Hôm nay,  

Trái Bom Di Trú

25/11/201400:00:00(Xem: 7929)

...họ biết Dân Chủ sẽ thu được cả triệu phiếu mà họ không có cách nào cản được...

Cuối cùng thì TT Obama cũng đã ra tay. Đơn phương ký sắc luật hoãn trục xuất khoảng 5 triệu di dân bất hợp pháp. Bất chấp chống đối của phe đối lập cũng như ngăn cản của một vài đồng minh. Một quyết định mà Mỹ gọi là “give the middle finger to the Republicans”, hay Việt Nam ta gọi là “tát vào mặt Cộng Hòa”. Ngay cả báo phe ta Washington Post cũng đã chính thức viết bài kêu gọi TT Obama không nên quyết định đơn phương, bất chấp quốc hội, vì sẽ đưa nước Mỹ vào tình trạng khủng hoảng Hiến Pháp mà không ai đoán được sẽ nguy hiểm như thế nào, và sẽ gây tiền lệ ra sao. Mai mốt một tổng thống CH cũng bất cần quốc hội, ra luật tuỳ hỷ như vậy thì sao?

Tối thứ năm 20/11, TT Obama lên truyền hình công bố sắc luật mới. Đại cương, một người cư trú bất hợp pháp nếu đã sống ở Mỹ 5 năm, có con là công dân Mỹ (vì sanh trên đất Mỹ), không phạm pháp, và chịu đóng thuế sòng phẳng (tức là được phép đi làm hợp lệ), thì sẽ tạm thời được hoãn không bị trục xuất ra khỏi Mỹ. Không phải ân xá toàn diện, chỉ là “tạm thời hoãn trục xuất”. Nhưng trên thực tế, cuối cùng rồi những người này sẽ được ân xá, hợp thức hóa hết. Chỉ là chuyện đi từng bước.

Ở đây có hai vấn đề ta có thể bàn: tình trạng di dân bất hợp pháp, và quyết định của TT Obama.

TÌNH TRẠNG DI DÂN BẤT HỢP PHÁP

Đây là một trong những vấn đề lớn của Mỹ, đã có từ cả mấy chục năm nay, nhưng chưa ai có giải pháp, vì vấn đề hết sức tế nhị và phức tạp, dính dáng vào đủ phạm vi chính trị, nhân đạo, văn hoá, xã hội, tài chánh, ngoại giao, luôn cả an ninh.

Nguyên nhân xâu xa của vấn đề thì hết sức là giản dị. Nước Mỹ là một thứ đá nam châm thu hút thiên hạ từ khắp thế giới. Bất kể thế giới chửi rủa Mỹ là đế quốc, là cường hào ác bá tài phiệt, kỳ thị da màu, bóc lột dân nghèo, quân phiệt hiếu chiến, v.v…, cả thế giới vẫn muốn tìm mọi cách để tôn vinh văn hoá Mỹ và vào đất Mỹ sống.

Nhìn vào thế giới ngày nay, cho dù đa đạng cách mấy về sắc dân, ngôn ngữ, phong tục,… cũng vậy, nhìn cho kỹ thì thấy quả là Mỹ đang thống trị cả thế giới. Không kể phạm vi quân sự và kinh tế đã quá rõ, Mỹ còn thống trị thế giới cả về văn hoá. Mũ baseball, áo T-shirt, quần jean, giầy Nike đã trở thành “quốc phục” của cả thế giới, cả thế giới coi phim Mỹ, nghe nhạc Mỹ, coi đài CNN, đọc sách báo Mỹ.

Nước Mỹ là đất của cơ hội thăng tiến đồng đều nhất trong tất cả các nước gọi là văn minh tiến bộ và công bằng. Nhìn vào tình trạng chung của người tỵ nạn Việt tại Mỹ thì thấy. Hiện nay khối dân tỵ nạn phần lớn tuy không là triệu phú, nhưng cũng đã bước vào khối gọi là trung lưu, có nhà, có xe, con cái học đại học hết. Nghèo nhất cũng đầy đủ tiền già, tiền thuốc, tiền thất nghiệp. Từ đó, Mỹ trở thành đất của hy vọng, nhiều khi hy vọng hão. Như ở VN, có lúc tất cả dân Việt đều tin bất cứ người nào qua Mỹ một thời gian cũng thành triệu phú hết.

