Hôm nay,  

Ngày Về Cố Hương

22/10/201400:00:00(Xem: 14569)

Tác giả: Giang Thiên Tường
Bài số 4366-14-29766vb4102214

Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân Sacramento, Cali, tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011 và đã nhận Giải Đặc Biệt 2013 với bài viết "Chung Một Mảnh Vườn.". Bài viết mới của ông là một chuyện tình buồn.

* * *

"Lòng chợt nghe đắng cay, xa nhau rồi sao?" Thoại Hồng lầm thầm câu đầu của bản nhạc "Tình Ly" mà nàng thường ca giúp vui ở Câu lạc bộ ca vũ nhạc "Nhớ Nhung" tại Sacramento, bắc Cali - một thủ phủ với số người Việt tương đối hạn chế, nhưng rất thân mật, ấm cúng.

Mỗi lần cất giọng ca bản này, nàng đều cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng theo âm điệu du dương, tiết nhịp dịu dàng của điệu Boston mà các cặp nam nữ dìu bước nhau trên sàn nhảy. Nhưng lần này, câu nhạc trữ tình ấy chỉ gieo thêm nỗi đau đớn, nghẹn ngào do một hoàn cảnh ngang trái vừa mới xảy ra trong đời nàng. Chuyện xảy ra thế nào, thật khó mà nhớ ra cho có mạch lạc vì các biến cố dồn dập làm nàng bối rối, khủng hoảng. Nó như một cuốn phim bị đứt tung, đang ráp nối lộn xộn.

Hồng chỉ nhớ lại khúc giữa của câu chuyện trước:

Lan, cô bạn trẻ và tháo vát, đến bên trấn an:

- Chị Hồng à, mọi thủ tục giấy tờ và vé máy bay em đã lo xong và ứng tiền trước cho chị rồi.

Lan là người bạn rất tốt của Hồng, cùng nàng chia sẻ những gian nan, khổ cực trong suốt thời gian làm nails chung với nàng. Thoạt đầu, hai đứa làm chung ở một tiệm nails ở Roseville, không xa nhà mấy. Nhưng lần lần, người Việt ra nghề nails quá nhiều nên các tiệm và các cô làm nails phải chịu khó đi xa hơn ra những khu như Rocklin, Placevilles để tránh cạnh tranh.

Lan qua Mỹ trước, lại còn trẻ, lái xe freeway giỏi nên luôn luôn sẵn sàng cho bạn quá giang mà không đòi hỏi gì cả. Nhưng tới một lúc việc làm ăn quá khó khăn, hai chị em đành phải đi tìm việc thật xa, tới một tiệm nails đông khách tận miền Chico, gần hai tiếng đường xe. Chủ tiệm có hảo tâm bao chỗ ở, cho hai chị em cùng phòng. Biết có Lan ở chung phòng, nên chồng Hồng mới chịu cho nàng tạm xa nhà một thời gian để làm ăn.

- Tội nghiệp em quá! Hồng xúc động. Để khi về chị sẽ...

- Thôi chị, đừng lo! Lan ngắt lời. Tuy nhiên, chị đi lần này hơi cô đơn đó nhé.

- Ủa?

- Bởi vì mấy đứa bạn chúng mình trước đây định đi theo chung chuyến với chị cho vui mà phải lọt qua đường bay Eva, ghé Đài Loan, còn đường bay của chị ghé Hồng Kông.

- Trời ơi! Sao em book vé lung tung vậy, Hồng than. Mà khi chị ghé Hồng Kông, thời gian chờ chuyển máy bay phải lâu hơn chúng nó, phải không?

- Đúng vậy, Lan phân trần. Chị hiểu dùm việc đặt vé máy bay rất phức tạp. Em đã đến nhiều văn phòng dịch vụ khác nhau mà...

- Thôi không sao, chị cám ơn em đã bỏ nhiều công sức lo cho chị trong lúc chị đang đơn chiếc và bối rối. À! Mà em có gọi ông Nghĩa cho biết giờ rước chị ra phi trường San Francisco không?

