Hôm nay,  

Mùa Phượng Nở

04/06/201300:00:00(Xem: 18701)
Phim “Ba mùa” – Three Seasons – của đạo diễn Tony Bùi có đoạn kết với hình ảnh một thiếu nữ trong áo dài trắng tung tăng giữa hàng phượng đang rụng đầy hoa đỏ. Sau bao thăng trầm, nổi trôi cuộc đời, cô gái chỉ có ước mộng đơn sơ là được trở về quãng đời nên thơ đẹp nhất là tuổi của học trò.

Hoa phượng là “Hoa học trò”. Không biết từ lúc nào những cánh hoa đỏ đã được đặt cho một cái tên thật gần gũi, thân thương như thế. Có phải Xuân Diệu là người đầu tiên đã chọn tên đó?

Phượng là bạn của mọi người vì ai cũng có thời cắp sách đến trường, từng nhìn phượng nở mà xao xuyến lòng, từng nhặt cánh hoa ép vào trang lưu bút trao cho bạn bè. Học trò thân thiết với phượng như thân với bạn bè cùng lớp.

Hoa phượng cũng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp của cuộc đời. Thời học cấp 2 có thày dạy văn Trương Quang Gia cho học sinh đọc và bình giảng về “Hoa học trò” của Xuân Diệu.

Lúc đó nhiều học sinh chỉ biết đến Xuân Diệu qua thơ tình, vì đến tuổi mộng mơ nên hay chép vào vở những vần thơ làm rung động tâm hồn: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”

Như nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, cho đến nay gần nửa thế kỷ đã qua mà tôi vẫn còn thuộc lòng những dòng thơ một thời được nắn nót trên giấy học trò bằng bút mực tím.

Khi được thày giới thiệu, học sinh mới biết thi sĩ Xuân Diệu còn là một nhà văn. Bài bình giảng của tôi không xuất sắc nhưng sau khi đọc và bình văn, “Hoa học trò” đã để lại trong tôi những cảm nhận khó quên về một loài hoa rực rỡ và đã tạo nhiều nỗi nhớ mênh mang theo tôi vào đời. Phượng qua Xuân Diệu là mầu chói chan của hoa lúc rực nở trong nắng, rồi sắc đỏ nhạt dần chuyển sang mầu xanh của lá báo hiệu ngày hè đã hết.

Những năm cấp 3 tôi học Nguyễn Bá Tòng, cả trường ở Sài Gòn và bên Gia Định. Trường trên đường Bùi Thị Xuân trong sân có mấy cây phượng. Năm lớp 10, giờ ra chơi đứng ngoài hành lang tầng ba bên dãy nam sinh nhìn xuống sân trường với những tà áo trắng bên tàn phượng ôi sao dễ thương.

Năm sau đó ngôi trường này chỉ dành cho nữ sinh nên tôi học lớp 11 và 12 bên đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Sân trường ở đây rộng hơn và cũng có trồng hoa phượng, hoa sứ là những cánh hoa tôi hay nhặt, ép vào trang thư gửi cô bạn gái.

Gần cuối niên học, tiết trời tháng Ba, tháng Tư oi ả nóng. Nhìn phượng nở mà lòng lo âu vì hoa càng nhiều và sắc càng rực đỏ cũng là dấu chỉ báo hiệu sắp đến giờ chia tay và ngày thi sắp đến. Hai năm cuối trung học là những năm chúng tôi phải qua các kỳ thi tú tài để rồi đậu thì còn được gần nhau, rớt sẽ phải rời xa sân trường, xa bạn bè. Sau kỳ thi, những hôm đến trước cổng trường Trưng Vương, Gia Long hay Chu Văn An, Chi Lăng trông ngóng niêm yết kết quả, nhìn phượng nở sân trường mà lòng hồi hộp.

Rồi phượng cũng tàn để lại cây chỉ còn xanh mầu lá. Đầu niên học vào lớp vắng đi một số bạn nam sinh vì đến tuổi phải lên đường nhập ngũ tòng quân. Có bạn giã từ áo thư sinh bước vào chiến trường đã không bao giờ trở lại.
buivanphu_20130601_muahoaphuong_h01_hoaphuong_resized
Hoa phượng được gọi là hoa học trò. (ảnh Bùi Văn Phú)

Khi chiến tranh chấm dứt, tôi rời bỏ quê hương ra đi chẳng mang theo được gì ngoài kỷ niệm đẹp nơi sân trường và những tình bạn đã xa thật xa. Ở California, mùa hè có nắng vương chút lạnh, có muôn hoa muôn sắc nhưng không thấy bóng phượng đỏ ở đâu.

Cho đến một ngày đầu hè năm 1983 khi tôi rời Hoa Kỳ qua xứ Togo ở châu Phi. Vừa đến thủ đô Lomé đã thấy phượng nở đỏ bên đường là biết bao kỷ niệm tuổi hoa niên ùa về.