Một cái xứ như vậy mà lại ở sát nách Mễ Tây Cơ và cả chục nước Nam Mỹ chậm tiến, nghèo đói, cảnh sát trị, trộm cướp băng đảng hoành hành, thất nghiệp kinh niên, trong đó ít người nhìn thấy tương lai. Làm sao tránh được những dân này muốn vào Mỹ để tìm tương lai và hy vọng. Nhất là khi ông tổng thống Mỹ lại bưng Hy Vọng lên bàn thờ, làm lẽ sống cho thiên hạ.

Mà biên giới thì lại lỏng lẻo, cả trăm cây số không có một bóng người, không có hàng rào kẽm gai, cũng chẳng có tường bê tông như Bá Linh, chỉ lác đác vài khúc có hàng rào giây kẽm mà ai cũng có thể cắt để chui qua, hay nhẩy ngang qua. Con sông Rio Grande, biên giới thiên nhiên, có khúc chỉ có chưa tới vài chục thước bề ngang, trẻ con cũng lội qua được.

Họ tràn vào Mỹ sinh sống chẳng cần giấy tờ gì. Nước Mỹ không có chế độ thẻ căn cước hay “chứng minh nhân dân” gì hết. Ai có bằng lái xe thì dùng đó làm “căn cước”, không có thì cũng chẳng sao.

Kết quả đến nay, người ta ước lượng có khoảng 12 triệu di dân bất hợp pháp sống tại Mỹ.

Những người này là một gánh nặng, nhưng cũng là một mối lợi lớn cho nước Mỹ.

Gáng nặng đầu tiên là vấn đề y tế và giáo dục. Luật Mỹ bắt buộc nhà thương phải chữa trị cho tất cả bệnh nhân chạy đến nhà thương. Những di dân ở lậu thường không có bảo hiểm, không có tiền uống thuốc ngừa bệnh. Chỉ đến khi bệnh quá nặng thì mới bắt buộc phải đi nhà thương. Mà khi đó thì chi phí chữa trị trở thành rất tốn kém. Nhà Nước phải trả tiền. Con cái di dân cũng được đi học trường công đầy đủ. Cũng tốn tiền Nhà Nước. Di dân lậu cũng xử dụng những tiện ích chung như điện nước, cầu cống, xa lộ,... mà chẳng đóng góp một đồng thuế nào.

Vì di dân ở lậu không đóng thuế gì cả. Không đóng góp gì nhưng lại được hưởng quyền lợi gần như đầy đủ, nên đa số dân Mỹ cho là không công bằng.

Bù lại, di dân lại là những người chịu những hy sinh cực kỳ lớn lao, siêng năng làm mọi việc mà dân Mỹ chê không làm, với mức lương mạt rệp dưới mức lương tối thiểu luật định. Mà không khiếu nại được vì làm lậu. Phần lớn lại là những việc lao động rất nặng nhọc như phu khuân vác, thợ xây cất, làm vườn, cắt cỏ dưới nắng vỡ đầu. Đều là những việc mà dân Mỹ, trắng hay đen cũng vậy, đều chê hết.

Một số những lãnh tụ da đen đã lên tiếng phản đối quyết định của TT Obama vì sợ mất job cho khối da đen. Họ cũng sợ di dân sẽ gặm nhấm một phần lớn trợ cấp của họ. Vẫn nguyên lý sơ đẳng: cái bánh càng nhiều người ăn thì phần mỗi người sẽ nhỏ đi thôi. Nhưng TT Obama không sợ gì vì dù sao, cử tri da đen có bất mãn mấy, cũng vẫn nhắm mắt bầu cho DC, bất kể chuyện gì.

Hơn một chục triệu người “công khai ở lậu” là một trạng thái bất bình thường, không thể kéo dài vĩnh viễn, cần phải có giải pháp. Đây mới chính là câu hỏi hóc buá: giải pháp gì?

Giải pháp đi từ hai thái cực: trục xuất hết hay ân xá hết, khoảng giữa là đủ loại giải pháp, mà cả nước tranh cãi từ mấy chục năm nay.