- Không đâu chị à! Lan mỉm cười. Ông Nghĩa lái xe giỏi, nhưng xe ông ấy nhỏ quá. Lần này, có cả phái đoàn đi đưa chị, cần xe lớn hơn.

Hồng chưa kịp hỏi "phái đoàn" nào gồm những ai thì, sao mau quá, nàng đã được check in vào phi trường. Nàng chỉ nhớ sơ là xe đưa ra phi trường khá êm, chớ không phải chiếc xe lọc cọc của ông Nghĩa, người lái xe quen thuộc mà nàng hay nhờ.

Một chiếc xe nhỏ đưa Hồng từ từ ra phi cơ cỡ lớn đang đậu, mờ mờ trong sương mù mùa thu của San Francisco. Trời về đêm, đó là giờ thông lệ của các chuyến bay về Việt Nam và Hồng tự nhủ, đây chắc hẳn chuyến bay của Cathay vì nó ghé qua Hồng Kông.

Lòng Hồng rộn rã cái nôn nao của ngày về cố hương. Mới qua Mỹ có vài năm mà Hồng nhớ nhà quá và cũng đang tính xem sau khi về thăm mẹ, mình sẽ đi đâu trước. Thăm mấy cô bạn học, hay thả thuyền ở bến Ninh Kiều, hay đi cỡi ngựa quanh bờ hồ Thung Lũng Tình Yêu ở Đà Lạt. À! Mà có đi chơi gì cũng phải để dành tiền cho mẹ trị bệnh và quà cáp cho thằng Thành và bé Nhung, hai đứa em nuôi hàng xóm.

Trời tối mà trong máy bay đèn cũng lờ mờ. Hồng buồn bã nhìn quanh xem có ai để làm bạn trong hành trình dài này hay không. Quả như Lan nói, chuyến này mình sẽ cô đơn. Nhìn ra dãy hành lang phía sau, Hồng đoán chắc cũng có nhiều hành khách, nhưng họ bị che khuất bởi bao nhiêu hành lý xách tay, ngổn ngang, lớn nhỏ đủ loại, có lẽ chủ nhân chưa kịp mang lên các kệ trên cao.

Bỗng Hồng thoáng thấy bóng một người phụ nữ trung tuần, bước vội lên máy bay, đi nhẹ nhàng, thoăn thoắt về phía sau.

Hồng vụt nhớ ra là người quen.

- Chị...chị...chị Dung! Hồng mừng rỡ gọi lớn, vói theo.

Người phụ nữ có lẽ nghe tiếng gọi của Hồng, đi chậm và hơi miễn cưởng quay lại. Đúng là chị Dung, dáng người mảnh khảnh.

Hồng mừng quá, mời mọc:

- Chị Dung, ngọn gió nào gặp lại chị, lại đây ngồi gần em nà!

Chị Dung dáng tiều tụy, đến ngồi ở dảy ghế kế bên Hồng, mỉm cười héo hắt.

Chị Dung là bạn xưa nhất của Hồng, lớn hơn Hồng cả chục tuổi. Lúc mới qua Mỹ, Hồng học chung với chị ở trường ESL ở downtown. Sau dó, chị bỏ học chữ, ra ngoài lăn lóc sinh kế và đã đi làm nails trước Hồng rất lâu.

- Chị về Việt Nam với ai? Định đi bao lâu? Anh có khỏe không và chị còn làm nails nữa không? Hồng hỏi liên tục một tràng dồn dập.

Chị Dung dáng điệu mệt mỏi, xanh xao, môi mấp máy như chỉ để một chút lời thốt ra:

- Anh khỏe, nhưng rất buồn em ơi!.

