Hôm nay,  

Đọc Chuyện Kể Năm 2000 Của Bùi Ngọc Tấn

20/12/201400:00:00(Xem: 11914)
LTS: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa qua đời hôm 18/12 tại Hải Phòng, thọ 80 tuổi. Ông là tác giả của cuốn “Chuyện kể năm 2000”. Để tưởng niệm, nơi đây trân trọng đăng lại bài viết “Đọc Chuyện kể năm 2000” của Trần Bình Nam viết tháng 4 năm 2000 sau khi cuốn sách vừa xuất bản.

* * *

"Chuyện Kể Năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn gồm 2 tập, dày khoảng 1000 trang in cỡ chữ trung bình do Nhà xuất bản Thanh Niên ở Hà nội in và xuất bản. Sách in xong nộp lưu chiếu khoảng tháng 2/2000 chưa bán ra thị trường đã bị nhà nước ra lệnh tịch thu. Nội dung cuốn sách đã được chuyển qua Liên bang Nga. Sinh viên Việt scan lại và chuyển cho độc giả Việt khắp thế giới. Ít nhất có hai nhà xuất bản, nhà xuất bản Văn Nghệ và Tự Lực ở Nam California Hoa Kỳ đã cho in thành sách. Nhà xuất bản Tự Lực cho biết một phần tiền bán sách sẽ dành cho tác giả, và khuyến khích độc giả giúp đỡ tác giả và những người đang gặp khó khăn với chính quyền trong nước vì đã tạo điều kiện cho cuốn sách ra đời.

Từ năm 1986 khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cởi trói văn nghệ, nhiều sách do các nhà văn trong nước viết được gởi ra hải ngoại như các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương... chưa có một cuốn nào gây dư luận sôi nổi như cuốn “Chuyện Kể Năm 2000”.

Bùi Ngọc Tấn viết chuyện ký về nhà văn Nguyễn Văn Tuấn (chính là tác giả) bị tù gần 5 năm, từ tháng 11/1968 cho đến tháng 4/1973. Tập 1 ghi lại chuyện tù từ các trại giam trại 76 ở Hải Phòng, 75 ở Hà Nội đến các trại tù Q.N, VQ. Tập 2 ghi lại những khó khăn nhà văn Nguyễn Văn Tuấn gặp phải sau khi ra tù. Những khó khăn kéo dài triền miên từ năm 1973 cho đến năm 1990. Ông bắt đầu viết khi khối Liên Xô vừa sụp đổ. Ông nghĩ đã đến lúc có thể ghi lại những lỗi lầm của thế kỷ và chiêm nghiệm của bản thân lại cho mai sau.

Ông viết: "Thập niên thứ tư (ông ra tù năm 39 tuổi): Dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm dưới đáy. Đấu tranh đòi hưởng công bình, đòi hưởng luật pháp. Thập niên thứ năm: chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu... trò chuyện với vô cùng."

Ông trò chuyện với vô cùng qua những trang giấy trắng. Ông miệt mài viết trong 15 tháng liền, kết thúc bản trường thiên ký sự cuối năm 1991. Không ai biết tại sao tác giả ngâm bản thảo suốt 8 năm cho đến tháng 8 năm 1998 mới tìm cách cho cuốn sách ra đời một cách công khai. Có lẽ nhà văn Bùi Ngọc Tấn chờ chế độ đã làm cho cuộc đời ông bầm dập cáo chung, hay không còn chờ được nữa, hay nghĩ chế độ đã đủ cởi mở để nghe những lời ông nói.

Có thể chế độ đã đủ cởi mở hay có những khe hỡ tế nhị để cuốn sách ông qua lọt các thủ tục kiểm duyệt, nhưng sau cùng những người nắm quyền lực tối thượng vẫn còn lo sợ không cho cuốn sách ông được phổ biến. Nhưng có gì ngăn cản được thông tin trong thời đại tin học. Càng cấm nó càng được phổ biến, càng được tìm đọc. Nếu đảng cộng sản Việt Nam không ngăn được nhạc Phạm Duy đi vào quần chúng như mực trên giấy thấm học trò, thì đảng cũng không ngăn được những tư tưởng bình dị nhưng lấp lánh như ánh sao sa được chuyên chở bởi lời văn nhẹ nhàng, súc tích đầm ấm của Bùi Ngọc Tấn đến với nhân dân.