Di dân lậu vào Mỹ bất hợp pháp, trong khi nước Mỹ là nước pháp trị, có luật đâu vào đấy. Nhắm mắt không có hành động gì với chuyện phạm pháp tập thể này là chuyện không công bằng đối với những người tôn trọng luật pháp, xin phép và kiên nhẫn ngồi chờ có khi cả vài năm mới được vào Mỹ. Đại đa số dân Mỹ không chấp nhận phạm tội mà không bị trừng phạt và đối xử không công bằng. Đó cũng là yếu tố quan trọng khiến đa số dân Mỹ không chấp nhận ân xá cho di dân ở lậu. Do đó, ân xá vô điều kiện là chuyện không thể có.

Trái lại, trục xuất hơn một chục triệu người cũng là chuyện không tưởng. Làm sao lùng bắt hết được khi họ đang ở lậu trên khắp 50 tiểu bang? Mấy xứ nguyên gốc sẽ chẳng dại gì cõng cái gánh nặng cả triệu người trở về lại. Một cách cụ thể hơn, làm sao chuyên chở cả chục triệu người này ra biên giới Mễ, Mễ dại gì nhận? Hay dùng máy bay chở họ về từng nước một? Mấy trăm ngàn chuyến bay mới đủ? Tiền đâu? Quan trọng hơn nữa, ai sẽ làm những việc như xây cất, cắt cỏ mà họ đang làm?

Thật ra, cả hai chính đảng đều chấp nhận giải pháp ân xá, khác biệt là phương cách chi tiết.

Phe Cộng Hoà chủ trương cuối cùng thì cũng phải ân xá, nhưng phải có điều kiện, như đóng phạt, ra khỏi nước rồi xếp hàng vào lại, với ưu tiên hơn những người mới ghi danh xin nhập cư, có nhiều cách. Nhưng quan trọng và ưu tiên trên hết là phải “khoá biên giới” bằng những phương tiện cụ thể, như hàng rào, thêm lính tuần, điều đình với chính phủ Mễ và Nam Mỹ,... Biên giới chưa an toàn mà ân xá là mời gọi hàng triệu người khác tràn vào, và các tiểu bang sát biên giới không có cách nào ngăn cản được. Sẽ trở thành gánh nặng lớn cho các tiểu bang này. CH cũng cổ võ cho giải pháp gọi là “tự trục xuất”: ra luật nghiêm cấm các công ty Mỹ thuê di dân bất hợp pháp. Một khi không tìm được việc làm thì họ sẽ tự động trở về xứ.


Phe Dân Chủ thì chủ trương ân xá, hợp thức hoá, cung cấp việc làm chính thức cho di dân bất hợp pháp. Cho họ đóng góp chính danh vào kinh tế. Cho họ được hưởng các quyền công dân, có bảo hiểm y tế, được trợ cấp như dân Mỹ. DC cho đây là giải pháp thực tế, nhìn nhận một thực thể không chôn dấu đi đâu được, mà lại nhân đạo. Dĩ nhiên, DC không đề cập đến nguy cơ hàng triệu dân Nam Mỹ sẽ tràn ngập vào Mỹ sau này. Cũng như không nói gì về gánh nặng trợ cấp, có lẽ vì họ đã có sẵn giải pháp: tăng thuế “nhà giàu”.

Đây là những lý luận trên chính thức. Lý do quan trọng hơn trong hậu trường mà ít người dám nói, ít báo dám đăng, là DC muốn lấy phiếu của khối cả chục triệu người này. Họ đều là dân lợi tức thấp rất cần trợ cấp, trong khi đảng DC lại có tiếng là đảng của trợ cấp, nên tuyệt đại đa số di dân này, một khi được hợp thức hoá, đầy đủ quyền công dân, sẽ bỏ phiếu cho DC. Cái lý do này dĩ nhiên cũng là lý do chính CH chống đối việc hợp thức hoá.

Đưa đến bế tắc. Thượng Viện, ít lệ thuộc cử tri hơn vì sáu năm mới bầu một lần, biểu quyết ân xá, tuy không hoàn toàn, và vô điều kiện, nhưng với điều kiện dễ dãi hơn phe CH đòi hỏi. Nhưng qua Hạ Viện thì bế tắc, không có bầu bán gì hết. Phe CH chống gần hết, khỏi cần bầu làm chi. Phe DC một số cũng ủng hộ ân xá nhưng không muốn phải bỏ phiếu vì sợ cử tri mình biết, vì đại đa số dân Mỹ chống ân xá.