Hồng chợt nhớ: lần cuối gặp chị Dung cách đây khoảng hai năm là lúc Hồng đưa chị ấy vào bệnh viện để làm chemotherapy- hóa trị- vì chị bị ung thư phổi. Bệnh này thường nguy hiểm vì ít có triệu chứng sớm, tới khi có dấu hiệu rõ rệt thì đã quá trễ. Chị Dung trước đó cảm thấy đau nhức và tê chân phải, cứ tưởng phong thấp, uống thuốc đau nhức nhưng không khỏi, về sau đi chuyên khoa, qua nhiều thử nghiệm mới vở lẽ là ung thư đã lan qua xương sống và xuơng sọ. Bác sỉ chẩn đoán chị chỉ còn sống được vài tháng nữa thôi.

Hồng hoang mang, nhỏ giọng hỏi:

- Chị Dung à, hóa trị chắc có hiệu quả nên mới kéo dài được?

Chị Dung buồn bã, ngập ngừng tiết lộ:

- Hiệu quả không thấy đâu mà phản ứng phụ nhiều, chị mệt quá nên bác sĩ đã cho ngưng hóa trị từ lâu!

Chị bị bệnh cũng do nghề nails vì các mỹ phẫm có nhiều độc tố đối với phổi.

Hồng cãi:

- Nếu đúng như chị nói thì không lẽ mười người làm nails đều bị ung thư phổi cả mười người sao.

- Không phải vậy, mỗi cơ thể có khả năng chống bệnh tật riêng. Chị chỉ muốn nói là do kinh nghiệm bản thân, chị khuyên em nên tránh nghề này.

- Dạ đúng, em cũng rất lo cho sức khỏe. Em cho chị hay tin mừng là em hiện đã được nhận job mới rồi, chỉ đợi đi Việt Nam về là bắt đầu làm.

- Mừng cho em, job gì vậy? Chị Dung thờ ơ hỏi lấy lệ.

Hồng lộ vẻ mừng, nói năng huyên thuyên không kịp nghĩ:

- Em có một cơ duyên chị ạ. Lúc chịu đi xa lên Chico, em có chủ tâm kiếm một số để làm nghề khác mà chưa biết nghề gì thì thời may, cơ quan tìm việc mà em nhờ trước đây mời em tới phỏng vấn và khuyên em học ngành pharmacy technician -phụ tá dược sĩ- Họ nói khả năng em rất hợp với ngành này mà hiện nay đang lên ở Mỹ. Có nhiều trường dạy ngành này, như các đại học cộng đồng hoặc trường dạy nghề tư, nhưng thời gian kéo dài và học phí cao. Lúc đó, sao em may quá được giới thiệu vào một trung tâm dạy nghề gọi là Skill Center, chỉ học có chín tháng với tiền trợ cấp đầy đủ để trả cho học phí. Em nhờ có học đủ trung học ở Việt Nam nên đủ điều kiện học lớp này. Em còn được trường này gởi đi thực tập tại các nhà thương và tiệm thuốc Walgreen nữa, vậy mà tới chừng mãn khóa, tìm việc cháy mắt vẫn không ra, có lẻ tới lúc ngành này đang suy tàn sao?

Cũng may, Em đi đâu cũng có quới nhân độ mạng. Một ông ở trung tâm tìm việc do làm việc quá tích cực hay có cảm tình gì với em, (chị nhớ là em chỉ trang điểm lúc ca hát mà thôi), với cặp mát kiếng dày cộm đã vào mạng search và apply cho em không biết bao nhiêu chỗ mà tới chừng phỏng vấn, em vẫn rớt đài, chắc em nói tiếng Anh không được bạo dạn lắm sao. Cuối cùng, hệ thống tiệm thuốc Rite Aide có mở job, nhưng không cho nộp đơn trên mạng. Cũng ông David sốt sắng này đã chịu khó điền đơn giấy cho em và đã lặn lội đem đi nộp tới 12 chi nhánh Rite Aide ở thành phố và vùng phụ cận.