Ký sự về tù đày, nhưng tù đày chỉ là cái khung. Tác giả dùng cái khung đó để chi li đi vào phần thâm kín nhất của tâm hồn con người, trình ra những viên ngọc óng ánh cho chúng ta những giây phút thở dài nhẹ nhõm hay lo âu có khả năng làm cháy lòng ta. Cái tệ tàng, u uất, xấu xa nhất nếu được vẽ ra nguyên hình của nó cũng là một viên ngọc quí của văn học. Ai quên được triết lý nói dối và ăn cắp của Tuấn trong tù như một hình thức phản kháng: "Vào tù hắn đã học được hai điều: ăn cắp và nói dối. Không ăn cắp vẫn sống được đấy. Nhưng khỗ. Và buồn nữa. Nếu không có cái lo lắng hồi hộp của việc ăn cắp và bồng của ăn cắp được về trại thì buồn lắm, buồn không chịu nổi. Sung sướng biết bao khi mình vẫn lấy cắp và mang về trại được tất cả, vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các ông quản giáo. Ăn cắp với hắn còn có nghĩa phản kháng, tuy sự phản kháng đó hơi nguy hiểm. Nó dẫn tới kỷ luật, cùm xà lim, ăn cháo loãng."

Những điều phi lý của một chế độ độc tài toàn trị văn chương thế giới đã nói nhiều. Nhưng cái phi lý nhà văn Bùi Ngọc Tấn ghi lại làm chúng ta choáng váng, nhức nhối, khó chịu. Nhà văn Nguyễn Văn Tuấn bị bắt vì đã viết cuốn sách "Những Tiếng Động Bị Nhốt" để ca ngợi những chiến sĩ thợ hàn đêm ngày nằm trườn mình trong những thùng phuy bé tí để hàn thùng xăng cho nhu cầu bộ đội Trường Sơn. Người thợ hàn nghe tiếng tí tách của ngọn hồ quang đầu đũa hàn, mình với mình, chịu đựng cam go nóng bức, tiếng động bị nhốt trong thùng không chia xẻ được với ai. Thế nhưng, ông Trần, ông Lan trong bộ máy công an cho rằng Bùi Ngọc Tấn lách chữ nghĩa để xỏ xiên đảng bóp chết tiếng nói của nhân dân.

Đầu năm 1972 sau 3 năm 8 tháng giam cầm Nguyễn Văn Tuấn được đưa từ nhà tù QN về trại giam 75 ở Hà Nội để làm thủ tục phóng thích. Ngày phóng thích, Ngọc vợ Tuấn được mời đến sở công an. Ông Lan, người công an chấp pháp từng lấy cung Nguyễn Văn Tuấn muốn nhân dịp này cho Tuấn có cơ hội nhận lỗi "với nhân dân" trước mặt những người đại diện đảng, nhất là trước mặt vợ để chứng tỏ uy quyền của đảng và thỏa mãn tự ái của ông. Trong hơn 3 năm giam cứu ông Lan không khui ra được một lỗi lầm gì của người tù Nguyễn Văn Tuấn. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể lại: "Hướng về Tuấn như hướng về một thính giả vô hình, ông Lan nói, trước hết anh phải xác định được những sai lầm của mình. Phải nhận thức được thiếu sót của bản thân. Chúng tôi giam giữ anh không ngoài mục đích ấy."

Cảm thấy không có gì trắng trợn hơn, gian dối hơn, đạo đức giả hơn, đểu hơn, Tuấn buột miệng đáp: "Thưa ông, cho đến giờ này tôi chưa được biết tội lỗi của tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi có tội gì."

Người sĩ quan công an chấp pháp cười nhạt nói với vợ Tuấn, "Đấy, anh ấy cứ như thế đấy." Sau đó Tuấn được chở trở lại về nhà tù Q.N trên chiếc xe đít vuông có 4 buồng giam của Rumani viện trợ, rồi chuyển lên trại VQ xa hơn, hắc ám hơn.

