Hôm nay,  

Kỳ Thị Trắng Đen Ở Mỹ

31/03/201500:00:00(Xem: 8188)

...chỉ trích TT Obama cũng bị tố là kỳ thị da đen...

Nước Mỹ từ ngay sau ngày lập quốc đã vướng mắc vào chuyện xung khắc trắng đen, một vấn đề gai góc nhất, mà cho đến nay hơn 200 năm sau, vẫn chưa giải quyết một cách hoàn toàn thoả đáng được.

Tin báo Mỹ cho biết một nhóm sinh viên da đen tại Đại Học Berkeley đang tranh đấu đòi một loạt quyền lợi riêng cho họ, vì theo họ, sinh viên da màu hiện vẫn là nạn nhân kỳ thị quá nặng ngay tại Berkeley, dù đây là một trong những đại học có khuynh hướng cấp tiến nhất Mỹ.

Đòi hỏi đầu tiên là việc một toà nhà trong trường phải đổi tên thành “Shakur Hall”. Đây là lấy theo tên của cô Assata Shakur. Năm 1979, cô này là sinh viên da đen, thành viên nhóm tranh đấu cực đoan da đen Black Panther. Cô bị truy tố về tội khủng bố, giết một cảnh sát tại New Jersey. Bị tù chung thân, nhưng được giúp đỡ vượt ngục trốn qua Cuba, sống tại đây cho đến bây giờ, dưới sự bảo vệ của Fidel Castro. Theo nhóm sinh viên đen tại Berkeley, cô Shakur là biểu tượng của dân da đen vùng lên đòi bình đảng, không phải là khủng bố.

Ngoài ra nhóm sinh viên đen này còn đòi hỏi đâu cả chục điều nữa, như mở khu vực hội họp dành riêng cho sinh viên da đen, nhà trường mướn các giáo sư chuyên viên da đen cho sinh viên da đen, thuê bác sĩ tâm thần để lo cho các sinh viên da đen bị đè nén vì kỳ thị,...

Nhìn vào những đòi hỏi này, ta thấy có cái gì khác lạ trong cái xứ này.

Một tên khủng bố giết một cảnh sát bây giờ trở thành một thứ thần tượng, hay đúng hơn, biểu tượng cho việc tranh đấu đòi công bằng chống phân biệt màu da. Người hùng tranh đấu cho dân da màu không phải là mục sư Martin Luther King nữa, mà là tay khủng bố Assata Shakur. Gần đây, kể từ ngày xẩy ra xung đột tại Ferguson, giết cảnh sát dường như đã thành một biểu tượng đấu tranh của dân da màu.

Về những đòi hỏi khác, hãy thử tưởng tượng sinh viên da trắng đòi hỏi có khu vực riêng cho dân da trắng trong khuôn viên đại học xem phản ứng của truyền thông cấp tiến và của Nhà Nước Obama sẽ như thế nào?

Ai cũng biết dân da trắng đã từ Âu Châu qua đây như những dân phiêu lưu, muốn từ bỏ Âu Châu đi tìm vùng đất hứa mới, vì nhiều lý do, từ tôn giáo đến chính trị, kinh tế. Và ai cũng biết dân da đen đến Mỹ vì bị bán qua để làm nô lệ cho dân da trắng, phần lớn là những chủ đồn điền miền nam cần nhân công rẻ mạt, phần còn lại để làm gia nhân cho những gia đình Mỹ trắng, chứ không phải tự ý chọn qua đây như dân da trắng.

Nhưng nhờ những tranh đấu liên tục, cũng như nhờ sự giúp đỡ của những người Mỹ trắng có đầu óc cởi mở công bằng hơn, dân da đen đã được giải thoát khỏi gông cùm nô lệ. Cho dù cái giá phải trả là một cuộc nội chiến tương tàn đẫm máu. TT Abraham Lincoln của đảng Cộng Hoà đã chấp nhận trả cái giá đó, vì dân da đen.

Trước cuộc nội chiến 20 năm, TT Monroe đã tìm cách giúp đỡ hàng ngàn dân nô lệ trở về Phi Châu, thành lập một quốc gia độc lập. Đó là xứ Liberia, với thủ đô là Monrovia, dựa theo tên của TT Monroe để ghi ơn ông.