Ngày mà em được một tiệm Rite Aide cho nhận việc làm full time với đầy đủ quyền lợi thì em thiếu điều muốn chảy nước mắt. Chị biết không, đổi nghề rất khó, nhất là đổi từ nghề nails qua ngành dược không có gì liên quan nhau, rất nhiều bỡ ngỡ.

Để khi tới Việt Nam, em sẽ kể cho bà con nghe những kinh nghiệm học vấn và tìm việc ở Mỹ. Mỹ không phải là thiên đàng, nhưng nó cho phép những người cầu tiến nhiều cơ hội để vươn lên. Tội nghiệp ông David, khi về Việt Nam em quên cho ông ấy hay, khi trở lại em sẽ tìm ngay ông ấy cám ơn.

Nói xong một hồi về thành tích học vấn và tìm việc ở Mỹ của mình, Hồng liếc qua thì thấy chị Dung dường như muốn ngủ gục. Hồng cảm thấy ân hận đã nói chuyện khoe khoang về mình quá nhiều. Hồng hỏi khẻ thăm chị:

- Chị Dung ơi! Chị bệnh nặng quá chắc mấy cháu đều về thay phiên chăm sóc chị?

Chị Dung thở nhẹ:

- Ở Mỹ này mà em, con cái chúng nó sống theo văn minh Mỹ, chớ đâu phải như ở Việt Nam mà con sống chung, săn sóc cha mẹ tới già.

Hồng ái ngại hỏi chị:

- Như vậy, chắc chị được đưa vào "nursing home"?

Chị Dung mỉm cười, nửa buồn, nửa kiêu hãnh:


- Còn sướng hơn nữa, "hospice care", mỗi ngày có ba bốn cô y tá tới săn sóc, tắm rửa, phát thuốc, xoa bóp đủ thứ, nhưng chị... chị cũng đã quá giai đoạn đó rồi!

Hồng chưa kịp tìm hiểu "hospice care" là gì thì chị Dung đổi đề tài, nghiêng mình về phía nàng, hỏi thân mật:

- À! Mà em chưa kể chị nghe chuyện gia đình, tình duyên lâu nay của em thế nào, mọi sự có diễn biến theo mong ước không?

Vừa mới nghe qua chữ "tình duyên" do chị Dung nhắc thì Hồng cảm thấy xót xa, nghẹn ngào. Ôi! Sự đời rất ít khi diễn ra như mong muốn.

Hồng bắt đầu kể lại chuyện tình buồn của mình:

"Anh Dũng là kiến trúc sư, cùng gia đình người chị về Việt Nam thăm bà con và du lịch. Em từ quê ở Cần Thơ cùng bạn đi du lịch miền Trung, và như có nhân duyên tiền định, chúng em gặp nhau trong mối tình sét đánh tại Đà Lạt. Em luôn giữ trong người tấm ảnh kỷ niệm hình chúng em chụp trong vành trái tim ở Thung Lũng Tình Yêu của thành phố mộng mơ này. Sau khi thấy tâm đầu ý hiệp, em đưa anh ấy về Cần Thơ ra mắt gia đình, bà con. Chúng em mướn chiếc thuyền con, thả trên sông Hậu để cùng ngắm trăng ở bến Ninh Kiều.

Mối tình của chúng em đẹp và thơ mộng như thế. Nhưng khi gần tới ngày phỏng vấn đi Mỹ theo thủ tục bảo lãnh của anh ấy, thì em vô cùng bối rối vì em là con một trong gia đình, ba đã mất, và mẹ em bị bệnh suy thận nặng, em phải săn sóc và đưa bà mỗi ngày vào bệnh viện để lọc thận.

Thấy em quá lo lắng và do dự, mẹ ôm em khuyên bảo:

- Con nè! Con đừng lo, ở nhà, mẹ sẽ nhờ mấy em nuôi hàng xóm của con, cho chúng quà bánh chút đỉnh để nhờ chúng lo việc nhà và đưa mẹ đi bệnh viện. Con phải đi vì tương lai của chính con và sau này sẽ bảo lãnh mẹ qua Mỹ trị bệnh nữa mà.

