Hôm nay,  

Nhân Một Bản Góp Ý Với Văn Kiện Đại Hội X

26/11/200500:00:00(Xem: 6075)
-Hãy vượt lên chính mình!
* bản góp ý có chất lượng * kiên trì theo cái ''mù mờ ''"
* Tổ quốc và Dân tộc * kịch bản nào đây
Bản góp ý của ông Dương Trung Quốc cho các văn kiện dự thảo của Đại hội X đảng CS Việt nam chỉ có 3 trang. Ông Dương Trung Quốc là Giáo sư Tiến sỹ môn lịch sử, hiện là Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt nam, đồng thời là đại biểu Quốc hội khoá XI hiện tại, cũng là ủy viên đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Ông nhận tập văn kiện dự thảo Đại hội X và được mời góp ý. Ông là người ngoài đảng.
* Thẳng thắn đáp lại thiện tình: ông Dương Trung Quốc cảm kích khi nhận được lời mời góp ý của đảng. Ông là một trí thức loại hàng đầu của đất nước. Không phải trí thức nào cũng được đảng mời góp ý. Ông đánh giá đó là ''thiện tình'' của đảng đối với ông. Và ông đáp lại - như ông nói - bằng sự ''thẳng thắn''.
Ông thẳng thắn nói rằng các văn kiện chưa có tính thuyết phục. Nghĩa là nếu ông là đảng viên các văn kiện này ông sẽ không chấp nhận. Vì sao" vì ''chủ nghĩa Mác-Lê'' và ''chủ nghĩa xã hội'' mà đảng hô hào phải kiên định giữ vững thì nay chỉ còn một thiểu số rất nhỏ quốc gia còn gắn bó. Ông thẳng thắn cho rằng đây là kiểu ''kiên định'' của các nhà nho e ngại đụng chạm đến những tín điều họ đã trót dấn thân phụng sự.
Ông thẳng thắn nêu rằng các văn kiện đề cập nhiều đến nguy cơ ''diễn biến hoà binh'' song lại không lưu tâm gì đến nhiệm vụ bảo toàn chủ quyền và lãnh thổ của Đất nước. Ông cảnh báo chủ quyền và lãnh thổ đang bị gậm nhấm bằng rất nhiều thủ đoạn thâm hiểm. Chuyện bán đất, bán biển đấy! Nhục chưa!
Về chống tham nhũng, ông chỉ rõ chỉ có những người có quyền, quan chức mới lợi dụng quyền lực để bòn rút của công. Tệ tham nhũng trước hết khu trú trong đội ngũ đảng viên. Ông cũng nói thẳng rằng việc kê khai tài sản minh bạch gặp khó khăn chỉ vì chưa có sự gương mẫu từ trên cao.
Ông Dương Trung Quốc ''không bình luận'' - một cách lịch sự để nói là không tán thành - việc chỗ nào cũng treo cờ đảng - búa liềm - bên cạnh cờ đỏ sao vàng, cùng với khẩu hiệu ''đảng CS quang vinh muôn năm'', thay cho việc trước đây nhân dân thường nêu cao khẩu hiệu ''Tổ quốc trên hết'' cùng với bàn thờ Tổ quốc ở các cơ quan và cả gia đình. Ông gián tiếp phê phán thái độ ngạo mạn và cưỡng ép của đảng, lấn lướt tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân.
Cuối cùng ông lên án thái độ chia rẽ địa phương của cơ quan lãnh đạo đảng, như Bộ chính trị 15 người thì cứ phải chia Bắc, Trung, Nam mỗi vùng 5 người, rồi chọn Dung Quất làm nơi xây dựng cơ sở lọc dầu lớn dù các điều kiện kinh tế thiên nhiên không thuận, phản ánh một não trạng địa phương rất lạc hậu, tai hại.
