đội Công binh nhẹ, 1 đại đội xe ben, 1 đại đội sửa chữa và 1 đại đội kho.

Liên đoàn 4 (Đệ Tứ Quân khu, các tỉnh Cao nguyên và phía Nam Trung phần): 2 tiểu đoàn Công binh chiến đấu, 1 đại đội Cầu nổi, 1 đại đội cầu Bailey, 1 đại đội Công binh nhẹ, 1 đại đội xe ben, 1 đại đội sửa chữa, 1 đại đội kho và 1 đại đội địa hình.

Đến tháng 10/1956, ngành Công binh được sắp xếp lại theo tổ chức mới về hệ thống các quân khu, theo đó toàn lãnh thổ VNCH được tổ chức thành 6 quân khu như sau:
- Đệ nhất Quân khu chia thành 3 quân khu: Đệ nhất Quân khu mới (các tỉnh miền Đông Nam phần), Đệ Ngũ Quân khu 5 (các tỉnh miền Đông Nam phần), Quân khu Thủ Đô gồm Đô Thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định, Long An (về sau tỉnh Long An tách khỏi Quân khu Thủ Đô.
- Đệ Tứ Quân khu được chia thành 2 quân khu: Đệ Tam Quân khu gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Bình Định, Phú Yên (trước 20-7-1954, Đệ Tam Quân khu gồm các tỉnh ở Bắc Việt); Đệ Tứ Quân khu mới gồm các tỉnh phía Nam của Cao nguyên Trung phần và phía Nam Duyên hải Trung phần. Bắc Việt).
- Đệ Nhị Quân khu: không thay đổi (sau này là Vùng 1 chiến thuật, rồi Quân khu 1).

* Giai đoạn xây dựng và phát triển 1957-1963:
Vào năm 1959, theo kế hoạch cải tổ các đại đơn vị Bộ binh, bộ Tổng tham mưu QL.VNCH tái tổ chức 6 sư đoàn Khinh chiến và 4 sư đoàn Dã chiến thành 7 Sư đoàn Bộ binh, do đó các đơn vị Công binh Sư đoàn đã được phối trí lại để phù hợp với tổ chức mới. Tháng 4/1961, tổ chức lãnh thổ được phối trí lại, các quân khu được giải tán, 3 Vùng chiến thuật được thành lập, do đó binh chủng Công binh cũng được tái phối trí theo lãnh thổ của Vùng chiến thuật.

* Năm Bính Thìn 1964: Cục Công binh thành lập
Tháng 11/1964, bộ Quốc phòng VNCH thành lập các Tổng cục Quân Huấn, Chiến tranh Chính Trị, Tiếp vận, theo tổ chức mới, các nha và bộ chỉ huy binh chủng Công binh, Quân cụ, Quân vận, Quân y, Truyền tin... được đổi thành cục, thống thuộc Tổng cục Tiếp vận. Cục trưởng Cục Công binh đồng thời là chỉ huy trưởng Công binh QL.VNCH. Đại tá Phạm Đăng Lâm-chỉ huy trưởng Công binh được thăng cấp chuẩn tướng vào đầu tháng 11/1964 và tiếp tục chỉ huy binh chủng này đến năm 1965, ông là vị tướng đầu tiên của binh chủng Công binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.