Nhưng giải pháp đó chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề, vì rất ít dân da đen hưởng ứng, chịu trở về Phi Châu. Lý do cũng dễ hiểu thôi. Một dân da đen gốc nam Phi không có lý do gì muốn đi đến một vùng tây Phi sinh sống. Đối với TT Monroe, Phi Châu là Phi Châu, chỗ nào cũng giống nhau hết, nhưng đối với dân Phi Châu, dĩ nhiên khác biệt hoàn toàn. Cũng như ta nhìn qua Á Châu, chẳng có gì giống nhau giữa Việt Nam ta và Mông Cổ vậy. Do đó, chẳng mấy người da đen chịu đi Liberia.

TT Lincoln chấm dứt chế độ nô lệ. Nhưng tình trạng của họ cũng không khá hơn bao nhiêu vì nạn kỳ thị công khai. Mãi cho đến thập niên 1960 dưới thời TT Kennedy mà dân da đen vẫn còn phải sống riêng rẽ, sống khu riêng, đi tiệm ăn riêng, học trường riêng, đi xe buýt ngồi hàng chót,... Cũng như không được tham gia bầu bán.

Phải đợi đến thời TT Johnson, sau hàng loạt biểu tình, ôn hòa cũng như bạo động, dân da đen mới dành được quyền công dân ngang với dân da trắng.

Nhưng cái ngang hàng đó là chuyện chính thức, trên giấy tờ, trên luật pháp. Trên thực tế mặc dù đã có những bước tiến khổng lồ, nhưng xung khắc trắng đen vẫn còn âm ỉ, trong bóng tối.

Điều quan trọng đáng nói nhất là xung khắc đó không phải chỉ là một chiều trắng kỳ thị đen, mà truyền thông cấp tiến tố giác, mà là hai chiều, với dân da đen kỳ thị ngược dân da trắng luôn. Kiểu như mục sư Jeremiah Wright hô hào “God damn America!”.

Năm 2008, một biến cố đổi đời xẩy ra: một người da đen –đúng ra là đen lai trắng chứ không đen hoàn toàn- ra tranh cử tổng thống để rồi thắng cử một cách rõ ràng, hiển hiện, mà không cần phải đếm phiếu đi đếm phiếu lại, cũng chẳng có chuyện gian lận phiếu.

Trên toàn nước Mỹ, dân da đen chỉ có chưa tới 12% dân số. Vậy mà một người da đen đắc cử tổng thống với 53% phiếu. Có nghiã là rất nhiều dân da trắng đã bỏ phiếu cho ông đen đó.

Nhiều người nghĩ nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên hậu kỳ thị. Kỳ thị trắng đen đã được giải quyết. Hết rồi, không còn nữa. Cả chục triệu người da trắng đã bỏ phiếu cho ông đen làm tổng thống mà.

Chuyện này rốt cuộc đúng như ông ứng viên đen đó đã hô hào, chỉ là hy vọng. Và cái hy vọng đó cuối cùng thành ảo tưởng. Thực tế cho thấy mâu thuẫn trắng đen ở Mỹ có vẻ ngày càng gia tăng dưới thời ông tổng thống da đen đó. Nhất là những ngày tháng gần đây.

Ta coi thử lại vài chuyện.

Trước hết là chuyện anh đen Michael Brown bị cảnh sát trắng Darren Wilson bắn chết. Sau khi anh Wilson được một bồi thẩm đoàn địa phương tha bổng, câu chuyện nổi đình nổi đám, đưa đến nổi loạn bạo động, cướp tiệm đốt nhà, lần đầu tiên bạo động ở Mỹ kể từ hơn hai chục năm qua. Rồi một phong trào bênh vực anh đen được tung ra khắp nước, với hàng ngàn người biểu tình trên khắp nước Mỹ, dơ tay đầu hàng, với khẩu hiệu “Hands up! Dont shoot!”, biểu tượng mới, dựa trên cảnh mà nhiều nhân chứng xác nhận là hành động cuối cùng của anh Brown: dơ tay xin đầu hàng nhưng vẫn bị bắn chết. Một khẩu hiệu nữa: “black lives matter”, mạng người da đen cũng đáng kể!

Nhà báo da đen Charles Blow viết ngay trên New York Times: “vấn đề chính là một cảnh sát trắng bắn chết một thanh niên đen không có vũ khí gì, đang dơ tay xin hàng, một thảm sát thô bạo giữa ban ngày, trước đám đông”. Anh Blow không có mặt tại hiện trường, chỉ lập lại những tố cáo của gia đình anh Brown bị bắn chết, coi như đó là sự thật không cần phải xét lại nữa. New York Times chấp nhận đăng lời tố cáo của anh Blow, coi như cũng đồng tình với anh này.

