Hôm nay,  

Chiến Lược Chống Khủng Bố “Lạ”?

03/03/201500:00:00(Xem: 6709)
...đồi núi Idaho cũng biết khủng bố là Hồi giáo. Chỉ có TT Obama là không chịu nhìn nhận...

Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc ra tuyên bố và hầu hết truyền thông dòng chính ngoan ngoãn lập lại “khủng bố giết 21 dân Ai Cập tại Libya”. Tưởng gì ghê gớm, chứ như vậy thì có ghê gớm đâu, trong cái thời đại loạn này, chuyện như vậy chỉ là chuyện bình thường, chuyện nhỏ mà. Phải không? Xin thưa, đó chính là thông điệp Tòa Bạch Ốc muốn chuyển đến dân Mỹ, với sự tiếp tay của truyền thông dòng chính: chuyện nhỏ không đáng để tâm.

Thật ra, trong cái câu ngắn gọn trên, Tòa Bạch Ốc và truyền thông dòng chính đã ém nhẹm 4 chuyện mang ý nghiã hết sức lớn lao.

1. Nhóm khủng bố đó chính là nhóm ISIS, có nghiã là ISIS mà TT Obama từng so sánh như đội bóng rổ trung học, đã từ Syria lan qua Iraq, lan qua Afghanistan, bây giờ đã lan qua tới Libya.

2. Nhóm ISIS là một nhóm khủng bố Hồi giáo cuồng tín, nhưng đúng theo chủ trương của TT Obama, cái chữ “Hồi giáo” là huý kỵ, tuyệt đối không được nhắc đến cho phải đạo chính trị.

3. Chúng không phải chỉ “giết”, kiểu như tung lựu đạn hay cho bom nổ chết một lúc hơn 20 người, mà xếp hàng họ, bắt quỳ xuống, rồi cứa cổ từng người một, cho quay phim phổ biến khắp thế giới. Nói “giết” hiển nhiên giúp câu chuyện đỡ ghê gớm hơn nhiều. Một kiểu gỡ tội, hay làm giảm tội, cho ISIS, không hơn không kém.

4. Hai chục nạn nhân vô tội đó đều là thường dân Ai Cập qua Libya làm nhân công kiếm sống, đều là những người “có tội”. Đó là cái tội ngoại đạo, không theo Hồi Giáo, mà là theo Thiên Chúa Giáo (Coptic).

Câu chuyện nhỏ này phản ánh không thể nào rõ ràng hơn chiến lược chống khủng bố Hồi giáo cuồng tín của chính quyền Obama: đánh kẻ thù mà không chịu nhìn nhận kẻ thù là ai, đồng thời vừa đánh vừa vuốt, không muốn đánh thẳng thừng sợ làm “mất lòng” kẻ thù, sợ kẻ thù nổi trận lôi đình đánh mạnh hơn nữa thì … phiền lắm.

Làm cho ta nhớ lại những cái tựa trên báo Tuổi Trẻ: “Tàu lạ xâm phạm hải phận của ta tại Hoàng Sa” hay “Tàu lạ tấn công ngư dân ta”,... Đến thằng bé chăn trâu ở Cái Vồn cũng biết tàu lạ là tầu Trung Cộng. Chỉ có các đồng chí “đỉnh cao trí tuệ” là vẫn “nhất trí” là “tàu lạ”, có thể là từ Hỏa tinh xuống. Một thằng bé con chăn ngựa trong đồi núi Idaho cũng biết khủng bố là Hồi giáo. Chỉ có TT Obama là không chịu nhìn nhận thực tế này.

Ở đây, có một câu chuyện thật ý nghiã mà hầu hết dân sống trên đất Mỹ không biết.

Tập san TIME, có một ấn bản quốc tế, hơi khác ấn bản Mỹ, chỉ bán ngoài nước Mỹ và chú tâm nhiều hơn vào tin thế giới. Mới đây, tập san này ra số đặc biệt về tình hình Miến Điện, là nơi đang có xung đột giữa dân Miến, đại đa số theo Phật giáo, và khối dân Rohingya, là dân Hồi giáo gốc Bangladesh tràn qua biên giới. Không khác gì tình trạng dân gốc Nam Mỹ tràn qua Mỹ để kiếm sống, vì Bangladesh dân quá đông, nước quá nghèo.

Dân địa phương Miến chống vì lý do kinh tế, dành giựt việc làm và nguồn thực phẩm hiếm hoi của một trong những xứ nghèo nhất thế giới, và nhất là xung khắc tôn giáo. Cuộc xung đột thường đi đến bạo động, đánh giết nhau bằng gậy gộc, mã tấu giữa cả hai bên chết dăm ba người, bị thương vài chục người. Tình trạng lai rai như vậy từ mấy chục năm nay, nếu không muốn nói là suốt dọc lịch sử Miến.