Em nghe mẹ nói có lý, đành gạt lệ ra đi, canh cánh bên lòng hình ảnh mẹ già trong chờ mong.

Chị ơi! Tới Mỹ, em chỉ được hưởng hạnh phúc gia đình một thời gian ngắn. Lần lần, anh Dũng thường hay vắng nhà, kể cả ban đêm, nói bận đi lảnh thầu xây cất. Thực ra, anh chỉ là người sửa chửa vặt trong nhà, thường gọi là handyman.

Một hôm, em bắt được các đồng chip của casino mà anh để quên ở nhà. Em gạn hỏi, thì anh giải thích:

- Anh làm việc full time ở casino nên chủ thưởng một số tiền chip!

- Ủa, anh được tuyển làm dealer hồi nào, sao không cho em hay?

- Anh vừa chuyển qua làm " cờ bạc gạo " rồi.

- Là sao?

- Nghĩa là mỗi ngày chỉ cần thắng vài trăm thì đứng dậy đi liền, mỗi tháng cũng được năm, sáu ngàn còn hơn lương kỷ sư nữa.

Em biết không ai dằn được lòng tham khi đã sa vào cờ bạc, nhưng mỗi lần em ngõ lời khuyên lơn, can gián là anh ấy nỗi nóng, đập phá bàn ghế và đôi khi đánh em nữa.

Cho tới một ngày kia, là ngày gần nhất đây, em rụng rời khi phát giác tiền trong trương mục chung của hai vợ chồng đã bị anh ấy rút ra hết, chắc hẳn đã cúng các sòng bài hết rồi. Em khóc không biết bao nhiêu vì đó là số tiền dành dụm cực khổ trong thời gian em lặn lội làm nails ở Chico, tính dùng tiền này để mua căn nhà tương đối tươm tất thay cho căn apartment chật hẹp và phần còn laị để bảo lảnh mẹ.

Không dằn lòng được nữa, em cương quyết đặt thẳng vấn đề với anh ấy:

- Anh à! Cờ bạc là bác thằng bần. Anh phải nghỉ tới hạnh phúc gia đình. Những gì xảy ra ở Mỷ quá khác với với mong ước của em, từ nghề nghiệp của anh, đến nơi an chố ở của gia đình, nhưng em vẫn tha thứ hết cho anh. Tuy nhiên, việc anh tự ý lấy hết tiền của gia đình đi đánh bài làm em thất vọng vô cùng. Anh phải chấm dứt cờ bạc ngay để chúng mình làm lại cuộc đời. Nếu anh không thay đổi, em sẽ bỏ về Việt Nam nuôi mẹ mà không cần thiên đường ão của anh đâu!

Dũng nỗi nóng, sẵn có chút hơi men, dơ tay lên...

- Trời ơi! Anh làm em đau quá! Hồng không kịp dơ tay đở hay tránh né. Cái đau không thể tả trong đời, nhưng may mà chỉ kéo dài một chút thì Hồng chợt tỉnh dậy.

Chung quanh vắng lặng. Chị Dung không biết nghe đoạn đời li kỳ của Hồng tới đâu mà đã bỏ đi đâu rồi.

Phía trước chỗ Hồng, sao mà hành lý ngổn ngang đủ loại, cái vuông, cái dài có bánh xe, buộc thắt cẩn thận. Chắc hành khách đã đem những hành lý này từ kệ cao xuống để chuẩn bị xuống máy bay.

Trời! Mình thật lẩn thẩn! Hồng tự nhủ. Thời gian mau quá, đã về tới Việt Nam hồi nào không hay; nhớ lúc nảy, lúc mình mãi kể chuyện đời lâm ly thì hình như cô chiêu đãi viên có thông báo gì, rồi cũng có vẳng nghe tiếng bánh máy bay chạm nhẹ ở đất nữa.

Ô kìa! Cửa máy bay vừa mở. Có ánh nắng bên ngoài hắt vào, lấn áp ánh đèn mờ trong máy bay.