Bộ Tư Pháp bị áp lực dư luận, ra lệnh điều tra lại. Sau cả mấy tháng điều tra từng chi tiết, kiểm tra lại tất cả dữ kiện và bằng chứng, hỏi cung lại cả trăm nhân chứng, tìm đủ cách đưa anh Wilson ra tòa để xoa dịu dư luận, cuối cùng Bộ Tư Pháp đành nhìn nhận những gì mà bồi thẩm đoàn đã biết ngay từ đầu: anh Wilson hoàn toàn vô tội, không thể bị kết án bất cứ chuyện gì được.

Cả mấy chục “nhân chứng” đen đều xác nhận nhìn thấy anh Brown dơ tay đầu hàng, có người còn nói thấy anh Brown quỳ xuống đất, cúi đầu xuống để rồi bị bắn vào đỉnh đầu. Khi được hỏi về chi tiết cụ thể thì cả mấy chục nhân chứng này đều kể lung tung, chẳng người nào nói giống người nào, cho nên tất cả đều hóa ra... khai láo.

Theo kết luận của Bộ Tư Pháp, anh cảnh sát Wilson có quyền hỏi giấy anh Brown vì anh này đi nghêng ngang giữa đường. Anh Wilson cũng biết anh Brown trước đó đã cướp tiệm chạp phô, lấy hộp xì gà, do đó cũng có quyền chặn, hỏi giấy anh Brown về chuyện này. Nhưng anh Wilson còn đang ngồi trong xe thì đã bị anh Brown nhào tới đấm túi bụi vào mặt và cổ, tính giựt súng, khiến súng nổ, đạn trúng tay anh Brown. Anh quay lưng bỏ đi, cảnh sát ra khỏi xe đuổi theo. Bị ra lệnh đứng lại, anh Brown quay lại, chúi đầu húc anh cảnh sát nên bị bắn chết. Hoàn toàn không có chuyện quỳ gối cúi đầu dơ hai tay xin hàng rồi bị bắn. Theo luật lệ hiện hành của Mỹ, đánh cảnh sát, giựt súng, húc vào cảnh sát, tất cả đều là lý do để cảnh sát có thể bắn chết.


Một anh nhà báo da đen trước đây viết bài trên Washington Post sỉ vả cảnh sát, bênh vực anh Brown, là anh Jonathan Capehart. Anh này bây giờ đọc lại phúc trình của Bộ Tư Pháp, và đã viết bài trên Washington Post để đính chính và xin lỗi độc giả vì bài viết hồ đồ của mình. Cũng phải nhìn nhận chỉ có nhà báo Mỹ mới dám công khai nhận lỗi như vậy. Đáng phục! Nhưng sẽ đáng phục hơn nữa nếu anh ta chịu khó điều tra kỹ trước khi viết bài sỉ vả lung tung.

Bộ Tư Pháp bối rối về chuyện không kết tội anh Wilson được nên... thua me gỡ bài cào, quay qua chỉ trích cả sở cảnh sát Ferguson về tội kỳ thị, để xoa dịu dư luận. Sở này bị tố có quá ít cảnh sát da đen, phạt dân da đen quá nhiều, nhất là về những tội lặt vặt như chạy xe quá tốc độ, đậu xe ẩu, với mục đích chính là gây quỹ, kiếm tiền cho ngân sách sở cảnh sát. Dân da đen cũng bị bắt nhốt quá nhiều,... Đã vậy, giữa mấy anh cảnh sát với nhau, còn trao đổi những mẫu chuyện diễu bài bác da đen, sặc mùi kỳ thị.

Cái báo cáo này thấy rõ ràng là quá gượng ép, kiểu như phải đẻ ra một cái tội nào cho có vậy. Ít cảnh sát da đen vì họ không muốn làm cảnh sát thì tại sao đó lại là cái tội của sở cảnh sát? Còn mấy chuyện phạt dân da đen nhiều hơn, thì phải nói, tất cả những dân tỵ nạn nào đã ở gần khu da đen đều biết họ như thế nào. Tất cả các thống kê chính thức đều cho thấy, dân da đen ngang tàng hơn, chống luật nhiều hơn, chạy xe nhanh hơn, đậu xe ẩu là chuyện thường, và tỷ lệ hút sách, tội phạm trong các khu đen bao giờ cũng cao hơn. Thật ra, đó không phải là vấn đề màu da, mà là vấn đề nghèo, dân trí thấp, phạm tội nhiều hơn thôi. Cảnh sát tìm cách phạt để kiếm tiền cũng là chuyện cảnh sát cả thế giới đều làm. Chẳng phải ở Ferguson thôi.