QUYẾT ĐỊNH CỦA TT OBAMA

Trên phương diện kinh tế, quyết định của TT Obama không có hậu quả quan trọng gì cho nước Mỹ. Hầu hết những di dân lậu này vẫn đang đi làm, dù là làm lậu, nên chẳng thay đổi gì. Dù sao kinh tế Mỹ cũng đủ lớn để chấp nhận thêm vài triệu người. Nhưng sẽ tạo ra tranh cãi trên phương diện pháp lý.

Đây là hành động mà phe đối lập và nhiều chuyên gia chính trị cho là vi phạm nguyên tắc phân quyền Hiến Pháp đã quy định. Việc ra luật là phạm vi của Lập Pháp. Hành Pháp có trách nhiệm thi hành luật do Lập Pháp làm ra, chứ không có quyền tự chế ra luật, hay hành động ngoài khuôn khổ của luật.

TT Obama đổ thừa tại Hạ Viện thụ động không làm gì nên ông bắt buộc phải hành động ra sắc lệnh, executive order. Truyền thông phe ta hồ hởi lập lại. CH từ “the Party of no” trở thành “the Party of do nothing”. Đây là tuyên ngôn kiểu một chiều cực vô lý. Không phải Hạ Viện “không chịu làm gì”, mà phải nói cho chính xác là Hạ Viện “không chịu nghe lệnh của TT Obama, không thông qua đề nghị ân xá của ông” mới đúng, nên ông bắt buộc phải làm tới, mặc dù trước đây, TT Obama đã nhiều lần khẳng định ông không có quyền ân xá ai hết vì đây là quyền của quốc hội. Chính trị gia hôm này nói vầy, mai nói khác là chuyện lưỡi không xương bình thường.

Vấn đề tạo ra một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm. Hễ quốc hội không làm theo ý tổng thống là tổng thống tự cho quyền ra luật, bất cần quốc hội nữa sao? Mô thức TC, VC, hay Bắc Hàn ?

TT Obama cho rằng ông có toàn quyền quyết định và hoàn toàn không vi phạm luật gì hết. Ông giải thích đây là một quyết định có tính “thi hành luật hiện hành”, chứ không phải chế ra luật mới. Luật hiện hành cho phép Hành Pháp có “quyền truy tố tuỳ tiện” -prosecutorial discretion-, về ưu tiên thi hành luật, ai cần bị trục xuất trước, ai có thể hoãn để trục xuất sau. Ông chỉ quyết định ưu tiên bây giờ là lo trục xuất khối di dân phạm pháp thôi, khối còn lại có thể hoãn, mà ông gọi là “tạm thời” – temporary, nhưng lại không nói “temporary” tới bao giờ.

Dù sao thì dựa trên quyền “ấn định ưu tiên” này, ông ra lệnh Sở Di Trú ưu tiên tập trung nỗ lực truy lùng di dân phạm pháp để trục xuất, trong khi hoãn việc truy lùng những người có con là dân Mỹ, và không phạm pháp. Đại khái, ngưng lùng kiếm năm triệu người ở lậu để tập trung lo bắt vài ngàn người phạm pháp. Đây nghe có vẻ như là cố tìm cách vặn vẹo, ngụy biện, uốn luật.

TT Obama phân trần ngày xưa TT Reagan cũng ra lệnh hoãn trục xuất tương tự. Nhưng TT Obama cố tình không nói rõ là TT Reagan lấy quyết trong khuôn khổ luật đã được quốc hội phê chuẩn, sau khi đã thảo luận với cả hai khối trong quốc hội, được cả hai khối đồng ý, để rồi sau đó, cả hai viện đều mau mắn phê chuẩn quyết định của TT Reagan. Bây giờ, ai cũng biết toàn thể phe CH và một số dân cử DC chống lại quyết định này, không có chuyện quốc hội sẽ phê chuẩn quyết định của TT Obama.

Trong quyết định của TT Obama, ta có hai cách nhìn.