Bỗng nhiều người to lớn, mặc đồng phục, bước vào máy bay. Họ kéo các hành lý ra, các thùng lớn, nhỏ lần lượt được kéo ra, xong họ lù lù tiến về phía Hồng. Bốn người, bốn đầu, họ kéo nàng đi.

Hồng tức giận la hét: "Sao xuống máy bay kiểu gì lạ vậy?" Nàng vùng vẫy, nhưng vô hiệu. Dường như nàng đang bị vây hãm trong một không gian chật hẹp, bít bùng. Cuối cùng, nàng ráng hết sức tông một cái thật mạnh, thoát ra ngoài và bay bổng nhanh lên.

Hồng cảm thấy mình sao mà nhẹ lâng lâng, nhẹ hơn chiếc lá mùa thu nữa, bay bổng thật nhanh vào các vùng trời, xa lạ cũng có mà quen thuộc cũng có, rất lộn xộn. Đây là lớp học pharmacy technician ở Mỹ mà nàng đặt hết kỳ vọng cho tương lai, đâu như có ông David với cặp mát kiếng dày cộm ngồi nhìn mình chăm chăm, mờ mờ là Shopping Center ở Chico trong đó có tiệm nails nhỏ xíu mà nàng từng làm ở đó một thời.Vụt một cái là con sông gì lờ lững. Trời ơi, bến Ninh Kiều, con đò năm xưa, thoáng qua là các hàng dừa, hàng cao, rồi lờ mờ, ôi, mái nhà thân yêu, chậu thược dược, kim quýt, giàn tóc tiên, rồi trời ơi! Mẹ, mẹ đang điềm nhiên đứng tỉa tóc tiên.

"Mẹ! Mẹ ơi mẹ! Con có còn được gặp mẹ nữa không? Thôi, xin mọi người đừng ai cho mẹ tôi biết những gì đã xảy ra cho tôi nhé!".

Hồng cũng thoáng thấy chị Dung cũng đang bay bay, vẫy tay từ giã. Hồng chợt hiểu, nhưng không hiểu mình sẽ gặp lại chị Dung như hai con chim đậu lại trên cùng một cành cây hay sẽ như hai làn khói tan vào bầu khí quyển mênh mông?

*

Cùng thời gian này, vào một đêm cuối tuần ở Mỹ, thành phố Sacramento, Cali, câu lạc bộ "Nhớ Nhung" có một buổi ca vũ nhạc như thường lệ. Nhưng lần này, có một chuyện không giống thường lệ là đa số khách, nhất là các cô đều mặc y phục đen.

Một vị khách quen thuộc của câu lạc bộ giải thích:

- Các cô ấy cố tình bảo nhau mặc đồ đen để tưởng niệm cô ca sĩ Thoại Hồng vừa mới chết.

Mọi người giật mình, nhao nhao hỏi:

- Trời! Mới kỳ khiêu vũ tháng rồi, cô ấy trông còn mạnh khỏe. Tôi nhớ lúc đó cô ấy ca bản "Tình Ly" rất truyền cảm mà.

- Ấy! Sự đời rất vô thường, mới có đó rồi cũng không đó.

- Nhưng cô ấy chết vì bệnh gì? Nhiều người sốt ruột hỏi.

Một vị rào trước đón sau:

- Tôi không rõ chi tiết, cũng không dám quyết đoán lỗi phải hay do hoàn cảnh éo le nào, chỉ biết sơ là trong một cuộc cãi vã trong gia đình, cô ấy bị chồng đâm chết.

Giữa lúc đó, chị Thùy Trang, trưởng nhóm câu lạc bộ lên sân khấu buồn bã ngỏ lời:

- Thưa các anh chị, câu lạc bộ của chúng ta đã sinh hoạt thân mật với nhau nhiều năm nay. hầu hết các anh chị đây đều là bạn nhau, cuối tuần đến để chung vui với lời ca, điệu nhảy và những vui buồn đều có nhau.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng các anh chị một tin buồn là chị Thoại Hồng, người ca sĩ khả ái, thường hay đến ca giúp chúng ta, vừa đột ngột qua đời.

