Hôm nay,  

Công Cha…Nghĩa Mẹ

08/05/200700:00:00(Xem: 5412)

  “Ngọt Ngào Tình Mẹ, Tình Cha,

Yêu thương dưỡng dục đưa ta vào đời.”

Mỗi năm vào Tháng Năm và Tháng Sáu, chúng ta lại có dịp đặc biệt mừng ngày “Tôn Vinh Mẹ” (Mother’s Day) và ngày “Tôn Vinh Cha” (Father’s Day). Nói là “đặc biệt”, vì không phải chỉ khi đến những ngày này, chúng ta mới nhớ đến cha mẹ chúng ta, vì tình hiếu thảo đối với cha mẹ tất nhiên luôn tràn ngập trong tâm hồn mỗi người. Nhưng hai dịp này là  những dịp để chúng ta biểu lộ một cách cụ thể tấm lòng của chúng ta đối với các bậc thân phụ mẫu:

“Công Cha Như Núi Thái Sơn,

Nghĩa Mẹ Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra!”

Đặc biệt, đối với các bậc cha mẹ đã hy sinh biết bao, vất vã biết bao khi phải bỏ lại quê hương thân yêu dìu dắt gia đình đi sang các miền đất mới tại các nước như Hoa-Kỳ này, vừa khác phong tục, khí hậu, vừa khác tiếng nói. Đặc biệt hơn nữa, đối với các bậc Cha Mẹ đã phải đau khổ bỏ lại quê hương Miền Bắc (từ Bến Hải) Việt Nam để đưa gia đình di cư vào Miền Nam năm 1954; rồi sau bao nhiêu công lao xây dựng gia đình tại Miền Nam, giờ đây lại bỏ lại tất cả và di tản đi ra nước ngoài với bao cực nhọc và khổ đau.

Bao nhiêu vất vả, lo lắng các bậc Cha Mẹ Việt Nam đã và đang phải trải qua để chẳng những nuôi sống đàn con cháu, mà còn phải khôn khéo vừa giúp các em hội nhập được vào nếp sống, vào nền văn hóa của đất nước mới lạ (như Hoa-Kỳ chẳng hạn), vừa giử được nền đạo đức, văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tốt đẹp của các gia đình Việt Nam.

Trong nhiều năm làm việc mục vụ cho người Việt Nam thuộc các cộng đồng Việt Nam tại Hoa-Kỳ, chúng tôi thường có dịp được tiếp xúc với nhiều giáo dân và hàng giáo phẩm Hoa Kỳ; các vị đó thường nói: “Nước Mỹ và Giáo Hội tại Hoa-Kỳ rất cám ơn sự đóng góp của người Việt-Nam cho đất nước Hoa-Kỳ về nhiều phương diện, nhưng nhất là về truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Có lẽ nhờ vậy mà các con em Việt Nam lớn lên ở Hoa-Kỳ thường rất chăm học và đạt được nhiều thành qủa tốt về học vấn.  Chưa kể còn có nhiều thanh niên nam nữ Việt Nam sau khi tốt nghiệp Đại Học và có nhiều người có bằng cấp cao, nhưng vẫn được “ơn gọi” đi tu làm Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cho nhiều Giáo phận và Dòng tu  tại Hoa-Kỳ; như vậy cũng đóng góp đáng kể cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ nói riêng và cho cả đất nước Hoa Kỳ nói chung. Các vị thường khuyến khích chúng tôi nên nổ lực giúp duy trì nền văn hóa tốt đẹp và truyền thống gia đình của dân tộc Việt-Nam nơi các cộng đồng Việt Nam tại Hoa-Kỳ. Các vị cũng khuyến khích nên giúp các em Việt Nam lớn lên tại Hoa-Kỳ vẫn có thể nói được tiếng Việt-Nam. Còn tiếng Anh thì tất nhiên lớn lên và đi học là các em rất thông thạo. Hơn nữa biết thêm một ngôn ngử là mở rộng thêm tầm trí thức của con người.

Những người di cư từ các nơi sang Hoa-Kỳ thuộc các thế hệ trước cũng đã phải vất vả biết bao để xây dựng các gia đình của họ trên phần đất này; vì thế con cháu của họ đã tìm cách này hay cách khác để tỏ lòng tri ơn các bậc sinh thành, chẳng những một cách riêng tư nơi từng gia đình, qua các truyền thống và tôn giáo riêng, mà còn muốn tổ chức chung một lễ mừng cho toàn quốc Hoa-Kỳ, và thế là “Ngày Tôn Vinh Mẹ” (Mother’s Day) và “Ngày Tôn Vinh Cha” (Father’s Day) đã xuất hiện trên toàn quốc gia Hoa Kỳ.