Hè năm đó đem lại nhiều niềm vui vì ở một đất nước xa xôi có phượng nở tôi lại được làm học trò và được làm thày. Tôi là học trò trong lớp Pháp ngữ và văn hoá Togo, là thày dạy thực tập một tháng trước khi về tỉnh nhận công tác. Ở đó có khí hậu nhiệt đới, cảnh nhà tranh vách đất, mái tôn tường gạch, những con đường đất ngập nước sau cơn mưa gợi nhớ nhiều cho tôi về quê hương nguồn cội. Cuối tuần, tôi cùng bạn hay đạp xe chạy vào trung tâm thành phố, đi ngang qua hàng cây quen thuộc của thuở học trò mà lòng xôn xao và bâng khuâng tự hỏi không biết học trò bản xứ có yêu mầu hoa đỏ như tôi, như học trò ở Việt Nam.
buivanphu_20130601_muahoaphuong_h02b_togo_resized
Tác giả dạy lý hóa tại một trường cấp 3 ở Togo, châu Phi. (ảnh Bùi Văn Phú)
Sau thời gian huấn luyện, tháng Chín tôi về nhận nhiệm sở dạy lý hoá tại trường cấp 3 ở Notsé, cách thủ đô Lomé 100 cây số về hướng bắc. Trên đường về tỉnh cũng thấy bên đường còn loáng thoáng sắc phượng đỏ.

Trường tôi dạy nằm tại thị xã Haho, ngay cạnh quốc lộ nối liền nam bắc Togo, mới được chính phủ Đức tài trợ xây cách đây không lâu. Hoa Kỳ giúp gửi đến giáo viên lý hoá là tôi và toán là một anh từ bang Ohio đã ở đó một năm.

Hai năm dạy học nơi xứ xa gợi nhớ nhiều kỷ niệm thời học sinh ở quê nhà vì học trò của tôi cuối năm cũng phải thi Tú tài I và Tú tài II vào những ngày phượng nở, như tôi đã từng trải qua với nhiều cảm xúc khó quên. Không thi đậu không được lên lớp 12 hay vào đại học. Khác chăng là học trò ở đây không phải đối diện với chiến tranh, không lo âu với lệnh động viên.

Khi hết thời hạn công tác, ít tuần trước ngày từ giã đồng nghiệp và học trò tôi đã trồng phượng nơi sân trường như món quà kỷ niệm hai năm dạy học ở đó. Hạt phượng do một người Việt quốc tịch Pháp gửi tặng. Anh Nguyễn Vũ đã làm việc ở Lomé nhiều năm và là giám đốc chương trình thảo mộc của Togo vì thế rất rành về các loại cây nhiệt đới. Biết tôi yêu thích hoa phượng, anh tặng cho hơn chục hạt to bằng ngón út.

Tôi trồng ở trường và cũng đem về trồng ở miền bắc California. Đất bắc Cali lạnh, ươm hạt nẩy mầm nhưng khi đem trồng ngoài sân phượng không sống được. Togo đất đá sa mạc, nắng nóng, ít mưa nên không biết cây phượng tôi trồng gần ba mươi năm trước ở sân trường có sống được và nở hoa vào những tháng hè hay không?

Theo dòng đời trôi, tôi lang thang phiêu bạt, du lịch đó đây và đã thấy phượng ở nhiều nơi: Hồng Kông, Thái Lan, Mexico, Hawaii.

Mỗi khi nhìn phượng nở đỏ lòng lại lâng lâng nỗi nhớ về một thời xa xưa. Nhớ thuở cắp sách đến trường nơi quê nghèo với chiến tranh. Nhớ bạn cũ, trường xưa. Nhớ thày cô. Nhớ mãi những mùa hoa học trò.

© 2013 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cho biết sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân về khu vực nầy.
Vợ chồng ai cũng vậy, sau một thời gian dài sống chung thì thế nào tâm tánh cũng phải thay đổi chút ít…Chịu đựng nhau được hay không là chuyện riêng rẽ của từng gia đình và từng cá nhân mỗi người.
Thiền là lối sống của những kẻ thông minh. Vì không phải tốn tiền, không cần xin phép và tranh giành với ai, mà kết quả thì vô cùng ấn tượng.
Khi hỏi một người Đức hay một du học sinh Đức nào về Stuttgart, người ta nghĩ ngay tới một trường đại học lâu đời và nổi tiếng cùng với phẩm chất giáo dục hàng đầu,
Toà Bạch Ốc vẫn còn trong tay Dân Chủ (DC), nhưng bước vào năm 2015, sẽ không ai có thể bác bỏ vai trò của đối lập được nữa.
Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất.
Cuộc khủng hoảng hiện nay của Nga, đặc biệt là với sự sụp đổ của đồng Rúp, hé lộ cho thấy một tình trạng mong manh không chỉ dành riêng cho nền kinh tế của Nga,
Hai khái niệm Dân chủ Tự do (Liberal Democracy) và Dân chủ Xã hội (Social Democracy) cần nên phân biệt vì tuy có nhiều điểm trùng hợp nhưng vẫn mang khác biệt khá xa.
Luật của Pháp không cho nhà nước làm thống kê chính thức về chủng tộc và tôn giáo. Nhưng theo ước lượng hiện có 5 triệu người Hồi giáo ở Pháp,
Nguyẽn Kiều hiệu Hạo Hiên, người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm nay thuộc Hà Nội, là chồng bà Đoàn Thị Điểm. Năm 18 tuổi, đi thi lần đầu, liền đậu Giải nguyên kỳ thi Hương.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.