Chuyện mấy anh cảnh sát mang dân da đen làm chuyện diễu thì có gì lạ? Mà bây giờ nói chuyện diễu cũng lại thành cái tội sao? Cấm nói chuyện diễu về dân da đen, mai mốt cấm nói chuyện diễu về mấy cô tóc vàng, cấm diễu về dân Tầu, dân Mễ,... Tiếp tục riết, chỉ còn được nói chuyện diễu về mấy lão già da trắng thôi sao? Tự do ngôn luận của Mỹ đang đi về đâu? Kể cả chuyện diễu cũng trở thành cấm kỵ sao?

Dù sao thì báo cáo về “nạn kỳ thị “ trong sở cảnh sát Ferguson đã đưa đến hậu quả là cảnh sát trưởng thành con thiêu thân tế thần, bị ép từ chức trong khi hai ba anh cảnh sát khác bị sa thải. Hy vọng dư luận được xoa dịu phần nào.

Nhưng vô ích. Trong một cuộc biểu tình chống cảnh sát, vẫn tại Ferguson, hai cảnh sát trắng bị bắn trọng thương, chẳng có lý do gì hết. Dân da đen trong khu hò hét hoan hô. Cả nước, chẳng có một người nào biểu tình lên án. TT Obama tuyên bố “hành động này không thể tha thứ được, nhưng không nên vì biến cố này mà quên chuyện chính”. Nghiã là dưới cái nhìn của TT Obama, cảnh sát trắng bắn chết dân da đen cho dù là dân phạm tội, mới là chuyện chính vì là hậu quả của kỳ thị, trong khi cảnh sát trắng vô cớ bị dân da đen bắn chỉ là biến cố không tha thứ được, không phải kỳ thị, không phải chuyện chính.

Cái điều khôi hài là có nhiều anh cấp tiến, từ những chuyện cảnh sát “kỳ thị” này, lái qua đổ lỗi cho đám da trắng bảo thủ kỳ thị, rồi nhẩy qua chỉ trích đảng Cộng Hoà kích động nạn kỳ thị da đen. Cái kiểu xiả tay đổ thừa theo mô thức Obama này quên mất là tiểu bang Missouri có thống đốc là Dân Chủ, công tố viện cũng Dân Chủ, thị trưởng Ferguson và cảnh sát trưởng Ferguson cũng Dân Chủ tuốt luốt. Có anh Cộng Hoà nào trong đám này?

Một chuyện khác đáng nói.

Hai anh sinh viên da trắng của Đại Học Oklahoma, say xỉn, đặt nhạc rap rồi hát nghêu ngao chơi. Bài hát hô hào treo cổ dân da đen. Chuyện quậy phá của học trò mà các cụ ta từ ngàn xưa đã nói, kiểu “thứ nhất là học trò, thứ nhì mới là ma quỷ”. Hai anh say xỉn hát cho nhau nghe. Nhưng có một anh bạn ngồi đó lén thu hình và tung lên mạng. Hai anh sinh viên bị đuổi học ngay. Nói cách khác, ở cái xứ thành trì của tự do ngôn luận này, cho dù say xỉn hò rống cho nhau nghe cũng vẫn cần phải cẩn thận không đụng vào những chuyện “phải đạo chính trị”. Chưa kể “tình bạn” ở cái xứ này cũng chỉ là một thứ tình hời hợt, cần cẩn tắc mới vô áy náy. Mấy ông tỵ nạn cuối tuần nhậu nhẹt, dù say xỉn ca vọng cổ, cũng đừng nên quên chuyện này kẻo rắc rối vào thân.

Cũng chính anh Blow của NYT lại viết “chuyện (Oklahoma) này chứng minh kỳ thị da đen như là đám sương mù vẫn bao bọc tất cả chúng ta”. Chỉ vì hai sinh viên say xỉn hát bậy bạ mà lại thành “sương mù kỳ thị bao bọc tất cả”? Thế thì sao ông da đen Obama lại đắc cử tổng thống? Sương mù khi đó biến đi đâu? Dường như tất cả các nhà báo Mỹ đều chuyên nghề phóng đại, chứ chẳng phải chỉ có anh Brian Williams phóng đại đến mất job luôn.