Nhìn dưới con mắt nhân đạo, khó có thể không hoan nghênh TT Obama. Luật di trú của Mỹ có cái oái ăm là cứ sanh ra trên đất Mỹ là thành công dân Mỹ, không thể trục xuất đi đâu nữa. Một số không ít mấy bà, có bầu, chạy vào Mỹ sanh con thế là có con là dân Mỹ, không trục xuất được. Họ hy vọng như vậy sẽ được ở lại. Nhưng luật Mỹ nhiều khi cứng ngắc, vẫn lôi bố mẹ ra khỏi nước trong khi cho đứa bé ở lại, không cần biết ai lo, có thể là thân nhân, bạn bè, hay cùng lắm thì Nhà Nước nuôi như mấy đứa mồ côi. Trên phương diện nhân đạo, đây là tình trạng không thể chấp nhận được. TT Obama quyết định cho những bố mẹ này ở lại là một quyết định hợp tình.

Tuy nhiên, làm như vậy thì đúng là đã mắc bẫy những bà cố tình vào Mỹ để sanh con, hợp thức hoá việc họ lợi dụng kẽ hở của luật lệ. Đây là điều mà nhiều người Mỹ không thích lắm.

Nhìn dưới khiá cạnh thuần tuý luật pháp, thì quyết định của TT Obama sẽ phải đợi Tối Cao Pháp Viện xử lý. Kẻ viết này chưa đủ tư cách lạm bàn.

Nhưng có nhiều điều đáng suy gẫm. Ngay sau khi cả nước quyết định phản đối chính sách của TT Obama, trao cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện và đa số các tiểu bang vào tay CH, thì TT Obama ra quyết định mà ông biết cả khối CH chống đối kịch liệt, và đa số dân chúng không ủng hộ. Có nghiã là ông đã cố tình tát vào mặt phe đối lập CH và cả khối cử tri Mỹ luôn. Một cách nhắc nhở “các ông có thể thắng thêm vài ghế tại quốc hội, nhưng đừng quên tôi là tổng thống, với rất nhiều quyền, mấy ông làm gì được tôi?”

Hành động thách đố này ngay sau khi CH mới thắng cử, trong khi những vị dân cử mới chưa kịp tuyên thệ, sẽ đổ dầu vào lửa trong quan hệ giữa Toà Bạch Ốc và đối lập CH, bảo đảm sẽ chẳng có chuyện hai bên hợp tác làm cái gì tích cực cho đất nước nữa. Tình trạng phân hoá sẽ tiếp tục, nếu không trầm trọng hơn.

TT Obama chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết. Có lẽ ông tính toán trước sau gì cũng không có chuyện hợp tác rồi, quyết định của ông chẳng làm tình trạng tệ hại hơn gì. Nhưng bảo đảm sẽ mang lại cả triệu phiếu cho đảng DC, tội gì không làm? Nếu quyết định này bị thưa ra tòa và TCPV thu hồi, thì khối cử tri gốc Nam Mỹ sẽ lại càng thù ghét đảng CH hơn nữa. DC càng có lợi.

Ngày xưa, TT Johnson ra hàng loạt luật về dân quyền có lợi cho dân da đen rồi ông tuyên bố “tôi đã khoá chặt dân da đen vào đảng DC vĩnh viễn rồi”. Bây giờ TT Obama cũng có thể tuyên bố tương tự “tôi đã khoá chặt khối dân da nâu vào đảng DC vĩnh viễn rồi.”

CH đang nổi khùng với quyết định của TT Obama vì họ biết DC sẽ thu được cả triệu phiếu mà họ không có cách nào cản được. Trong tương lai, họ sẽ phải nhắm vào khối da trắng không chấp nhận ân xá.

Chính trường Mỹ càng ngày sẽ càng phân hoá nặng, phân hoá về ý thức hệ, mà cũng phân hoá về màu da luôn, trầm trọng hoá nạn kỳ thị màu da. Một bên là CH và khối da trắng, một bên là DC với khối da màu. Gia tài phân hoá này sẽ là gia tài lâu bền và lớn nhất của ông tổng thống đã từng tranh cử với chiêu bài chấm dứt kỳ thị, đại đoàn kết toàn dân. (23-11-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.