Không hiểu vì lý do gì mà Nhà Nước Obama và truyền thông dòng chính Mỹ công khai đứng về phiá dân Rohingya, tố cáo chính quyền Miến có chính sách ngược đãi, kỳ thị, không nhìn nhận Rohingya là dân hợp pháp, không chịu cấp cho họ quốc tịch Miến. Biết đâu việc này nằm trong chiến lược toàn cầu vuốt ve dân Hồi giáo của chính quyền Obama?

Trở lại chuyện TIME. Báo này đăng hình một vị sư Miến trên trang bià trong ấn bản quốc tế đặc biệt đó, kèm theo cái tựa kinh hồn: “Lãnh Tụ Khủng Bố Phật Giáo” (Leader of Buddhist Terrorism).

Không cần phải là chuyên gia chính trị chính em gì hết, chỉ cần coi cái tựa đã thấy rõ sự thiên vị của truyền thông dòng chính Mỹ như thế nào. Khủng bố Al Qaeda, ISIS, giết cả ngàn người bằng những cách tàn ác nhất, vừa giết vừa hô Allahu Akba, nhưng truyền thông dòng chính, theo đúng chủ trương của Nhà Nước Obama, tuyệt đối không dám hé răng dùng chữ “Hồi giáo” kèm theo. Nhưng đối với cuộc xung đột lắt nhắt tại Miến Điện giữa hai khối dân Phật giáo và Hồi giáo, thì TIME không ngại ngùng gì phóng đại nhóm Phật giáo thành một “tổ chức khủng bố” tương đương với ISIS, mà lại còn ghi rõ “Phật giáo” nữa. Hàng ngàn đạo sĩ Hồi giáo đăng đàn rao giảng cổ võ cho khủng bố giết người ngoại đạo, chưa bao giờ báo TIME dám đụng đến. Nhưng một nhà sư kêu gọi bảo vệ ruộng đất và tôn giáo của khối dân Miến địa phương chống di dân lậu Rohingya được TIME dán ngay nhãn hiệu “lãnh đạo khủng bố Phật giáo” không một chút e dè.

Nhà Nước Obama và truyền thông cấp tiến biện giải không thể dùng danh từ “khủng bố Hồi giáo”, vì sợ mang ý nghiã tố cáo tất cả khối Hồi giáo là khủng bố. Thế thì TIME giải thích như thế nào chuyện gọi nhóm này là “khủng bố Phật giáo”? Hay là tại Phật giáo quả thực là một tôn giáo khủng bố?

Mà tại sao trong cuộc xung đột này lại nêu ra một bên là “khủng bố Phật giáo”, còn bên Hồi giáo Rohingya thì sao không nói đến, sao không gọi là “khủng bố Hồi giáo Rohingya”? Hiển nhiên, TIME gợi ý cho độc giả thấy khối Hồi giáo Rohingya chỉ là nạn nhân hiền hoà vô tội của mấy ông “sư khủng bố”. Trong khi sự thật khối Rohingya cũng đánh giết dân Miến ào ào không chút e lệ gì.

TIME gọi nhóm Rohingya là nhóm thiểu số bị khối đa số dân Miến đàn áp. Làm như thể tất cả 50 triệu dân Miến đang xúm lại đánh nhóm vài trăm ngàn dân Rohingya. Thực tế, chống khối Rohingya chỉ là nhóm vài trăm ngàn dân sống trong vùng Rakkhine, Tây-Bắc Miến, dọc biên giới Miến và Bangladesh thôi.

Trong bối cảnh dân Rohingya từ Bangladesh tràn qua Miến, chiếm đất, chiếm việc làm, chiếm nguồn lợi kinh tế (canh nông, hải sản) của dân Miến điạ phương, thậm chí trong vài vùng họ chiếm, còn phá chùa để xây đền Hồi, thì phản ứng chống đối của dân Miến dĩ nhiên phải là chuyện bình thường, nhưng theo TIME, thì đó chính là hành động của “khủng bố Phật giáo”.

Khủng bố Hồi giáo cuồng tín lộ liễu, khối cấp tiến nhắm mắt. Vài ông sư hô hào chống di dân lậu Hồi giáo, truyền thông dòng chính gán ngay nhãn hiệu “khủng bố Phật giáo”. Cái “lô-gíc” cấp tiến chỉ có dân cấp tiến mới hiểu và chấp nhận được. Những người có một ly công tâm cũng chỉ có thể gãi đầu gãi tai.

