Hôm nay,  

Vì Sao Hoa Kỳ Mất Bạn?

19/07/201400:00:00(Xem: 6735)
Khi Đồng Minh Của Mỹ Tháo Chạy Khỏi Obama

Từ hiện tượng gọi là "hậu quả bất lường", một thành tích bất ngờ khác của Tổng thống Barack Obama là giúp các đồng minh có một chánh sách đối ngoại độc lập hơn với quan điểm của Hoa Kỳ.

Trước hết, nội trong một tuần, hai viên chức cao cấp của Hoa Kỳ bị hai nước đồng minh chiến lược trục xuất.

Mùng bảy Tháng Bảy, Vương quốc Bahrain trong vùng Vịnh Ba Tư minh danh gọi Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động là "persona non grata", nôm na là "người bất hảo". Ông Tom Malanoski này đành bỏ chuyến thăm viếng và gián đoạn công vụ ngoại giao là tìm cách hoà giải hai hệ phái Sunni và Shia trong chính trường Bahrain.

Đảo quốc tý hon này, có hơn triệu dân trên một diện tích chưa đầy 800 cây số vuông, thật ra là đồng minh chiến lược vì mở lãnh thổ giữa khu vực nhiễu nhương nhất Trung Đông cho Đệ ngũ Hạm đội của Mỹ làm căn cứ canh chừng an ninh từ Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương. Đáng lẽ, Chính quyền Bahrain có thể kín đáo phàn nàn việc Hoa Kỳ xen vào nội tình của mình khi muốn chế độ Sunni tại thủ đô Manama phải "đại đoàn kết" với đối lập Shia theo kiểu bắt cá hai tay khá quen thuộc của Mỹ. Nhưng khi công khai vỗ mặt Washington qua việc công khai đuổi một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ, có lẽ Bahrain làm theo ý của cường quốc láng giềng còn chiến lược hơn: Vương quốc Saudi Arabia.

Từ nhiều năm nay, Hoàng gia Saudi không lỡ dịp bày tỏ dị biệt quan điểm với Hoa Kỳ.

Điển hình là việc Mỹ gây sức ép với chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak tại Ai Cập khiến lực lượng Huynh đệ Hồi giáo thắng thế cho tới khi quân đội lại tiến hành đảo chánh. Hoặc việc Obama nhảy vào Libya mà lại thả nổi Syria và gây ra bất ổn lớn cho cả khu vực. Nhìn từ Riyadh, thì nghiêm trọng nhất là việc Washington muốn cải thiện quan hệ với các Giáo chủ tại Tehran.

Iran là cường quốc Hồi giáo theo hệ phái Shia của sắc tộc Ba Tư và là đối thủ lâu đời của Saudi Arabia, dân Á Rập theo hệ phái Sunni trong thế giới Hồi giáo.

Việc Hoa Kỳ cứ xoay đảo lập trường và đàm phán với kẻ thù rồi yêu cầu các đồng minh cũng phải hòa giải hòa hợp như vậy là điều khó chấp nhận cho các nước nằm trong vòng lửa đạn. Hoả tiễn có đầu đạn hạch tâm của Iran không thể bắn tới Hoa Kỳ, nhưng là mối nguy chiến lược cho Vương quốc Saudi và các nước Á Rập theo hệ phái Sunni.

Ba ngày sau khi Bahrain tống cổ một Phụ tá Ngoại trưởng của Hoa Kỳ, hôm mùng 10, Chính quyền Cộng hoà Liên bang Đức trục xuất viên chức cầm đầu tình báo CIA tại Đức. Điều này chưa hề xảy ra giữa hai thành viên của Minh ước NATO. Ngay thời Chiến tranh lạnh, xứ Đông Đức Cộng sản trong khối Xô viết cũng chẳng trục xuất trưởng trạm CIA tại Berlin.

Vì sao nên nỗi sau khi Nghị sĩ Barack Obama đã xuất hiện và tranh cử một cách "hoành tráng" – lâu lâu cái chữ huê dạng và quê kệch này lại đắc sách – tại Berlin vào năm 2008?

Nhớ lại thì sau khi Obama nhậm chức vào đầu năm 2009, quan hệ Mỹ-Đức đã có nhiều phút ấm lạnh, mà lạnh hơn ấm. Như khi tranh luận về cách đối phó với nạn Tổng suy trầm 2008, về số phận của các doanh nghiệp xe hơi Mỹ đang làm ăn với Đức là Ford hay Chrysler, hoặc về nhiều chuyện khác. Thế rồi khi một kẻ gian là Edward Snowden phanh phui việc cơ quan tình báo điện tử NSA của Mỹ chiếu cố những thông tin bí mật của Đức thì chính trường Berlin nổi giận. Rồi đến việc điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel bị Mỹ nghe lén thì bà Merkel cũng khó làm thinh.