Ba trang góp ý của ông có chất lượng cao. Ông nói thẳng ra rằng các văn kiện Đại hội X là không thể nuốt nổi, phải từ bỏ hẳn chủ nghĩa Mác-Lê và chủ nghĩa xã hội, phải đặt dân tộc và tổ quốc lên trên hết, không được để chủ quyền và lãnh thổ đang bị gặm nhấm, các cán bộ cao nhất hãy gương mẫu kê khai tài sản, và từ bỏ óc địa phương! Ông nghĩ theo tư duy của kẻ sỹ, không cảm thấy mang ơn ai và phải trả ơn ai hết, dù ông thừa biết trước rằng rất có thể họ không chấp nhận một lời góp ý nào của ông và còn trả thù ông, như ông sẽ mất chức đại biểu Quốc hội khoá XII (sẽ bàu vào giữa năm 2007).
Lời kết luận của ông nói lên thái độ thật tâm:'' Tôi biết rằng những ý kiến đóng góp của tôi có thể đụng vào những 'vùng nhạy cảm'. Nhưng khi đảng đã tin mà hỏi thì chẳng có lẽ gì mà không trả lời một cách thật tâm ''. Sự thật là họ không tin mà vẫn hỏi. Hỏi rồi không cần nghe trả lời. Hàng ngàn, vạn câu trả lời có chất lượng, họ đều cho vào sọt rác, cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Tôi từng nói: tôi đã nghĩ 2 tháng ròng để cân nhắc rằng đây là thái độ vô văn hoá và vô giáo dục của bộ chính trị. Họ từng mời các nhà cách mạng lão thành, các Học viện, các Viện nghiên cứu, đoàn chủ tịch Mặt trận, Ban thường trực Quốc hội, vài ngày nữa cả hơn 400 đại biểu Quốc hội đang họp cũng ''được mời '' góp ý, hoàn toàn là trò đùa ''dân chủ ''. Cái thói ''mục hạ vô nhân''.
* Vượt lên chính mình: đã hơn một năm nay, từ khi bộ chính trị mời góp ý vào văn kiện Đại hội X, đã có hàng ngàn, vạn ý kiến được phát biểu, lẽ ra báo Nhân Dân phải lựa chọn và công bố lên, để xem sự góp ý tập trung vào những điểm nào" những ý nào được tán đồng nhiều, những ý nào bị bác bỏ nhiều. Thế mới là công nhận lợi ích của việc góp ý. Nhưng bộ chính trị và báo Nhân dân không làm, vì họ sợ. Vì xem ra phần lớn ý kiến đều bác bỏ những nội dung cơ bản nhất của các văn kiện. Cho nên nhiều trí thức, đảng viên lão thành tự mình công bố trên mạng internet những ý kiến, kiến nghị, góp ý của mình. Đó là nhà nghiên cứu Đặng Quốc Bảo, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh, nhà toán học Phan Đình Diệu, giáo sư Trần văn Hà, cụ Nguyễn văn Thi (Năm Thi), cụ Nguyễn Đoàn, cụ Nguyễn văn Bé, các tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê văn Hiền, Đoàn Y Thành, Nguyễn Nam Khánh, Phạm Hồng Sơn, các đại tá Như Thiết, Vi Hùng, Anh hùng công an Nguyễn Tài, cán bộ Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, luật sư Trần Lâm, nhà ngoại giao Nguyễn Trung, các nhà báo Trần Đình Bá, Nguyễn Trần Thiết; và gần đây là 27 trang của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, là ''con hùm xám đường số 4'' Đặng Văn Việt, giáo sư sử học Dương Trung Quốc. Bộ chính trị và báo Nhân dân càng ù lỳ, nhu nhược, nhắm mắt, bịt tai bao nhiêu thì những tiếng nói trung thực, tâm huyết và đầy trí tuệ càng vang to để thức tỉnh các đại biểu đi dự đại hội đảng các cấp bấy nhiêu. Các nhân vật trên đây đã vượt lên chính mình, vượt qua căn bệnh giáo điều cố hữu của đảng, từ bỏ cái tệ vâng dạ với mọi sự dạy bảo của đảng để được yên thân, tự mình ngẩn cao đầu khẳng định giá trị và trách nhiệm của mình.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội là 2 vấn đề bị công luận bác bỏ rõ ràng nhất với lý do là: chủ nghĩa Mác-Lênin đã hoàn toàn phá sản ở châu Âu và ở Liên xô là quê hương chính của nó, còn chủ nghĩa xã hội thì chưa hình thành nội hàm hoàn chỉnh của nó, còn phải nghiên cứu, phác hoạ và hoàn chỉnh dần trong tương lai. Không thể kiên trì một con đường đã hoàn toàn thất bại, và cũng không thể kiên trì một kiểu mẫu xã hội còn mù mờ như ảo ảnh.
