Hôm nay,  

Alít và Toe

03/05/201500:00:00(Xem: 8233)
Tác giả: Thái NC
Bài số 3504-16-29904vb8050315

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.

* * *

"... Hôm nay Toe ôm cặp đi học một mình. Ánh nắng chói chang của mùa hè sót lại đổ bóng Toe trải dài trên hè phố. Nó chợt nhớ đến những buổi cùng Alít đi học, hai đứa thường chơi trò đứa này đạp bóng đứa kia rồi cùng nhau cười hỉ hả. Con Alít không biết bây giờ ở đâu? Còn ai gọi nó là Mỹ lai không? Toe thấy tiếc quá những ngày tháng cũ, khi con Alít vẫn đứng trước nhà nó mỗi ngày gọi:anh Toe đi học."

...

- Anh Toe đi học.

Tiếng con Alít bên ngoài vọng vào làm thằng Toe bỗng bực mình. Không hiểu mẹ nó nghĩ thế nào lại gắn cho nó cái tên "Toe" thiệt... kỳ cục, trong khi trên giấy tờ nó là Nguyễn Mạnh Cương đàng hoàng. Theo lời bà kể vớI hàng xóm thì khi đem nó về từ nhà thương, có ông bán bong bóng cứ thổi kèn "tooee tooee" trong xóm dụ con nít nghe thật vui tai, nên bà đặt nó thêm tên Toe gọi ở nhà.

Ngay khi mới vào trưởng học, thằng Toe đã thấy sự bất công cho cái tên của mình. Những thằng bạn cùng lớp nào Quốc, Lâm, Mạnh...đều được gọi bằng chính tên thiệt của chúng. Trong khi nó là Cương, lại vẫn bị kêu là Toe ! Nhiều lần khi gây lộn với lũ bạn, thằng kia phụng miệng lên chọc:

- A, Tooe Tooee, toè-loe toét-loét ! Cái mũi đỏ choét.

Cho nên, Toe ghét cái tên của mình lắm. Nó hận ông bán bong bóng vô duyên nào tự nhiên đứng trước nhà nó thổi bậy bạ. Nó cũng phân bì với mẹ tại sao anh Dũng, anh Hùng, chị Hằng nó không có cái tên đệm, mà nó lại thêm cái tên "Toe "?

Uống vội miếng nước xong bữa cơm, Toe xách cặp đi ra khỏi nhà một mạch làm con Alít phải chạy theo. Được một đoạn, Toe ngừng lại sừng sộ:

- Đã bảo mày rồi, đừng gọi tao là "Toe" nữa mà.

Alít thấy Toe giân, nó hơi sợ:

- À, tại... em quên

- Hừm, quên? Bộ tưởng tên mày hay lắm sao? Tên gì mà Alít? Alít cái...cục kít ấy!

Kiếm được câu trừng phạt con Alít về tội dám gọi nó là "Toe", nó thấy hả hê, nhưng vẫn còn hăm:

- Lần sau còn gọi tao là Toe nữa, tao cho mày đi học một mình.

Nghe Toe dọa, con Alít hơi hoảng, dù bị thằng Toe gọi là cục kít cũng không dám cự nự.

Vừa đi thằng Toe vừa ngẫm nghĩ: Kể cũng lạ, con Alít cũng có cái tên kỳ cục như nó vậy, mà là tên thiệt đi học chứ đâu phảI tên ở nhà! Tên gì khó kêu không dễ dàng như Cúc, Hương...các con nhỏ cùng lớp. Hay chị Hằng, chẳng hạn. Không phải chỉ cái tên, con người con Alít cũng lạ nữa. Hôm đầu tiên, Toe thấy con Alít dọn về kế nhà mình, nó ngạc nhiên nhìn mái tóc con bé vàng óng ánh. A ha! Ngộ quá ta! Con nhỏ này chưa già mà tóc đã...bạc rồi! Còn nữa, mắt nó sao xanh lè như mắt mèo vậy cà? Nhưng Toe phải công nhận là da nó trắng ghê. Toe chưa thấy ai trắng như vậy, kể cả...cô giáo và chị Hằng của nó.

...

Rồi cô Thu, mẹ của Alít dắt con bé tới trường nó xin học. Alít được xếp lớp ba, thua nó một lớp. Hôm mẹ Toe kêu vào và bảo Toe dắt Alít đi học, Toe giẫy nẩy cương quyết không chịu. Trời ơi, bắt nó đi học với con gái ? Quê một cục ! Nhưng rồi Toe cũng phải dắt Alít đi học, nếu không muốn bị ăn đòn. Hôm đầu tiên, Toe thấy ngượng làm sao. Nó có cảm tưởng như ai cũng dòm nó. Toe cố ý đi thật mau giữ một khoảng cách với Alít, khiến con bé phải thỉnh thoảng chạy theo. Chỉ khi qua đường, Toe mới đi chậm lại chờ dắt Alít qua.