Quan điểm của TT Obama về cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo cuồng tín ngày càng lạ lùng, ngày càng khó. Để biện minh cho những cảnh ISIS cứa cổ tù nhân, TT Obama khuyên chúng ta không nên ngồi trên ngựa trắng vểnh mặt làm cao khi chính những người Thiên Chúa Giáo cũng đã vi phạm những tội ác khủng khiếp chống Hồi giáo, nhân danh Ki-Tô giáo trong Thập Tự Chinh thời trung cổ.

Trước tiên, Thập Tự Chinh là một cuộc chiến để cứu dân Thiên Chúa Giáo và trừng phạt các đế quốc Hồi giáo khi đó đang tru diệt các nhóm Thiên Chúa Giáo trong vùng Trung Đông. Chỉ trong một trận đánh Hattin vào năm 1187, quân Hồi giáo tàn sát 40.000 dân Thiên Chúa giáo vô tội sau khi chiếm được thành. Thập Tự Chinh là một cuộc chiến tàn khốc, cả hai bên đều có những hành động tàn ác không bên nào thua bên nào. Nhưng đó là chuyện của cả ngàn năm trước. Tại sao TT Obama không lôi chuyện thời con người còn ăn lông ở lỗ ra để bào chữa cho những hành động của khủng bố Hồi giáo thế kỷ thứ 21?

Một nhà báo đặt câu hỏi gần đây hơn, thời lập quốc, mấy ông cao bồi Mỹ có chủ trương tận diệt dân da đỏ, nhưng vậy theo lý luận của TT Obama, Mỹ không có quyền leo lên ngựa trắng, vểnh mặt làm cao chỉ trích khi Hitler muốn tru diệt dân Do Thái, hay can thiệp vào cuộc thế chiến thứ hai với Đức?

Trước những hành động cắt cổ man rợ như vậy mà TT Obama thay vì lớn tiếng tố cáo và có hành động mạnh để chấm dứt, thì lại bối rối, loay hoay tìm cách phân trần biện minh không phải là Hồi giáo, không phải lỗi họ, chúng ta cũng thế mà, … Thế nghiã là gì? Kẻ viết này quả là không đủ khả năng để hiểu lập luận và sách lược của TT Obama.

Ta còn nhớ khi Bin Laden bị giết, Nhà Nước và truyền thông dòng chính khua chiêng trống về thành quả “vĩ đại” của TT Obama. Được hỏi về công của TT Bush, là người đã thành lập biệt đội thám kích và Seal Team đặc biệt để truy lùng Bin Laden trong cả chục năm trời, thì những người ủng hộ TT Obama khẳng định, chuyện xẩy ra dưới thời TT Obama (nói theo Mỹ: “under Obamas watch”) thì đó là công của TT Obama. Chấm hết. Không dính dáng gì đến Bush.

Như vậy, bây giờ chuyện ISIS lớn mạnh xẩy ra dưới thời TT Obama thì TT Obama có chịu trách nhiệm không? Hay là cái gì tốt thì là công của Obama, cái gì sai vẫn là lỗi của Bush?

TT Obama đã từng tuyên bố một cách rất thực tế: không cần tranh cãi nhiều vô ích, chỉ cần nhìn vào kết quả. Đây có lẽ là một trong số rất ít quan điểm mà cá nhân kẻ viết này hoàn toàn đồng ý với TT Obama. Ta thử nhìn vào thực tế giữa năm 2009 khi TT Obama mới nhậm chức và ngày nay, đầu năm 2015, sáu năm sau.

Năm 2009, tại Iraq, tướng Petraeus ổn định được tình hình chiến sự, phe Sunnis thân Saddam trước đây đã hợp tác chặt chẽ với quân lực Mỹ chống al Qaeda. Al Baghdadi đang trong tù, ISIS chưa được thành lập. Tại Afghanistan, tình hình cũng ổn định cả quân sự lẫn chính trị dưới quyền TT Karzai. Syria, Libya, Yemen chưa có nội chiến. Toàn thể Âu châu bình yên vô sự.