Nhiều chính kiến yêu cầu cấp bách xây dựng ngay một nền dân chủ đa nguyên đa đảng, chấm dứt độc quyền chuyên chính của một đảng duy nhất - một mình một chiếu - nắm trọn cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nắm trọn quyền tư duy và truyền thông - báo chí trong xã hội. Duy trì độc quyền toàn trị của đảng CS (có hơn 2 triệu đảng viên) với cái công cụ tệ hại Ban tư tưởng và văn hoá, là miệt thị đến cùng cực đối với 80 triệu nhân dân, coi nhân dân là ngu dốt không có khả năng tự mình suy nghĩ, viết, nói, là đi ngược với xu thế hoà nhập với thời đại.
Không phải ngẫu nhiên mà 2 bài luận văn gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng về các văn kiện Đại hội X và của ông Đỗ Mười về '' Định hướng xã hội chủ nghĩa cho đất nước ta'' bị các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước phê phán nặng nề, phản bác dứt khoát, triệt để đến vậy.

* Khi bộ ba này bừng tỉnh: Bộ chính trị đang đứng trước sự lựa chọn có tính chất quyết định. Thảo luận kỹ lại và tiếp thu những lời khuyên răn và can gián quý báu của những trí tuệ và tâm huyết trong và ngoài đảng, hay vẫn cứ một mực ù lỳ nhu nhược buông trôi.
Từ trong nước, các chiến sỹ dân chủ điểm mặt cả 14 vị trong bộ chính trị và cầu mong sự hình thành khẩn cấp một hạt nhân vài ba vị bừng tỉnh. Anh em dân chủ nghĩ đến ông Lê Hồng Anh, sinh năm 1949, 56 tuổi, trẻ nhất trong bộ chính trị, bộ trưởng bộ công an. Tin từ trong gia đình ông và bạn bè cũ ở Kiên Giang, gần đây ông tỏ ra chán nản về tình hình chính trị bê bối khó xoay xở. Ông tỏ mong muốn về nghỉ. Ông là Trưởng ban kiểm tra trung ương, được điều sang làm bộ trưởng công an khi ông Lê Minh Hương mất chức sau vụ án Năm Cam. Ông lên làm đại tướng không có một ngày học quân sự. Ông làm bộ trưởng công an cũng không qua một lớp học vỡ lòng hay sơ cấp cũng như trung cấp nào về ngành an ninh, tình báo, cảnh sát và phản gián; những ngành mà dù có thâm niên 10, 20 năm vẫn còn là chưa đủ bản lĩnh. Đã vậy bộ công an do ông Lê Minh Hương để lại cho ông đầy vấn nạn hiểm nghèo. Các kiêu binh của Tổng cục 2 được ''thái thượng hoàng'' họ Lê và họ Đỗ khuyến khích lộng hành phá nát bộ công an đến mức không còn có nguyên tắc và pháp luật nào nữa. Ông Lê Hồng Anh là người mong muốn lập lại trật tự của bộ, nhưng ông cũng nhận rõ sự bất lực của mình. Trong cuộc họp Trung ương lần thứ 12 (tháng 7/2005), ông được giao nhiệm vụ: cầm đầu ''Ban đặc biệt về xử lý các vụ án Sáu Sứ, T4 và Tổng cục II'', gồm có 5 người (4 vị khác là Trưởng ban nội chính trung ương đảng Trương Vĩnh Trọng, Viện trưởng kiểm sát tối cao Hà Mạnh Trí, hai thứ trưởng công an Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Văn Hưởng). Nếu ông nhận ra trách nhiệm to lớn của mình, chọn người cộng tác có công tâm, khôn khéo hình thành một hạt nhân lành mạnh trong bộ chính trị, thì ông có thể làm nên đại sự cho đất nước. Nhiều người mong ông: cờ đến tay, hãy phất cao, phất mạnh, góp phần giải quyết một vấn nạn cực lớn.