Vài tuần rồi cũng qua, Toe hết thấy ngượng mỗi lần đi học với Alít nữa. Toe bắt đầu thinh thích con bé, chắc có lẽ vì những thỏi sô-cô-la con Alít vẫn cho nó mỗi ngày. Ban đầu Toe hơi quê vì lấy sô-cô-la của Alít. Nhưng nó tìm được giải pháp công bình là cho lại Alít mấy hòn bi ve đẹp nhất mà nó ăn được của tụi bạn chung xóm. Và mỗi lần Toe chơi tạt hình, nó cho phép con Alít đi theo để... giữ và lượm hình giùm.

Một buổi chiều nọ, hai đứa đang đi học về, bỗng có mấy thằng ở xóm ngoài chạy theo, chúng chạy theo và la to:

- Ê ê ! Mỹ lai! Mỹ lai!

Toe và Alít cứ cắm cúi đi. Được thể, một thằng chạy tới trước con Alít, chống nạnh và hét lớn:

- Ê, con Mỹ lai. Má mày là me Mỹ!

Alít bật khóc, chạy lại nắm tay Toe làm nó thế chẳng đặng đừng, dừng lại cự nự:

- Mỹ lai hay me Mỹ gì cũng kệ nó, mắc mớ gì tụi mày?

Thằng khi nảy giả bộ nhăn mặt sợ hãi:

- Dạ dạ em đâu dám làm gì anh...Toè loe toét loét.

Cả bọn cười vang. Quá lắm rồi. Tụi nó chọc con Alit là mỹ lai Toe còn...nhịn được (ờ thì nó lai thiệt chứ bộ!), nhưng bây giờ dám đụng đến cái tên Toe loe toét loét là điều mà Toe kỵ nhứt đời.

Toe quăng cặp và lăng xả vào thằng kia. Nhưng chỉ có một mình, Toe bị ba đứa đè xuống cho một trận tơi bời nếu không có người lớn đi ngang qua can ra. Hôm đó, Toe quê kinh khủng. Trán nó bị sưng một cục, hai đầu gối cũng bị trầy đến chảy máu. Nó sinh ra giận con Alít. Cũng vì con nhỏ mà Toe bị đòn.

Hôm sau, Toe lén đi học thật sớm, định cho con Alít nghỉ học một bữa bỏ ghét. Nhưng khi về, mới ra tới cổng trường, Toe đã thấy Alít lò dò đi ngay phía sau. A, té ra nó tới trường một mình cũng được mà, cần gì Toe?

Mặc kệ nó, Toe lầm lì bước.

Một lát sau con Alít lon ton chạy theo hỏi:

- Anh Toe, còn đau không?

- Kệ tao. - Toe hờn

- Em mang sinh-gum cho anh nè.

- Ai thèm!

Nói xong Toe bỏ đi một mạch. Gần về tới nhà, Toe ngạc nhiên thấy con Alít vẫn kè kè đi theo mình. Mắt con bé đò hoe như đang muốn khóc. Toe bỗng cảm thấy tội nghiệp. Kể ra thì đâu phải lỗi của nó? Toe chờ Alít tới kế bên và sừng sỏ:

- Khóc cái gì? Ai làm gì mà khóc?

*

Toe vẫn ôm mối thắc mắc tại sao tóc con Alít lại vàng khè, không đen như nó. Hỏi mẹ, bà chỉ cười: -Thằng hỏi vớ vẩn!

"Vớ vẩn" là gì nhỉ: Toe tự hỏi, tại sao mình lại "vớ vẩn"? Nó định đi hỏi ba nó, nhưng mái tóc con Alít làm nó bị ám ảnh. Toe cố tìm một vật gì đó, giông giống như vậy để so sánh. Cuối cùng, nó chợt nghĩ đến tóc con Alít cũng vàng-vàng nâu-nâu như là...như là mấy sợi râu trong trái bắp luộc nó vẫn ăn. Ừ phải rồi, giống y chang! Nhưng râu bắp mềm lắm, không biết tóc con Alít có mềm như vậy không?

Nghĩ là làm, Toe qua ngay nhà Alít, thấy con bé đang chơi cò cò một mình, nó lại gần đưa tay mân mê mấy sợi tóc vương trên má Alít, và thử giựt nhẹ nhẹ. Toe thấy con Alít tự nhiên mặt đỏ bừng, đẩy nó ra, và cười:

- Hì hì, anh Toe này.... kỳ.

Alít bỏ chạy vào nhà làm Toe ngẩn ngơ đứng đó.

Tại sao tự nhiên nó mắc cỡ?

*

Bắn bi cùng lũ bạn xong, Toe chạy xồng xộc vào bếp định kiếm đồ ăn. Nó khựng lại vì nhà có khách. Toe thấy con Alít đứng cạnh cô Thu và một "ông Mỹ".

Chào cô Thu xong, quay qua ông Mỹ nó gật đầu:

- Chào Bác.