Ngoài nỗi xúc động vì chúng ta vừa mất một người bạn thân đáng mến, một bạn văn nghệ, câu lạc bộ chúng ta cũng đã bày tỏ tình đoàn kết keo sơn gắn bó của cộng đồng người Việt hải ngoại. Chúng tôi đã tổ chức tang lễ và đưa quan tài cô ấy về Việt Nam vì cô ấy không có thân nhân nào ở Mỹ và chỉ còn một mẹ già ở Việt Nam.

Quan tài đã được gởi theo phi cơ cargo, chuyên chở hành lý, còn một số anh chị có nhiệt tâm đã đi đường bay Eva. Tuy hai trạm chuyển tiếp khác nhau, một qua Hồng Kông, một qua Đài Loan, nhưng các anh chị đã sắp xếp để cuối cùng đến Việt Nam kịp lúc đón quan tài.

Chi phí tang lễ, thủ tục giấy tờ ở Mỹ và Việt Nam, tiền chuyên chở, tất cả lên đến cả chục ngàn, nhưng một số anh chị có hảo tâm đã hùn nhau và trang trải hết rồi, nên tất cả số thu của bữa nay, nếu có dư chút đỉnh thì để gởi về cho người mẹ đầy đau khổ của cô ấy ở Việt Nam.

Tiếp lời chị Thùy Trang, anh MC Đạt Quang với giọng nhè nhẹ, thiết tha:

- Thưa các anh chị, để mở đầu chương trình ca vũ nhạc đêm nay, tôi xin giới thiệu bản "Tình Ly" để tưởng niệm cô Thoại Hồng vì cô ấy đã vừa hát bài này cho chúng ta mới tháng vừa qua. Đây là bản nhạc trữ tình rất hay từ thời xa xưa của cố nhạc sĩ Hoàng Châu mà ít người được biết. Đáng lẽ một trong các anh chị ở đây sẽ ca bản này, nhưng vì thời gian quá gấp, không chuẩn bị kịp, nên tôi xin lấy bản này từ internet mà tôi may mắn đã download được, qua giọng ca của cố ca sĩ Nhật Trường. Tuy không phải nhạc sống, nhưng ban nhạc chơi phần đệm rất hay, nên tôi hy vọng anh chị vẫn nghe rõ điệu Boston để nhảy.

Từ một dĩ vãng mơ hồ nào, giọng ca ngọt ngào của Nhật Trường bắt đầu than thở:

"Lòng chợt nghe đắng cay, xa nhau rồi sao?
Người hởi! Xóa đi hôm nay, quên bao ngày qua
Ôi! Duyên số không trọn, tình đã đi rồi
Đừng nhớ mong chi
Đừng than trách gì
Phút giây từ ly!"...

Đúng như anh MC đã nói, phần đệm điệu Boston cho ca khúc đã được đánh rất hay, rất rõ, nhưng khúc nhạc từ ly kia quá nức nở, gợi mãi duyên số đau thương của người con gái bạc mệnh, khiến mọi người đều ngồi chết lặng mà rơi lệ và có ai còn lòng dạ gì bước ra sàn nhảy nữa.

Giang thiên Tường

Ý kiến bạn đọc
03/10/202103:34:38
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis price</a> cialis coupon
17/06/202122:54:15
Khách
chloroquine phosphate medicine https://pharmaceptica.com/
16/06/202114:17:38
Khách
choloquine https://pharmaceptica.com/
12/02/202112:20:42
Khách
hydroxy chloriquine <a href=https://hydroxychloroquinex.com/#>hydroxychloroquine vidal</a> hydroxychloroquine 200 mg twice a day
23/10/201405:23:48
Khách
Truỵen buòn quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,993
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.