Sáu năm dưới TT Obama, đến 2015, ISIS khống chế một vùng rộng lớn, kéo dài từ phiá tây Syria, vùng biển Điạ Trung Hải, qua Iraq, Afghanistan, tới bên giới Iran phiá đông, với mỏ dầu mỗi ngày cung cấp cho quân khủng bố hàng triệu đô tiền bán dầu. Syria đánh nhau chết đã hơn 200.000 người. Libya trở thành một Somalia thứ hai, một xứ vô chính phủ, với quân khủng bố đủ nhóm, đủ nhánh chia nhau hùng cứ, đại sứ Mỹ nhẩy lên xe jeep tháo chạy qua biên giới Tunisia. Yemen cũng nối đuôi theo khi tòa đại sứ Mỹ di tản khẩn cấp trước khi quân khủng bố thân ISIS chiếm cả thủ đô. Khủng bố lan qua Nigeria, Mali. Đáng sợ hơn là khủng bố tràn qua cả Âu Châu, bắn giết tại Paris, Brussels, và Copenhague, thủ đô của ba nước Pháp, Bỉ, Đan Mạch. Thực tế, tuy chưa chính thức, cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành một thứ “thế chiến thứ ba”.

So sánh hai bức tranh đó là thấy ngay thành quả chống khủng bố của TT Obama. Nói như TT Obama: “không cần tranh cãi nhiều vô ích, chỉ cần nhìn vào kết quả”.

Năm 2012, TT Obama ra trước Đại Hội Đảng Dân Chủ hùng hổ khoe thành tích giết Bin Laden, tuyên bố “đe dọa khủng bố coi như đã chấm dứt”, quân khủng bố lác đác vài tên loe nghoe đang vắt chân lên cổ chạy thục mạng. Tổng thống giữ lời hứa chấm dứt cuộc chiến “ngu xuẩn” của Bush tại Iraq, và đang trên đà rút quân khỏi Afghanistan. Tại cả hai xứ này, TT Obama hãnh diện khoe đang trao quyền lại cho hai chính quyền dân chủ, hùng mạnh và vững bền.

Ngày nay, TT Obama ra trước quốc hội phân trần, giải thích, biện minh, đổ thừa, làm đủ cách để xin quốc hội do đối lập Cộng Hoà kiểm soát cả hai viện, cho phép tổng thống có quyền hạn rộng lớn để đánh ISIS. Đề nghị của TT Obama trước tiên phải nói ngay là một thú nhận không thể nào rõ ràng hơn sự thất bại hoàn toàn của chiến lược Trung Đông của ông. Những lời tuyên bố trước đại hội đảng trong mùa tranh cử chỉ là huênh hoang khoác lác vô căn cứ. Rút cho mau, cho lẹ, cho cố, bây giờ phải xin phép trở lại. Đây là điều “anh ngốc của làng” Bush, đã cảnh giác ngay từ đầu: rút nhanh quá thì sẽ phải trở lại sớm thôi.

Quốc hội còn đang bàn thảo, nhưng ta thấy ngay cảnh tréo cẳng ngỗng của chính trị Mỹ.

Đề nghị của TT Obama bị phe đối lập Cộng Hòa chống vì cho là quá yếu, tổng thống tự trói tay mình trong đủ loại điều kiện, sẽ chẳng thực hiện được chuyện gì, nhất là lại có cái đoạn kết được ấn định trước là đúng ba năm sau sẽ kết thúc. Trong lịch sử nhân loại, chiến tranh nhiều vô kể, nhưng cuộc chiến của TT Obama sẽ là cuộc chiến đầu tiên có hạn kỳ ấn định trước, đúng ba năm. Có nghiã là thua hay được, có hay không có thoả thuận đình chiến, hay gì gì xẩy ra đi nữa, thì Mỹ cũng sẽ tuyên bố chiến tranh chấm dứt đúng tháng, đúng ngày, đúng giờ. Cần để đồng hồ reo để nhắc nhở. Điều đáng lưu ý là vị tổng thống phải lấy quyết định đó sẽ không phải là TT Obama, vì khi đó ông đang tắm biển Hawaii rồi. Ông hay bà nào làm tổng thống khi đó sẽ phải nhận cái trách nhiệm lạ lùng này.

Đề nghị của TT Obama trái lại cũng bị phe ta Dân Chủ chống kịch liệt vì quá... mạnh, cho tổng thống quá nhiều quyền, ba năm là quá lâu,...

Nôm na ra, trong cuộc chiến chống khủng bố, phe hậu thuẫn TT Obama bây giờ là phe bảo thủ Cộng Hòa, trong khi phe chống đối lại chính là phe ta Dân Chủ. Chính trị Mỹ!