Toe thấy cô Thu nói một tràng líu lo gì đó với ông Mỹ, nó chỉ nghe được mấy tiếng "Toe, toe", rồi ông Mỹ tiến lại xoa đầu nó với vẻ thân mật. Toe tò mò nhìn lên, mèn ơi, "thằng chả" to như cái tủ ấy. Nó chỉ đứng ngang thắt lưng, và mái tóc, mái tóc ổng cũng vàng như con Alít, mắt cũng xanh biếc như mắt mèo.

Toe vùng chạy ra đứng sau lưng ba, thích thú ngắm người khách lạ. Nó nghe mẹ nói:

- Dạ, chắc không được đâu cô Thu. Tình thế có mòi không yên, nhưng mà ở đâu quen đó. Gia đình tôi đông đảo, qua bển chữ nghĩa không có, rồi làm sao sinh sống? Thôi thì ở đây, người ta sao mình vậy. Cám ơn cô Thu có lòng.

Ô hay, cô Thu định rủ nhà nó đi đâu? Toe lại nghe cô Thu quay lại líu lo với ông Mỹ, hai người đối đáp một hồi. Một lần nữa nó lại nghe nhắc đến tên mình trong đó. Rồi cô Thu nói với ba nó:

- Anh chị cương quyết ở lại, em cũng không dám nài, nhưng, cô Thu có vẻ ngập ngừng,...thằng Gion nói em Toe dễ thương lắm, hay là anh chị cho Toe đi theo em và Alít, qua đó anh em tụi nó đi học với nhau.

Đề nghị làm ba má Toe có vẻ suy nghĩ khiến Toe lo sợ, nó thúc sau lưng ba:

- Ba, con không đi đâu.

Cuối cùng ba nó nói:

- Cám ơn cô Thu, gia đinh tôi ở đâu thì ở cả. Vả lại Toe nó còn nhỏ, cho đi xa thực chúng tôi không yên lòng.

Nghe ba nói, Toe yên tâm. Nhưng con Alít bỗng chạy lại nắm tay Toe nài nỉ:

- Đi đi anh Toe, qua bển chơi, mai mốt mình về mờ.

Toe vùng vằng:

- Không, tao không đi.

- Đi mà.

- Không!

Giữa lúc hai đứa đang dằng co, cô Thu nhìn đồng hồ và nói

- Thôi được, đến giờ tụi em phải ra đi rồi... Anh chị ở lại mạnh giỏi.

- Dạ, cô đi bình yên.

Cô Thu lại gần, ôm Toe vào lòng, hôn lên má nó và nói:

- Toe ngoan lắm, cô Thu đi nghen.

Alít dùng dằng theo hai người ra xe. Vừa đi, con nhỏ cứ quay lại vẫy tay với Toe, mắt nó ươn ướt, làm Toe bỗng nhiên thấy nao nao...

*

Rồi mùa hè cũng qua. Toe bắt đầu trở lại trường học.

Cô Thu và Alít biền biệt. Căn nhà của Alít bây giờ là "CHI HỘI THANH NIÊN PHƯỜNG 25". Trong trí óc non nớt của Toe, nó chỉ biết người lớn đánh nhau dữ, và "phe mình" bị thua nên ba nó phải buồn rầu, Alít phải bỏ đi. Nó đâm ghét đám bộ đội giải phóng đi đầy đường. Toe tiếc mùa hè đã qua không như nó mong chờ.

Hằng năm mỗi dịp nghỉ hè, Toe tha hồ bắn bi, tạt hình cùng chúng bạn. Ba má Toe thường dắt anh em nó về quê nội ở Mỹ Tho cho Toe tha hồ tắm sông, câu cá... Năm nay không ai có thì giờ dắt Toe đi chơi nữa. Ba má nó mỗi tối phải họp tổ. Anh Cường, chị Hằng đi họp thanh niên. Và chính Toe cũng phải vô đội thiếu nhi. Toe và các bạn không được chơi những trò chơi quen thuộc. Chúng nó bị người lớn bắt họp lại đi moi những đống rác tìm bao ny-lông, báo cũ.... về làm kế hoặch nhỏ kế hoặch lớn gì đó không rõ. Họ bắt chúng nó phải ca những bài hát lạ mà Toe và lũ bạn thường lén sửa lời và hát nhại làm trò vui với nhau.

...

Hôm nay Toe ôm cặp đi học một mình. Ánh nắng chói chang của mùa hè sót lại đổ bóng Toe trải dài trên hè phố. Nó chợt nhớ đến những lần cùng Alít đi học, hai đứa thường chơi trò đứa này đạp bóng đứa kia rồi cùng nhau cười hỉ hả. Con Alít không biết bây giờ ở đâu. Còn ai gọi nó là Mỹ lai không? Toe thấy tiếc quá những ngày tháng cũ, khi con Alít vẫn đứng trước nhà nó mỗi ngày gọi:

- Anh Toe đi học.

ThaiNC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,943
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.