Rồi đến chuyện bà Loretta Lynch, người được TT Obama đề cử làm Bộ Trưởng Tư Pháp thay thế ông Eric Holder từ chức. Bà bị khối Cộng Hoà đang kiểm soát Thượng Viện chống, ngâm tôm chuyện phê chuẩn. Lý do là bà công khai tuyên bố ủng hộ quyết định của TT Obama hoãn trục xuất di dân bất hợp pháp. Một quyết định đơn phương của tổng thống, không thông qua hay hỏi ý quốc hội mà phe CH cho là bất hợp pháp, nhưng người được đề cử làm Bộ Trưởng Tư Pháp lại ủng hộ, cho là hợp pháp. Bất đồng quan điểm về cách diễn giải Hiến Pháp là lý do khiến bà Lynch chưa được phê chuẩn.

Nhưng vì bà Lynch là dân da đen, nên khối cấp tiến xúm vào tố CH không phê chuẩn chỉ vì màu da của bà. Thậm chí, thượng nghị sĩ Dick Durbin của tiểu bang Illinois còn tố CH không thể chấp nhận một phụ nữ da đen làm bộ trưởng mà chỉ “muốn tống bà Lynch vào dẫy ghế chót của xe buýt”. Cố tình nhắc lại chuyện kỳ thị của nửa thế kỷ trước. Ông Durbin cố tình quên mất bà cựu Ngoại Trưởng của TT Bush, Condolizza Rice, cũng là một phụ nữ da đen.

Nếu nói CH chống bổ nhiệm bà Lynch vì bà là người da đen, tức là kỳ thị da đen, thì như vậy có thể nói TT Obama lựa bà Lynch chính là vì bà là da đen, tức là kỳ thị da trắng được không? Tại sao trong chuyện kỳ thị, lý luận luôn luôn là một chiều?

Tất cả những loại tin trên chỉ có tác động quậy đống tro tàn kỳ thị, chỉ làm mâu thuẫn trắng đen căng thẳng thêm, không giúp gì cho cả dân đen lẫn dân trắng.

Người ta có cảm tưởng như khối cấp tiến, truyền thông dòng chính, cũng như ngay cả chính quyền Obama, không bỏ lỡ cơ hội nào để khai thác những xung đột hơi có ít màu sắc đen trắng dính dáng vào, để kích động và lấy điểm với cử tri da màu, cũng như để chống đỡ những chỉ trích. Đến ngay cả việc chỉ trích TT Obama cũng bị tố là kỳ thị da đen. Thế thì ngày trước, phe cấp tiến chỉ trích, mạt xát TT Bush, có phải là kỳ thị da trắng không?

Vẫn anh nhà báo Charles Blow, là cái anh cảnh giác thiên hạ “sương mù kỳ thị đang bao bọc tất cả”, miả mai thay, cũng lại là anh nhà báo mới đây viết bài kêu gọi mấy ông bảo thủ Cộng Hoà nên ngưng việc “khai thác lá bài kỳ thị” –playing the race card- vì mục tiêu chính trị.

Các cụ ta gọi chuyện này là vừa đánh trống vừa ăn cướp.

Nhìn chung, ta thấy việc bầu một người da đen làm tổng thống chẳng những không mang nước Mỹ vào thời hậu kỳ thị được, mà trái lại, chỉ khiến chuyện kỳ thị trở thành trầm trọng hơn. Và đây có lẽ là thất bại lớn nhất của TT Obama. Chỉ vì ông đã được cả trăm triệu dân, đen cũng như trắng, bầu làm tổng thống một phần lớn vì hy vọng ông sẽ hàn gắn được xung khắc trắng đen ở Mỹ. Một chuyện rõ ràng ông đã không làm được. Hay không muốn làm? (29-03-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
01/04/201501:18:11
Khách
Vũ Linh viết có lý lắm. Tôi đồng ý với tác giả là " kỳ thị ngược" vì dân da màu " Ỷ" có tông tông cùng màu da. Dân tỵ nạn CS chúng tôi thì khác, đi đâu sống cũng lặng lẻ không ồn ào quá đáng vì biết thân phận mình, vào nhà thờ thì lặng lẻ ngồi hàng ghế sau cùng, tránh cải vả to tiếng và v.v. . nên ít bị tai tiếng "kỳ thị" . Vũ Linh nhận xét về chính trị nước Mỹ rất là sâu sắc, cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.