Gần đây, một bà cấp tiến diễn giải nguyên nhân của khủng bố: thiếu công ăn việc làm. TT Obama mau mắn hậu thuẫn ngay ý kiến này. Đại để thì câu chuyện này đã được bàn trên cột báo này rồi. Khối cấp tiến luôn giải thích mọi vấn đề qua lăng kính “kinh tế xã hội”. Khủng bố Hồi giáo sinh ra từ nghèo đói, thiếu ăn, thiếu công ăn việc làm, thiếu tự do dân chủ,… Từ đó đi đến giải pháp cấp tiến tiêu biểu: gia tăng viện trợ kinh tế cho mấy nước này, trợ cấp đủ loại cho dân, Nhà Nước đổ tiền tạo công ăn việc làm là xong. Nói cách khác, khủng bố không là hậu quả của cuồng tín Hồi giáo, hay tham vọng chính trị của vài nhóm Hồi giáo cực đoan, mà chỉ là vấn đề xã hội, mà chỉ có cải cách xã hội và trợ cấp mới giải quyết được. Mang trợ cấp ban phát cho “dân nghèo” là giải pháp mầu nhiệm cho tất cả các vấn đề của nhân loại. Đó là quan niệm nền tảng của khối cấp tiến.

Thực tế không hẳn vậy. Mohamed Atta, người lãnh đạo nhóm cảm tử lái máy bay ngày 9/11 tốt nghiệp tiến sĩ tại Đức, là con một luật sư nổi tiếng. Bin Laden là triệu phú. Ayman al Zawahiri, người kế vị Bin Laden, là một bác sĩ phẩu thuật. Nidal Hasan bắn chết đồng đội tại Fort Hood là một thiếu tá quân đội Mỹ. Faisal Shahzad bị bắt khi tính đặt bom trong xe SUV của anh ta đậu tại Manhattan, là chuyên gia tài chánh của công ty mỹ phẩm nổi tiếng Elizabeth Arden. Cái tay khủng bố bịt mặt, mặc toàn đồ đen, dùng dao ngắn cứa cổ con tin trên TV, mới đây đã bị khám phá ra là Mohamed Emweza, dân Anh gốc Kuwait, con nhà khá giả, chuyên viên thảo chương điện toán tốt nghiệp Đại Học Westminster tại Luân Đôn. Trong một nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Marc Sageman về 172 tên khủng bố nổi tiếng nhất, hai phần ba thuộc giới trung lưu, tốt nghiệp đại học, trong đó có không ít tiến sĩ, một nửa là chuyên viên đang có việc làm tốt.

Một sự kiện mới còn quái lạ hơn nữa. TT Obama mới đây mở một cuộc “Hội Thảo Thượng Đỉnh Chống Bạo Lực Cực Đoan”. Ai cũng hiểu đây là hội nghị bàn về chống khủng bố cuồng tín Hồi giáo, nhưng đúng sách vở Obama, không ai dám đụng đến danh từ “Hồi giáo”. Danh sách những người tham dự được giữ bí mật vì “lý do an ninh” đến giờ chót. Cuối cùng người ta được biết trong những tham luận gia, có ông Salam al-Marayati, dân Mỹ gốc Iraq. Ông này lãnh đạo một tổ chức Hồi giáo tại Los Angeles, xuất thân từ tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo Ai Cập -Muslim Brotherhood- là một tổ chức đã bị chính quyền Ai Cập loại ra khỏi vòng luật pháp vì là một tổ chức khủng bố. Ông này cũng là người chuyên bênh vực tổ chức khủng bố Palestine Hezbollah chống Do Thái. Ông ta cũng là người đã khẳng định Do Thái là thủ phạm vụ 9/11 chứ không phải Al Qaeda!

Không nói thì ai cũng hiểu Nhà Nước Obama mời ông này tham gia để gọi là có tiếng nói bênh vực, bào chữa cho khủng bố chứ không phải để góp ý tìm biện pháp chống khủng bố. Đó là chiến lược “lạ” chống khủng bố “lạ” của TT Obama. Nếu TT Obama mời được al-Baghdadi, lãnh tụ ISIS qua tham dự, chắc ông cũng sẽ làm ngay. Gọi là cho công bằng. Áp dụng cái sách lược lạ lùng này, ngày xưa đáng lẽ TT Roosevelt đã phải mời Hitler qua Mỹ giải thích chính sách tru diệt Do Thái, gọi là cho công bằng.

Dân Mỹ nghĩ sao? Thăm dò mới nhất của đài TV phe ta CNN cho thấy trong 10 người, có 6 cho rằng cuộc chiến chống khủng bố đang thất bại, chỉ có 4 cho rằng có chút tiến bộ. (03-01-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
04/03/201518:48:14
Khách
Chuyện chống khủng bố của chính quyền Obama đàm phán với Iran, sao giống chuyện Mỷ bán đứng chính quyền của VNCH, cho bọn cộng sản bắc việt, và bọn Trung Cộng thông qua bàn tay lông lá của Henry Kissinger quá vậy
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.