Đừng đọc Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấân như một cuốn sách tố cáo chế độ tù đày của chế độ cộng sản Việt Nam. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có mục đích tố cáo chế độ tù đày, ông cũng không dùng cuốn sách để tố cáo chế độ cộng sản. Cộng sản như thế nào ai cũng biết rồi. Stalin, Mao, Pol Pot, cuộc đấu tố tại miền Bắc Việt Nam của thập niên 50.... Và tù đày: "nhất nhật tại tu thiên thu tại ngoại" đâu cũng vậy. Những khó khăn của người tù để lập lại cuộc đời ở quốc gia nào cũng có.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn dùng cái khung tù đày và những năm phấn đấu sau khi ra khỏi nhà tù để ngoi lên mà sống cho ra một con người để minh họa một bức tranh lớn của xã hội Việt nam dưới một chế độ không có tự do. Khi quyền lực thu vào tay của một số người, vừa làm công an, quan tòa và cai tù thì xã hội và con ngườiụ phải sa đọa đến tầng thấp nhất của địa ngục. Địa ngục không chỉ ở trong nhà tù, địa ngục ở mọi nơi, trong cơ quan làm việc, trong công xưởng, nơi hàng mậu dịch, trường học, trong tâm tư của người chưa bị tù hay vừa ở tù ra, nơi chỗ kín đáo vợ chồng chăn gối với nhau. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết: Khi con người "không còn một nơi nào đi đến thì khủng khiếp thật. Đó là địa ngục của trần gian. Ông không đặt câu hỏi cái gì cho phép cái địa ngục đó tồn tại. Nhưng ai cũng biết: vì tự do là trái cấm. Chỉ có đảng độc quyền tự do, độc quyền tuyệt đối, độc quyền hiến định. Nhưng Tuấn không mất tin tưởng vào con người, và đó là cái làm anh sống, không chọn cái chết như người tù Ngụy Như Cần. Có lần Tuấn thổ lộ với Bình, một người bạn chí thân: "Bình ơi! Lòng chúng ta có bao giờ không trong sáng. Có bao giờ chúng ta không yêu mến con người. Có bao giờ chúng ta căm ghét cuộc đời này..."

Những chiêm nghiệm của tác giả được vẽ lại bằng một lối văn nhẹ nhàng đầy ắp hình ảnh, không hờn oán. Trong suốt 1000 trang giấy, trang nào cũng là một bức tranh nhỏ mang tính sự thật phảng phất tâm hồn bao dung của tác giả, ngay cả những cảnh hung bạo nhất. Con người còn tất cả những nét đẹp trong tác phẩm của ông. Xấu chăng chỉ là cái hệ thống, cái chế độ chính trị hư hỏng làm con người đi xuống, đi xuống mà không biết mình đi xuống như ông Trần, ông Lan ông Quảng của sở công an, của một số bạn văn của tác giả trốn tránh anh vì sợ liên hệ dù anh đã được tự do không có án, của những người lối xóm vốn có thể là những người tốt bụng trong khu chung cư nơi ông ở trở thành những người điểm chỉ báo cáo.

Bên cạnh đó, dù khó khăn, nghịch cảnh và đe dọa bởi tù đày vẫn còn những người bạn tốt như Giang, như Dự, già Đô, Bình, như chị Linh vợ một ông đại úy đang chiến đấu trong B. Nếu có những người không may như Lượng, đi tù vợ ở nhà không giữ trọn tình chung thủy vẫn còn những người như Ngọc, vợ Tuấn, biết sống, biết yêu. "Nàng đau khổ hiểu rằng: Cả hắn (Tuấn), cả nàng không có cách gì thoát khỏi cái mà cuộc đời đã dành cho hai người. Nàng thương chồng, nàng thương nàng. Nàng cam chịu."

Cũng như vợ, tác giả cam chịu trước bóng đen đè ngập xuống cuộc đời anh, xuống cuộc đời của những người tù đã được trả tự do. Từ nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn họ chỉ có thể trở thành kẻ cắp, móc túi, hay chết bờ chết bụi không thân nhân giỏ giọt nước mắt cuối cùng.

Già Đô đăng lính Pháp đánh Đức trong thế chiến II, lập gia đình với một phụ nữ Pháp, có một cô con gái lai xinh đẹp, vì hào quang của Hồ Chí Minh, vì tình yêu đất nước bỏ vợ con ở lại về nước tiếp tay xây dựng quê hương, phục vụ "cách mạng", thấy cảnh chướng tai gai mắt nói lời bất mãn bị tù. Ra tù không nơi nương tựa, già Đô làm đơn xin trở lại nhà tù không được chấp nhận. Lang thang ngủ bờ ngủ bụi, chịu đựng đói khát nắng mưa, phút sau cùng biết không qua khỏi, già đã chọn một ngôi đình để... chết. "Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng.... Thật là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ thường. Chẳng nhớ một điều gì, chỉ nhớ mình đang tan đi và đang bay..."