Theo tài liệu trong cuốn “American Book of Days” và những tài liệu lấy trên “Mạng Tin Học” thì gốc tích của “Ngày Tôn Vinh Mẹ” và “Tôn Vinh Cha” như sau:

Ngày “Tôn Vinh Mẹ” có trước. Trong thời gian Nội Chiến tại Hoa-Kỳ (Civil War), vào năm 1872, bà Julia Ward Howe gợi ý là ngày 4 tháng 7 (July 4th) hàng năm nên được gọi là “Ngày Của Mẹ” (Mother’s Day) và đặc biệt để cổ võ cho hòa bình. Bà đã có công tổ chức những buổi “họp mặt” hằng năm vào ngày này tại Boston tiểu bang Massachusetts được một số năm; sau đó không được mấy người hưởng ứng. Cho mãi đến năm 1907, bà Ana Jarvis ở Philadelphia bắt đầu cổ võ việc thành lập một ngày “Tôn Vinh Mẹ” cho toàn quốc. Bà bắt đầu kêu gọi Nhà Thờ Grafton (West Virginia) mừng lễ này vào Chúa Nhật thứ hai Tháng Năm (năm đó trùng chính vào ngày giổ của thân mẫu của bà). Năm sau, ngày này cũng được mừng cả ở Philadelphia. Thấy việc mừng nầy có ý nghiã, nên bà và nhiều người ủng hộ bà đã viết thơ yêu cầu các nhà thờ, các doanh nhân, các chính trị gia thành lập “Ngày Tôn Vinh Mẹ” cho toàn quốc Hoa-Kỳ. Việc cổ võ nầy rất thành công, nên đến năm 1911 thì hầu như ngày này được mừng ở khắp các Tiểu Bang. Đến năm 1914, Tổng Tống Woodrow Wilson chính thức tuyên bố ngày “Tôn Vinh Mẹ” cho toàn quốc Hoa-Kỳ và hàng năm mừng vào Chúa Nhật thứ II Tháng Năm.

Ngày “Tôn Vinh Cha” (Father’s Day) được thành lập do công ơn của Bà Sonora Smart Dodd ở Spokane (Tiểu Bang Washington). Bố của bà Sonora tên là William Smart. Ông là một cựu chiến binh thời Nôi Chiến (Civil War). Ông góa vợ khi bà vợ ông chết lúc sinh đứa con thứ sáu. Thế là ông đã quên mình hy sinh cả cuộc đời làm lụng vất vả tại một nông trại để nuôi dưỡng và giáo dục cả 6 người con nên người. Vì thế bà  Sonora rất cảm phục và luôn tôn vinh công lao người cha của bà. Năm 1909 vào ngày Chúa Nhật Tôn Vinh Mẹ, khi bà và gia đình đi dự lễ ở Nhà Thờ, bà rất cảm động khi nghe bài giảng về Công Ơn Cha Mẹ. Bà nghĩ đến công ơn đặc biệt của cha bà và nảy ra ý định tổ chức một Ngày Tôn Vinh Cha. Vì bố bà sinh vào tháng 6, nên bà đã tổ chức “Ngày Tôn Vinh Cha” đầu tiên tại Spokane (WA) vào ngày 19 tháng 6 năm 1910. Vào thời gian trước đó ít lâu, năm 1908 ông Robert Webb cũng đã thành công trong việc vận động tổ chức Ngày Tôn Vinh Cha tại mt Nhà Thờ ở Fairmont, West Virginia. Tuy nhiên nhờ sự vận động mạnh mẽ của Bà Sonora  mà ngày Tôn Vinh Cha  được phổ biến đến khắp nơi tại Hoa-Kỳ. Vào năm 1024, Tổng Thống Calvin Coolidge đã chính thức tuyên bố “Ngày Tôn Vinh Cha” cho toàn quốc Hoa-Kỳ và mừng vào ngày Chúa Nhật III Tháng Sáu hằng năm.

Trong ngày “Tôn Vinh Mẹ” và “Tôn Vinh Cha”, các người con tặng cha mẹ các thiệp chúc mừng, các món quà, những bài thơ, bài văn ca tụng công ơn cha mẹ. Các giáo dân đến Nhà Thờ để cầu nguyện cho cha mẹ: các vị còn sống cũng như các vị đã qua đời. Căn cứ vào các tài liệu, thì theo truyền thống người Hoa-Kỳ thường đeo hoa Cẩm Chướng (Carnation) vào “Ngày Tôn Vinh Mẹ” (hoa màu trắng nếu mẹ đã qua đời; hoa màu thắm nếu mẹ còn sống) và đeo hoa hồng vào Ngày Tôn Vinh Cha (hoa hồng màu trắng nếu cha đã qua đời; và hoa hồng màu đỏ nếu cha còn sống).