Người thứ hai anh em trong nước mong chờ sự bừng tỉnh là ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Tuy ông từng từ chối chức này vì cảm thấy đuối sức, nhưng nay ông đã có đến 4 năm kinh nghiệm. Bà con người các dân tộc Việt bắc mong ông có dịp đến thăm mộ và hồi phục danh dự cho Thượng tướng Chu Văn Tấn, ''con hùm sám Bắc Sơn '', lãnh tụ các dân tộc Việt bắc, bị lao tù hồi 1978 và chết trong tủi nhục. Cho đến nay, ông không đứng hẳn về phe phái nào trong đảng sẽ giúp ông có tiếng nói khách quan, coi trọng lẽ phải và luật pháp, ngay thẳng trong việc xử lý các vụ việc phức tạp. Dấn thân cho công lý quang minh, ông Mạnh sẽ có thể để lại hình ảnh một tổng bí thư sáng suốt, có công tâm, gỡ được rối trong một hoàn cảnh rất hiểm nghèo. Ông sẽ tự mình cải chính nhược điểm do dự, nhu nhược, thiếu kiên quyết mà dư luận thường nhận xét về ông.
Người thứ ba mà anh em trong nước nghĩ đến là ông Phan Diễn, thường trực ban bí thư trung ương đảng, có chức vụ như là phó tổng bí thư. Ông sống tương đối giản dị, không có điều tiếng gì. Ông hay đọc sách báo và chịu suy nghĩ. Nhiều người cho rằng ông có tác phong thư lại, hay ngồi bàn giấy; đây là nhược điểm có thể khắc phục. Ông từng chất vấn ông Nam Khánh và đôi co với ông Đoàn Duy Thành, sau đó ông thanh minh rằng ''do sức ép '', ''vì nhận thức chưa rõ ''.
Một khi hạt nhân ngay thẳng trong bộ chính trị hình thành, anh em dân chủ trong nước cho rằng thủ tướng Phan Văn Khải - mà quan điểm chính trị rất gần với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt - cũng như ông Nguyễn Minh Triết, bí thư thành uỷ Sài gòn sẽ đồng tình cao.
Tiếp đó, các ông Trương Tấn Sang, Trương Quang Được, cho đến ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn An, đều là uỷ viên bộ chính trị, cũng có nhiều khả năng ngả theo.
Khi hạt nhân tích cực của bộ chính trị đạt đến đa số 9 trên 14 người thì nhiều vấn đề dư luận trong đảng và trong xã hội nóng lòng trông đợi sẽ nối tiếp xảy ra. Vụ án Sáu Sứ, T4, Tổng cục II được xử lý, - khối ung thư được mổ sẻ, các văn kiện trình Đại hội X được sửa chữa bổ xung, nhân sự cho Đại hội X sẽ được lựa chọn xứng đáng, bầu cử Quốc hội khoá XII sẽ không còn kiểu chán ngấy và không chính danh vì ''đảng chọn dân bầu ''. Quá trình hội nhập với thế giới dân chủ sẽ không còn trục trặc gay go...