Ngụy Như Cần, người tù lâu năm nhất của trại giam Q.N được sự kính nễ của bạn tù vì tư cách và sự chịu đựng của anh đã treo cổ tự tử sau khi trại tù hoàn tất thủ tục phóng thích. Anh nghĩ anh đã trả đủ nợ đời, không muốn nhà tù lớn ngoài kia làm khổ anh và thân nhân anh. Anh chết đi còn nuối tiếc chăng là thương con cá chép trong hồ anh nuôi và huấn luyện bao nhiêu năm mỗi ngày chờ nghe tiếng anh gõ nổi lên để được anh cho ăn và ve vuốt.

Hai năm sau khi ra tù trong một chuyến đi buôn miền mạn ngược, Tuấn ghé lại trại giam phụ QN thăm bạn tù Ngụy Như Cần. Cần đã chết. Tuấn hỏi một ngườ tù: "Còn con cá chép?" Anh tù kêu lên: "Con cá chép đem về bếp cán bộ rồi.", và giải thích: "Anh Cần chết.Tôi ra thay (ở trại phụ). Mấy hôm liền nó cứ nổi lên dọc bờ ao, rồi há mồm ngộp ngộp ở chỗ cầu rửa này. Trông như một thằng bé con. Ông quản giáo thấy nó. Ông rút súng bắn. Máu đỏ ao..."

Giữa bóng đêm tăm tối, đôi khi tiếng chữi đổng văng vẳng đâu đó trong khu cư xá giữa những người có quyền thế với nhau làm Tuấn thấy nhẹ nhõm trong lòng. Bà Bường vợ một ông công an, ganh tị vì không có cơ hội làm ra tiền bằng ông Tăng, đảng viên, cán bộ thủ công nghiệp khu phố đã chữi ông Tăng: "nhân dân lao động còn khổ vì chúng mày. Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? Ăn ngập mồm ngập miệng. Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn." Sao mà thấm thía! Tuấn nghe mà thấy "vui lên một chút trong những năm tháng cùng cực"

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn tuyên dương tự do. Qua Sáng một thanh niên tuổi mới đôi mươi, năm lần vượt ngục. Những người cai tù coi cuộc vượt ngục của anh lần thứ nhất và lần thứ hai như là một hành động lãng mạn nhớ nhau của con nít ăn chưa no lo chưa tới. Lần vượt ngục thứ hai công an bắt anh lại khi anh đang ngồi ăn cơm với bố mẹ. Lần thứ ba anh bị cùm xà lim một tháng, lần thứ tư công an cho chó cắn bươm người anh trước khi nhốt anh 2 tháng xà lim. Đến lần thứ năm họ mới nhận ra rằng đối với Sáng "tự do hay là chết" không phải là một cụm từ cường điệu nói cho vui. Có lẽ lần này họ cho anh được mãn nguyện và anh sẽ mĩm cười lấy cái chết đổi tự do. Tuấn gặp Sáng giữa bầy chó hung hãn và công an khi Sáng bị bắt lại sau cuộc vượt ngục thứ năm.

Tự do đối với Bùi Ngọc Tấn còn là tốc độ, dù là tốc độ 10 cây số một giờ của chiếc xe đạp cọc cạch của một người bạn tù vừa được tự do chở anh trên khoảng đường mòn giữa rừng rậm đến cơ quan lãnh giấy tờ xuất trại. Tuấn lẩm bẩm nói thầm với vợ, "Em, anh đang được tự do. Anh sẽ về với em." Gần 5 năm Tuấn mới lại được ngồi trên xe đạp và bây giờ Tuấn mới biết thực sự thế nào là tự do, là phút háo hức được nhìn con và âu yếm vợ. Hẳn là Tuấn đang mĩm cười nhớ lại những phút ái ân với Ngọc.

Hơn một năm trước đây (*), tờ Văn Học, một tạp chí văn học ở hải ngoại do nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ trương có đặt vấn đề, vì sao sau Truyện Kiều của Nguyễn Du Việt Nam chưa có đại tác phẩm nào có giá trị văn chương ở tầm vóc thế giới, và vấn đề đã tạo nên một cuộc tranh luận thú vị.

"Chuyện Kể Năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn có phải là tác phẩm văn chương chờ đợi chăng?

Trần Bình Nam

April, 2000

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(*) năm 1999

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.