Giọt nước tràn ly là một năm sau mấy hành vi bất nhã ấy của một đồng minh chiến lược, mật vụ Đức phát giác là CIA tiếp tục kết nạp người Đức làm gián điệp cho mình trong các lãnh vực tình báo và quân sự.

Chúng ta có thể hiểu rằng các cơ quan tình báo trên thế giới đều sợ nhất chuyện "không biết là mình không biết những gì". Vì vậy, cái gì họ cũng muốn biết, càng nhiều càng hay, và biết cả những gì xảy ra trong hệ thống kinh tế, an ninh và chính trị của nước bạn. Nhưng giữa các đồng minh với nhau thì cũng nên vuốt mặt nể mũi, nhờ trình độ nghiệp vụ cao hơn. Chứ Hoa Kỳ mà để cả thế giới biết rằng mình rình mò nước Đức thì Thủ tướng Merkel gặp nạn ở nhà.

Quả nhiên là từ năm ngoái trong cuộc tranh cử tại Đức, các đảng đối lập và cả chính đảng liên minh với đảng CDU đều đả kích bà Merkel và đòi hỏi Chính quyền phải có thái độ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ.

Thật ra, biện pháp cứng rắn tới bất thường của Chính quyền Merkel chỉ có mục tiêu chính trị nội bộ, là chứng minh tinh thần tự trọng của nước Đức trước những vụng về và cẩu thả của Chính quyền Obama.

Cái hậu quả bất lường mà Chính quyền Obama không nhìn ra nên gây chuyện bất ngờ là các đồng minh không chấp nhận quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ.

* * *

Trong giai đoạn trung hạn từ hai đến năm năm qua, sự quay quắt của Chính quyền Obama trong một thế giới điên đảo cho thấy Hoa Kỳ không đáng tin vì coi chuyện Mỹ là ưu tiên mà không quan tâm đến mối nguy của đồng minh ngay giữa vùng hoả tuyến.


Đấy là phản ứng của Ai Cập, Israel, Saudi Arabia hay cả Turkey. Họ phải lo lấy cho mình hơn là lòng vòng chạy theo lá cờ hiệu tơi tả của Mỹ. Trong trường kỳ, các cường quốc thuộc loại đồng minh chiến lược, như nước Đức tại Âu Châu hay Nhật Bản tại Châu Á, còn thấy rằng số phận và quyền lợi của mình không thể đồng hành với Mỹ.

Cộng hoà Liên bang Đức là cường quốc số Âu Châu, với ưu tiên bên trong là sự toàn vẹn của khối Euro và sự vận hành thống nhất của Liên hiệp Âu châu. Ở bên ngoài, Đức có quan hệ kinh tế mật thiết với Liên bang Nga và trở thành gạch nối giữa hai khối Âu-Nga, nên bà Merkel xử trí với Vladimir Putin theo lối khác. Nếu Hoa Kỳ của Obama đòi cải tiến quan hệ với Putin, chuyện "reset the button" dở hơi năm 2009, rồi lại đòi trừng phạt Putin rất nặng vì vụ Ukraine, nước Đức phải tính khác. Và sẽ càng ngày càng khác.

Đức không dại gì mà trở thành một đồng minh của Nga để mở trận tuyến chống Mỹ, nhưng sẽ tùy từng hồ sơ mà chọn lấy những quyết định của mình, chứ không đồng ca với sự lạc giọng của Obama.

Bên kia Thái Bình dương, Nhật Bản cũng có những suy tính khác.

Sau Thế chiến II, trong thời Chiến tranh lạnh, Nhật phó thác việc bảo vệ an ninh cho Mỹ, trở thành cường quốc kinh tế Á Châu trên tuyến đầu của "Thế giới Tự do" dưới sự lãnh đạo của Mỹ để ngăn ngừa sức bành trướng của Liên bang Xô viết và Trung Cộng. Khi Richard Nixon bắt tay Bắc Kinh từ năm 1972, Tokyo phải xoay. Mười năm sau, vào đầu thập niên 80. khi dư luận Mỹ báo động về sức mạnh kinh tế Nhật Bản - sẽ vượt qua và mua đứt nước Mỹ - dân Nhật muốn lãnh đạo phải cứng rắn hơn với Hoa Kỳ, và bực mình với phong trào bài Nhật trong xã hội Mỹ.