Trên đây là lịch sử hai ngày “Tôn Vinh Mẹ” và “Tôn Vinh Cha” tại Hoa-Kỳ. Theo tài liệu, thì hiện nay có tới 47 quốc gia hằng năm có “Ngày Tôn Vinh Mẹ” mặc dầu vào các ngày tháng khác nhau. Riêng các nước như Đan Mạch, Phần Lan, Thổ Nhỉ Kỳ, Úc, và Bỉ cũng tổ chức “Ngày Tôn Vinh Mẹ” vào cùng ngày như ở Hoa-Kỳ.  Tại Anh Quốc thì mừng vào Chúa Nhật IV Mùa Chay và ở Á Căn Đình (Argentina) thì mừng vào Chúa Nhật Thứ Hai Tháng 10. Cũng theo tài liệu, thì hiện nay “Ngày Quốc Tế Tôn Vinh Mẹ” là ngày 11 tháng 5 hàng năm. Riêng tại Canada “Ngày Tôn Vinh Mẹ” và “Ngày Tôn Vinh Cha” cũng mừng vào các ngày Chúa Nhật như ở Hoa-Kỳ.

“Công cha, nghĩa mẹ” thật là lớn lao: “nghĩa nặng, tình sâu”; vì thế từ thời xa xưa dân tộc nào, tôn giáo nào cũng có những ngày đặc biệt “giổ cha” “giổ mẹ” để nhớ đến và nhắc nhở con cháu cùng nhớ đến công ơn lớn lao của các bậc cha mẹ đã qua đời. Còn đối với các vị đang còn sống, con cháu cũng luôn tìm dịp tỏ lòng hiếu thảo cách nầy hay cách khác. Tại Việt Nam, chúng ta tôn vinh đặc biệt các bậc ông bà cha mẹ vào dịp Tết Nguyên Đán. Còn các dân tộc khác thì tùy theo.

Trong Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, đều có rất nhiều chổ nói đến lòng hiếu thảo đối với cha mẹ (chẳng hạn: Sách Khởi nguyên 3:20; Xuất hành 20:12; Levilicus 19:3; Đệ Nhị Luật 5:16; Các Vua (2) 4:30; Cách ngôn 10:1; Isaia 66:13; Ezachiel 16:44; Luca 2:43-2:51; Gioan 19:26-27); đặc biệt là dụ ngôn “Người Con đi hoang” (Luca 5:11-32) đề cập đến Thiên Chúa như “Người Cha Nhân Hậu” đối với nhân loại tội lỗi. Trong kinh “Lạy Cha” (Matthêu 6:9-13, Luca 11:2-4), Thiên Chúa cũng được xưng tụng như “Người Cha” ban phát mọi ơn lành, sẳn sàng tha thứ mọi lỗi phạm của chúng ta, nếu chúng ta cũng biết dể dàng tha thứ cho nhau. Hơn nữa, trong 10 “Giới răn của Chúa”, thì giới răn thứ bốn dành riêng để nói đến bổn phận phải “thảo kính cha mẹ”.

Như vậy Thiên Chúa đã khắc ghi lòng tôn kính và tri ơn cha mẹ vào tâm hồn mỗi người như một bản tính. Con người bình thường ở mọi nơi, mọi thời, đều có tấm lòng thảo kính cha mẹ. 

Tại Vietnam có những nhạc sĩ đã sáng tác những bản Thánh Ca  tôn vinh các bậc Cha Mẹ,   và đã  đựơc ghi vào những   cuốn băng Thánh ca, lời và nhạc rất hay, rất ý nghĩa  như:  “Cầu cho Cha Mẹ“, “Công Cha, Nghĩa Mẹ”, “Công Đức Sinh Thành”.  Nhiều  gia đình đã mua về để nghe và nuôi dưỡng tinh thần hiếu thảo cho con cháu.

“Xin Chúa chúc lành cho đời Cha Mẹ của con. Công ơn Ngừơi như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn…

“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dầu xa vô bờ, vẫn nhớ đến tình Mẹ Cha…”

(Trích trong bản Thánh ca “Cầu Cho Cha Mẹ # 3)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.