Đảng CS Việt nam ưa học kinh nghiệm của đảng CS Trung quốc. Vậy thì đây. Hãy học thái độ kiên quyết xử lý nhóm 4 uỷ viên bộ chính trị sau khi nhóm này lộng quyền nhất vào năm 1976 là: Giang, Trương, Vương, Diêu - được gọi là ''lũ 4 tên'' - tạo điều kiện cho Trung quốc bước vào thời kỳ đổi mới sau đó. Tình hình đất nước Trung quốc sẽ ra sao nếu cứ nhu nhược ù lỳ với ''lũ 4 tên''"
* Kịch bản nào đây" Trên đây là một kịch bản có khả năng xảy ra, với điều kiện một số ủy viên bộ chính trị đang có quyền lực hiểu ra vấn đề, có công tâm và ý chí dám vượt lên chính mình, tập họp lại thành một hạt nhân trung tâm rồi thu hút thêm một số ủy viên bộ chính trị khác để tạo nên một đa số vững chắc thuận lợi. Việc này sẽ cô lập nhóm giáo điều, bảo thủ, phạm pháp và vi phạm điều lệ đảng, đang bị phần lớn đảng viên vạch mặt và cả xã hội khinh thị, lên án. Nhóm này sẽ bị cô lập cao độ và bị xử lý cùng với những kẻ phạm pháp khác trong các vụ án nghiêm trọng đã nêu.
Có thể có những kịch bản khác, trên đại thể là cái thiện chống lại cái ác, tiến bộ đẩy lùi thoái hoá, yêu nước thương dân đẩy lùi thái độ vô trách nhiệm ích kỷ cá nhân. Những kịch bản này chỉ có thể trở thành hiện thực khi có thêm thật nhiều tiếng nói ''vượt lên chính mình '' như đã nhắc đến trên đây, nhân bàn về bản góp ý của giáo sư Dương Trung Quốc. Và rất cần đến nhưng tiếng nói ngay thật trung thực nữa của đồng bào, của tuổi trẻ trong và ngoài nước, dồn dập công khai góp ý với các văn kiện cực kỳ bảo thủ giáo điều đã được đưa ra.
Cuộc họp lần thứ 13 của ban chấp hành trung ương đảng sẽ họp vào cuối năm 2005 hoặc đầu năm 2006, và tại cuộc họp này ''Ban đặc biệt về xử lý các vụ án Sáu Sứ, T4, Tổng cục II'' sẽ phải trình ra bản báo cáo cụ thể của mình. Nhóm (phải gọi là một ''nhúm'' mới đúng) giáo điều bảo thủ trong bộ chính trị vẫn chủ trương ''khoanh lại'', bóp ngẹt vụ án, theo cái nếp nghĩ kiểu Staline và Mao Trạch Đông thời xa xưa: ta là Chúa tể, ta là Vua, ta là Đảng, ta là Nhà nước, ta là Chân lý. Ta muốn gì được nấy. Đây là một sự thách thức ngạo mạn mang đúng dấu ấn của 2 vị thái thượng hoàng cứ muốn làm ''cha'' cái đảng CS khốn khổ này ngay cả sang thời đổi mới, dù cho nhị vị không còn chút quyền lực nào.
Già néo... đứt giây! Để xem! Tại cuộc họp trung ương 13 sắp tới chẳng lẽ gần 150 vị trung ương đều vô cảm và bất động, trốn bỏ trách nhiệm của mình"
Vỉa hè Hànội và Sài gòn đang đánh cá cược rất lớn về sự ngả ngũ của các vụ án ly kỳ trên đây.
Lại tiền! Thật ra nó liên quan đến chuyện to lớn hơn rất nhiều: tiền đồ đất nước Việt nam ta, tiền đồ nhân dân Việt nam ta giữa một thế giới đang chuyển động với tốc độ cao về phía trước trên mọi mặt.
Bùi Tín
Paris, tháng 11-2005.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.