Mười năm sau đó, khi Liên Xô tan rã, Nhật hết là đồng minh chiến lược hữu ích và mâu thuẫn với Hoa Kỳ về trị giá đồng Yen có góp phần dẫn tới khủng hoảng kinh tế Nhật từ năm 1991 trở về sau. Chiến tranh lạnh kết thúc năm đó cũng mở ra một giai đoạn lạnh lùng giữa Washington với Tokyo về cái giá của sự phòng thủ. Nhật phải cáng đáng thêm trách nhiệm về quốc phòng – bằng tiền – mà vẫn không được phép có quân đội. Những vụ tranh luận Mỹ-Nhật về căn cứ Okinawa vào thời ấy là điều quá xa lạ với dân Mỹ và cậu bé Obama.

Mâu thuẫn đó xảy ra khi Nhật còn bơi trong khủng hoảng, cho tới ngày nay, khi ông Shinzo Abe trở về làm Thủ tướng.

Chính quyền của Thủ tướng Abe đang cố tiến hành cải cách ở bên trong và đề nghị quốc dân suy nghĩ lại về bản Hiến pháp trong đó có điều chín, là điều khoản giải giới nước Nhật do Hoa Kỳ đề ra từ năm 1945. Nhật Bản vẫn là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng nhận trách nhiệm quân sự là bảo vệ các đồng minh của mình. Việc Chính quyền Abe suy diễn lại bản Hiến pháp không nhằm bảo vệ... Hoa Kỳ mà để liên kết cùng các nước Châu Á thành trận tuyến ngăn ngừa Trung Quốc.

Lãnh đạo Nhật không yên tâm với cam kết của Hoa Kỳ khi Chính quyền Obama vừa đòi chuyển trục về Châu Á vừa muốn củng cố quan hệ kinh tế và chiến lược với Bắc Kinh.

Sau khi mâu thuẫn Nhật-Hoa bùng nổ vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vì Trung Quốc mở rộng vùng định vị phòng không ADIZ thì Obama lại mời Trung Quốc gia nhập chương trình thao dượt RIMPAC của vành cung Á châu Thái bình dương - từ 1971 đến tháng này là một sự hợp tác giữa 22 nước, không có Trung Quốc – và còn gợi ý thảo luận với Bắc Kinh về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP!

Nhìn về dài thì Nhật đã phải tự lo lấy thân, trong ngắn hạn thì càng không thể lẽo đẽo chạy theo trò vặt của Tổng thống Mỹ.

Bài viết nhức đầu này sẽ kết thúc bằng chuyện vui.... gượng.

* * *

Sau sự bực bội dễ hiểu của bà Merkel, chúng ta nên để ý đến một thành tích khác của Obama.

Người Nhật vốn trọng lễ giáo và tinh tế về văn hóa, họ không hài lòng với Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama và sự thiếu tế nhị của anh chồng khi Nhật Bản và Trung Quốc đang ở trong tình trạng đối đầu..

Tháng Ba vừa qua, nàng Michelle cùng toàn gia và bằng hữu du lịch Trung Quốc một tuần, được Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viên tưng bừng đón tiếp và dẫn đi chơi trong cảnh... hoành tráng với nhiều tấm hình thắm tình Mỹ-Hoa. Nhưng sau đó, vào Tháng Tư, khi là quốc khách chính thức thăm viếng Nhật Bản và diện kiến Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko Shoda, Tổng thống Obama lại đi một mình. Dân Nhật có thể thông cảm với lối suy nghĩ của nhiều người Việt: "gia đình đó được giáo dục mà mất dạy!"

Vì vậy, dù việc đồng minh tách rời khỏi Hoa Kỳ là điều không có lợi cho nước Mỹ, Barack Obama lại đang thúc đẩy chiều hướng đó. Hôm Thứ Sáu 17, khi dân Mỹ bật máy buổi sáng với tin dữ về chuyến bay của Hàng không Malaysia bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine khiến 298 người chết, có thể là vì hỏa tiễn địa-không của Nga, và đến trưa có tin binh lính Israel tiến vào Dải Gaza với khỏi lửa mù trời thì hình ảnh Tổng thống Mỹ xăng xái vận động tiền bầu cử cho đảng Dân Chủ khiến họ ngao ngán về lãnh đạo.

Dân Mỹ chỉ ngao ngán chứ các nước khác thì khinh thường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.